Làng văn giữa chợ văn

09:00 28/06/2012
Từ xa xưa, tao đàn do vua Lê Thánh Tông lập ra còn được người đời trân trọng gọi là "nhị thập bát tú", các nhà thơ được ví với những ngôi sao! Vì sao "làng văn" xưa lại đẹp vậy? Có lẽ vì làng văn chỉ bao gồm những nhà văn thuần chất, họ chỉ lấy mục đích sáng tác là niềm đam mê, là niềm vui sống. Nhân cách của nhà văn thường song hành với tài năng văn chương? Dẫu có nhà văn thái quá coi sáng tạo văn chương là tất cả mục tiêu, là lý tưởng sống của mình!...

Làng văn hay chợ văn?

Trong đời văn, tôi được hai nhà văn cao tuổi yêu quý, đó là nhà văn Đào Vũ và nhà thơ Hải Như. Tôi được hai nhà văn yêu mến tự nhiên. Nhà văn Đào Vũ hơn tôi hai giáp, đã ra đi cách đây 6 năm. Còn nhà thơ Hải Như năm nay 89 tuổi vẫn tráng niên. Ông hiện định cư tại Tp HCM, thỉnh thoảng ông lại điện thoại cùng tôi trao đổi về tình hình văn chương. Buổi sớm Noen năm 2011, ông điện hỏi han công việc của tôi, động viên tôi viết tiếp sau khi khen mạch văn của tôi và trao đổi về đời sống văn chương hiện nay. Đời sống văn chương hiện nay là "làng văn" hay là "chợ văn" chính là điều ông đặt ra. Thú thực với các nhà văn và bạn đọc, tôi đã định ngưng bút sau khi hoàn thành bản thảo tập "Khát vọng nghệ thuật". Nhưng nay bậc đàn anh muốn cùng trò chuyện làm tôi thật khó cầm lòng!

Vâng, khái niệm "làng văn" đã được hình thành trong đời sống văn chương dân tộc hàng trăm năm nay. Đó là ngôi làng của các nhà văn, những người lấy nghiệp văn làm niềm vui sống, sáng tạo và dâng hiến cho đời những tác phẩm văn chương đích thực, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng. Vì vậy "làng văn" được xã hội rất trân trọng, các nhà văn được nhân dân kính trọng và yêu mến! Tên tuổi các nhà văn có kém gì tên tuổi các anh hùng, các vị lãnh đạo xuất chúng. Tên tuổi các nhà văn in đậm trong tâm trí mọi người dân Việt Nam: Tố Hữu, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi...

Đã gọi là làng thì phải có trật tự, có hương ước được mọi người tuân thủ. Tất nhiên, làng văn từ xưa có trật tự nhờ những quy định bất thành văn là chính. Các nhà văn yêu quý và tôn trọng nhau, tôn trọng các trưởng lão. Đó là cách ứng xử văn hóa, như là mẫu mực của cái đẹp. Mọi người ước ao có dịp được gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà văn. Trong tình cảm của mọi người, nhà văn là sự cao đẹp, thiêng liêng. Từ xa xưa, tao đàn do vua Lê Thánh Tông lập ra còn được người đời trân trọng gọi là "nhị thập bát tú", các nhà thơ được ví với những ngôi sao! Vì sao "làng văn" xưa lại đẹp vậy? Có lẽ vì làng văn chỉ bao gồm những nhà văn thuần chất, họ chỉ lấy mục đích sáng tác là niềm đam mê, là niềm vui sống. Nhân cách của nhà văn thường song hành với tài năng văn chương? Dẫu có nhà văn thái quá coi sáng tạo văn chương là tất cả mục tiêu, là lý tưởng sống của mình!

Còn làng văn bây giờ thì sao? Dẫu là cư dân của làng, tôi cũng không thể bênh vực được cho làng mình nữa. Làng đã được đô thị hóa hay là nông thôn hóa? Cơ chế thị trường đã biến nhiều làng thành chợ. Chợ Y tế, chợ Giáo dục... Vậy làng văn có thành chợ không? Cơ chế thị trường là cơ chế buôn bán, mọi điều đều có thể buôn bán chăng? Điều này làm nhiều người chân chính, nhiều nhà văn đích thực rất đau lòng.

Tôi thì cho rằng: Trong chợ văn vẫn có làng văn. Nhìn tổng thể thì đời sống văn chương có thể coi như chợ. Ai vào cũng được, người bán kẻ mua khá tấp nập. Văn chương đủ các loại, từ rau cỏ đến nhung hươu, ngà voi, vàng, kim cương... Tất nhiên rau cỏ vẫn nhiều hơn. Thì đời nào, lĩnh vực nào mà chả thế! Cứ nhìn năm nghìn năm hình thành và phát triển của nhân loại, những tinh hoa để lại vẫn đo đếm, kiểm kê được mà! Hèn gì một lĩnh vực văn chương chỉ trong một giai đoạn của một dân tộc mà thôi! Vì vậy, tôi không vui nhưng cũng chẳng quá buồn. Tôi vẫn nhìn thấy cái làng văn chân chính trong cái chợ văn ồn ào. Các nhà văn chân chính coi văn là nghiệp văn lặng lẽ sống, lặng lẽ viết, có thể in hoặc không in tác phẩm. Họ chính là những cư dân chân chính của làng văn, dẫu có người không có tác phẩm được tung hô. Bao quanh cái làng ấy là những người di cư đến để làm ăn, để buôn bán. Họ là những người làm cho chợ văn ồn ào theo đủ các kiểu, hàng bán không phải là văn với mục đích kiếm lời. Cái chợ ấy là hình bóng của nền kinh tế thị trường, nhà thơ Hải Như ạ.

