Cuồng thần tượng và mối lo tụt hậu

08:03 20/11/2017
Để cho những yêu ghét, ngưỡng mộ lấn át suy nghĩ lý tính, lấn át những quan tâm gắn với trách nhiệm, một bộ phận bạn trẻ hôm nay đang bộc lộ rõ một nhược điểm: họ thiếu tinh thần Quốc dân. Nó sẽ là nhược điểm góp phần làm suy yếu sự phát triển...


Khi cảm xúc cá nhân lấn át tinh thần quốc dân

Nguyễn Hồng Lam

Khi nhấn mạnh việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng thời cũng đã có ý xác định rằng đất nước chúng ta đang ở trong giai đoạn Quốc gia kiến tạo. Trách nhiệm của toàn xã hội, được kỳ vọng nhiều vào lớp người trẻ. Chúng ta rất cần học hỏi cách thức, kinh nghiệm đi đến thành công của bè bạn quốc tế, cũng như chờ đợi vào khát vọng khởi nghiệp và cống hiến của người trẻ. Trên tinh thần đó, người nặng lòng với đất nước hẳn sẽ cảm thấy âu lo.

Người trẻ đang quan tâm những gì? Cô con gái rượu của Tổng thống Mỹ, đệ nhất phu nhân Melania Trump không đến Việt Nam nhân dịp APEC, cộng đồng mạng xôn xao. Thủ tướng Canada Justin Trudeau chạy bộ ven kênh Nhiêu Lộc, hàng vạn bạn trẻ phát cuồng như thể đó là một hành động phi thường, kỳ vĩ, ông Thủ tướng trẻ tuổi được xem luôn là một “soái ca”!

Thủ tướng Úc ăn bánh mì bình dân ở Đà Nẵng, Thủ tướng Canada uống cà phê vỉa hè tại TP Hồ Chí Minh… cũng trở thành tâm điểm của các cuộc bình luận, nhất là trên báo mạng và mạng xã hội. Đặt bên cạnh, chương trình nghị sự của APEC, những phát biểu, quan điểm mà các nguyên thủ Hoa Kỳ, Canada, Úc… trình bày tại hội nghị thượng đỉnh thế giới mà Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai, có ảnh hưởng lớn đến tương lai an ninh, kinh tế, xã hội của nước ta thì mặc cho báo chí tha hồ đăng tải, một bộ phận dư luận vẫn có phần hờ hững!

Để cho những yêu ghét, ngưỡng mộ lấn át suy nghĩ lý tính, lấn át những quan tâm gắn với trách nhiệm, một bộ phận bạn trẻ hôm nay đang bộc lộ rõ một nhược điểm: họ thiếu tinh thần Quốc dân. Nó sẽ là nhược điểm góp phần làm suy yếu sự phát triển.

Chưa hết, vẫn có những người trẻ sẵn sàng la hét giữa khán phòng đông nghịt, quỳ gối, lạy… để bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tỉ phú Jack Ma. Nhưng Jack Ma có gì đáng để tung hô, ngưỡng vọng? Ông ta là một tỉ phú đô – la, điều đó là không bàn cãi. Nhưng, vị trí mà ông chủ hãng bán lẻ trực tuyến Alibaba có được chỉ xảy ra với mỗi Jack Ma, chỉ xảy ra ở Trung Quốc với thị trường khổng lồ 1,4 tỉ dân, không lặp lại với ai khác, bất kỳ nơi nào khác. Đó là khi Alibaba của ông ta được Chính phủ Trung Quốc bảo trợ, hà hơi.

Mọi đối thủ quốc tế như Google, FB… đều bị Trung Quốc cấm tiệt, chỉ để lại một mạng Baidu cho Alibaba của Ma múa gậy vườn hoang, làm mưa làm gió. Cạnh tranh sòng phẳng, không dựa thế độc quyền, rất có thể những “người khổng lồ của thế giới” trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến như Ebay, Amazon sẽ nhanh chóng đè bẹp Alibaba, khiến Jack Ma khó có cơ hội vươn đến thành công, trở thành tỉ phú và đi thuyết giảng cách làm giàu bằng cách đề cao “hàng giả thậm chí còn tốt hơn hàng chính hãng”!

Poster phim “Công thủ đạo” do Jack Ma sản xuất - một thông điệp suy tôn sức mạnh đồng tiền.

