Xung quanh vấn đề dạy vẽ và dạy kỹ năng cảm thụ mỹ thuật trong nhà trường:

Nhất bên trọng nhất bên khinh

08:00 29/05/2014

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho "Quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại TP HCM đầu tháng 5. Vấn đề giáo dục, nâng cao năng lực cảm thụ mỹ thuật cho công chúng, đặc biệt là lứa tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường trở nên nóng hơn bao giờ hết bởi sự bất cập của nó...

Trong cuộc thi "Rung chuông vàng" năm 2008, câu hỏi quyết định cuối cùng dành cho sinh viên xuất sắc nhất đã vượt qua 99 đối thủ như sau: "Nữ điêu khắc gia Việt Nam nào có tên trong từ điển Larousse, thường dùng các module để làm tượng". Nếu quan tâm về mỹ thuật, không gọi là quá cao siêu, người ta dễ dàng có câu trả lời bởi bà quá nổi tiếng: Nữ điêu khắc gia người Huế Điềm Phùng Thị. Thế nhưng sinh viên được coi là xuất sắc về cả toán, lý, hóa, văn và nói tiếng Anh vanh vách kia lại đành bó tay thua cuộc.

Sẽ chẳng ngạc nhiên khi nhận được cái gãi đầu lúng túng nếu thử hỏi một sinh viên (không học trường mỹ thuật) hay học sinh tốt nghiệp phổ thông về trường phái mỹ thuật của một bức tranh. Chưa kể, nếu đứng trước bức tranh trừu tượng, hẳn nhiên đa số công chúng Việt Nam thấy "đầu óc quay cuồng" vì không thể hiểu nổi ý đồ của tác giả. Ở nước ta, hội họa, nhất là dòng tranh trừu tượng và mỹ thuật đương đại là thứ "tra tấn não bộ" công chúng khủng khiếp nhất.

Họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Hiệu phó Trường Đại học Mỹ thuật TP HCM bức xúc: "Bộ Giáo dục và Đào tạo mắc sai lầm rất lớn khi quá chú trọng đào tạo kỹ năng vẽ mà không chú trọng đào tạo kỹ năng cảm thụ mỹ thuật cho học sinh phổ thông. Làm vậy có khác nào chúng ta đang gắng sức đào tạo những họa sĩ nhí, thậm chí là thợ vẽ chứ không phải là những công chúng có gu thẩm mỹ, biết thưởng thức cái đẹp". Điều họa sĩ Nguyễn Trung Tín bức xúc hoàn toàn có cơ sở bởi chắc chắn, thế hệ họa sĩ tương lai vốn chỉ là con số ít ỏi so với công chúng của nền mỹ thuật trong tương lai.

Với hệ thống giáo dục của nước ta, mỹ thuật dù đã trở thành môn học chính thức nhưng vẫn bị xã hội coi thường, xem là môn phụ, chỉ dành cho các học sinh có năng khiếu. Số khác học cho qua. 

Quang cảnh buổi Hội thảo "Quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn 2030" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại TP HCM ngày 6/5/2014.

Ở tiểu học, giáo viên dạy mỹ thuật thường chính là giáo viên chủ nhiệm. Trong khi đó môn này đòi hỏi phải có giáo viên riêng có kiến thức chuyên môn, được đào tạo từ các trường mỹ thuật. Các giờ thực hành gồm vẽ, thủ công, trang trí, nặn...  chiếm gần 90% so với giờ thường thức mỹ thuật. Những kiệt tác của các danh họa trong nước như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn… hoặc các danh họa thế giới như Picasso, Leonardo da Vinci... chưa được giới thiệu, phân tích kỹ để học sinh hiểu tại sao các tác phẩm ấy lại nổi tiếng, được coi là kiệt tác.

Trong giờ thực hành, có em chỉ cố vẽ sao cho giống thật chứ không hề cảm thụ được một bức tranh đẹp là ra sao, tại sao nó lại được đánh giá là đẹp, nội dung, hình thức, bố cục, sắc độ của bức tranh như thế nào là hài hòa...

