Các cuộc thi ca nhạc dành cho thiếu nhi:

Đừng để các em đánh mất sự hồn nhiên

09:02 14/06/2013
Tiếp bước chương trình "Giọng hát Việt" dành cho người lớn vừa lên sóng ngày 19/5, chương trình "Giọng hát Việt nhí" (tên gốc là "The Voice Kids") mùa đầu tiên tại Việt Nam cũng đã ra mắt khán giả vào đúng ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6. Trước đó không lâu, chương trình "Đồ rê mí" mùa thứ 7 cũng đã khởi động. Mùa hè dường như là thời điểm nở nộ các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc thiếu nhi diễn ra ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, làm thế nào để chúng ta có được những tài năng âm nhạc thực thụ nhưng vẫn để các em giữ được nét hồn nhiên, vô tư của lứa tuổi mình trong mỗi cuộc thi là điều mà nhiều bậc có trách nhiệm cần suy ngẫm.

Chương trình "Giọng hát Việt nhí" đang dành được sự quan tâm của đông đảo thí sinh nhỏ tuổi và khán giả vì nó xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam. Với độ tuổi thí sinh từ 9 đến 15, chương trình hướng đến việc tìm kiếm những tài năng đang ở giai đoạn phát triển để tạo ra những nhân tố mới cho nghệ thuật. Những bạn nhỏ muốn tham gia "Giọng hát Việt nhí" phải thực sự có giọng hát tốt, có tiềm năng phát triển và quan trọng hơn cả là sự đam mê lớn lao dành cho âm nhạc. Khác với "Giọng hát Việt nhí" còn khá mới mẻ và lạ lẫm, chương trình "Đồ rê mí" đã bước sang tuổi thứ 7. Năm nay, "Đồ rê mí" được ví là có sự lột xác hoàn toàn về nội dung và hình thức với tên gọi "Đồ rê mí đôi". Đây sẽ là cuộc thi ca nhạc vui nhộn giữa các cặp song ca. Mỗi cặp này bao gồm một bạn nhỏ được tuyển chọn từ các câu lạc bộ hoặc nhà văn hóa và một bạn nhỏ tìm kiếm từ các vùng miền xa xôi trong cả nước…

Tổ chức các cuộc thi để tìm kiếm tài năng âm nhạc, từ đó có điều kiện bồi dưỡng kịp thời là việc làm cần thiết. Nhiều ca sĩ nổi tiếng hiện nay như Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hiền Thục, Hồ Quỳnh Hương, Nguyễn Ngọc Anh… cũng đã từng được phát hiện từ những nhà văn hóa thiếu nhi, những cuộc thi ca nhạc dành cho trẻ em. Nhưng, nếu như trước đây, khán giả chỉ biết khi các em chiến thắng trong các cuộc thi rồi, thì hiện nay, sự phát triển của truyền thông và sự nở rộ của các chương trình truyền hình thực tế đã giúp khán giả được theo dõi từ đầu cho đến cuối cuộc thi. Thậm chí, ở nhiều cuộc thi, khán giả còn là người quyết định ai sẽ là người chiến thắng. Thế nên nhiều khi, các em dự thi một cách vô tư, trong sáng nhưng điều gì đảm bảo những người lớn xung quanh các em cũng có được tâm lý vô tư ấy? Đôi khi, vì bảo vệ người thân của mình mà có thể vô tình hoặc cố ý làm tổn thương đến những người khác. Với người trưởng thành, sự tổn thương ấy còn nặng nề thì với một tâm hồn non nớt, hậu quả của nó còn khủng khiếp đến nhường nào?

