Lịch sử của nhân dân

08:49 17/03/2016
Cách đây chưa lâu, NSƯT Thành Lộc có chia sẻ trên trang cá nhân của anh một câu chuyện khá thú vị. Anh bàn về trang phục sân khấu, cụ thể là về vở cải lương "Tiếng trống Mê Linh", với phần phục trang của giặc Đông Hán lại theo kiểu Mãn Thanh với tóc tết đuôi sam, cạo nửa đầu phía trước. Thành Lộc nhấn mạnh rõ ràng rằng, trang phục sân khấu như thế là không đúng với lịch sử và khi dựng lại vở "Tiếng trống Mê Linh", anh có đề xuất hãy phục dựng đúng với phục trang ở thời đại đó. 


Tuy nhiên, nhà sản xuất chương trình ngại rằng khán giả đã quá quen mắt với phục trang “sai lệch” kia suốt nhiều thập niên rồi nên họ có thể sẽ có phản ứng với một thay đổi khá quyết liệt như vậy. Thành Lộc đành chấp nhận lời giải thích đó nhưng anh vẫn luôn canh cánh trong lòng. Sau đó, anh có xem một vở cải lương nội dung tương tự, cũng về thời khởi nghĩa Hai Bà Trưng, do một đoàn cải lương phía Bắc dựng. Anh cảm thấy cách phục trang trung thành với thời đại lịch sử mà đoàn này đã sử dụng rất đẹp, rất thuyết phục.

Tuy nhiên, lại có những khán giả hâm mộ Thành Lộc nên than phiền với anh trên trang cá nhân rằng “phục trang ấy kỳ quá”, khiến Thành Lộc phải giải đáp, và khẳng định rằng: “Như thế mới là đúng, như thế mới là đẹp”.

Gia đình ông Mai Xuân Tập và những người cộng sự ở đảo Lưỡi Liềm, Hoàng Sa năm 1938.

Câu chuyện của Thành Lộc để lại một thông điệp rất đáng suy ngẫm. Đó là từ quá lâu rồi, chúng ta dường như đã bỏ quên lịch sử trong nhân dân, tức là lịch sử trong đời sống, thông qua các câu chuyện thường ngày; thông qua các kênh chuyển tải đa dạng, gần gũi khác nhau… và chỉ cố tập trung vào thứ lịch sử “chính thống”, thứ lịch sử được khẳng định bởi cái tên của các sử gia khác nhau, xem như đó mới là thứ lịch sử đáng tham khảo nhất và độc nhất.

Phải chăng, tình trạng học sinh ngán ngẩm môn lịch sử suốt nhiều năm qua cũng bắt nguồn từ chỗ lịch sử của nhân dân, trong nhân dân đã bị bỏ qua?

Thực tế, loài người cất tiếng nói trước rồi mới bắt đầu tìm cách mã hoá nó thành chữ viết. Bởi thế, lịch sử của loài người được ghi lại sớm nhất phải nhờ truyền khẩu, nhờ vào các loại hình sinh hoạt đa dạng và gần gũi trong đời sống xã hội. Thứ lịch sử phổ biến trong chiều dài tồn tại của nhiều chủng tộc, dân tộc cũng chính là sử thi, tức là đọc lại sử bằng thơ, chứ không phải là những pho sách ghi lại dữ kiện theo đúng quy tắc của một môn khoa học. Thứ lịch sử ấy sống lâu bền hơn mọi thứ lịch sử “chính thống” nào. Và nuôi dưỡng được sức sống mãnh liệt cho thứ lịch sử ấy cũng chính là cách để vun đắp sự trường tồn của một dân tộc, một quốc gia.

Đã quá lâu chúng ta qúa thiếu những sản phẩm, tác phẩm chuyển tải các câu chuyện lịch sử đa dạng, đa dị bản và gần như để cho các sản phẩm kể chuyện sử nước ngoài thống trị trên thị trường nội địa. Chúng ta có thể say mê những thước phim hành động về Diệp Vấn, những thước phim thực ra chính là thứ lịch sử dân dã kể về một thời của nước bạn, qua lăng kính của võ học nhưng chúng ta lại thờ ơ với chính những câu chuyện tương tự như thế của dân tộc mình. Đó gần như là một vết thương lớn, một vết thương kéo dài nhưng vẫn có thể chữa lành nếu chúng ta chịu cứu chữa ngay từ bây giờ.

Cách đây vài hôm, người viết bài này có gặp một cô giáo già đã về hưu, ở tuổi gần bát tuần, tại căn hộ nhỏ của bà thuộc quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Bà đã kể lại câu chuyện về gia đình mình, một gia đình đã sinh sống ở đảo Lưỡi Liềm, quần đảo Hoàng Sa từ khoảng năm 1938 đến năm 1941. Cụ thân sinh của bà đưa cả gia đình ra đó khi ông được đặc phái làm việc một nhiệm kỳ ở trạm khí tượng mới xây dựng vào năm 1938 trên đảo Lưỡi Liềm. Và hai cụ đã sinh một người con gái ở đó, vào năm 1939, với giấy khai sinh được cấp bởi nhà nước bảo hộ khi đó.

Câu chuyện của bà chính là một phần của lịch sử, hay nói đúng hơn, là lịch sử của nhân dân, từ nhân dân, được nuôi dưỡng bởi nhân dân. Bà giáo già tin tưởng rằng vẫn có những gia đình như gia đình bà, ở những nhiệm kỳ sau, sinh sống và thậm chí sinh con đẻ cái ở quần đảo mà chủ quyền không thể chối cãi là của Việt Nam ấy. Bà muốn họ sẽ được tìm ra, cùng kể câu chuyện của gia đình mình, như cách bà đã và vẫn kể cho những ai quan tâm hôm nay.

Sau câu chuyện với bà giáo già, người viết thầm mong ước sẽ có thể tìm gặp càng nhiều gia đình giống gia đình bà càng tốt. Bởi vì chính những dẫn chứng từ họ sẽ giúp xây dựng lên một cứ liệu lịch sử, ít nhất là về một thời, ở một địa điểm thiêng liêng như quần đảo Hoàng Sa.

Lịch sử không khô cứng, lịch sử không khó gần. Nhưng lịch sử sẽ chết nếu chúng chỉ là sử sách. Lịch sử sẽ không bao giờ chết nếu vẫn còn lịch sử truyền lại trong nhân dân, và khởi đi cũng từ nhân dân.

Hà Quang Minh

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文