Gác lại lễ hội để hướng đến những cơ hội

11:05 25/02/2021
Nếu chỉ nhìn vào con số 7.966 lễ hội trong năm và nghĩ đến một mùa xuân đang quyết liệt chống dịch, chúng ta không khỏi băn khoăn. Ngay cả những người dân chưa hề biết đến một tour du lịch nào nhưng lại chẳng bao giờ bỏ hội làng chứ chưa nói đến sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tổ chức bấy lâu nay.


Mỗi người phải gác lại cả niềm vui riêng, cả lợi ích chung để dập tắt dịch bệnh cũng giống như tinh thần "tiêu thổ kháng chiến" của thế hệ cha anh năm xưa đánh giặc.

Mùa xuân thứ hai vắng tiếng trống hội làng, mùa xuân thứ hai các em học sinh chưa thể đến trường, một số hoạt động kinh doanh hàng quán của Hà Nội phải đóng cửa; toàn tỉnh Hải Dương phải cách ly xã hội từ 0h ngày 16/02/2021 và bao địa phương khác đang thực hiện các biện pháp quyết liệt… Đã hơn một lần phải giãn cách xã hội, từng người dân phải thu hẹp bán kính hoạt động của mình, nhưng có lẽ đây cũng là thời điểm để mỗi chúng ta có dũng khí thay đổi, không chỉ duy trì mà còn tạo ra hướng đi mới.

Tinh thần của Chỉ thị số 48 ngày 9-12-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đi vào cuộc sống bằng những suy nghĩ và hành động thiết thực trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Chúng ta nhận ra những thói quen lãng phí tiền bạc, phù phiếm bấy lâu nay và tập trung vào những việc làm thiết thực với bản thân, với gia đình hơn và chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng, các hoạt động cưới xin, ma chay được tổ chức với quy mô hợp lý.

Khi xuất hiện đại dịch COVID-19, "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) đã được đẩy mạnh, thu hút sự quan tâm của công chúng. Theo tác giả Hà An (Báo CAND): "Trước khi COVID-19 bùng phát, chỉ 20% doanh nghiệp để ý đến chuyển đổi số. Sau 6 tháng, có đến hơn 70% doanh nghiệp chú ý đến quá trình này và trên 50% doanh nghiệp đang thực hiện". Sự thay đổi không chỉ giúp các doanh nghiệp đối phó được khó khăn trước mắt mà còn mở ra một trang mới với những tiện ích từ nhiều phía.

Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội là một trong những đơn vị tiên phong trong việc cung cấp kiến thức cho học sinh trong những ngày nghỉ tránh dịch.

Cơ hội thay đổi, vượt khó có thể bắt đầu từ những sáng kiến nhỏ nhất của từng cá nhân, cho thấy sự đồng lòng của mọi người dân như câu chuyện bán phở qua ròng rọc của ông Lê Hoài Nhân (chủ quán phở Nhân ở quận Tân Phú - Thành phố Hồ Chí Minh); Grab Việt Nam triển khai sáng kiến số hóa chợ truyền thống, hỗ trợ các tiểu thương tại các chợ truyền thống khắp cả nước chuyển sang mô hình kinh doanh trên nền tảng online của GrabMart; sáng kiến "Shipper" mang bài tập, "Tiếng kẻng học bài" hỗ trợ học sinh học trong mùa dịch của Đoàn thanh niên ở nhiều địa phương trên cả nước…

Cơ hội đến với nhiều ngành còn là việc khắc phục những hạn chế vốn có và hoàn thiện mình. Từ người có ý tưởng, tạo ra sản phẩm và cả người sử dụng, thụ hưởng cũng cần thay đổi để phù hợp với thực tế. Có thể lấy một vài ví dụ. Trong những năm gần đây, ngành Du lịch đã có sự phát triển mau lẹ. 

Theo một con số thống kê của Tổng cục Du lịch: "Về khách quốc tế đã tăng 72 lần, từ 250 nghìn lượt của năm 1990 lên 18 triệu lượt của năm 2019. Về khách du lịch nội địa tăng 85 lần, từ 1 triệu lượt vào năm 1990 lên 85 triệu lượt vào năm 2019. Về tổng thu từ khách du lịch, năm 1990 đạt 1.340 tỷ đồng thì đến năm 2019 đã đạt 755 nghìn tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD). Tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GDP cũng tăng từ 3,26% năm 2000 lên 9,2% vào năm 2019". 

Nhưng, bên cạnh những thành công, bản thân "ngành công nghiệp không khói" này cũng cần có những điểm phải hoàn thiện. Tác giả Thành Nam (Báo Nhân dân) từng nêu rõ những bất cập: "Một tỷ lệ lớn cơ sở lưu trú mọc lên theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, khai thác theo kiểu tận thu, dẫn đến tình trạng kinh doanh chộp giật. Thậm chí có tình trạng "chạy sao" từ khách sạn hạng thấp lên thứ hạng cao hơn trong khi chất lượng không tương xứng. Hậu quả là có tình trạng khách sạn mọc lên thiếu quy hoạch, phá vỡ cảnh quan đô thị, gây sức ép lên các cơ sở hạ tầng của địa phương, làm giảm sự hấp dẫn của điểm đến du lịch". 