Họa sĩ Nguyễn Trung Tín cho biết: "Từng tìm hiểu về nền mỹ thuật nước Nhật, tôi thấy họ có hệ thống giáo dục cho học sinh rất hay. Đó là hạn chế dạy vẽ mà chú trọng dạy học sinh cách xem tranh. Xem sách giáo khoa của họ, tôi rất ngạc nhiên vì mặc dù dạy cho học sinh tiểu học, nhưng sách có rất nhiều tranh của các tác giả trong nước lẫn thế giới, được phân tích kỹ lưỡng, giới thiệu hoàn cảnh ra đời, tác giả là ai, bố cục, nội dung, chất liệu... Do đó, một học sinh phổ thông của Nhật có thể kể vanh vách về các trường phái mỹ thuật, ý nghĩa của các bức tranh, tác phẩm điêu khắc khi bước vào bảo tàng không có gì là lạ".

Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM tỏ ra lo ngại bởi ngoài việc dạy trong trường học, các kênh giáo dục, đưa mỹ thuật đến gần công chúng trẻ vô cùng thiếu thốn. Chương trình truyền hình mỹ thuật thường thức cho khán giả gần như không có, trong khi các loại hình nghệ thuật khác lại vô cùng được ưu tiên trên sóng nhà đài.

Sách báo phê bình về mỹ thuật quá hạn chế và đắt đỏ khiến công chúng tiếp cận khó khăn. Các lĩnh vực khác như âm nhạc, điện ảnh, văn chương, ít nhiều công chúng vẫn cảm nhận được cái hay cái đẹp, đấu tranh với những tác phẩm phi nghệ thuật bởi sự định hướng của đội ngũ nhà phê bình khá hùng hậu. Trong khi đó các nhà phê bình mỹ thuật, giám tuyển mỹ thuật của nước ta hiện nay vô cùng thiếu và yếu. Các trường đào tạo đội ngũ này có rất ít học viên theo học vì chế độ lương thưởng, đãi ngộ còn quá thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn...

Giáo dục mỹ thuật cho học sinh đang chú trọng thực hành nhiều hơn dạy cảm thụ mỹ thuật (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Kém thẩm mỹ, lại thiếu định hướng, do vậy công chúng thưởng thức mỹ thuật theo cảm tính. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tỏ ra lo lắng khi hiện nay nhu cầu thưởng thức mỹ thuật của công chúng nước ta rất thấp so với thế giới. Qua khảo sát, nhu cầu thưởng thức âm nhạc chiếm 40%; 20% dành cho điện ảnh; 10% cho các loại hình sân khấu; 20% cho văn học và 10% nhu cầu còn lại chia đều cho nhiếp ảnh, múa và mỹ thuật. Mỹ thuật lại không đơn giản gói gọn trong mỹ thuật cơ bản như hội họa, điêu khắc... mà nó ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày như kiến trúc, thời trang, đồ họa, nội thất.... Do đó, thị hiếu cảm thụ mỹ thuật kém dẫn đến nhiều hệ lụy.

Kém thẩm mỹ khiến kiến trúc nhà cửa bị lai căng, gu ăn mặc, chọn lựa hình dáng, bao bì sản phẩm của người Việt bị đánh giá thấp... Các công trình mỹ thuật, đặc biệt là tượng đài và tranh hoành tráng thường bị người dân xâm hại, gây xuống cấp, hủy hoại...

Đứng trước bức tranh có giá trị và bức tranh tầm thường, họ cũng không có trình độ để phân biệt. Do vậy nước ta thuộc vào những nước tồn tại vấn nạn tranh chép, tranh giả khá nhức nhối. Nhiều nhà chuyên môn bức xúc khi tình trạng này diễn ra nhan nhản ở các sàn Art, nơi được coi là địa điểm giới thiệu những tác phẩm mỹ thuật chân chính, đích thực. Chính tình trạng đánh tráo các giá trị nghệ thuật, lừa bịp công chúng này mà Việt Nam chưa có một thị trường tranh, sàn đấu giá đúng nghĩa.

