Mạng xã hội và "hội chứng" chê bai
Những con dao vô hình
Mai Quỳnh Nga
Mới đây nhất, clip Đàm Vĩnh Hưng nói tiếng Anh gửi đến Ban tổ chức Giải thưởng Văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc bị dân mạng đem ra chửi rủa, bỉ bai đủ điều. Họ cho rằng Đàm Vĩnh Hưng nói tiếng Anh tệ hại như thế chỉ tội làm nhục người Việt với bạn bè thế giới. Làn sóng ném đá Đàm Vĩnh Hững dữ dội không chỉ khiến cho ca sĩ này sốc mà ca sĩ người Mỹ Kyo York cũng nổi đóa. Anh cho rằng việc Đàm Vĩnh Hưng mạnh dạn nói tiếng Anh và trình độ nói của Mr Đàm không đến mức phải bị chê cười như vậy.
Quá trình Hoa hậu Phạm Hương, Lan Khuê “chinh chiến” ở hai đấu trường sắc đẹp lớn của thế giới cũng gặp nhiều áp lực vì vấp phải không ít lời chê bai về nhan sắc, cách ứng xử. Nào là miệng rộng, má cao, người gầy thiếu sức sống… Không chỉ người nổi tiếng mà nhiều người có tài cũng bị “lên thớt”. Rầm rộ nhất là vụ Nguyễn Hà Đông với trò chơi trực tuyến Flappy Bird năm 2014 hay vụ điện thoại Bphone đầu năm nay. Trong khi báo chí, giới tin học nước ngoài ca ngợi Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông hết lời, thì trong nước, anh liên tục hứng “gạch đá”.
Khi bị các nghệ sĩ và dư luận phê phán, những người thực hiện chương trình “Những kẻ lắm lời” chống chế rằng chương trình phát sóng trên mạng xã hội như YouTube thì họ có quyền tự do phát ngôn. Vậy nên đủ kiểu chê cười nghệ sĩ từ chuyện trang phục đến đời tư bằng thứ ngôn ngữ tục tĩu vỉa hè. Chưa kể, rất nhiều thông tin vô căn cứ. Họ bảo mục đích của mình là cho vui. Hóa ra lấy khuyết điểm của người khác ra chê cười cũng là kiểu giải trí hay ho!
Chương trình “Những kẻ lắm lời” buộc phải gỡ bỏ vì những chê bai vô lối, xúc phạm nghệ sĩ. |
Đây không phải là suy nghĩ cá biệt. Trong thâm tâm của một bộ phận người trẻ khi lên mạng phỉ báng người khác (có người tự quay clip chê bai với ngôn ngữ cực kỳ rác rưởi), đã tự cho đây là một cách xả stress và làm cho đời vui nhộn. Họ stress và tẻ nhạt vì đâu? Vì quá rảnh! Một bài báo mới đây có cái tít khá sốc: “Những tỉ phú thời gian”. Khổ nỗi, những tỉ phú thời gian này toàn là người trẻ trung, sức lực dồi dào.
Không chỉ săm soi người nổi tiếng mà cả những người quanh mình, đặc biệt là những người mình không quen biết thì tật hay chê càng được phát triển. Họ đâu sợ người ta biết mình là ai. Không gian ảo, tự do phát ngôn của mạng xã hội và sự hùng hậu của đám đông trở thành nơi ẩn náu an toàn cho những người thích “rình” người khác sơ hở để phỉ báng.
Người ta vào trang cá nhân của khổ chủ để tha hồ ném đá. Những cô gái bị tung clip sex vốn dĩ là nạn nhân lại bị lên án là đồ lăng loàn, không biết giữ mình, ngu mà yêu thằng đó… Lời chê bai như những con dao vô hình, nó giết chết một ước mơ, một tài năng, một sự nghiệp hay thậm chí là một sinh mạng. Các vụ nữ sinh tự tử gia tăng do bị tung clip sex, bị ghép hình dung tục… trên Facebook là thực tế đau lòng bắt nguồn từ miệng lưỡi thế gian.
