Nhạc “rác” đang “ăn mòn” giới trẻ

08:15 19/05/2017
Một thực tế rất đáng lo ngại là hiện nay, trên mạng internet xuất hiện khá nhiều những ca khúc nhạc trẻ có lời lẽ, hình ảnh không lành mạnh, cổ súy cho lối sống bất cần, phá phách trong thanh thiếu niên. Tuy nhiên, lượng người nghe, xem, download những ca khúc này lại rất cao, thậm chí là “ngang ngửa” so với nhiều ca khúc hit của các nghệ sỹ tên tuổi xuất hiện cùng thời điểm. Liệu những ca khúc này có “ăn mòn” tư duy, cảm xúc của giới trẻ Việt?


“Phê cho nó hết thấy đường về nhà”

Có lẽ rất ít bạn trẻ hiện nay không biết đến MV ca khúc “Quăng tao cái boong” đang “gây bão” trên mạng mấy tháng trở lại đây. MV “Quăng tao cái boong” do Huỳnh James, Pjnboys và một nhóm bạn trẻ có biệt danh là “những chàng trai nhạy cảm” đưa lên Youtube vào giữa tháng 2/2017. Đến nay, MV này đã có lượng người xem “đáng mơ ước” là 28 triệu lượt.

Một số bạn trẻ cho rằng, “Quăng tao cái boong” được yêu thích do có giai điệu dễ nghe, lạ tai, đánh trúng tâm lý của họ. Không chỉ có lượt xem, lượt chia sẻ “khủng” trên mạng, “Quăng tao cái boong” còn là ca khúc được cover (hát lại) rất nhiều trong thời gian qua.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu “Quăng tao cái boong” là ca khúc hay, có giai điệu sôi động, ca từ hay, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ. Tuy nhiên, khi xem và nghe thì thấy rõ, đây là ca khúc “có vấn đề” về ca từ, cổ vũ lối sống tiêu cực trong giới trẻ.

Một cảnh trong MV ca nhạc “Quăng tao cái boong”.

“Cái boong” trong tiêu đề bài hát được cho là một dụng cụ dùng để hút cần sa. Ca từ ca khúc cũng có nhiều từ ngữ không thể chấp nhận như: “Vì công việc hàng ngày chất chứa quá nhiều toàn những vết ố/ Nên vì thế tao dùng cỏ khô/ Tẩy rửa đi hết những điều thống khổ (…). Nào nào mình cùng lại đây phê pha/ Phê cho nó hết thấy đường về nhà/ Nào mình cùng lại đây la, la/ Chơi cho nó hết tối nay ngủ chuồng gà…”. Bên cạnh đó là những hình ảnh thanh niên ăn chơi, xăm trổ đầy mình, hút thuốc, đánh bài ăn tiền, hút cỏ khô, phê rượu… cũng xuất hiện liên tục trong MV.

Trước “Quăng tao cái boong”, MV ca khúc “Bê rồi ông cố ơi” của Huỳnh James và Pjnboys (đăng tải trên Youtube vào tháng 2/2015) cũng thu hút gần 6 triệu lượt xem. Vẫn theo phong cách của nhóm, “Bê rồi ông cố ơi” cũng tràn ngập những ca từ cổ súy cho lối sống phóng túng, hình ảnh ăn chơi của giới trẻ.

Ngoài hai ca khúc kể trên, có thể “điểm danh” một số ca khúc bị gắn mác nhạc “rác” như bài rap “Khu tao sống” của Wowy và Karik, “Em tao hip hop” của Jombie, Lục Lăng và Endless, “Được thì tiến, không thì biến” của Yuki Bo và Ngân T, “Theo tao” của Huỳnh James và Jack, “Đêm tàn” của J.T.A Khanh Le…

Đặc điểm chung của những ca khúc này là đều do những bạn trẻ, nhóm nhạc thuộc dòng nhạc underground thực hiện; giai điệu âm nhạc trẻ trung, vui nhộn, sử dụng nhiều từ ngữ mạnh như “mày, tao”, “quậy”, “phê”, “hàng” hay bạo lực kiểu “Tao không gây hấn nhưng cứ ai đụng là đạp/ Và hàng nguội nằm trong túi, làm cho quần thụng và thấp…” (ca khúc “Khu tao sống”).

“Ăn mòn” giới trẻ?

Một vấn đề rất đáng suy ngẫm là, mặc dù bị gắn mác nhạc “nhảm”, “rác” nhưng những ca khúc kể trên lại luôn có số lượng khán giả trẻ nghe, xem, download rất lớn. Phần lớn, các MV đều đạt con số từ một triệu đến vài chục triệu lượt người xem trên Youtube.

Trong đời sống, chúng ta cũng có thể vô tình bắt gặp những ca khúc “rác” ở rất nhiều nơi. Thậm chí, một nhóm học sinh cuối cấp của một trường trung học phổ thông ở phía Nam vì quá mê bài hát “Quăng tao cái boong” đã biểu diễn dân vũ trên nền nhạc trong chương trình văn nghệ của trường. Điều này chứng tỏ, sự lan truyền, ảnh hưởng, khả năng “gây nghiện” của những ca khúc “rác” là rất lớn.

