Số phận của các dự án do FLC thực hiện tại Bắc Tây Nguyên sẽ ra sao?

09:30 23/04/2022

Khi chưa kịp mang lại hiệu quả như kì vọng thì các dự án do Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) triển khai tại các tỉnh Bắc Tây Nguyên đã bộc lộ hàng loạt vấn đề khiến cơ quan chức năng “đau đầu”, người dân bức xúc.

Dự án bị buộc dừng, chậm tiến độ, vi phạm hợp đồng

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Tập đoàn FLC đã đề nghị đầu tư 5 dự án thuộc lĩnh vực bất động sản gồm: Tổ hợp khách sạn 5 sao, siêu thị và nhà phố thương mại; khu đô thị thông minh CK54 với tổng diện tích 230 ha; khu dân cư đường Nguyễn Chí Thanh và dự án Tháp đôi 30 tầng trên quy mô 1,6ha; tổ hợp khách sạn, resort nghỉ dưỡng, sân golf tại huyện Đăk Đoa với diện tích hơn 500ha; dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao dự kiến đầu tư trên diện tích gần 2.000ha ở xã Ia Mơ, huyện Chư Prông.

Tổ hợp khách sạn, siêu thị và nhà phố thương mại cao cấp FLC Hilltop Gia Lai chậm tiến độ.

Trong đó, dự án sân golf và tổ hợp khách sạn, nhà phố thương mại đã triển khai, được quảng bá rộng rãi, rầm rộ trong thời gian đầu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các dự án này đều đã chậm tiến độ hoặc đang phải tạm dừng thi công chờ kết luận điều tra, xác minh của các cơ quan chức năng.

Cụ thể, dự án Tổ hợp khách sạn, siêu thị và nhà phố thương mại cao cấp FLC Hilltop Gia Lai nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, phường Ia Kring, TP Pleiku được khởi công từ quý III/2019, thời gian dự kiến hoàn thành quý IV/2021. Dự án này được triển khai trên diện tích 3,1ha với tổng vốn đầu tư hơn 760 tỷ đồng và được giới thiệu với nội dung: Tọa lạc tại vị trí “đất vàng” đắc địa trên trục đường huyết mạch Nguyễn Văn Cừ, giữa trung tâm phố núi. FLC Hilltop Gia Lai hội tụ những giá trị lần đầu tiên xuất hiện. Dự án bao gồm 3 phân khu chức năng chính với đầy đủ hạng mục đẳng cấp: Trung tâm hội nghị và khách sạn 5 sao, khu vực quảng trường Đam San và dãy nhà phố thương mại - FLC Hilltop Shophouse...

Thế nhưng hiện tại, nhiều hạng mục của dự án vẫn còn đang dang dở, nhiều khu vực bỏ đất trống cho cỏ mọc, khu vực dự án hiện chỉ có một số biệt thự được xây dựng phần thô, công trường làm việc khá vắng lặng. Được biết, Tập đoàn FLC cũng đã liên hệ với cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai để xin gia hạn thời gian thực hiện dự án này.

Một dự án khác mà Tập đoàn FLC triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai là tổ hợp khách sạn, resort nghỉ dưỡng, sân golf tại địa bàn xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa với diện tích 500ha, kinh phí đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Xung quanh khu vực dự án, đơn vị chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng tường rào bao quanh bằng tôn, chiều cao khoảng 2m nên người ngoài không thể vào được; ở khu vực đất dự án, đơn vị thi công đã triển khai thi công một số hạng mục. Đến thời điểm hiện tại, các hoạt động xây dựng sân golf đã dừng lại, công trường chỉ còn lại một số bảo vệ vòng ngoài làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản công trình.

Về dự án của Tập đoàn FLC trên địa bàn, một lãnh đạo UBND huyện Đăk Đoa xác nhận: Địa phương đã chỉ đạo tạm dừng toàn bộ các hoạt động xây dựng sân golf, chờ cho đến khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương liên quan đến dự án sân golf này. Tuy nhiên, về nguyên nhân dừng thi công dự án thì vị này không cho biết.

Tại tỉnh Kon Tum, Tập đoàn FLC cũng đang triển khai Dự án tổ hợp thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố tại phường Trường Chinh, TP Kon Tum với diện tích gần 18ha. Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến dự án này. Cụ thể, việc UBND tỉnh Kon Tum giao Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện nhiệm vụ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá là sai quy định, vi phạm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Tháng 7/2019, UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt kết quả trúng đấu giá và ban hành quyết định bán tài sản công cho người duy nhất đăng ký mua. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra (sau hơn 1 năm), chủ đầu tư dự án không thực hiện nghĩa vụ tài chính tiền nợ trúng đấu giá hơn 204 tỷ đồng. Sau khi có ý kiến của các cơ quan liên quan, ngày 16/9/2020, Tập đoàn FLC mới nộp tiền trúng đấu giá hơn 204 tỷ đồng và tiền phạt chậm nộp là hơn 20 tỷ đồng. Hành vi này là vi phạm quy chế đấu giá tài sản và hợp đồng mua, bán tài sản đã ký kết nhưng UBND tỉnh Kon Tum thiếu kiên quyết trong việc xử lý hủy kết quả đấu giá.

Đồng thời, trong khi dự án chưa đầu tư hoàn thành, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Kon Tum tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tự ý tách thửa diện tích hơn 7,1ha thành 474 thửa và cấp riêng GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Tập đoàn FLC với thời hạn lâu dài là vi phạm quy định Luật Đất đai và Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Do đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị cần phải thu hồi, cấp GCNQSDĐ theo quy định. Hiện cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum đang khắc phục các sai phạm theo đề nghị của Thanh tra Chính phủ.

