Chờ đợi “cú bứt phá” từ dòng phim cổ trang Việt

07:37 21/02/2020
Những hình ảnh đầu tiên của bộ phim "Trạng Tí" (nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, gây được sự chú ý của khán giả, nhất là khán giả trẻ. Nhiều khán giả nhận định rằng, dòng phim cổ trang đang hồi sinh và "Trạng Tí" cũng như một số dự án phim cổ trang khác sẽ có sự "bứt phá" trong năm nay.


Bữa tiệc điện ảnh sắc màu và gam màu "cổ trang" sẽ gây chú ý

Theo kế hoạch, "Trạng Tí" sẽ ra mắt khán giả vào đầu tháng 5 tới đây. Phim được chuyển thể từ bộ truyện tranh "Thần đồng đất Việt", gắn với tuổi thơ của nhiều trẻ em Việt Nam. "Thần đồng đất Việt" là những câu chuyện hấp dẫn xoay quanh cậu bé thông minh Tí, cùng các bạn Sửu, Dần, Mẹo đã giúp triều đình thoát khỏi tình huống nguy hiểm, chống lại ngoại bang.

Sự hấp dẫn từ bộ truyện tranh là một lợi thế để phim gây được sự chú ý ngay từ khi dự án ra mắt. Được biết, "Trạng Tí" là một trong những phim Việt được đầu tư khoản kinh phí "khủng", quay tại nhiều tỉnh thành có danh lam thắng cảnh đẹp trên cả nước.

"Bà bầu" Ngô Thanh Vân, nhà sản xuất đã cho "trình làng" nhiều tác phẩm điện ảnh có chất lượng nghệ thuật cao, gây được tiếng vang trong và ngoài nước thời gian qua, khá tự tin và đặt nhiều hy vọng vào "Trạng Tí". Ngô Thanh Vân và ekip phải làm việc nhiều lần, với nhiều đối tác trong khoảng thời gian 4 năm để đi đến thống nhất đưa "Trạng Tí" của "Thần đồng đất Việt" lên màn ảnh rộng.

Một cảnh trong trailer dự án phim "Trạng Tí", dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào 1-5-2020.

Nữ nghệ sĩ từng chia sẻ, "việc thực hiện "Trạng Tí" giống như giấc mơ trở thành hiện thực, mong muốn của khán giả được xem và tự hào về những câu chuyện dân gian với trí thông minh của các trạng đất Việt từ ngàn xưa". Bên cạnh đó, sự góp mặt của đạo diễn "mát tay" Phan Gia Nhật Linh với "Em là bà nội của anh", "Cô gái đến từ hôm qua"… hứa hẹn sẽ tạo được "điểm nhấn" trong làng điện ảnh Việt năm 2020.

Cùng với "Trạng Tí", một dự án điện ảnh khác cũng nhận được sự quan tâm của công chúng là "Kiều" của nhà sản xuất Mai Thu Huyền. Trước đó, Mai Thu Huyền đã xây dựng dự án phim truyền hình về Kiều, dài 40 tập. Nghệ sĩ và ekip đã xây dựng kịch bản, chọn bối cảnh nhưng vì nhiều lý do nên chưa thực hiện được.

Bộ phim được chuyển thể từ kiệt tác văn học "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du. Hiện tại, thông tin chính thức về "Kiều" chưa được tiết lộ nhiều với công chúng. Nhà sản xuất Mai Thu Huyền cho biết, cô đã ấp ủ 10 năm để có thể đưa nàng Kiều lên màn ảnh rộng. Dự kiến, phim sẽ ra rạp vào tháng 11-2020. Sở dĩ Mai Thu Huyền quyết tâm làm dự án phiên bản điện ảnh vì phim điện ảnh thời gian thực hiện ngắn hơn, kịp tiến độ ra mắt trong năm 2020 - kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du.

Ngoài ra, danh sách dự án phim cổ trang Việt dự kiến ra mắt trong năm 2020 còn có "Sơn Tinh Thủy Tinh: Chuyện chưa kể" và "Trưng Vương" của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh. Với sự kết hợp của Trương Ngọc Ánh - Janet Ngô (dự án phim "Trưng Vương"), Trương Ngọc Ánh - Victor Vũ (dự án phim "Sơn Tinh Thủy Tinh: Chuyện chưa kể"), khán giả có quyền kỳ vọng được xem tác phẩm phim cổ trang chất lượng trong năm 2020.

Nhiều người làm nghề nhận định rằng, điện ảnh Việt 2020 là bữa tiệc "nhiều sắc màu" và dòng phim cổ trang sẽ là gam màu đáng chú ý. Đây là điều không khó lý giải, bởi lẽ, từ lâu, khán giả đã "khát" được xem những bộ phim cổ trang thuần Việt. Bên cạnh đó, những dòng phim điện ảnh Việt như tâm lý tình cảm, hài, kinh dị, hành động… dần trở nên bão hòa. Khán giả rất cần những món ăn tinh thần mới, trải nghiệm nghệ thuật mới.

Không dễ thành công với dòng phim cổ trang

Hy vọng và chờ đợi vào những dự án phim cổ trang là vậy nhưng cũng có khán giả hoài nghi vào khả năng thành công của "Trạng Tí" hay "Kiều". Được chuyển thể từ tác phẩm văn học hấp dẫn nhưng để đưa thành công lên màn ảnh rộng rất khó. Nếu điện ảnh chỉ là "cái bóng" của tác phẩm văn học thì có lẽ, khán giả chỉ cần mở tác phẩm văn học, đọc và tưởng tượng. Nói như vậy có nghĩa rằng, được chuyển thể, lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nhưng điện ảnh phải là "sự sáng tạo nghệ thuật nối dài" từ nguyên tác. Có như vậy, tác phẩm mới tạo được hứng thú, hấp dẫn khán giả.