Nếu chúng ta theo dõi cuộc thi "Đồ rê mí" từ những ngày đầu tiên chương trình này xuất hiện, một điều dễ nhận thấy là sự hồn nhiên đang mất dần ở các thí sinh tham gia. Dù ban đầu, cả thí sinh và phụ huynh đều đến với cuộc thi như một cơ hội giúp các em bạo dạn hơn, biết thể hiện mình trong cuộc sống, nhưng càng về sau, dường như các em càng phải gánh trên mình một áp lực thi cử nặng nề. Nên mới có chuyện nhiều em bật khóc chỉ bởi một sai sót nhỏ trong phần thi của mình mà ban giám khảo chỉ ra. Hoặc có thí sinh đã thật thà tiết lộ: "Con đói quá nhưng mà mẹ con bảo nếu ăn nhiều lát nữa không hát được", hoặc "Con thích bài khác nhưng mẹ con bắt hát bài này"…

Một cuộc thi âm nhạc dành cho các em nhỏ, tất nhiên, điều mà chúng ta mong muốn là giọng hát thật hay, diễn xuất thật hồn nhiên chứ chắc chắn không phải là sự già dặn, chuyên nghiệp vượt xa so với lứa tuổi. Nhiều người đồng tình rằng, tại cuộc thi "Đồ rê mí" năm 2012, có lẽ chỉ duy nhất có cô bé Bảo Trân là còn giữ được nguyên vẹn sự hồn nhiên ở những cử chỉ đáng yêu như trong khi các bạn hồi hộp thì Bảo Trân vẫn đi lại, xách váy và… gãi. Những phần thi của Bảo Trân như "Một bầy heo con", "Cánh chim tuổi thơ" đã khiến khán giả muốn nhún nhảy theo. Và dù Nhật Tiến đã vinh dự đoạt giải nhất trong cuộc thi năm ấy nhưng nhiều khán giả xem vẫn thấy nuối tiếc. Giá như em cảm xúc hơn nữa, bớt già dặn và chuyên nghiệp hơn nữa thì sẽ thuyết phục hơn.

Hy vọng các thí sinh dự thi “Giọng hát Việt nhí” vẫn giữ được nét hồn nhiên như ban đầu.

Sự "già hóa" của các thí sinh chắc chắn đều bắt nguồn từ những người lớn. Càng ngày, cách chọn bài dự thi của các em càng ít phổ cập. Nhiều ca khúc các thí sinh hát (mà sự thực ở đây là phụ huynh lựa chọn) đều xa lạ với số đông. Thậm chí, ở nhiều ca khúc, phần lời còn khó thuộc chứ đừng nói tới việc các em có thể hiểu rõ ý nghĩa của ca khúc. Điều này có nguyên nhân từ việc phụ huynh muốn các con chọn bài khó để khoe giọng, để thể hiện mình. Tiết mục thì dàn dựng quá công phu, mang lại cảm giác nặng nề.

Sự hồn nhiên ở các thí sinh thi hát bị rơi rớt còn thể hiện ở trang phục và cách trang điểm. Các em mới chỉ 4 - 5 tuổi mà mỗi lần bước lên sân khấu là một lần khuôn mặt được trang điểm kỹ lưỡng, quá đậm như đi diễn tuồng. Chưa kể trang phục cầu kỳ, lòe loẹt khiến các em già hơn rất nhiều so với tuổi. Khát vọng chiến thắng đã khiến các phụ huynh có con đi thi hát rơi vào xu hướng chuyên nghiệp hóa mà quên mất rằng, sự hồn nhiên, trong sáng mới là nét đáng yêu của lứa tuổi này.

Và thực sự, nếu không cẩn thận, áp lực thi cử sẽ khiến những thí sinh nhỏ tuổi phải gánh những hậu quả nặng nề. Tại cuộc thi chung kết "Đồ rê mí" 2012, việc chú bé Nhật Tiến khóc nức nở khi hát ca khúc "Gặp mẹ trong mơ" đã trở thành một đề tài bàn cãi sôi nổi trên mạng. Nhiều người đồng tình nhưng cũng không ít người phản đối. Người đồng tình thì cho rằng bé diễn nhập tâm, tình cảm. Người phản đối lại cho rằng màn biểu diễn này giả tạo và diễn quá đà. Mọi người đều cho mình quyền được nhận xét mọi việc nhưng vô hình chung, những nhận xét gay gắt của người lớn lại trở thành con dao 2 lưỡi với thí sinh. Ít nhất, hãy để các em hồn nhiên với đúng lứa tuổi của mình.