Có thể, với trạng thái bình thường mới, khi thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng tránh, những bất cập lâu nay tại các điểm du lịch sẽ được hạn chế, hạ tầng được tu bổ, chỉnh trang. Trong thời gian chờ đợi các tour du lịch hoạt động trở lại, mỗi vị khách sẽ có thời gian tìm hiểu thông tin về điểm đến thay vì thói quen tham quan theo phong trào, dâng sao, giải hạn, cúng bái… để tiếp tay cho các dịch vụ tâm linh ồ ạt xuất hiện.

Tương tự như ngành Du lịch, ngành Giáo dục cũng đã có những thay đổi trong chương trình, hình thức dạy học, đi sâu vào thực hành, vận dụng; hình thành sự chủ động của người học… Các thầy cô giáo đã sáng tạo trong việc xây dựng chương trình dạy học trực tuyến, đã có các dự án triển khai trường học thông minh. Bản thân sự gắn kết nhà trường - gia đình - xã hội cũng có những điều chỉnh. 

Cha mẹ học sinh phải đối mặt với khó khăn trong việc phối hợp quản lý, giám sát học sinh cùng với nhà trường. Nhưng ở một phương diện khác, các phụ huynh sẽ phải quan tâm đến con em mình, được gắn thêm trách nhiệm trong giáo dục con trẻ. Qua những buổi "học" online cùng con, chúng ta sẽ thấu hiểu cả những vướng mắc, khó khăn, những hạn chế… thay vì coi nhà trường vĩnh viễn là nơi trông trẻ, là nơi phó mặc trách nhiệm theo kiểu khoán trắng.

Ngày 1-2, tỉnh Phú Thọ đã ban hành quyết định dừng tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan.

Cơ hội cũng là cảnh giới để từng con người hoàn thiện mình bằng một phép thử đặc biệt. Nhưng câu chuyện đáng trách như việc chị Hoàng Thị Th (giáo viên Trường THPT Trần Nguyên Hãn - Hải Phòng) về ăn Tết tại Hải Dương nhưng khai báo ở Hà Nội; chị N.T.P.T (19 tuổi, trú tại thôn Thanh Bình, xã Việt Dân, TX. Đông Triều) thuê thuyền sang Quảng Ninh trốn chốt kiểm soát; ông Phạm Văn Q. (41 tuổi, ngụ khu đô thị Ecorivers, P. Hải Tân, TP. Hải Dương) dù đã có tiếp xúc với đối tượng F1 (sau đó chuyển thành F0) nhưng không khai báo y tế (sau đó bị phạt 15 triệu đồng)… còn  nói lên ý thức vì cộng đồng, về sự trung thực của mỗi con người mà trong cuộc sống thường ngày chúng ta không dễ dàng nhận ra.

Từ những điều đã bàn luận, bản thân mỗi chúng ta cần tìm ra cách tiếp cận, thích nghi và lan tỏa suy nghĩ, hành động trong trạng thái bình thường mới.

1. Thiết nghĩ, ở thời điểm lịch sử nào, ở hoàn cảnh sống nào, con người cũng không chỉ tồn tại, phát triển mà còn hình thành một văn  hóa ứng xử, giao tiếp, tương tác trong cộng đồng. Nếp sống lành mạnh, trung thực, tương thân tương ái đã phát huy giá trị tốt đẹp trong quá khứ thì giờ đây trước những thử thách mới vẫn nguyên giá trị. “Bình thường mới” phải chăng cũng là trở lại với những giá trị đã đánh mất bấy lâu nay bởi những guồng quay của mưu sinh, tham vọng không giới hạn trong cuộc sống.

2. Trong những ngày giãn cách xã hội, với trạng thái luôn cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh cũng là cơ hội để gắn kết mối quan hệ gia đình, tăng "sức đề kháng" cho từng "tế bào xã hội" mà các nhà xã hội học từng cảnh báo. Sự hướng nội với gia đình không hề tạo ra sự ích kỉ, bàng quan xã hội mà ngược lại, giúp chúng ta đồng cảm với hành xóm, làng giềng, với cộng đồng xã hội, hàn gắn những rạn nứt bấy lâu. Đó cũng là cơ hội để tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống, để đạt đến hạnh phúc.

3. Trạng thái “bình thường mới” giúp mỗi người nhận ra giá trị cuộc sống. Chúng ta thường nhắc đến cách tận hưởng cuộc sống của người phương Tây như việc dành phần lớn thời gian, tiền bạc cho trải nghiệm, thăm thú thay vì tích lũy tài sản cố định như người Á Đông. Tuy nhiên, bản chất của triết lý ấy cũng có nhiều cách tiếp cận khác nhau. 

Đi nhiều, biết lắm, nhưng bản thân chúng ta đã hiểu kĩ, đã nhận ra đầy đủ giá trị sống hay chưa bởi chất lượng của vốn sống cũng không kém phần quan trọng. Phải chăng, việc thấu hiểu lịch sử của quê hương, bản quán, của đất nước, của từng tấm gương trong xã hội cũng là một hành trình dài, thách thức mỗi con người thay vì chỉ biết đi, check in, live stream…

Bấy lâu, chúng ta hướng đến các lễ hội như một sự cầu mong may mắn, sự thay đổi số phận hay đơn giản là để giải tỏa những căng thẳng sau một năm làm việc vất vả. Gác lại những lễ hội để đón nhận những cơ hội mới cũng đầy đủ sự háo hức, bất ngờ, hứa hẹn những thắng lợi cho mỗi con người.

Lâm Việt

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文