Người hay chê thường đa nghi. Nhìn đâu họ cũng thấy tiêu cực. Liệu cuộc sống như thế có vui, có ích ngoài việc những kẻ thích nổi bằng tai tiếng lợi dụng? Suy cho cùng một số đông cư dân mạng có khác nào hoa thủy tiên trong thần thoại Hy Lạp. Họ chỉ thấy mỗi mình là người hoàn hảo. Chê, a dua ném đá để tỏ mình tốt đẹp hơn người có khó?
Nguyễn Hoàng Tú, nhân viên truyền thông: Lời chê bai gây ra cảm xúc và hành vi tiêu cực
Là một người trẻ, tôi thường hay gặp những lời chê. Riêng mạng xã hội thì tôi thấy rất nhiều. Cứ vào các fanpage ca sĩ Sơn Tùng, Đông Nhi, Angela Phương Trinh thì sẽ thấy. Nếu đó là góp ý để phát triển, để người bị chê nhìn thấy cái mình đang mắc lỗi thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, việc chê bai vô tội vạ chỉ nhằm chứng tỏ mình hơn người khác, hoặc a dua hội đồng để hạ bệ thì đó là điều tệ hại. Mạng xã hội cho mọi người được tự do nêu ý kiến. Nhưng nhiều bạn trẻ sử dụng nó như một công cụ automatic chửi (nôm na là máy chửi). Họ không xét đến bản chất, nguồn gốc câu chuyện mà cứ không ưng là chửi.
Việc này liên quan nhiều đến văn hoá và giáo dục. Bản thân một người có một giáo dục tốt thì cho dù họ có ra ngoài đường hay lên mạng xã hội, dù chê hay khen thì họ vẫn thể hiện sự văn minh trong lời ăn tiếng nói. Có rất nhiều nguyên nhân khiến họ hay chê, nhưng cơ bản là tâm không hướng thiện, đầu óc chưa văn minh và giáo dục chưa tốt. Chê bai không căn cứ, vô tội vạ sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của người bị chê. Cảm xúc tiêu cực sẽ dẫn đến hành động tiêu cực. Các vụ tự tử của giới trẻ có nguyên nhân từ trận “mưa đá” trên mạng xã hội dạo gần đây là một minh chứng.
Nếu không hài lòng về một vấn đề gì đó liên quan đến người khác, tôi sẽ sử dụng cách góp ý. Cơ bản mình không phải là họ, không sinh ra cùng điều kiện, không cùng nhận thức, không cùng trải nghiệm thì khó mà xét đúng sai khi họ hành động như vậy.
Tuy nhiên để góp ý một việc gì đó thì trước hết tôi sẽ nhắc mình chữ T-H-I-N-K (suy nghĩ) gồm: T – True (Nó có phải là sự thật không?) H – Helpful (Nó có lợi ích gì không?), I – Inspiring (nó có tạo ra cảm hứng gì không?), N – Necessary (nó có cần thiết không?), K – Kind (nó có tử tế không?). Đôi khi, sống không phải là để hài lòng hết với mọi người. Nên học cách phớt lờ đi điều tiêu cực. Còn với người có thói hay chê bai, “ném đá”, tôi khuyên họ nên nhớ lấy câu: “Never throw mud. You may miss your mark, but you must have dirty hands” (Joseph Parker) (tạm dịch: Đừng bao giờ ném bùn vào người khác. Bạn có thể ném trật và tay bạn chắc chắn lấm bẩn).
Ca sĩ Kyo York: Người hay chê bai là người không có suy nghĩ sâu sắc
Chê bai thì ở đâu cũng có nhưng tôi thấy một bộ phận không nhỏ người Việt, nhất là giới trẻ rất thích soi mói người khác. Nói riêng về việc học ngoại ngữ, nhiều người thường dè bửu khi người Việt nói một thứ ngoại ngữ nào đó mà nghe không chuẩn lắm. Có nhiều lời chê rất ác, làm tổn thương, hạ nhục người bị chê như: “Thằng này nói tiếng Anh dở ẹc mà điệu chảy nước”, “Nói vậy thì câm luôn đi”...
Tôi thấy ngạc nhiên nếu đó là người nước ngoài nói tiếng Việt bập bẹ thì người Việt lại coi là bình thường, thậm chí là đáng yêu. Dù vậy, khi tôi bắt đầu tập nói và hát tiếng Việt, rất nhiều người cười cợt. Tôi cũng có mấy ông bạn Tây dù ở Việt Nam lâu năm nhưng trình độ tiếng Việt vẫn chưa tốt. Hỏi ra mới biết, mỗi lần họ nói tiếng Việt thì mọi người săm soi “Ổng nói gì vậy ta?”, thậm chí cười phá lên làm cho mấy ông bạn này sợ quá nên im luôn.
