Giải thưởng văn hóa nghệ thuật: Bảng "phong thần" rớt giá

08:13 02/02/2018
Các giải thưởng nghệ thuật bây giờ nở rộ như nấm sau mưa, giải này na ná giải kia và chất lượng thì ngày càng trượt dốc thảm hại. Dịp cuối năm cũ và đầu năm mới là dịp để các giải thưởng nhộn nhịp vào mùa. Điểm sơ sơ cũng có đến hơn 20 giải trong một năm và con số này không ngừng tăng lên...


Nhiều, nhảm, nhạt

Mai Quỳnh Nga

Festival kỷ niệm 20 năm Làn sóng xanh diễn ra vào tối 12-1, Sân vận động Quân khu 7 vắng hoe. Sát giờ biểu diễn nhưng cả khán đài rộng mênh mông chỉ lác đác vài tốp khán giả co cụm. Khu vực thảm đỏ càng bi đát hơn. Rất nhiều “giọng ca vàng” gắn bó nhiều năm với Làn sóng xanh như Cẩm Ly, Lam Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Đan Trường, Thanh Thảo, Hồng Ngọc... không đến dự dù trước đó, tên tuổi họ được quảng bá rầm rộ trong danh sách ca sĩ, hứa hẹn làm sống lại hoài niệm đẹp đẽ. Phút công bố người thắng giải cũng chẳng thấy ai lên nhận. Người ta buồn, người ta tiếc bởi một giải thưởng có thương hiệu 20 năm như Làn sóng xanh phải đối mặt với thực tế bẽ bàng, xót xa như vậy.

Không chỉ Làn sóng xanh, giải Mai Vàng cũng bị đoàn phim “Lô tô” gửi đơn xin ra khỏi bảng đề cử. Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường, Lệ Quyên, Cẩm Ly, Thành Lộc... nằm trong danh sách ngôi sao thường xuyên nói “không” với các giải thưởng bởi họ bị “bội thực” hoặc “dị ứng”.

Các giải thưởng nghệ thuật bây giờ nở rộ như nấm sau mưa, giải này na ná giải kia và chất lượng thì ngày càng trượt dốc thảm hại. Dịp cuối năm cũ và đầu năm mới là dịp để các giải thưởng nhộn nhịp vào mùa. Điểm sơ sơ cũng có đến hơn 20 giải trong một năm và con số này không ngừng tăng lên.

Ngoài giải thưởng truyền thống như Mai Vàng, Làn sóng xanh, Cống hiến, HTV Awards, Ấn tượng VTV, Ngôi sao xanh, Cánh diều... thì còn có hàng loạt các giải thưởng tôn vinh sản phẩm nghệ thuật trực tuyến như Zing Music Awards, Vpop 20 Awards, Pops Awards... Mới đây còn có thêm giải Keeng Music Awards nhằm tôn vinh các nghệ sĩ trẻ dưới 30 tuổi có cống hiến cho âm nhạc.

Chi Pu nhận giải Nghệ sĩ đột phá.

Cứ dăm ba ngày người ta lại thấy gương mặt nghệ sĩ quen thuộc xuất hiện ở giải này, giải kia. Chẳng hạn ở lĩnh vực nhạc trẻ thì Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Hương Tràm, Vũ Cát Tường, hài thì Trường Giang, Trấn Thành... liên tục "quét" hết giải thưởng này đến giải thưởng khác với những hạng mục giông giống nhau như “Nghệ sĩ xuất sắc nhất”, “Nghệ sĩ của năm”, “Nghệ sĩ được yêu thích nhất”....

Có nghệ sĩ năm nào cũng xuất hiện đến chai mặt. Chẳng hạn Tùng Dương xuất hiện ở giải Cống hiến gần chục lần. Đã không có Tùng Dương thì thôi, nếu Tùng Dương đã có mặt ở bảng đề cử thì thể nào anh cũng ẵm luôn giải. Vì đã sưu tập đủ bộ giải thưởng, vì phát ngượng với những lần lên nhận giải, nhiều nghệ sĩ chủ động từ chối.

Thế nhưng, dù ca sĩ Mỹ Tâm thẳng thừng tuyên bố từ chối tham gia tất cả giải thưởng trong nước để nhường chỗ cho tài năng khác, tên cô vẫn liên tục xuất hiện. Tìm đỏ mắt, Ban tổ chức cũng không thấy ai xứng đáng ở hạng mục đang bị trống, người ta lại “cố đấm ăn xôi” đề tên cô vào. Đến khi xướng tên, như thường lệ, MC cáo lỗi “Mỹ Tâm bận lưu diễn nên không đến nhận cup được”.