Phải chấp nhận một thực tế rằng, thị hiếu nghe nhạc của giới trẻ hiện nay khác so với những thế hệ đi trước. Họ thích những ca khúc về đề tài xã hội, gần gũi trong cuộc sống với giai điệu vui tai, sôi động. Bên cạnh đó, việc lựa chọn ca khúc nào để giải trí là quyền tự do của mỗi người, không thể cấm đoán hay ép buộc.

Tuy nhiên, những sản phẩm âm nhạc “rác” như đã đề cập ở trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ. Những ca khúc đề cập nhiều đến sự hưởng thụ cuộc sống, được minh họa bằng hình ảnh ăn chơi sa đọa sẽ cổ súy giới trẻ lối sống cá nhân, vị kỷ, chỉ biết ăn chơi mà không quan tâm đến gia đình và tương lai của mình. Đây thực sự là vấn đề rất đáng lo ngại.

Một cảnh trong MV bị gắn mác nhạc “rác” “Khu tao sống” của Wowy và Karik.

Âm nhạc với tư cách là một loại hình nghệ thuật độc lập, ngoài chức năng giải trí, thẩm mỹ, còn có chức năng giáo dục. Những ca khúc hay, MV ca nhạc hấp dẫn sẽ góp phần định hướng công chúng đến những giá trị chân – thiện – mỹ trong cuộc sống. Thiết nghĩ, những ca khúc “rác” mới chỉ thực hiện được phần nào chức năng giải trí nhưng phản giáo dục, trái với thuần phong mỹ tục và không nên được lưu truyền trong cộng đồng.

Một vấn đề nữa cũng rất đáng được quan tâm là công tác quản lý các sản phẩm nghệ thuật trong thời kỳ công nghệ số. Trong thời kỳ bùng nổ Internet hiện nay, các nhóm nhạc, thậm chí những người yêu thích ca nhạc có thể tự quay clip, sau đó đưa lên Youtube để giới thiệu sản phẩm của mình mà không phải trải qua bất kỳ sự kiểm duyệt nào từ các cơ quan quản lý văn hóa.

Chính vì vậy, chắc chắn dẫn đến tình trạng ca khúc “rác” vẫn được lưu hành, thậm chí là cập nhật liên tục. Không chỉ xuất hiện trên Youtube, những ca khúc như “Quăng tao cái boong” lại “ngang nhiên” xuất hiện ở nhiều trang nghe nhạc trực tuyến nên sự ảnh hưởng, lan truyền ca khúc càng lớn.

Đến lúc này, câu chuyện đã chuyển sang một hướng khác. Rõ ràng, các trang nghe nhạc trực tuyến lớn đã “tiếp tay” cho việc lan truyền những ca khúc “rác” mà đáng lẽ ra, đây phải là nơi “gạn đục, khơi trong”, định hướng những ca khúc hay cho giới trẻ.

Một số nhà quản lý nói rằng, những ca khúc “rác” chưa đề nghị cấp phép và chắc chắn cũng sẽ không được cấp phép. Tuy nhiên, dù không được cấp phép thì những ca khúc trên cũng đã được truyền bá rộng rãi trong cộng đồng mạng. Vai trò quản lý nhà nước cần phải được chú trọng, những trường hợp vi phạm phải được xử lý nghiêm khắc và kịp thời.

Được biết, vào năm 2014, ca khúc “Phiếu bé ngoan” với nhiều từ ngữ phản cảm của một nhóm bạn trẻ thuộc dòng nhạc underground gồm Đạt Low, T-Akayz, Bueno và Mr.T đã bị Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “sờ gáy”. Ca khúc này bị gỡ khỏi các trang nghe nhạc trực tuyến và các trang nghe nhạc này cũng đã bị xử phạt. Tuy nhiên, những vụ xử lý như “Phiếu bé ngoan” là rất ít và cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Sau vụ việc, “đâu lại vào đấy” và những ca khúc “rác” lại tiếp tục nở rộ như nấm sau mưa.

Làm sao để ngăn chặn những ca khúc “rác” là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Chắc chắn, đó không chỉ đơn thuần là việc thấy ca khúc “có vấn đề” thì yêu cầu gỡ bỏ và xử phạt. Dù bị xử phạt thì cũng là khi “sự việc đã rồi”, ca khúc đã được lan truyền đến nhiều nơi, tiếp cận nhiều khán giả.

Dưới góc độ quản lý, phải siết chặt công tác kiểm duyệt ca khúc, trong đó các trang nghe nhạc trực tuyến phải là một công cụ kiểm duyệt, nơi “sàng lọc”, loại bỏ những ca khúc “rác”, “nhảm”, “trái với thuần phong mỹ tục”. Phần lớn, ca khúc “rác” xuất hiện từ cộng đồng nhạc underground thì vấn đề định hướng thẩm mỹ, nâng cao nhận thức cho các bạn trẻ thuộc dòng nhạc này cũng cần được quan tâm.

Thực tế cho thấy, không ít bạn trẻ tài năng đã thành công khi bước vào thị trường âm nhạc “thực” với “gu” âm nhạc văn minh và có nhiều đóng góp cho nhạc trẻ Việt. Bên cạnh đó, phải xây dựng được lớp những người nghe nhạc trẻ “có ý thức”, không cổ súy cho những sản phẩm “rác”, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Tường Phạm

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文