Mặc dù khá rành tiếng Việt nhưng các bài viết của tôi vẫn bị đưa ra soi từng lỗi chính tả lặt vặt. Riêng chuyện hát thì đủ lời chê như “Anh ta hát tiếng Việt lơ lớ”, “Anh ta chỉ lạ thôi”, “Anh ta tỏ ra thảo mai ấy mà chứ có tài năng gì đâu”. Việc góp ý giúp mình hoàn thiện hơn thì tôi hoan nghênh nhưng moi móc đủ điều để chê cười, giễu cợt thì tôi thấy vô lý quá.
Hồi mới vào nghề, nghe những lời như vậy tôi vừa khó chịu vừa buồn lòng. Nhưng mình tự nhủ bất kỳ nghệ sĩ nào cũng có người thương, kẻ ghét. Người không nổi tiếng cũng bị chê thì huống hồ là người của công chúng. Nói thật nghệ sĩ chúng tôi phải có bản lĩnh lắm mới đối đầu được. Chê rồi sinh ra đa nghi. Ai đó đoạt giải cao ở quốc tế, đặc biệt là giới nghệ sĩ thì họ bảo đó là mua giải, sắp xếp...
Ở Mỹ, tôi học tiếng Pháp. Lớp tôi chưa ai biết một từ tiếng Pháp nào nhưng cô giáo vẫn nói tiếng Pháp từ đầu buổi đến cuối buổi. Bạn học sinh nào nói sai thì cô sửa lại cho đúng, không có chuyện cười cợt, chê bai trong lớp. Môi trường giáo dục Mỹ xem chuyện sai là bình thường. Có sai một lần thì lần sau mới đúng, còn hơn là không bao giờ sai bằng cách không bao giờ thực hành. Chúng tôi được người khác góp ý nhẹ nhàng, nghiêm túc đồng thời cũng được khuyến khích, khích lệ để tiến bộ.
Nhiều bạn bè của tôi nói ngôn ngữ khác dù không rõ chữ, nhưng tôi vẫn cố gắng lắng nghe và rất ngưỡng mộ họ. Vậy nên, chúng tôi không ngại thực hành, thể hiện trước đám đông. Nhờ vậy mà tôi học tiếng Việt khá nhanh. Còn với tật hay chê mang tính chế giễu của người Việt khiến cho trình độ tiếng Anh của họ không khá lên được. Họ mắc cỡ, nói ra sợ làm trò cười cho người ta.
Tôi cho rằng người hay chê bai là người không có suy nghĩ sâu sắc. Những người thông minh, suy nghĩ thấu đáo không ai có thời giờ đi chê bai người khác để tỏ ra mình giỏi hơn. Họ sẽ khẳng định bản thân bằng chính giá trị của mình. Những người chê bai thiếu suy nghĩ không biết rằng mình đang bôi xấu hình ảnh bản thân. Nhiều người không am hiểu lĩnh vực đó nhưng cũng nhảy vào phán xét, ném đá.
Cụ thể là trong số những người chê bai ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nói tiếng Anh dở tệ, có mấy ai nói được một câu tiếng Anh cho chuẩn. Nếu mình không đạt một số yêu cầu nhất định trong lĩnh vực chuyên môn thì không nên lên tiếng. Tất nhiên không thể cấm mọi người khen chê. Nếu là người nổi tiếng thì họ càng nên biết cách sống chung với điều này.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng: Không tồn tại khái niệm“chê bai có văn hóa”
Quỳnh Nga (thực hiện)
- Hiện tượng chê bai, ném đá diễn ra phổ biến ở một bộ phận giới trẻ, nhất là khi mạng xã hội “lên ngôi”. Dưới góc độ của một nhà văn hóa, quan điểm của Giáo sư về vấn đề này?