Đã có cả một bài phân tích kinh tế cho rằng “cuồng Jack Ma là trí tuệ của những kẻ ngu xuẩn”. Đám đông quên mất một điều cốt lõi, tối quan trọng: Alibaba là cánh cửa thương mại điện tử duy nhất thông giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Jack Ma và Alibaba, nếu thành công thì đó là thành công của một sách lược chính trị trong kinh tế của Trung Quốc, không thể coi là thành công hay thành tựu khởi nghiệp của một cá nhân. Ngay cả sự rao giảng của ông tỷ phú này cũng là vì mục đích chính trị, nhằm đem lợi nhuận về kinh tế về cho Trung Quốc. Chỉ có những kẻ ảo tưởng mới mơ mòng ngưỡng mộ đó là cách chia sẻ kinh nghiệm làm giàu của một vĩ nhân rất thành công.

Ngưỡng mộ, thần tượng ai đó không phải là điều sai hay xấu. Ít nhất, nó cũng gợi lên trong lòng người hâm mộ những mơ ước, những khao khát. Về mặt tâm lý, đây chính là động lực, là cảm hứng để người ta – nhất là người trẻ - dấn thân, dám nghĩ dám làm, xem như nó là điều kiện cần để đặt chân lên con đường thành công. Nhưng cuồng thần tượng, bắt chước y khuôn thần tượng, sùng bái đến mức có thể dẫn đến hành vi, phát ngôn tự  hạ thấp mình thì điều đó lại khiến người ta quay lại với thân phận nhược tiểu và tâm lý lệ thuộc, nếu không nói là nô lệ - những rào cản đi đến thành công.

Ngưỡng mộ phát cuồng là đang tự đánh mất mình, thủ tiêu hoặc không nhận ra cả điểm yếu, điểm mạnh của bản thân để bắt đầu khởi nghiệp. Một xã hội phát triển thì không thể lệ thuộc và bắt chước cảm tính.

Ngưỡng mộ cũng là khuynh hướng của cá nhân, là quyền dân chủ. Hầu hết những người cuồng thần tượng đều không nhận ra: họ đang ảo tưởng về bản thân. Bạn trẻ không ngần ngại quỳ lạy Jack Ma, sau đó đã phát biểu tự đánh giá mình là người “giống Jack Ma, sẽ có ảnh hưởng lớn trong nước và thế giới”. Cá nhân phát biểu đầy tự tin, nhưng xã hội lại nghe, nhìn điều đó bằng tất cả hoài nghi. Làm sao một người có năng lực, phẩm chất ảnh hưởng lớn đến xã hội, đời sống lại phải quỳ gối đòi hôn giày kẻ khác?

Khuynh hướng thể hiện cảm xúc cá nhân của một bộ phận người trẻ đang lấn át tinh thần Quốc dân. Bước đi đầu tiên của một thế hệ khởi nghiệp, một Quốc gia kiến tạo đang bị ngăn trở, hủy hoại bởi ham muốn, yêu ghét vặt vãnh và ích kỷ, vắng lý tính, thấp ý chí của một bộ phận công dân nghèo nàn tinh thần, ý thức, đang trên đà tự đánh mất mình. Nó tạo nên sự lệch lạc trong tâm lý tiếp cận và hội nhập. Nó biến một nguyên thủ quốc gia thành một… soái ca, ăn món gì, sinh hoạt ra sao quan trọng hơn quan điểm chủ trương, quyết sách thế nào. Nó khiến người ta say sưa dõi mắt theo chiếc xe của một Tổng thống, biến nó thành “quái thú” mà sẵn sàng quên phứt, thờ ơ vô cảm với những tan hoang, mất mát của đất nước, đồng bào khi cơn bão thế kỷ vừa mới ruổi qua. Nó cũng vặn lệch ý nghĩ của một lớp người, tự huyễn hoặc mình với những thành công tưởng tượng nhờ vào tương lai hàng giả, hàng nhái; bắt chước, làm giàu nhờ buôn bán đa cấp hay trúng độc đắc, mà mờ mắt không nhìn thấy những khó khăn, thách thức, điểm hạn chế; không nhìn thấy nguy cơ tụt hậu của bản thân, xã hội khi không tự vượt lên chính mình, không phấn đấu vì mục tiêu thịnh vượng, phát triển chung của toàn xã hội.

Có quá nhiều nguy cơ và xã hội đang rất cần một sự thức tỉnh!

