Bài thơ "Vịnh núi Mèo" không phải của Vua Trần Nhân Tông

08:00 05/06/2013
Tác giả của bài thơ  "Vịnh núi Mèo" không phải của vua Trần Nhân Tông, và cái tên Trần Nhân TÔN ghi ở trên đầu bài thơ rõ ràng là ngụy tạo. Được biết chính quyền và nhân dân địa phương có ý định tạo dựng nơi này thành một điểm tham quan du lịch văn hóa về vua Trần Nhân Tông, vì thế, tôi nghĩ là rất cần phải thận trọng...

Đó là bài thơ "Vịnh núi Mèo", chữ Nôm, toàn văn như sau:

Đứng thốc trên sông một đọi đèo
Vặn hình ra thể dáng con Mèo
Đá xương đất thịt, da không mốc
Cỏ vện hoa vằn, dạ chẳng meo
Cáo thỏ kinh hơi, rừng vắng ngắt
Kình nghê tăm bặt, nước trong veo
Xanh trì vũ trụ chân ngoèo vững
Ắt hẳn ngàn năm kín chẳng nghèo

Tôi thuộc lòng bài thơ này từ năm 1962, năm tôi bắt đầu về dạy văn tại trường Yên Thọ, sát xã Yên Đức (huyện Đông Triều, Quảng Ninh), sau đó thì về dạy văn tại xã Yên Đức đến ba năm liền. Trường cách núi Con Mèo khoảng hơn 1km và nói chung, tháng nào cũng có một đôi lần, tôi dẫn bạn ra núi Con Mèo chơi. Núi Con Mèo ở phía nửa sông bên này. Từ bờ đê sang núi khi nước triều cạn kiệt, có thể lội qua được. Nơi khắc bài thơ ở phía bên kia quả núi, có cái vòm đá rất đẹp, bên dòng nước rất sâu, xuôi về sông Bạch Đằng, thuyền bè đi lại rất dễ dàng trong bóng dựng đứng của núi đá lúc nào cũng xanh sẫm in xuống dòng nước, của rặng núi đá Phi Liệt thuộc huyện Thuỷ Nguyên ở bên kia bờ sông. Cùng với quần thể di tích về sự phồn thực của đời sống nông thôn mà tôi thấy không nơi nào có, như núi Đống Thóc, núi Con Chuột; núi Con Mèo có cảnh quan sông nước hữu tình hiếm có của xã Yên Đức, huyện Đông Triều.