Thiếu gương mặt ngôi sao, các giải đành vét nghệ sĩ trẻ. Nếu chọn nghệ sĩ trẻ có nhiều cống hiến trong năm thì không có gì phải bàn cãi. Đằng này lại là nghệ sĩ trẻ chẳng ai biết mặt mũi, tài năng ra sao. Đến dự giải thưởng âm nhạc, đặc biệt là giải thưởng âm nhạc thị trường số, có người cứ ngỡ như mình đến dự giải thưởng của Malaysia. Tên ca sĩ, nhạc sĩ toàn theo kiểu khó nghe, khó đọc: Karik, Orange, Mr Siro, Erik, JustaTee, Min, Hagi, S.Tee, Xesi, S.T... Những cái tên mà đa phần người ta trố mắt hỏi nhau: nghệ sĩ đó là ai?

Tôn vinh nghệ sĩ vướng scandal là một cách để các giải thưởng gây sự chú ý. Hồi còn dính vô số lùm xùm từ nghi án đạo nhạc, Sơn Tùng M-TP vẫn nghiễm nhiên được xướng tên ở giải thưởng âm nhạc được ví là Grammy của Việt Nam. Chưa hết, anh chàng tiếp tục gặt hái giải “Nam nghệ sĩ được yêu thích nhất” ở không ít giải thưởng cùng năm.

Trường Giang và Trấn Thành liên tục dính thị phi về phát ngôn xem thường bạn diễn, xem thường khán giả, thế nhưng hầu hết giải thưởng đều có tên hai nhân vật này trong bảng đề cử. Sự việc Trường Giang cướp sóng truyền hình trực tiếp ở giải Mai Vàng để cầu hôn Nhã Phương không chỉ là chuyện cá nhân mà nó gián tiếp phản ánh Mai Vàng tôn vinh nhầm người.

Đến nhận giải nhưng Trường Giang lại ăn mặc xộc xệch, chạy nhào lên sân khấu như chốn không người. Nhiều khán giả bức xúc cho rằng Ban tổ chức Mai Vàng nên tước giải “Nam diễn viên sân khấu xuất sắc nhất” và giải “Diễn viên hài xuất sắc nhất” vì anh "không đủ tư cách đạo đức".

Zing Music Awards năm nay khiến người ta ngỡ ngàng vì cả 4 hạng mục đều có cái tên Chi Pu. Cô được đề cử trong hạng mục  “Music Video của năm” (dành cho MV “Từ hôm nay”), “Nghệ sĩ mới của năm”, “Ca khúc Dance/Electronic được yêu thích” (cũng cho ca khúc “Từ hôm nay”) và “Nữ ca sĩ được yêu thích”.

Ắt hẳn ban tổ chức và dư luận không hề quên vô số ồn ào, tranh cãi trong suốt 3 tháng Chi Pu đi hát. Giới chuyên môn đồng tình gật đầu: Chi Pu không phải là ca sĩ như cô tự nhận vì khả năng hát hò chưa đủ đô. Thế mà, ở một giải thưởng có hội đồng chuyên môn toàn nhạc sĩ có tiếng lại để một cô gái chưa đủ tầm ca sĩ và lắm thị phi lọt vào 4 hạng mục (!?). Khủng khiếp hơn khi tại giải thưởng có cái tên lạ hoắc V Live Award của kênh giải trí V Live diễn ra ngày 19-1, Chi Pu đoạt giải “Nghệ sĩ đột phá”.

Thế mới thấy, giải thưởng không còn là nơi tôn vinh lao động nghệ thuật một cách đúng nghĩa, không còn là bảng phong thần thiêng liêng mà nghệ sĩ ao ước được chạm vào. Nói như nhạc sĩ Tôn Thất Lập, giải thưởng giờ đây là một cuộc chơi, một gameshow với nhà tài trợ đứng phía sau. Cán cân của nó nghiêng hẳn về phía giải trí - thị trường mà ngó lơ chuyên môn – nghệ thuật. Nếu giải nào phụ thuộc vào lá phiếu bình chọn của khán giả thì giải thưởng ấy nhanh chóng trở thành cuộc chiến của fan. Và việc mua lá phiếu, gian lận tin nhắn bình chọn chẳng phải điều quá khó.

Tiêu chí chọn lựa nghệ sĩ để vinh danh của Keeng Music Awards rất đơn giản. Đó là lượt nghe, lượt xem, tải về của người dùng trên mạng xã hội, trang nghe nhạc trực tuyến. Theo tiêu chí này, Lệ Rơi mà ẵm giải thì không có gì phải bàn cãi?

