Chung tay ngăn chặn nạn nhũng nhiễu doanh nghiệp

07:42 22/11/2018
Bao giờ doanh nghiệp Việt nói không với tham nhũng vẫn là một câu hỏi lớn? Mảnh đất "nuôi dưỡng" tham nhũng có phải chính là cộng đồng doanh nghiệp? Hay doanh nghiệp vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân trong cùng một bi kịch?


Ngày 9-11-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết số 139/NQ-CP ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trong Nghị quyết có một nội dung đáng chú ý, đó là Thanh tra Chính phủ xây dựng cơ chế bảo vệ, hỗ trợ đặc biệt đối với doanh nghiệp tố cáo hành vi nhũng nhiễu trong thời gian xử lý vụ việc và 2 năm sau khi doanh nghiệp tố cáo để ngăn ngừa các hành vi trù dập doanh nghiệp (nếu có). Trực tiếp thanh tra kết luận các tiêu cực, nhũng nhiễu, xử lý đúng quy định pháp luật các vụ việc tiêu cực, tham nhũng.

Thực tế trong nhiều năm qua, các hình thức nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức thường gặp là: Cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc; không giải thích rõ quy trình, cố tình bắt lỗi doanh nghiệp; cố tình đặt ra các yêu cầu sai quy định… để các doanh nghiệp phải bôi trơn, "cảm ơn", lại quả đã gây lãng phí thời gian, tăng chi phí, gây tâm lý bức xúc cho doanh nghiệp và người dân.

Nhưng trước thực trạng đó, không phải doanh nghiệp nào cũng có thái độ ứng xử đúng đắn. Rất ít doanh nghiệp đưa ra lý lẽ, dám yêu cầu cán bộ, công chức thực hiện đúng các quy định mà thường thì chờ đợi hoặc đưa quà, đưa tiền để được giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, gần như rất hiếm trường hợp nhờ cơ quan pháp luật can thiệp.

Không ít doanh nghiệp phải chịu phí bôi trơn, "cảm ơn", lại quả...

Trước thực trạng kể trên, trong những năm qua, Chính phủ đã có cái nhìn tích cực hơn về vai trò, đóng góp quan trọng của doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng với những quy mô khác nhau, từ trong nội bộ doanh nghiệp cũng như phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cùng hành động để đẩy mạnh hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng và tuyên truyền rộng rãi Luật Phòng chống tham nhũng.

Doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức đầy đủ về liêm chính, nhưng thực tế vẫn phải đi "cửa sau" để thuận lợi trong kinh doanh và hình thành hiện tượng "Quan - Thương câu kết". "Quan" nhờ "Thương" mà có của cải vật chất, tiền bạc. "Thương" nhờ "Quan" mà được ưu ái, hưởng những chính sách ưu đãi, trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước, từ đó mà làm ăn phát đạt. Chính họ lại góp phần tạo ra vòng luẩn quẩn của tham nhũng, tiêu cực. Đó là: Khi cán bộ, công chức gây khó dễ thì doanh nghiệp và người dân có động cơ đưa hối lộ và khó khăn được giải quyết, lần sau khi có việc thì cán bộ, công chức lại có động cơ để tiếp tục gây khó dễ…

Bao giờ doanh nghiệp Việt nói không với tham nhũng vẫn là một câu hỏi lớn? Mảnh đất "nuôi dưỡng" tham nhũng có phải chính là cộng đồng doanh nghiệp? Hay doanh nghiệp vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân trong cùng một bi kịch?

Đừng đổ thừa cho doanh nghiệp. Nếu không có tác nhân từ các cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước... thì làm gì có tiêu cực, tham nhũng bởi chẳng ai dại đến mức tự đem những đồng tiền xương máu của mình cho không người khác nếu không bị ép buộc.

Cũng đã có doanh nghiệp dám lên tiếng nói về tham nhũng thì ngay hôm sau doanh nghiệp họ bị cắt điện, nước, hàng hóa khó thông biên và gặp khó khăn trong kinh doanh… Qua việc doanh nghiệp tố cáo tham nhũng thường thì hậu quả họ phải gánh chịu vô cùng nặng nề.

Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp; xây dựng quy tắc đạo đức công vụ; công khai, minh bạch, chống tham nhũng, đặc biệt là nạn đưa hối lộ và nhận hối lộ ở mọi cán bộ công chức, ở mọi cấp chính quyền…với những quy định mới thì cơ quan, đơn vị, cá nhân nhũng nhiễu doanh nghiệp, 2 năm sau vẫn sẽ bị "trảm".

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đừng nghĩ chống tham nhũng là điều gì xa xôi, khó thực hiện. Doanh nghiệp có thể bắt đầu hành động ngay từ ngày mai bằng cách đơn giản là trung thực và công khai trong hoạt động. Đây cũng là một trong bốn nội dung mà Hiệp ước Toàn cầu Liên hợp quốc luôn khuyến khích doanh nghiệp tuân theo.

Bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần kiên quyết hơn trước tình trạng nhũng nhiễu của một số cán bộ công chức, cũng như cần thay đổi tư duy về chi phí "bôi trơn" nhằm đạt được mục đích của mình. Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ, nhất quán đó, mới có thể ngăn chặn triệt để nạn tham nhũng.

Cù Tất Dũng

Ngày 19/7, thay mặt lãnh đạo Công an tỉnh Lào Cai, Đại tá Trần Quốc Huy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai đã đến thăm hỏi, động viên Đại uý Đặng Minh Quang, cán bộ Công an xã Phong Hải, tỉnh Lào Cai bị thương khi đang vây bắt, khống chế đối tượng phạm tội về ma tuý.

Tối 19/7, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an TP Huế cho biết, sau nhiều giờ nỗ lực dập lửa, vụ cháy rừng ở phường Phong Phú (TP Huế) đã được đơn vị phối hợp với các lực lượng dập tắt hoàn toàn, không để đám cháy bùng phát trở lại.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Thanh Hóa (Phòng Cảnh sát kinh tế) đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Anh Tú (SN 1991, ở phường Nguyệt Viên, tỉnh Thanh Hóa) và Bùi Thị Hằng (SN 1994, ở phường Hạc Thành, tỉnh Thanh Hóa) về hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh…

Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT sẽ đóng vào 17h ngày 28/7, do đó thí sinh cần ghi nhớ mốc thời gian này. Các em cần cập nhật các dữ liệu sử dụng cho việc xét tuyển như: Các chứng chỉ ngoại ngữ, kết quả đánh giá năng lực, các chứng nhận ưu tiên khu vực, đối tượng… để không bỏ sót điểm cộng theo quy định.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.