Ghen cả trời xanh trong mắt nhau

14:53 10/09/2020
Tạo hóa đã trao cho loài người một món quà rất đặc biệt, đó là tình yêu. Nhưng tạo hóa cũng đồng thời gửi kèm thêm một thứ gia vị vô cùng rắc rối, đó là những cơn ghen. Dường như với liều lượng vừa đủ, ghen tuông cũng là một thứ mật ngọt của ái tình. Nhưng ghen tuông quá mức hay mù quáng thì lại trở thành kẻ thù của tình yêu, có thể giết chết tình yêu bất cứ lúc nào.


Những cung bậc của ghen tuông đã đi vào văn chương từ Đông sang Tây, cổ kim đều có chuyện. Và còn rất nhiều sự phiền toái nữa khi cái ghen không chỉ thuộc về người mà còn nằm cả trong trời đất, không chỉ nằm trong câu chuyên của những lứa đôi mà còn là vấn đề của cả xã hội, đôi khi liên quan đến cả văn hóa, lịch sử của cộng đồng...

Khi người nam ghen

Người Việt trong một lịch sử rất dài của thời phong kiến dường như quen thuộc với việc người nữ ghen hơn là người nam ghen. Điều này theo tôi có mấy lí do. Một là, xã hội xưa thường trọng nam khinh nữ, trao cho đàn ông nhiều quyền tối thượng, lại được phép lấy nhiều vợ, người vợ thì luôn phải phụ thuộc người chồng. Trong gia đình luôn là phu xướng phụ tùy. Thế nên ít có những tình huống phải đẩy người đàn ông vào trạng thái ghen. 

Hai là, với một tiền đề như trên, người đàn ông có tâm lí nhận định việc ghen tuông là chuyên vặt vãnh, chuyện của đàn bà, chỉ đàn bà thì mới ghen, mới làm các việc nhỏ. Còn đàn ông phải làm các việc lớn, xây dựng công danh sự nghiệp lưu vào sử sách, nên đừng dính vào chuyện ghen tuông. Thế nên nếu rà soát trong văn học dân gian cũng như văn học thời trung đại của người Việt, sẽ rất khó có thể tìm thấy những ngữ liệu về việc đàn ông ghen. Phải cho đến nửa đầu thế kỷ XX, khi làn sóng phương Tây thổi tới, tôi mới bắt gặp những câu thơ về đàn ông ghen. 

Thi phẩm nổi tiếng của thời kỳ Thơ Mới được Trọng Khương phổ nhạc thành ca khúc nhiều người biết tới là bài Ghen của Nguyễn Bính: "Cô nhân tình bé của tôi ơi/ Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười/ Những lúc có tôi và mắt chỉ/ Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi/ Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai/ Đừng hôn dù thấy đóa hoa tươi/ Đừng ôm chiếc gối đêm nay ngủ/ Đừng tắm chiều nay biển lắm người...". 

Thi sĩ bằng thủ pháp cường điệu dường muốn đẩy sự sở hữu trong ái tình của mình lên đến tận cùng: ghen với những vật vô tri như hoa - gối, ghen cả với những người không quen biết, ghen cả với giấc mơ của người yêu. Thế nhưng những cái ghen có vẻ cực kỳ "vô lí" ấy chắc chắn không làm người con gái khó chịu, mà lại toát ra một vẻ đáng yêu, dễ thương bởi rút cục nó chỉ muốn bộc lộ trái tim yêu của kẻ cuồng si. 

Một thi sĩ cùng thời với Nguyễn Bính là Đinh Hùng cũng có bài thơ "Hờn giận", chàng ghen với thiên nhiên vây quanh người mình yêu và ngờ rằng trong mắt cô gái còn bóng dáng người nào khác: "Anh hận bình minh ngờ nắng hồng/ Hờn ghen bao nhiêu hoa mùa xuân (...) Oán cả không gian thù cả mộng/ Ghen cả trời xanh trong mắt nhau/ Em đến hôm nào mưa trên vai/ Chiều thu, sương đượm nét mi dài/ Nụ cười rung cánh hoa hờn giận/ Trong mắt em còn bóng dáng ai". 