Chắc nhiều người vẫn còn nhớ chuyện cô bé Quỳnh Anh tham gia chương trình "Tìm kiếm tài năng Việt" 2012. Việc bảo vệ em một cách thái quá của gia đình trước những nhận xét của Ban giám khảo đã khiến khán giả dị ứng. Và thế là một trận tranh luận không khoan nhượng giữa gia đình và chương trình, giữa gia đình và dư luận đã khiến sự việc trở nên phức tạp. Và, nạn nhân cuối cùng, không ai khác, chính là Quỳnh Anh. Lẽ ra em đã có thể vui vẻ ra khỏi cuộc thi, có quyền tự hào về giọng hát không quá xuất sắc nhưng giàu cảm xúc của mình thì em lại trở thành nạn nhân của những trò cãi vã vô bổ của người lớn mà ai cũng cho mình đúng. Người lớn đừng biến các em thành nạn nhân của những tham vọng chiến thắng của mình. Các nhà khoa học chứng minh rằng, những thứ chín ép hoặc phát triển sớm quá đều chóng lụi tàn. Điều này đúng với trường hợp của diễn viên Macaulay Culkin nổi tiếng từ nhỏ với vai chú bé Kenvin thông minh trong loạt phim "Ở nhà một mình" nhưng giờ đây sự nghiệp tụt dốc, sức khỏe tiều tụy, thậm chí dính nghi án nghiện ngập. Macaulay Culkin chính là nạn nhân của áp lực vì sự nổi tiếng quá sớm.

Bất kỳ một chương trình truyền hình thực tế nào về mặt mục đích cũng hướng đến sự tích cực. Nhưng trong các chương tình này, scandal dù vô tình hay cố ý đều là những điều khó tránh khỏi. Được biết, trong chương trình "Giọng hát Việt nhí", yếu tố tâm lý được quan tâm bên cạnh yếu tố chuyên môn. Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn sẽ là người đồng hành và giải tỏa những áp lực tâm lý cho các thí sinh trong suốt quá trình thi. Trước đó, 4 huấn luyện viên và 2 MC cũng đã có những buổi học về tâm lý của đối tượng dự thi để tránh những tổn thương không đáng có. Trưởng ban tổ chức Lại Văn Sâm thì cho rằng: "Chúng tôi đảm bảo sẽ cố gắng để sao cho không có tình trạng các cháu trở thành nạn nhân". Tuy nhiên, đã là chương trình thực tế thì chắc chắn những yếu tố bên ngoài như dư luận xã hội, sự chăm sóc của truyền thông hay những ý kiến trái chiều của khán giả… cũng khó có thể kiểm soát hết được. Chỉ mong rằng, mỗi người lớn đừng khiến khán giả phải kêu trời như ca sĩ Mỹ Linh: "Lần đầu tiên xem "Đồ rê mí". Tội nghiệp các bé quá. Mong sao các con sẽ không thành thảm họa nhạc Việt tương lai"

K.T.

Chiều 8/5, một phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dẫn con đến Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng, thì có 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà đề nghị gia đình rút đơn.

Một trong những yêu cầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đặt ra đối với các Phòng GD&ĐT là rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. 

Ngày 8/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét nơi ở đối với Hoàng Thị Nga (SN 1975, trú khóm Vĩnh Thành, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công an phường Gia Hội (TP Huế) đã nhanh chóng xác minh, làm rõ người chuyển nhầm là anh Trần Đức Minh (SN 1991, trú phường Gia Hội). Ngay sau khi xác minh làm rõ, Công an phường Gia Hội đã mời anh Minh đến trụ sở và tiến hành các thủ tục trao trả lại số tiền 160 triệu đồng…

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 1,578 tỷ đồng, trong đó 6 gói thầu thiệt hại trên 100 triệu đồng với tổng giá trị 1,477 tỷ đồng… Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại 2-3% giá trị hợp đồng và Đức đã giao Nhật quản lý số tiền trên.

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Vũ Nam (SN 1986, cựu Phó trưởng Phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nam được xác định đã làm trái quy định gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文