Để cứu vãn tình trạng này, mỹ thuật cần phải được trả về đúng vị trí của nó, môn mỹ thuật phải được dạy hài hòa cả lý thuyết lẫn thực hành. Đối với việc dạy cảm thụ mỹ thuật, học sinh cần được học các giai đoạn lịch sử, các trường phái nghệ thuật từ nguyên thủy đến hậu hiện đại. Các loại hình mới như sắp đặt, video art, tranh tường... cũng nên đưa vào chương trình cho phù hợp với thời đại.

"Trong thời gian sắp tới, Bộ sẽ có những bổ sung trong bản Quy hoạch về vấn đề giáo dục, tuyên truyền mỹ thuật. Theo đó, để nâng cao năng lực cảm thụ mỹ thuật của công chúng, Bộ tăng cường việc phối hợp ngành mỹ thuật với các cơ quan truyền thông để xây dựng các chương trình, tiết mục tuyên truyền, quảng bá tác phẩm đến công chúng. Chương trình giáo dục trong nhà trường sẽ được đổi mới với các chủ đề đa dạng, phong phú, đáp ứng sát yêu cầu thực tiễn, có chiều sâu, phù hợp với từng đối tượng, lớp tuổi. Chú trọng việc phát triển về mỹ thuật thông qua các bài học kỹ năng, gắn với sự kiện lịch sử, cảm thụ và thực hành nghệ thuật" - Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói.

Bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM cho rằng việc giáo dục mỹ thuật ở bậc phổ thông cần linh hoạt hơn. Nhà trường nên tổ chức cho học sinh tham quan làng nghề, đến bảo tàng và tham gia các cuộc triển lãm để có cảm thụ thực chất. Bảo tàng ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Anh... luôn có chương trình đưa học sinh tới tham quan và dạy vẽ. Ngoài mục đích chính là nâng cao tầm hiểu biết nghệ thuật, họ còn nhằm đầu tư vào những giám tuyển mỹ thuật và những nhà tài trợ tương lai. Và để đầu tư vào khách hàng tiềm năng, một số gallery danh tiếng tại Mỹ không ngần ngại gửi giấy mời tới các học sinh trường tiểu học

Phan Thi Uyên

Rạng sáng 1/5, trận bán kết lượt đi Champions league 2023/2024 đã diễn ra giữa hai đội Bayern và Real Madrid. "Kền kền trắng" vươn lên dẫn trước rồi để đại diện nước Đức dẫn ngược trước khi kết thúc trận đấu với tỷ số hoà.

Từ ngày 6 đến 8/5, các tay vợt bóng bàn Việt Nam bước vào vòng tranh vé dự Olympic Paris 2024 khu vực Đông Nam Á. Hy vọng giành vé dự Olympic Paris 2024, cũng là lần thứ ba góp mặt ở sân chơi này của các nhà quản lý, HLV và các tay vợt bóng bàn Việt Nam là có thật dù biết rằng không dễ thực hiện.

Đã 70 năm đã trôi qua, những người lính tuổi mười tám, đôi mươi năm nào nay tuổi đã cao, chân đã yếu, mắt đã mờ nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng ấy vẫn in đậm trong tâm khảm, không thể nào quên.

Nắng nóng gay gắt chấm dứt ở miền Bắc với sự xuất hiện của mưa lớn diện rộng với lượng mưa có nơi trên 50mm, nền nhiệt giảm nhanh gần 10 độ C. Khu vực Trung và Nam Bộ duy trì nắng nóng như "thiêu đốt".

Bắt đầu từ ngày 2/5, thí sinh đang học lớp 12 trên toàn quốc sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 bằng hình thức trực tuyến. Thời gian đăng ký kéo dài đến 17h ngày 10/5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lưu ý, trước khi khai phiếu đăng ký dự thi, thí sinh cần đọc kỹ các mục và bản hướng dẫn ghi phiếu mà Bộ GD&ĐT đã ban hành, những điểm nào chưa rõ phải hỏi cán bộ tiếp nhận để được hướng dẫn đầy đủ bởi thí sinh chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông tin khai trong phiếu.

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文