Rất lâu sau thời kỳ Thơ Mới, tôi mới lại bắt gặp cái ghen của đàn ông trong thơ Cao Xuân Sơn: "Hai bóng người lướt thướt/ Dìu nhau ngoài mưa rơi/ Trong ô cửa kính nhỏ/ Ai ngồi kia đơn côi/ Ghen với cả ba người/ Tôi run như cửa kính" (Khuya mưa, 1990). Cái ghen của Cao Xuân Sơn là cái ghen trong cô đơn im lặng, ghen không phản ứng bằng hành động, chỉ có niềm cảm xúc dâng trào tự chảy ngược vào lòng mình.

Hình mang tính minh họa - nguồn internet.

Khi người nữ ghen

Trong cảm thức người Việt, ghen tuông gắn với tâm sinh lý người phụ nữ như một chuyện đương nhiên, tất yếu. Tinh thần này đã đi vào những câu ca dao quen thuộc: "Ớt nào là ớt chẳng cay/ Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng/ Vôi nào là vôi không nồng/ Gái nào là gái có chồng chẳng ghen". 

Nhưng ghen tuông mà trở thành điển tích trong văn học người Việt thì không thể kể đến cơn ghen của Hoạn Thư trong "Truyền Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du. Cái ghen của Hoạn Thư nổi tiếng đến mức trở thành câu tục ngữ: "Ghen như Hoạn Thư". Khi biết tin chồng là Thúc Sinh đang chung sống với Thúy Kiều, Hoạn Thư thuê bọn côn đồ Ưng Khuyển sang tận Lâm Truy bắt cóc Kiều, ra một trận đòn phủ đầu, rồi biến kiều thành kẻ hầu người hạ trong nhà, sai đánh đàn hầu rượu cho vợ chồng Hoạn - Thúc: "Bắt khoan bắt nhặt đến lời/ Bắt quỳ tận mặt bắt mời tận tay (...) Bốn dây như khóc như than/ Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng/ Cùng trong một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm". 

Cũng trong thời trung đại, nhìn sang văn học Trung Hoa có điển tích nổi tiếng "Sư tử Hà Đông". Chuyện kể rằng, Trần Tạo thời Tống mở tiệc tại nhà, ngoài bằng hữu còn có các ca kỹ, vũ nữ cùng tham dự. Vợ Trần Tạo là Liễu Thị có tính hay ghen, nghi ngờ trong đám ca kỹ có kẻ muốn chiếm đoạt chồng mình, bèn cầm gậy xông ra vụt lấy vụt để vào tường vào phản, vừa vụt vừa kêu la ầm ĩ. Các quan khách cùng mỹ nữ thảy đều tìm đường rút lui. Trần Tạo sợ vợ chỉ biết khoanh tay đứng im nhìn. 

Được tin này, Tô Đông Pha đề thơ tặng bạn: "Hốt văn Hà Đông sư tử hống/ Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên" (Bỗng nghe sư tử Hà Đông gầm/ Chiếc gậy vung lên khiến cho mọi người ngơ ngác). Chữ "Hà Đông" ám chỉ Liễu Thị bởi thơ Đỗ Phủ có câu: "Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu" (Hà Đông có người nữ họ Liễu). Cụm từ "Sư tử Hà Đông" đã đi vào tiếng Việt và trở thành một thành ngữ để miêu tả cơn ghen kinh hoàng của người nữ, vô tình trùng địa danh Hà Đông của Việt Nam (nay là quận Hà Đông thuộc Thủ đô Hà Nội).

Thi ca Việt Nam hiện đại có nhiều bài, nhiều câu đặc sắc về cái ghen của người nữ, hoặc do người nữ viết về cơn ghen. Có những cơn ghen lặng lẽ: "Hờn ghen là một chiếc lá/ Ngỡ đã tắt gió trong lòng" (Bài hát về năm chiếc lá - Dạ Thảo Phương), "Buồn vui thì cũng ướt mèm/ Em như vạt nắng hờn ghen bỏ rừng" (Hà Huyền Chi). 