Nhạc sĩ Trần Minh Phi từng cho rằng hầu như không có giải thưởng âm nhạc nào ở Việt Nam uy tín hết vì kết quả bình chọn của khán giả khó có thể tin tưởng, còn điểm số của hội đồng chuyên môn thì không bao giờ minh bạch, công khai. Các Ban tổ chức giải thưởng cứ ngỡ mình khái quát được đời sống văn hóa nghệ thuật năm qua nhưng khi trao chiếc cup cho nghệ sĩ được tôn vinh, họ không hay biết rằng rằng góc nhìn của mình khá hạn hẹp, vì nó chìm khuất trong mớ lợi nhuận khổng lồ.

Ca sĩ Ánh Tuyết: Giải thưởng mượn danh nghệ sĩ để kinh doanh

Phan Thi Uyên (ghi)

Các giải thưởng bây giờ đa phần đều do một tờ báo, trang mạng điện tử hoặc một tổ chức cá nhân nào đó tổ chức ra chứ ít giải thưởng của nhà nước. Mang tiếng là khán giả bình chọn hoặc có dàn giám khảo, hội đồng chuyên môn nhưng lắm giải do Ban tổ chức sắp đặt để phục vụ ý đồ của mình.

Đáng lẽ người ngồi ghế giám khảo phải là những nghệ sĩ tên tuổi, có đẳng cấp và uy tín thì người được trao giải mới thuyết phục công chúng. Đằng này, ai cũng có thể làm giám khảo. Có giải thưởng mời nhà báo bầu chọn. Nhưng có mấy nhà báo am hiểu về âm nhạc, am hiểu lý luận phê bình âm nhạc mà bầu với chọn? Tôi được biết không hiếm nhà báo ngồi chấm là fan của nghệ sĩ này, “gà” của nghệ sĩ kia.

Là nghệ sĩ, ai mà không thích mình được tôn vinh, xướng tụng? Nhưng cái quan trọng là mình có xứng đáng với sự tôn vinh đó hay không? Giải thưởng đó là giải thưởng nào, có uy tín, danh giá hay không? Tôi thấy nhiều người nhận giải không hề xứng đáng.

Hồi trước, nghe một nữ ca sĩ hát live trong đêm tôn vinh, trao thưởng, tôi sửng sốt tự hỏi vì sao cô ấy đoạt giải. Cô hát hụt hơi, chênh phô đủ kiểu. Kiểu tôn vinh này rất tai hại vì nó khiến khán giả nhầm lẫn các giá trị. Ban tổ chức dắt mũi thị hiếu khán giả, ấn định khán giả thích cái gì bằng những giải thưởng sắp đặt. Một số nghệ sĩ ra sức chi tiền mua giải, vin vào giải để đánh bóng tên tuổi. Ban tổ chức thì bám vào tên tuổi nghệ sĩ để kinh doanh. Chúng ta chỉ cần ít giải thưởng mà trung thực, chính xác. Tiếc là hiện nay, các giải thưởng như vậy quá hiếm.

Năm 1997, tôi từng từ chối một giải thưởng vì biết họ lợi dụng mình để kiếm chác. Giải tổ chức ở Hà Nội. Mục đích là tôn vinh nghệ sĩ có đĩa bán chạy nhất trong năm đó. Ngoài kỷ niệm chương, nghệ sĩ còn được nhận tiền thưởng trị giá 10 triệu đồng. Trong thư mời ghi rõ là người đoạt giải phải biểu diễn trong đêm trao thưởng để Ban tổ chức quay video.

Một người đàn ông nói giọng Bắc tự xưng là người của Bộ Văn hóa gọi điện thoại cho tôi để xác nhận tôi có tham gia hay không. Tôi thấy giải thưởng này quá mới, lại do Bộ tổ chức nên gọi điện cho mấy chú, mấy bác nhạc sĩ tên tuổi ở Hà Nội để dò hỏi trước khi quyết định. Ai ngờ các bác cũng không hay biết giải thưởng này.

Điều này làm tôi càng nghi ngờ hơn vì một giải thưởng lớn như thế, toàn tên tuổi uy tín được vinh danh mà sao mấy bác không biết. Tôi bèn mời người đàn ông nói tiếng Bắc tới nhà để tiện trao đổi một số vướng mắc vì hỏi hoài mà người này không nó rõ anh ta làm ở bộ phận nào của Bộ, giải này là như thế nào...