Phát sinh nhiều vấn đề từ các dự án

Không chỉ chậm tiến độ, vi phạm hợp đồng đã ký kết, các dự án của Tập đoàn FLC còn phát sinh nhiều bất cập khiến cơ quan quản lý “đau đầu”, người dân địa phương bức xúc. Trong đó, Dự án tổ hợp khách sạn, resort nghỉ dưỡng, sân golf của Tập đoàn FLC tại huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai được triển khai trên khu vực rừng trồng thông hàng chục năm tuổi và là điểm thu hút khách du lịch hằng năm của địa phương với đồi cỏ hồng tuyệt đẹp.

Do đó, khi có thông tin về dự án, dư luận địa phương bày tỏ lo ngại diện tích rừng thông và đồi cỏ hồng sẽ bị ảnh hưởng.

Gần đây người dân địa phương liên tục phản ánh việc rừng thông di thực trong khu vực dự án bị khô héo, không có khả năng phục hồi. Ghi nhận của chúng tôi, phần gốc các cây thông di thực được bọc lại và gia cố giá đỡ chống ngã nhưng hàng loạt cây cũng đã bật gốc, lộ lên phần rễ cây được cắt ngắn sát thân, khô quắp... nhiều cây đã chết.

Đồng thời, hàng loạt cây thông sau khi được di thực có lá chuyển màu, ngả màu nâu sậm-đỏ, nhiều cây thông lá đã khô. Theo một số người dân địa phương, những cây thông này rất khó sống với kiểu di thực và chăm sóc như vậy.

Được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc di thực các cây thông trong vùng dự án, tháng 2/2022, Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Đoa phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường nên đã có văn bản báo cáo về UBND huyện.

Sau đó, UBND huyện Đăk Đoa đã có báo cáo Sở NN&PTNT với nội dung: Đến ngày 14/2, Tập đoàn FLC đã di thực 2.528 cây và đã bó gốc (bó bầu) chưa di thực 2.109 cây. Hiện số cây thông mà công ty đã di thực, lá cây đã chuyển từ màu xanh sang màu đỏ, chưa có dấu hiệu phục hồi và khả năng chết rất cao.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa cho biết: Mới đây, trong buổi làm việc giữa Sở NN&PTNT, huyện Đăk Đoa và Tập đoàn FLC, Sở đã đề nghị Tập đoàn FLC thuê chuyên gia đánh giá lại quá trình di thực, đảm bảo tỉ lệ cây sống cao hơn. Để hạn chế rủi ro, việc di thực cây thông đang được tạm dừng.

Không chỉ liên quan đến việc di thực rừng thông hàng chục năm tuổi, người dân còn phản ánh có bãi tập kết đất thải quy mô lớn gần vùng dự án do Tập đoàn FLC đổ thải trái phép. Lãnh đạo xã Tân Bình xác nhận, địa phương đã phát hiện vụ việc, lập biên bản từ cuối tháng 3 và cũng đã có văn bản báo cáo lên UBND huyện để tiếp tục xử lý. Tiếp đó, UBND huyện Đăk Đoa cũng đã có văn bản gửi Tập đoàn FLC đề nghị dừng việc đổ đất tại rừng thông xã Tân Bình và thực hiện tập kết đất dư thừa trong quá trình thực hiện sân golf theo đúng quy định.

Về lĩnh vực tài chính, tháng 6/2021, Tập đoàn FLC và Ngân hàng Quốc Dân (NCB) ký kết hợp tác về việc triển khai các giải pháp tài chính cho khách hàng mua nhà dự án FLC Legacy Kontum (tỉnh Kon Tum). Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác được ký kết, FLC và NCB sẽ cùng phối hợp triển khai giải pháp tài chính với các chương trình ưu đãi về gói vay, chính sách lãi suất hấp dẫn dành riêng cho khách hàng cá nhân khi mua sản phẩm tại dự án FLC Legacy Kontum.

Với mục tiêu mang tới những sản phẩm bất động sản chất lượng cho thị trường, Tập đoàn FLC đã trao đặc quyền phân phối dự án cho Công ty CP Quản lý Vốn và Tài sản FLC Holding (FCA)... Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra các sai phạm nghiêm trọng cần xử lý.

Cũng liên quan đến vụ việc ngày 29/3/2022 bị can Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt tạm giam, NCB đã giải thích việc cấp tín dụng cho Tập đoàn FLC để phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng. Các khoản cấp tín dụng này đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, quy định nội bộ của NCB và đều có tài sản bảo đảm. Trong trường hợp có phát sinh rủi ro, NCB sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của NCB.

Ngọc Như - Chí Hào

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

Từng được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Trung Đông” nhờ sự phát triển thịnh vượng và đa dạng văn hóa nhưng hiện nay, Lebanon đang chìm sâu trong một giai đoạn đen tối. Những năm gần đây, đất nước này đã phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng chồng chất từ sự suy thoái kinh tế, chia rẽ chính trị, đến xung đột quân sự dữ dội với Israel. Tình hình hiện tại đã đưa Lebanon tới ngưỡng cửa sụp đổ hoàn toàn, đòi hỏi những nỗ lực không chỉ từ nội tại mà còn từ cộng đồng quốc tế để cứu vãn và tái thiết.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文