+ Nguồn gốc văn hóa của hiện tượng này bắt nguồn từ tính cộng đồng làng xã. Đây là đặc trưng của văn hóa âm tính, ưa tĩnh hình thành từ nền kinh tế nông nghiệp lúa nước như Việt Nam. Muốn có cộng đồng thì mọi người phải bình đẳng với nhau nên sinh ra tính cào bằng. Vậy nên văn hóa âm tính rất quan trọng để duy trì sự ổn định cho xã hội. Người nào nghèo kém quá, mọi người trong làng sẽ giúp đỡ cho bằng mình, đúng như câu “Lá lành đùm lá rách”. Còn với người nào giỏi giang hơn thì họ lại tìm cách kéo xuống, cũng là để “cho bằng mình”. Ngoại lệ chỉ có trường hợp khi đó là người đã vượt hẳn lên, bỏ xa họ, được mọi người công nhận, khó ai có thể phản bác được (trong trường hợp này thì người ta có thể sẽ lại nịnh nọt người đó).
Còn với những người vừa mới vượt họ một chút hoặc đang vượt thì họ sẽ kéo người đó xuống bằng cách chê bai, ném đá. Chê bai cũng thường tập trung vào những người ngang hàng với mình để ngăn chặn trước khả năng vượt lên. Trong một số trường hợp, việc chê bai, ném đá không buông tha cả những người thấp hơn hẳn mình. Năm 2013 “thần đồng” Đỗ Nhật Nam chỉ là một em bé 11 tuổi.
Ở Việt Nam, người lớn thường “không chấp” trẻ con mà sẽ động viên, khuyến khích chúng. Nhưng Đỗ Nhật Nam thì nhỏ mà giỏi quá, ngoài nguyên nhân là năng lực và sự cố gắng của em còn có vai trò rất lớn của mẹ em và gia đình. Đỗ Nhật Nam giỏi hơn con mình có nghĩa là mẹ nó dạy con giỏi hơn mình. Chính đây là nguyên nhân khiến cho khi nghe Nam nói rằng mẹ em bảo “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” thì cộng đồng mạng đã đổ xô vào ném đá không thương tiếc.
Người chê bai, ném đá có hai mục tiêu: “dìm hàng” đối tượng và tự nâng mình lên. Nó xuất phát từ lòng ghen tị. Cả ghen tị và tự nâng mình lên thông qua việc dìm hàng đối tượng đều là những đặc trưng rất điển hình của văn hóa âm tính. Ở các nền văn hóa dương tính, khi thấy người khác giỏi hơn mình thì người ta sẽ cạnh tranh lành mạnh theo kiểu nỗ lực phấn đấu để vươn lên bằng và hơn họ, chứ không ghen tị, dìm hàng. Ở một xã hội vốn nặng về văn hóa âm tính như Việt Nam, người ta chưa thực sự coi trọng việc trau dồi năng lực để vươn lên một cách trung thực, trong khi lại thích dùng sức mạnh cộng đồng để dìm người khác xuống và tìm cách khôn khéo, mưu mẹo để cho mình nổi lên một cách an toàn mà không cần phải phấn đấu gì cả.
Việt Nam đang trong quá trình đô thị hoá, hiện đại hóa, ngày càng hội nhập sâu và rộng, nhưng văn hóa đô thị - công nghiệp, văn hóa hội nhập thiên về dương tính cần cho sự phát triển thì lại chưa được chuẩn bị kỹ càng. Trong khi đó lại bê nguyên xi văn hóa âm tính mang theo bệnh cào bằng - vốn chỉ thích hợp với việc duy trì sự ổn định - ra áp dụng. Vậy nên mạng xã hội Facebook (là một công cụ hiệu quả để hội nhập và tham gia quản lý cộng đồng) đã trở thành mảnh đất màu mỡ để nhiều người (nhất là lớp trẻ) chưa đủ tri thức và bản lĩnh bộc lộ chính kiến cá nhân, lạm dụng để a dua, chạy theo đám đông mà chê bai, ném đá. Đây là hiện tượng cực kỳ nguy hiểm vì tác hại của nó rất lớn. Nó khiến cho xã hội lục đục, mất đoàn kết.
- Thưa Giáo sư, từ vụ việc “Những kẻ lắm lời”, có ý kiến cho rằng chê bai cũng cần phải có văn hóa?
