Bảo hiểm xã hội và nỗi lo khi về già
- Nhiều hệ lụy từ việc gia tăng nhận bảo hiểm xã hội một lần
- Gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần: Người lao động cần cân nhắc thiệt hơn
- Yêu cầu 100% công chức, viên chức sử dụng ứng dụng bảo hiểm xã hội số
Nhiều điều giản đơn nhưng về già con người mới nhận ra:
Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà con không phải nhà cha mẹ
Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ
Khác nhau thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình. Tuổi già cũng nên độc lập, có thể sống chung với con cái nhưng không có nghĩa là phải phụ thuộc vào chúng.
Chính vì thế, phần lớn người lao động đều mong muốn có lương hưu, được hưởng bảo hiểm y tế khi về già, khi không còn khả năng lao động kiếm tiền, không có điều kiện nhờ vả ai, có được một số tiền để sinh sống thảnh thơi thì mới mong giữ được sức khỏe.
Theo nghiên cứu khảo sát đầu tiên về "Cuộc sống độc lập khi về già" năm 2020 của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam cùng hợp tác với Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam thì có đến 85% người Việt Nam mong muốn có một cuộc sống độc lập khi về già.
Tuy nhiên, tính đến cuối 2020, theo con số mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra thì có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam).
Trong số đó, chỉ có khoảng gần 5 triệu người đang được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội và hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng, chiếm 22,1% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Như vậy, cho đến nay vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, chiếm 65% chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội hoặc tầng an sinh xã hội nào khác. Như vậy, số người không tham gia bảo hiểm xã hội khi họ về già không có lương hưu sẽ là gánh nặng cho an sinh xã hội.
Tuần qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nhằm sửa đổi những tồn tại, hạn chế của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; trong đó có việc nhiều người quan tâm là rút ngắn thời gian tối thiểu được hưởng "lương hưu" từ 20 năm xuống thời gian ngắn hơn là 15 năm hoặc 10 năm.
Quy định mới sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Nhiều người lao động, cán bộ công đoàn đánh giá đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để đủ điều kiện hưởng lương hưu là chính sách rất nhân văn, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn được hưởng lương hưu và bảo hiểm y tế, nhất là với tình hình già hóa dân số ngày một tăng nhanh như hiện nay thì cần sớm thông qua chủ trương này.
Bên cạnh đó cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn về thời gian đóng đủ bảo hiểm xã hội và tuổi quy định để được hưởng lương hưu khi đã đóng đủ 10 năm đến 15 năm thì không đồng nghĩa người lao động sẽ có lương hưu, nếu chưa đủ tuổi hưu; % tiền lương hưu cũng nên xem xét lại cho phù hợp để người già có mức sống bình thường mà không phải trông chờ vào con cháu. Tính làm sao vừa lợi cho người lao động, nhưng cũng đừng gây bất cập xã hội.
Câu chuyện mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn đang là bài toán khó. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến lượng người tham gia còn thấp là do người dân chưa có thói quen dự phòng cho những rủi ro trong cuộc sống, hoặc giai đoạn về già, hết tuổi lao động. Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn hạn chế, chưa giải thích cặn kẽ, tỉ mỉ để người dân hiểu hết về lợi ích khi tham gia loại hình bảo hiểm này.