Truyền thông dễ dãi đang tàn phá ý thức xã hội

Nguyễn Thị Hương (Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu và Phát triển TP Hồ Chí Minh)

Công nghệ thông tin phát triển, trong thế giới phẳng, lĩnh vực báo chí – truyền thông đã có một sự dịch chuyển đáng kể. “Báo chí (cho) đại chúng” đang bị lấn át bởi trào lưu “đại chúng làm báo”. Báo viết, báo giấy ngày càng bị thu hẹp ảnh hưởng trước báo điện tử, mạng xã hội…

Ưu thế nhanh nhạy, không bị kiểm duyệt trước xuất bản giúp truyền thông điện tử tiếp cận người đọc nhanh hơn, nhiều hơn, rộng hơn… so với báo chí truyền thống, dẫn đến có ảnh hưởng quan trọng, nhiều lợi thế trong tâm lý tiếp nhận của người đọc.

Ưu thế này đặc biệt phát huy tác dụng trong quảng bá, quảng cáo sản phẩm, PR sự kiện, làm hình ảnh cho cá nhân, nhất là cá nhân trong giới biểu diễn. Không một buổi biểu diễn, một sự kiện nào có thể thu hút được một lượng khán giả khủng khiếp như một fanpage khi nó truyền trực tiếp sự kiện đang xảy ra, bởi tính năng chia sẻ của mạng xã hội là điều mà không một nhà tổ chức sự kiện nào, dù đại tài có thể làm được.

Làm chủ, dẫn dắt cả người đọc lẫn người xem, “báo chí đại chúng” dễ dãi, chạy theo mục đích dễ dãi (thường là vì lợi nhuận) trong nhiều trường hợp đã và đang tàn phá cả thị hiếu, quan niệm lẫn tư duy của xã hội. Khi đẩy các mặt hàng lên cùng với hình ảnh thành công hào nhoáng của các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc… truyền thông dễ dãi và thiếu kiểm soát đồng thời cũng đang cổ súy cho một xã hội tiêu thụ. Đẳng cấp và thành công chính là mức độ giàu có, quyền và khả năng thụ hưởng của ngôi sao nào đó chứ không phải là thành công hay tài năng của họ.

Để thu hút sự quan tâm của đám đông, nhất là của những người trẻ, quá trình học tập, khổ luyện, những cái giá phải trả để đi đến thành công của người nổi tiếng thường ít được đề cập hơn nhiều so những chuyện phù phiếm trong đời sống cá nhân.

Khai thác thị hiếu triệt để, bằng mọi cách, lâu dần truyền thông vì mục đích tiêu thụ đã làm đảo lộn nhiều thang bậc giá trị, tài năng, thẩm mỹ, dẫn đám đông và thời đại đến sự lệch lạc cả trong nhận thức, quan niệm, từ đó dẫn đến những mơ ước lệch lạc. Điều này rất dễ xảy ra đối với thành viên các CLB, nhóm hâm mộ, những người dễ phát cuồng với thần tượng và không ngần ngại tự “quên” bản thân để bắt chước thần tượng.

 Làm gì để ngăn ngừa những nguy cơ đó? Không thể áp dụng các biện pháp hành chính cứng nhắc để ngăn cản, hạn chế hoặc cấm với các cư dân mạng. Chính Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm cũng vừa phát biểu khi bàn về dự thảo Luật An ninh mạng: Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ mạng thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới.

Vậy thì phần còn lại, chỉ còn trông chờ vào ý thức trách nhiệm của những người tham gia và khai thác mạng xã hội. Quan trọng nhất  chính là sự tỉnh táo, là sự tự ý thức của cộng đồng những người tiếp nhận thông tin qua mạng xã hội. Tự phòng ngừa là trách nhiệm của cá nhân đối với chính bản thân, còn phòng ngừa xã hội, trách nhiệm đó chủ yếu trông chờ vào cả một nền giáo dục. Cốt lõi, muốn phát huy giá trị, năng lực, hình ảnh bản thân, mỗi con người phải có đầy đủ ý thức công dân, tự thấy rõ vai trò, trách nhiệm và khả năng đóng góp của mình đối với xã hội.

Kungfu của Jack Ma

Mai Quốc Ấn (Nhà báo)

Jack Ma (Mã Vân) vừa sang Việt Nam dạy cách làm giàu. Gần như ngay lập tức sau đó, bộ phim “Công Thủ Đạo” do Jack Ma thủ vai chính được giới thiệu. Những tên tuổi võ thuật như Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Ngô Kinh, Hồng Kim Bảo,... vốn quen mặt với khán giả Việt qua các phim đánh đấm của điện ảnh Hồng Kông, Trung Quốc đều bại dưới tay Jack Ma một cách "đúng quy trình". Thông điệp mà đoạn phim dài 7 phút đưa ra vừa ngạo mạn, lại vừa lộ liễu và thô thiển, đầy triết lý thực dụng, phản văn hóa và phi võ học: tiền mới là cao thủ số 1, vô địch của các nhà vô địch, mọi cao thủ đều ngã gục trước tiền!