+ Theo tôi, không có khái niệm “chê bai có văn hóa” vì chê bai bao giờ cũng mang tính thóa mạ. Chỉ có thể có “văn hóa đánh giá” và “văn hóa phê bình” mà thôi.
Đánh giá thì phải khách quan, khoa học và trung thực. Muốn khách quan thì phải có lý trí. Người phương Tây thường sống theo lý trí, còn người Việt Nam mình sống theo tình cảm. Sống theo tình cảm thì không thể khách quan được. Muốn khoa học thì phải có năng lực tư duy; thông tin phải được kiểm chứng, tìm hiểu rõ ngọn ngành thì mới đánh giá. Việc này đòi hỏi năng lực tư duy phân tích phải rất mạnh, trong khi người Việt Nam mình lại thiên về tư duy tổng hợp lan man. Và thứ ba, muốn đánh giá được thì phải trung thực, nói đúng sự thật. Mà muốn nói đúng sự thật thì phải đủ tri thức để biết thế nào là sự thật, nếu không chỉ là chê ẩu, nói bừa. Nhóm “Những kẻ lắm lời” tự cho rằng mình là những người thẳng thắn trong khi thực ra đó chỉ là sự ngộ nhận, chính là vì họ thiếu những phẩm chất này.
Phê bình khác đánh giá ở chỗ người phê bình phải công bố cho đối tượng biết những đánh giá của mình. Đánh giá thì anh không nhất thiết phải nói ra nhưng phê bình thì anh phải nói ra. Và phải nói trực tiếp với đối tượng đó chứ không phải nói sau lưng. Văn hóa phê bình đòi hỏi sự đánh giá sâu sắc, có tầm – đó là Trí. Đồng thời, nó cũng đòi hỏi người phê bình có cái tâm trong sáng muốn giúp người bị phê bình tiến bộ chứ không phải để dìm người ta xuống – đó là Nhân. Sau cùng, người phê bình còn phải có đủ bản lĩnh – đó là Dũng để có thể nói thẳng, nói thật.
-Vậy giải pháp để hạn chế vấn nạn này cũng như làm thế nào để sẵn sàng tiếp nhận những phê bình, góp ý chân thành và vượt qua lời chê ác ý, thưa Giáo sư?
+ Đa phần người Việt thường rất khó tiếp nhận lời phê bình. Để tiếp nhận được thì cần phải hiểu và nhớ kỹ hai chân lý rất quan trọng.
Thứ nhất là chân lý về tính hai mặt của vạn vật. Bất kỳ sự vật, hiện tượng nào hoặc người nào cũng đều luôn có cả hai mặt tốt xấu. Bản thân mỗi chúng ta luôn có mặt xấu, mặt sai nên khi được phê bình chân thành thì nên vui vẻ tiếp nhận và sửa đổi. Đồng thời trước bất kỳ ai, vấn đề nào thì cũng nên nhìn thấy mặt tích cực của nó chứ không nên chăm chăm “bới lông tìm vết”. Cho nên ngay cả khi người ta phê bình mình không chân thành, có ác ý dìm hàng thì cũng vẫn nên lọc tìm chỗ phê bình đúng để tiếp thu. Nên tự nhắc nhở bản thân rằng “không có lửa thì sao có khói”? Cái “lửa” đó có thể là chỗ sai của mình, nhưng cũng có thể chỉ là do mình diễn đạt chưa đầy đủ, rõ ràng khiến người ta hiểu theo cách khác, hiểu không đúng. Vậy thì hãy cảm ơn họ đã giúp mình diễn đạt lại cho chặt chẽ hơn. Phản hồi tích cực và chọn lọc, khuyến khích mặt tốt trong mọi vật, mọi việc, mọi người sẽ khiến cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Thứ hai là chân lý về tính vĩnh cửu của sự thật. Nếu người khác đánh giá sai hay chê bai mình không đúng, cố tình dựng chuyện, đơm đặt để phá mình mà mình cứ chạy theo để thanh minh thì sẽ rất mệt mỏi. Trường hợp này người có bản lĩnh nên nói một lần rồi thôi, hoặc bỏ ngoài tai luôn. Hãy tin rằng mọi sự thật rồi sẽ được phơi bày. Chúng ta phải luôn coi tiến bộ mới là quan trọng nhất chứ không phải là thể diện.
- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!