Hóa ra người đó là người em đồng nghiệp. Cậu cười khì gãi đầu: Tại em nhận nhiệm vụ mời nghệ sĩ nên mới giả giọng Bắc, ăn nói trịnh trọng như vậy thì chị mới gật đầu. Tôi càng tá hỏa hơn khi biết “chủ xị” giải này là một đồng nghiệp quen thuộc khác. Cậu ta phối hợp cùng Bộ tổ chức để có uy mời các nghệ sĩ nổi tiếng đến nhận giải, từ đó dễ kêu gọi tài trợ và đánh bóng tên tuổi mình. Vụ quay video là để bán đĩa, kinh doanh.

Ngày trao giải, tôi không ra Hà Nội mà nhờ người mang thư tới. Trong thư, tôi xin lỗi vì mẹ bịnh nên không đến dự được. Nhiều nghệ sĩ cũng vắng mặt. Đáng lẽ, nếu là một giải thưởng uy tín thì khi nghệ sĩ cáo bận, không đến dự được thì Ban tổ chức phải chuyển cúp và tiền thưởng cho họ. Đằng này, Ban tổ chức xù luôn dù giải thưởng được công bố trước hàng trăm khán giả.

Ca sĩ Đan Trường: Nghệ sĩ ngày càng mất lòng tin vào các giải thưởng

Hiện nay ai cũng có thể tạo cho mình giải thưởng. Một trang tin điện tử mới thành lập vài tháng cũng có thể lập giải thưởng, rồi dùng hình ảnh nghệ sĩ nổi tiếng để quảng bá cho mình. Bên cạnh đó, quá nhiều giải thưởng chỉ cần nhận kết quả từ tin nhắn, từ phiếu bầu nên dẫn đến không trung thực. Tôi thấy lạ là có ca sĩ, nghệ sĩ trẻ đoạt giải hay vào top 3, top 5 đề cử nhưng khán giả khi nhắc đến lại hỏi họ là ai, đi hát khi nào…

Điều này khiến khán giả và nghệ sĩ ngày càng mất lòng tin vào các giải thưởng. Đó là lý do khiến tôi xin rút lui không tham gia tranh giải.

Đã mấy năm qua rồi, tôi rút lui nhường sân chơi các cuộc bình chọn giải thưởng cuối năm như Làn sóng xanh, Mai vàng, HTV Awards... cho các bạn trẻ chưa có cơ hội chạm tay vào các giải thưởng trên. Ở các giải thưởng âm nhạc trực tuyến, tôi cũng không quan tâm vì đây là sân chơi của đa số các bạn tuổi teen. Tôi càng không muốn tham gia vì thấy rằng nhiều ca sĩ trẻ ít người biết đến, cả tháng chưa có một show diễn nhưng lại có số bình chọn cao, nghĩa là rõ ràng có việc bình chọn bằng "phần mềm".

Do đó, dù được đề cử trong top 5 của một giải thưởng, tôi yêu cầu các fan của mình không tham gia bình chọn. Không ai biết mình bằng mình, nếu mình dùng công cụ kích hoạt để tự bình chọn cho mình, không qua sự kêu gọi từ khán giả một cách cổ truyền, thì tự mình đã giết mình và mình sẽ luôn sống trong ảo tưởng. Đối với tôi, đoạt giải thưởng hay không không quan trọng, mà quan trọng nhất là tôi có được tình cảm yêu mến thật sự của khán giả. Đó là điều hạnh phúc nhất.

Thạc sĩ Quản lý Văn hóa Phạm Thái Bình, Giảng viên Trường Đại học Hùng Vương, TP Hồ Chí Minh: Vinh danh cần dựa trên nhiều tiêu chí khắt khe

Xét về bản chất, các giải thưởng dành cho giới văn nghệ sĩ vô cùng ý nghĩa và đáng được trân trọng. Đây là dịp để tôn vinh những tài năng nghệ thuật của nước nhà. Qua đó, góp phần khích lệ, động viên giới văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo nhằm cống hiến cho xã hội.

Thời gian trước đây, ở nước ta, chỉ đếm trên đầu ngón tay các giải thưởng dành cho giới văn nghệ sĩ như: giải Bông sen vàng (Cục Điện ảnh Việt Nam), giải Cánh diều (Hội Điện ảnh Việt Nam), giải Mai vàng (Báo Người lao động), giải Làn sóng xanh (VOH)... thì hiện nay, đã có trên dưới 20 giải thưởng với quy mô lớn nhỏ nằm rải rác tất cả các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến địa phương như: VTV Awards (VTV); HTV Awards (HTV); giải thưởng Âm nhạc Cống hiến (Báo Thể thao và Văn hóa); giải Ngôi sao xanh (Kênh Today TV); Ngôi sao của năm (Báo điện tử Ngoisao.net); Ngôi sao phương Nam (THVL);.v.v…

Khi mới ra đời, các giải thưởng tạo được niềm tin với công chúng khi chọn lựa và vinh danh những tài năng có chuyên môn thực sự như: Việt Anh, Quyền Linh, Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy, Kim Xuân, Trọng Tấn, Anh Thơ, Tùng Dương… Càng về sau, hầu hết các giải thưởng không làm tốt vai trò so với trước.