Bài thơ khắc trên núi Con Mèo (xã Yên Đức, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Bài thơ có diềm "lưỡng long chầu nguyệt", long là con rồng thời Nguyễn (có chân), không phải con rồng thời Trần (trông đơn giản như con giun đất). Tên tác giả đề là "Trần triểu Nhân TÔN hoàng đế". Chữ TÔN là chữ TÔNG viết chệch đi hoặc bớt nét để kiêng húy vua Thiệu Trị nhà Nguyễn - Nguyễn Phúc Miên Tông - lên ngôi vua và ban quốc húy là Tông, năm 1841. Như vậy, bài thơ được viết sau năm 1841, không phải ở thời Trần. Ngay chữ tôn giáo ta quen dùng hiện nay, cũng là tông giáo, do kiêng húy mà viết thiếu nét, lâu rồi thành quen không sửa lại nữa. Về cấu trúc và ngôn ngữ nghệ thuật, thơ Nôm Đường luật thời Trần còn sơ khai, câu chữ và niêm luật đều không ổn định. Các bài hiện cũng đã thất lạc hết. Qua các thiên tài là Nguyễn Trãi (mất năm 1442) và Lê Thánh Tông (mất năm 1497), sau Trần Nhân Tông khoảng 200 năm, thơ luật chữ Nôm của nước ta còn chưa hoàn chỉnh, câu chữ còn thật thà, nôm na, lại lẫn nhiều chữ cổ, thường xen câu thơ 6 chữ vào câu thơ 7 chữ, đôi khi cắt nhịp 3/4 (ngắt ý ở chữ thứ 3) hoặc cắt nhịp 2 - 2 - 2, chứ không phải 4/3 như hiện nay. Ví dụ, thơ Nguyễn Trãi:  "Nhiều của ấy, - chẳng qua chữ nghĩa/ Dưỡng người cho, - kẻo nhọc chân tay/ Trời đã - có kho - vô tận/ Đành để nhi tôn khỏi bợ vay". Sau Nguyễn Trãi hơn nửa thế kỉ, thơ Lê Thánh Tông: "Lòng vì thiên hạ những lo âu/ Thay việc trời, - dám trễ đâu/ Trống canh ba - còn đọc sách/ Chiêng xế bóng - chửa thôi chầu…". Còn bài thơ được gọi là của vua Trần Nhân Tông nói trên, câu chữ rất hiện đại: "Đứng thốc trên sông - một đọi đèo.  Nếu ai đã đứng trước bài thơ này, sẽ thấy chữ "Đứng thốc" rất hiện đại, được dùng rất đúng và rất tài. Nhịp cắt 4/3, niêm luật nghiêm chỉnh đến dễ sợ: "Đá xương đất thịt - da không mốc/ Cỏ vện hoa vằn - dạ chẳng meo/ Cáo thỏ kinh hơi - rừng vắng ngắt/ Kình nghê tăm bặt - nước trong veo/ Xanh trì vũ trụ - chân ngoèo vững…". Tôi đã khảo sát những bài thơ tương tự, được khắc vào núi đá từ Kinh Môn ra đến Hồng Gai, thấy thời gian khắc vào núi là từ năm 1920 đến năm 1930, mà năm 1926 là nhiều bài hơn. Từ đó có thể suy ra, bài thơ "Vịnh núi Mèo" bị gán cho vua Trần Nhân Tông là thơ của một vị quan thời Nguyễn. Vị quan này đã viết và cho khắc bài thơ vào núi đá trong khoảng thời gian từ năm 1920 đến 1926 hoặc 1930. Nhân đây, xin thưa thêm, có người nói rằng, làng Đức Sơn xã Yên Đức có vườn Thượng uyển của vua Trần Nhân Tông cũng không phải. Nếu là Thượng uyển hay Ngự uyển (vườn của vua) thì chỉ có 2 chữ, đằng này rõ ràng 3 chữ là "Thiên long uyển" mà chữ "thiên" được viết là nghìn (1000) chứ không phải là "trời" (chỉ nhà vua). Chúng ta đều biết, thời đánh Nguyên, vua Trần không ở vùng này, vì đây là đất giặc Nguyên dễ kiểm soát. Hơn nữa, trong đạo quân Nguyên có tướng Phạm Nhan, là người xã An Bài (nay là xã Hưng Đạo, thuộc bản huyện) rất thông thạo vùng này và đóng quân ở vùng này, tàn sát nhân dân rất dã man. "Đại Việt sử kí toàn thư" cho biết: Trong trận Bạch Đằng năm 1288, vua Trần Nhân Tông và Quốc công Tiết chế  Hưng Đạo vương dẫn quân từ Thái Bình qua Kiến An, rồi vào trận ở chỗ bây giờ là khu vực núi Tràng Kênh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, không ở phía thượng nguồn bên này sông (xã Yên Đức).

Loại trừ sự lấn cấn về tác giả thì đây quả thực là một bài thơ hay, có tầm, nghệ thuật rất điêu luyện. Hai cặp thực và luận tài nghệ vô cùng: "Đá xương đất thịt, da không mốc/ Cỏ vện hoa vằn, dạ chẳng meo"… Đá đất mới là núi, vằn vện mới là màu lông của con mèo. "Cáo thỏ kinh hơi, rừng vắng ngắt/ Kình nghê tăm bặt nước trong veo"... Ý thơ đã vượt ra ngoài con mèo, bởi con mèo thì làm sao làm cho trong các khu rừng, bầy cáo thỏ ẩn nấp ở đó phải kinh sợ; và xa hơn, ngoài biển Đông, lũ kình nghê, tức là con cá voi và con cá sấu, loài cá hung dữ, có thể giết chết người hoặc đớp ăn thịt người, phải lặn mất tăm (chạy đi nơi khác). Đến đây thì ta hiểu cáo thỏ là bọn phản nghịch trong nước, kình nghê là giặc ngoại xâm. Con mèo, chỉ là khắc tinh của lũ chuột, đã được khái quát hóa thành sức mạnh của cả dân tộc trong việc bảo vệ nền độc lập của đất nước, làm khiếp sợ thù trong giặc ngoài. Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ rất xuất sắc của Trần Phu, sứ giả nhà Nguyên sang Đại Việt sau trận Bạch Đằng: "Trông ánh gươm sắt mà kinh hồn/ Nghe tiếng trống đồng mà bạc tóc…".