Có một chân lý bất biến trong phim võ thuật Trung Quốc là tuyệt đại đa số cao thủ võ thuật của họ dù chiến đấu với karatedo của Nhật, taekwondo của Hàn, Muay Thái, Quyền Anh phương Tây đều từ bất bại đến thắng, thậm chí đại thắng. Nhân vật chính do Jack Ma thủ vai không ngoại lệ.

Jack Ma có thể đổ tiền làm phim cũng như PR cho bộ phim võ thuật mà ông ta đóng vai chính. Nhưng võ công chân chính (Thái Cực Quyền) được sử dụng bởi một kẻ không rành võ thuật, từng tuyên bố hàng giả tốt hơn hàng thật là một thứ võ công của ma quỷ. Lấy ví dụ về kiếm chiêu lấy nhanh làm đầu, tiên phát chế nhân thì Độc cô Cửu kiếm và Tịch tà Kiếm phổ là siêu nhanh. Chỉ khác biệt là Độc cô Cửu kiếm Dương Quá phải khổ luyện để thành tài còn Nhạc Bất Quần thì... tự thiến để đốt cháy giai đoạn lên cao thủ.

Nếu nói về võ thuật Trung Hoa có lẽ nên chú ý đến môn phái bí ẩn được Kim Dung, Cổ Long hay nhắc: Đường Môn ở đất Thục (Miêu Cương). Đường Môn nổi tiếng với ám khí và độc dược, đề cao tính thực dụng trong việc ra chiêu đoạt mạng. Nói thêm, đất Miêu Cương cũng nổi tiếng với thuật khiển xác, điều âm binh.

Những ám khí mang tên "chân gà thập niên 40", quần áo giá rẻ có thể gây tổn hại da, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm,... chẳng phải đã phóng vun vút nhiều năm qua đấy ư? Những liều thuốc độc tên rượu ngon, gái đẹp, hoa hồng chung chi cao chẳng phải đã ngấm vào nhiều cán bộ đấy ư? Những "thây ma" như con rối ra sức bảo vệ các dự án mang mác "made in China" liệu có khó biết quá không?

Tung hô Jack Ma và cách làm giàu nhờ ăn cắp ý tưởng cùng sự bảo hộ của chính phủ khác gì tung hô một kẻ nhanh chóng thành cao thủ nhờ "dẫn đao tự cung"? Những kẻ thần tượng Jack Ma hôm nay có thể ngày mai sẽ là người bán cho bạn phở có chất ướp xác, khăn lụa cắt mác Trung Quốc. Hai tiếng đồng bào thiêng liêng với những kẻ ấy không có nghĩa gì đối với những "nhân dân tệ vì nhân dân tệ".

Trung Quốc là một siêu cường, điều đó không sai. Jack Ma là tỉ phú phát triển rất nhanh, điều này cũng đúng. Đệ nhất cao thủ võ thuật của họ là Yi Long chắc chắn không hề yếu nên rất kiêu ngạo. Nhưng tôn thờ không chọn lọc mọi giá trị Trung Quốc hay thần tượng Jack Ma đến phát cuồng thì làm ơn tìm hiểu đại cao thủ Yi Long bị đánh sấp mặt bao nhiêu lần trên võ đài thực chiến...

Thủ tướng Canada Justin Trudeau và tỉ phú Trung Quốc Jack Ma đã "thử chiêu" trong 1 cuộc tranh luận. Ai từng xem rồi sẽ thấy "kết quả" thú vị ra sao... Tổng thống D. Trump của Hoa Kỳ cũng đã phát biểu tại APEC có nhắc về nạn ăn cắp bản quyền và không muốn để nước Mỹ bị lường gạt nữa...

Trong khi đó, trên đất nước mình, vẫn có một số không ít người học "công phu của Jack Ma" mà quên mất "con ngựa trên mây" cũng chỉ là phù vân chăng?

Mạng xã hội, fan cuồng và nỗi lo tụt hậu

Lê Thanh Hoàng (Nhà báo)

Một phụ nữ không có gì nổi trội, cũng không trong giới showbiz, chẳng phải ca sĩ, diễn viên gì… Cô ấy sở hữu một thân hình nóng, có một gương mặt coi được và thường lên trang cá nhân “khoe-lộ-hàng”. Cô lên trang Facebook, đăng lên một tấm hình với gương mặt mang vẻ mệt mỏi và khoe cặp ngực căng phồng sau làn áo mỏng cùng đôi chân trần dài miên man với dòng trạng thái chỉ vài chữ mang thông điệp rất cá nhân và tào lao: “Hôm nay em mệt vì đang bị …, xin anh có đến thì để em nghỉ ngơi nhé”.