Nhưng cũng đầy những cơn ghen dữ dội, quyết liệt: "Người đàn bà làm thơ/ Ghen như con hổ cái/ Gầm gừ như man dại/ Canh ánh mắt nụ cười/ Chỉ vì yêu anh thôi" (Ghen - Vũ Thị Minh Nguyệt), "Ghen như sôi và giận như điên/ Người đàn bà với trái chín trên tay vừa bị rớt xuống đất/ Ghen như sôi và yêu như điên/ Người đàn bà với ước mơ đang thành sự thật/ Anh, dễ thương như cây và hiền lành như đất/ Trong tay những kẻ chẳng yêu vườn" (Chiến tranh - Đoàn Thị Lam Luyến).

Khi trời đất ghen

Tư tưởng "tài mệnh tương đố" không còn xa lạ gì trong quan niệm thời xưa. Ý rằng, những người có tài có sắc thường chịu sự đa đoan của số phận bởi trời đất ghen tuông. 

Trương Trào đời Thanh (sinh năm 1650) từng viết trong "U mộng ảnh": "Tài tử mà lại đẹp, giai nhân mà lại biết làm văn đều là không thọ được. Chẳng bởi chỉ vì tạo vật đố kỵ mà vì những con người ấy không phải bảo vật của một thời, mà là bảo vật của cổ kim vạn đại. Cho nên, tạo hóa khôn muốn lưu lại lâu trên đời mà hóa nhàm" (bản dịch Nguyễn Hiến Lê). Nguyễn Du trong Truyện Kiều nhiều lần nhắc đến tư tưởng trời đất ghen này: "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen", "Tài tình chi lắm cho trời đất ghen", "Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh". 

Một mức độ nhẹ hơn của trời đất ghen là thiên nhiên ghen, xuất hiện nhiều hơn trong thơ Việt thời hiện đại: "Chao ôi! Chúng tôi rú lên vì kinh động/ Vì trăng ghen trăng ngã trăng rụng xuống mình hai tôi" (Rượt trăng - Hàn Mặc Tử), "Thảo nguyên mênh mông những cây thông ghen tuông/ Nước mắt ứa ra mùi hăng hắc" (Ngựa đêm - Phan Huyền Thư), "Ô kìa trời sao mà cũng ghen/ Bắt đầu nghẹn ngào như tức thở" (Đêm tình yêu - Việt Phương).

Xin được trở lại với cái ghen trong tình yêu. Có một bài hát nhạc Nga rất phổ biến ở Việt Nam với cái tên "Chàng trai khó tính". Nguyên tác, bài hát vốn là một bản nhạc chủ đề trong bộ phim "Những sĩ quan", do Hãng phim truyện Goorky của Liên Xô sản xuất năm 1971. Điều đặc biệt là khi được đặt lời Việt, nội dung ca từ đã khác hoàn toàn so với ban đầu. 

Thế nhưng bài hát được đón nhận vô cùng nồng nhiệt, nhất là trong giới sinh viên, bởi sự đáng yêu trong những diễn đạt về cái ghen tình ái: "Ngày ra đi hẹn sẽ quay về. Người yêu ơi xin vẹn giữ câu thề. Đừng quen ai dù trai hay gái. Đừng đi với ai ngoài anh em nhé. Đừng trao thư hoặc nắm tay người. Đừng nhìn chung một ánh trăng ngời. Đừng say mê lời thơ đắm đuối. Đừng tha thiết nghe nhạc khúc u buồn (...) Bạn thân ơi hãy nhớ lấy lời. Người yêu tôi bạn đừng ngó hay cười. Đừng sang chơi nhà khi tôi vắng, đừng đưa nón che dù mưa hay nắng. Đừng khen chê màu mắt nhung huyền. Cùng người thân bạn hãy nhắc cho rằng. Đừng ai yêu người con gái ấy. Vì đó chính là người tôi yêu rồi...".

Đỗ Anh Vũ

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải”. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hôm 28/4, tỷ phú Elon Musk đã bất ngờ tới Bắc Kinh và gặp gỡ Thủ tướng Lý Cường. Đây là lần thứ ba ông Elon Musk đến Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, trong vòng chưa đầy một năm. 

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, những cái chết đau đớn do tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên liên tiếp xảy ra, đang trở thành nỗi ám ảnh đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, nếu gia đình và nhà trường không có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì ý nghĩ tự tử trong giới trẻ sẽ có dấu hiệu gia tăng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文