Thậm chí, còn để lại những “điều tiếng” không hay, khiến công chúng không “tâm phục, khẩu phục” những người được vinh danh và cũng không mấy “mặn mà” với các giải thưởng này (trong đó có những giải thưởng từng được xã hội quan tâm, ủng hộ như: Mai vàng, Làn sóng xanh, Bông sen vàng, Cánh diều, Cống hiến, VTV Awards , HTV Awards.v.v… ). Những năm gần đây, đa phần các giải thưởng về văn hóa nghệ thuật đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận với biết bao ồn ào, cộng với nỗi thất vọng dành cho người đăng quang.

Điều gì khiến chất lượng và uy tín các giải thưởng ngày càng sụt giảm?

Nhiều ý kiến cho rằng, do thiếu chặt chẽ trong khâu quản lý của Nhà nước khi để các đơn vị tổ chức thao túng, muốn làm gì thì làm. Chỉ vì lợi nhuận, họ sẵn sàng biến người trong cuộc (cả Ban Giám khảo lẫn người được vinh danh) thành những diễn viên trong các giải thưởng, làm theo sự điều khiển của người khác, bất chấp phản ứng của dư luận.

 Mặt khác, nhà tổ chức chỉ dựa theo độ “ăn khách” của các nghệ sĩ, diễn viên trên thị trường giải trí hiện thời để tranh thủ nguồn kinh phí từ phía nhà tài trợ chứ chưa thật sự chú trọng đến uy tín chuyên môn, nhân cách, đạo đức và trình độ giao tiếp, ứng xử của họ với đồng nghiệp, công chúng khi ngồi ghế Ban giám khảo và tham dự các hạng mục đề cử của giải thưởng.

Điều này dẫn đến hệ quả có rất nhiều nghệ sĩ chưa thật sự xứng đáng ở vị trí Ban Giám khảo (xét theo trình độ chuyên môn và nhân cách), nhưng vẫn được chọn lựa; cũng như một người nhận cùng lúc nhiều giải thưởng cho dù họ chưa thuyết phục được dư luận như trường hợp của Trường Giang và Trấn Thành ở giải Mai Vàng trong những năm gần đây chẳng hạn. Vì hai chàng nghệ sĩ này thường có nhiều câu nói hớ, nhiều trò lố và từng bị dư luận chỉ trích là thiếu kiềm chế và “kém duyên” mỗi khi xuất hiện trước công chúng. 

Còn nhớ thời hoàng kim của nghệ thuật Cải lương, công chúng khó quên giải Thanh Tâm (do Nhà báo Trần Tấn Quốc sáng lập) - một giải thưởng không tổ chức thi thố mà do một Hội đồng Giám khảo gồm những thầy tuồng, đạo diễn, ký giả có uy tín xã hội đến tận từng đoàn hát để theo dõi và chọn lựa những nghệ sĩ hội đủ 3 tiêu chí: thanh (làn hơi), sắc (sắc vóc) và đạo đức để trao Huy chương Vàng. Các nghệ sĩ dự giải được đặt trong môi trường sân khấu toàn diện: diễn nguyên tuồng hát trong sự tương tác với tất cả các diễn viên tham gia vở diễn và với người ái mộ. Nhờ sự chọn lựa khắt khe này, mãi đến hôm nay, công chúng vẫn còn tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ những tài năng từng đoạt Huy chương Vàng giải Thanh Tâm như: Diệp Lang, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Lệ Thủy, Ngọc Hương, Mỹ Châu….

Như vậy có thể thấy rằng, thành công của giải thưởng đến đâu, được dư luận quan tâm, ủng hộ đến đâu là phụ thuộc vào Ban tổ chức với cách thức tổ chức, sự công tâm và uy tín của Ban giám khảo. Nói cách khác, giá trị và chất lượng của giải thưởng là hoàn toàn phụ thuộc vào Ban tổ chức. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý nhà nước và Ban tổ chức các giải thưởng nên tham khảo kinh nghiệm vừa nêu trên nhằm hạn chế sự “nhố nhăng”, những tiêu cực trong quá trình tổ chức, để tạo dựng lại uy tín và niềm tin cho giới văn nghệ sĩ và công chúng.
PV

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文