Chỉ vài giờ sau khi đăng trạng thái ấy, trang của cô có cả ngàn lượt like của mọi giới (fan) dành cho cái “tút ấy”! Chưa hết, kèm theo còn có hàng trăm bình luận chửi bới tục tĩu, rồi cũng hàng trăm người bênh vực thần tượng, om sòm ỏm tỏi, của cả đàn ông lẫn đàn bà, người đồng tính... loạn xà ngầu!

Và, cũng trong cùng thời điểm ấy, trên Facebook cũng có nhiều bài viết đau đáu về quê hương đất nước; lo lắng về môi trường, lo âu về thức ăn nhiễm độc, trăn trở về nạn tham nhũng, đau đớn về thiệt hại, mất mát người và của của đồng bào trước thiên tai bão lũ… Rất thời sự, rất có trách nhiệm với cộng đồng mình đang sống. Thế thì sao?

Sau 24 giờ, những chia sẻ đầy trách nhiệm nói trên chỉ loe hoe vài ba chục like, dăm bình luận đọc muốn ngủ! Những “chủ bút” này ngáp dài ngao ngán vì không ai quan tâm. Dần dần họ cũng không còn muốn suy nghĩ và viết nữa. Không ai muốn những trăn trở của mình rơi tõm vào sự thờ ơ của cộng đồng…

Tôi không định nói về các thao tác “like”, “còm” (comment) trên mạng xã hội, mà muốn nhấn mạnh đến thị hiếu và sự quan tâm. Rõ ràng trong tâm lý tiếp nhận, khuynh hướng giải trí giết thời gian vô bổ, phù phiếm, thậm chí vô trách nhiệm vẫn đang áp đảo.

Thực ra, có thể rất có nhiều người vào đọc. Nhưng vì nhiều lý do, họ không nhấn “like” (bày tỏ thái độ, hoặc đơn giản là để lại dấu hiệu chứng tỏ đã đọc) và cũng không dám “còm” (tham gia bàn luận, bày tỏ chính kiến)!

Một nỗi lo lắng, cầu an cho bản thân, sợ rằng sẽ phải nhận gạch đá của dư luận chăng? Hay là một nguyên nhân nào sâu xa hơn, nghiêm trọng hơn mà họ không để lại dấu nhắc rằng có quan tâm? Hoặc đơn giản hơn, đọc chỉ là đọc, lướt qua, không đọng lại cảm xúc, suy nghĩ nào cả? Thử tìm câu trả lời, ngay cả người viết những dòng này đôi lúc cũng hoang mang. Thật khó đòi hỏi “trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân” trong phần đông người đọc thời hiện tại.

 Gần đây nhất, những hình ảnh như một thanh niên la hét điên cuồng và quỳ lạy một doanh nhân thành đạt người Trung Quốc trong một buổi nói chuyện tại Hà Nội; những giọt nước mắt của lớp trẻ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã rơi như mưa trong những buổi đón và tiễn đưa các ngôi sao, diễn viên ca sĩ Hàn Quốc, Đài Loan, cú ngất xỉu (thật sự) vì xúc động của một vài bóng hồng trẻ tuổi trước một “soái ca” thần tượng lại liên tục diễn ra, liên tục trở thành hình ảnh được “share” (chia sẻ) trên mạng truyền thông, tất nhiên là với không ít cách giật tít, bình luận bằng những lời có cánh… Thậm chí, bất chấp sự phản cảm và hạ thấp nhân cách, một số người trẻ còn không ngần ngại hôn lên cái ghế mà thần tượng của họ vừa ngồi!

Im lặng trước trách nhiệm và nỗi đau, phát cuồng với sự vô bổ và phù phiếm, thử  hỏi, với một lớp người, một thế hệ như thế, thì liệu sẽ đưa dân tộc, xã hội này về đâu? Tôi không thể hình dung được!

Nhìn một cách khắt khe, nhiều người này đã lo lắng rằng xã hội này đã không còn, không có một tình yêu dành cho cộng đồng, cho đất nước, cho con người nữa hay sao? Nhìn rộng lượng và dễ tính hơn, phải chăng dục tính thấp hèn đã lên ngôi, đã và đang rắp ranh lấn những giá trị truyền thống bao đời trong một bộ phận giới trẻ?

Tôi không tin và mãi không tin điều đó! Không tin, nhưng vẫn không ngăn được cảm xúc lo âu. 

PV

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文