Hai câu kết cũng hay, cái chân của con mèo choãi ra (nghĩa của chữ ngoèo) để giữ cho (nghĩa của chữ trì) giang sơn này bền vững mãi, và trong hòa bình dựng xây, ắt hẳn sẽ thoát khỏi nghèo nàn. Bài thơ có tầm lớn, khơi dậy niềm tin vào tương lai tươi sáng và phồn thịnh của đất nước.

Chỉ có điều đáng tiếc là tác giả của bài thơ không phải của vua Trần Nhân Tông, và cái tên Trần Nhân TÔN ghi ở trên đầu bài thơ rõ ràng là ngụy tạo. Được biết chính quyền và nhân dân địa phương có ý định tạo dựng nơi này thành một điểm tham quan du lịch văn hóa về vua Trần Nhân Tông, vì thế, tôi nghĩ là rất cần phải thận trọng

Trần Nhuận Minh

Ngót 70 năm trước, để có được chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thực hiện trọn vẹn khát vọng hòa bình, độc lập, tự do bằng ý chí tự lực, tự cường, dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng biết bao máu xương. Đằng sau kỳ tích xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,… đã có những sự hy sinh thầm lặng.

LTS: Ngày 27/4/2023, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Thái Nguyên triển khai 6 mô hình điểm về Đề án 06. Đến ngày 30/6/2023, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ phối hợp UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai 21 mô hình điểm về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (bao hàm 6 mô hình nêu trên). Đến nay, sau gần một năm triển khai, 17 mô hình cơ bản hoàn thành, 4 mô hình đang thực hiện, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Theo Đại tá Trần Thị Kim Lý, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, việc triệt phá đường dây tội phạm xuyên quốc gia hoạt động rửa tiền hàng chục ngàn tỷ đồng là kết quả của việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia trong tình hình mới. Trên cơ sở nhận diện được loại tội phạm này, Công an thành phố đã xác định được phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, triển khai hiệu quả biện pháp đấu tranh, triệt phá. Tuy nhiên, qua vụ án này cũng cho thấy nhiều vấn đề đáng lưu tâm…

Rạng sáng 1/5, trận bán kết lượt đi Champions league 2023/2024 đã diễn ra giữa hai đội Bayern và Real Madrid. "Kền kền trắng" vươn lên dẫn trước rồi để đại diện nước Đức dẫn ngược trước khi kết thúc trận đấu với tỷ số hoà.

Từ ngày 6 đến 8/5, các tay vợt bóng bàn Việt Nam bước vào vòng tranh vé dự Olympic Paris 2024 khu vực Đông Nam Á. Hy vọng giành vé dự Olympic Paris 2024, cũng là lần thứ ba góp mặt ở sân chơi này của các nhà quản lý, HLV và các tay vợt bóng bàn Việt Nam là có thật dù biết rằng không dễ thực hiện.

Đã 70 năm đã trôi qua, những người lính tuổi mười tám, đôi mươi năm nào nay tuổi đã cao, chân đã yếu, mắt đã mờ nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng ấy vẫn in đậm trong tâm khảm, không thể nào quên.

Nắng nóng gay gắt chấm dứt ở miền Bắc với sự xuất hiện của mưa lớn diện rộng với lượng mưa có nơi trên 50mm, nền nhiệt giảm nhanh gần 10 độ C. Khu vực Trung và Nam Bộ duy trì nắng nóng như "thiêu đốt".

Bắt đầu từ ngày 2/5, thí sinh đang học lớp 12 trên toàn quốc sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 bằng hình thức trực tuyến. Thời gian đăng ký kéo dài đến 17h ngày 10/5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lưu ý, trước khi khai phiếu đăng ký dự thi, thí sinh cần đọc kỹ các mục và bản hướng dẫn ghi phiếu mà Bộ GD&ĐT đã ban hành, những điểm nào chưa rõ phải hỏi cán bộ tiếp nhận để được hướng dẫn đầy đủ bởi thí sinh chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông tin khai trong phiếu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文