Thâm sâu và nông cạn

Không phải cứ vẽ là thành tranh, cứ viết là thành thơ, thành truyện... Để thành tác phẩm nghệ thuật đâu phải dễ dàng. Nghệ thuật là cái đẹp, là tinh túy. Sự nhầm tưởng của nhiều người đã dẫn đến những "phong trào sáng tác" làm đông đảo quần chúng dị ứng với văn học nghệ thuật, bởi những sáng tác chưa phải là nghệ thuật cứ lan tràn, đôi khi lại còn được ca ngợi, tâng bốc.

Trước đây, nhiều tác phẩm miêu tả hiện thực được đề cao. Hiện thực thì chưa phải là nghệ thuật, dù hiện thực ấy nhẵn nhụi hay gồ ghề, trật tự hay xô bồ, đơn giản hay phức tạp... Nghệ thuật là tấm gương phản ánh hiện thực, nhưng không phải là tấm gương phẳng, mà là tấm gương lung linh kỳ ảo, nhìn vào nó người ta thấy bóng dáng của hiện thực chứá không phải hiện thực. Danh họa Picasso đã có lý khi ông nói: "Tôi vẽ những điều tôi nghĩ chứ không phải những điều tôi thấy". Những điều ai ai cũng nhìn thấy, đấy là bề ngoài của cuộc sống mà chưa phải là cuộc sống. Hay có thể nói nó là cái vỏ của hiện thực, còn chiều sâu của hiện thực lại ở tư tưởng nghệ thuật và tình cảm nghệ thuật.

Những tư duy nông cạn về nghệ thuật đã dẫn đến việc phá hủy những đình chùa cổ thâm nghiêm để xây dựng một cách lòe loẹt dễ dãi. Tôi đồng tình với một bài viết trên Báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh về khu vui chơi Đại Nam ở Bình Dương. Nhiều công trình đồ sộ, hoành tráng nhưng bị những vần thơ con cóc sơn son thiếp vàng phá hủy! Đấy là văn hóa hay là không văn hóa? Nghệ thuật thật khó lắm thay, xin ai chớ đùa với nó! Đừng trưởng giả học làm sang mà hóa thành kệch cỡm. V.I Lênin vẫn vô cùng vĩ đại khi ông nói: "Có lột da đầu tôi, tôi cũng không làm được một câu thơ!".

Tôi bỗng nhớ đến một câu thơ của Chế Lan Viên: "Mái đình cong cong như bàn tay em múa giữa đêm chèo!". Mái đình cong cong như bàn tay em hay bàn tay em múa cong cong tựa mái đình? Nghệ thuật là từ cuộc sống hay cuộc sống đẹp hơn từ nghệ thuật? Có lẽ là cả hai. Tinh hoa cuộc sống thành nghệ thuật và nghệ thuật làm cuộc sống lên hương! Độ sâu của nghệ thuật khi nó thành cuộc sống và cuộc sống đẹp lên khi được nghệ thuật hóa. Vì thế, nhà thơ Tố Hữu đã viết một câu thơ tưởng bình thường mà thật thâm sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Bác sống như trời đất của ta!".

Đôi lần tôi đã đề cập đến văn chương và cơ chế thị trường. Nhưng thú thực đọc lại những ý kiến đó tôi thấy vẫn còn khiếm khuyết. Văn chương và nghệ thuật giữa cơ chế thị trường phức tạp hơn nhiều. Thì đấy, cuộc sống xã hội cơ chế thị trường có biết bao điều mà những người có đầu óc tưởng tượng phong phú nhất cũng không thể nghĩ ra. Mà nghệ thuật lại là hình bóng của cơ sở kinh tế xã hội. Nên chúng ta sẽ không lạ gì khi có những điều phi nghệ thuật lại được tổ chức nghệ thuật nào đó đề cao, hoặc có những cá nhân có trình độ nghệ thuật rất thấp lại được nắm giữ một vị trí rất cao của những tổ chức nghệ thuật.

Vậy cuộc sống xã hội cơ chế thị trường là sâu sắc hay nông cạn. Văn chương nghệ thuật trong cơ chế thị trường là như thế nào? Trả lời câu hỏi này khó hay dễ? Tôi cho rằng cơ chế nào, xã hội nào nó cũng có sự phong phú và phức tạp, có cả bề mặt và độ sâu. Văn chương và nghệ thuật cũng vậy. Các chế độ xã hội: từ nô lệ, phong kiến hay tư bản chủ nghĩa đều có những thành tựu nghệ thuật rực rỡ. Đó là cốt lõi, đó là bản chất, dẫu như bề ngoài ở chế độ xã hội này có thể đơn giản, ở chế độ xã hội kia có vẻ phức tạp, không có cơ chế nào bó buộc được tài năng con người. Cũng không có cơ chế nào biến hóa thổi phồng được tài năng. Văn chương nghệ thuật ở cơ chế thị trường, nhìn có vẻ đục ngầu, nhưng không phải là không có độ sâu

Đ.Q.T.

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文