Nói đơn cử như tác phẩm "Kiều", nếu "tham" kể câu chuyện cả cuộc đời nàng Kiều (như tác phẩm văn học) trong tác phẩm điện ảnh dài hơn một giờ đồng hồ thì câu chuyện sẽ rất qua loa, nhạt nhẽo. Phải chọn một giai đoạn nào đó thật tiêu biểu trong cuộc đời nàng Kiều để đưa lên màn ảnh nhưng đó là giai đoạn nào, câu trả lời không hề dễ dàng.

Nhà sản xuất, đạo diễn Mai Thu Huyền cũng chia sẻ rằng, có nhiều khó khăn khi triển khai dự án "Kiều". Việc chuyển thể từ thơ thành phim khó khăn hơn so với tiểu thuyết. Tác phẩm điện ảnh "Kiều" sẽ khắc họa hình ảnh nàng Kiều "đẹp nghiêng nước, nghiêng thành" cách đây 200 năm. Điểm mới mẻ được thể hiện trong cách làm, cách kể chuyện.

Dự án điện ảnh "Kiều", hứa hẹn sẽ là phim cổ trang Việt gây chú ý trong năm nay.

Nói về phim cổ trang, nhìn sang các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, việc chuyển thể những tác phẩm cổ trang, dã sử không còn xa lạ, thậm chí tạo nên "thương hiệu" điện ảnh của mỗi quốc gia thì tại Việt Nam, dòng phim này vẫn chưa thực sự tìm được chỗ đứng. Theo các nhà làm phim, bên cạnh nội dung hấp dẫn, việc đầu tư bối cảnh, trang phục, tạo hình nhân vật, ngôn ngữ đều phức tạp và tốn kém hơn nhiều so với phim hiện đại.

Kinh phí có lẽ là khó khăn đầu tiên với các nhà làm phim cổ trang, nhất là trong bối cảnh phim trường, kỹ xảo điện ảnh của Việt Nam chưa đủ để xây dựng những bộ phim hoành tráng. Đầu tư lớn nhưng việc thu hồi vốn lại không hề dễ dàng trong bối cảnh bão hòa những tác phẩm điện ảnh như hiện nay. Dù tâm huyết nhưng đầu tư như "đánh bạc" thì có lẽ, khó nhà làm phim nào dám mạo hiểm.

Nói gì thì nói, kinh phí là bài toán khó nhưng thực tế cho thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng dòng phim cổ trang Việt vẫn có một số tác phẩm được đánh giá cao như: "Phạm Công - Cúc Hoa" (sản xuất năm 1989, đạo diễn Lưu Bạch Đàn); "Đêm hội Long Trì" (sản xuất năm 1989, đạo diễn Hải Ninh); "Khát vọng Thăng Long" (sản xuất 2010, đạo diễn Lưu Trọng Ninh); "Thiên mệnh anh hùng" (sản xuất 2012, đạo diễn Victor Vũ); "Mỹ nhân kế" (sản xuất 2013, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng). Rõ ràng, kinh phí chưa hẳn là cái cốt lõi quyết định thành bại của một bộ phim và thước đo thành công của phim không hẳn dựa trên doanh thu phim khi ra rạp.

Tôi cho rằng, cái quan trọng nhất tạo nên thành công của một tác phẩm điện ảnh, trong đó có phim cổ trang là yếu tố nghệ thuật, sự sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Nhiều phim cổ trang Việt ra đời bị "ném đá" vì sai sót không đáng có về bối cảnh, trang phục, lời thoại… trong phim. Chính những yếu tố tưởng chừng như rất nhỏ này lại là hạt sạn khiến khán giả "mất cảm tình" với phim. Trong bối cảnh chưa có đủ kinh phí, phim trường, kỹ xảo hoành tráng, phim cổ trang Việt cần tìm hướng đi, cách tiếp cận mới với khán giả.

Một yếu tố nữa khiến phim cổ trang Việt khó tiếp cận khán giả chính là tâm lý của công chúng do xem quá nhiều phim cổ trang hoành tráng của nước ngoài. Phim cổ trang Việt luôn bị "soi", "đặt lên bàn cân" với phim Trung Quốc, Hàn Quốc... Những lời chê bai, "phủ định sạch trơn" của khán giả khiến các nhà sản xuất nản chí. Rất cần "sự cảm thông" của khán giả với nền điện ảnh nước nhà nhưng có lẽ, cũng rất khó để yêu cầu khán giả điều này vì họ có quyền được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật chất lượng.

Xét ở góc độ nào đó, phim cổ trang cũng là một hình thức sinh động để giáo dục truyền thống, lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ. Chính vì vậy, tôi cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, rất cần "cú hích" từ sự đầu tư nghiêm túc, có định hướng của nhà nước cho dòng phim này trên tất cả các phương diện.

Tường Phạm

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài 2.063 km. Công trình trọng điểm quốc gia này hoàn thành không chỉ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh....

Giá vàng thế giới đêm 25/11 đột ngột rơi thẳng đứng, khiến giá vàng trong nước sáng 26/11 cũng bị lao dốc theo, mất tới 2 triệu đồng/lượng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文