Nỗi khổ mang tên “quốc phục”

08:00 12/12/2016
Tại vòng chung kết cuộc thi “Hoa hậu Siêu quốc gia 2016” diễn ra tối 2-12 ở Ba Lan, bộ trang phục mang tên “Sen vàng Việt Nam” của người đẹp Khả Trang đã đoạt giải “Trang phục dân tộc đẹp nhất” và giúp cô lọt top 25. Kết quả này khiến đa phần dư luận trong nước - trước đó không tiếc lời mắng nhiếc, chỉ trích bộ trang phục nặng 45kg, dài 3,5 mét này là cầu kỳ, lai căng, không xứng đáng đại diện hình ảnh đất nước - phải... tẽn tò. 


Bộ váy “Sen vàng Việt Nam” do Lê Long Dũng thiết kế, lấy cảm hứng từ sự nữ tính, dịu dàng của mẹ Âu Cơ hòa quyện cùng vẻ dũng mãnh, oai hùng của cha Lạc Long Quân. Trước ngày đi thi, bộ trang phục được gọi là quốc phục của Việt Nam tại cuộc thi “Hoa hậu Siêu quốc gia 2016” này trình làng công chúng.

Ngay lập tức, bộ váy hứng chịu luồng ý kiến tranh cãi trái chiều mà đa phần là chê bôi, la ó. Người nhức mắt vì độ hở hang táo bạo, kẻ khó chịu ví bộ váy cùng mũ mão, phục sức cồng kềnh đi kèm không khác gì trang phục game “Võ lâm truyền kỳ”.

Việc cắt xẻ làm hở ngực, hở chân để tạo vẻ quyến rũ cho người đẹp Khả Trang cũng như việc quá lạm dụng chi tiết văn hóa xưa được tạo hình bằng kim loại khiến bộ trang phục trông rườm rà. Họ cho rằng hình ảnh mẹ Âu Cơ xưa nay kín đáo chứ không hở hang như vậy. Có người còn ví chiếc mão cách điệu có lông chim trĩ giống chiếc mão của Tề Thiên Đại Thánh trong phim “Tây Du Ký”. Một nhà văn thì coi bộ quốc phục này là thảm họa, “không khác gì diễn viên kinh kịch Trung Hoa”.

Đây không phải là lần đầu tiên các thiết kế được gọi là “quốc phục” đi thi thố đấu trường quốc tế gặp phải chỉ trích. Lê Long Dũng từng bị lên án tương tự khi thiết kế bộ váy lấy cảm hứng từ mẹ Âu Cơ cho người đẹp Trương Chi Trúc Diễm dự thi “Hoa hậu Quốc tế 2011”. Vì lạm dụng nhiều chi tiết ánh kim khiến bộ váy của cô như chiếc áo chiến binh trong game võ hiệp Trung Quốc.

Trang phục dân tộc của Phạm Hương tại cuộc thi “Hoa hậu Hoàn vũ 2015”.

Váy áo dự thi luôn bị soi rất kỹ vì dư luận luôn mặc định rằng phần thi trang phục dân tộc thể hiện vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Và trang phục truyền thống hay gọi nôm na là quốc phục của Việt Nam thông thường là áo dài (dù Việt Nam chưa hề có một quy định nào về quốc phục). Bấy lâu nay, hầu hết ở các cuộc thi, bạn bè quốc tế quá quen thuộc với tà áo dài. Nên ở cuộc thi nào cũng giới thiệu áo dài thì rất dễ gây nhàm chán, nhạt nhòa giữa rừng mỹ nhân rực rỡ.

Theo nhà thiết kế Thuận Việt, áo dài vốn đẹp ở sự tinh tế, giản dị chứ không phải là sự lộng lẫy, hào nhoáng, cầu kỳ. Do đó, nó không dễ phá cách để đọ với bạn bè quốc tế. Làm không khéo là bị dư luận cho “ăn đòn”. E ngại này không phải là không có lý. Thử nhìn lại các bộ trang phục dân tộc được người đẹp Việt Nam mang đi thi sẽ thấy gần như bộ nào cũng bị công chúng trong nước chê, ngay cả áo dài.

Dự “Hoa hậu Hoàn vũ 2009”, bộ áo dài của Hoàng Yến có màu đen và in họa tiết rồng. Người ta phân tích nào là màu đen là màu tang tóc của phương Tây, còn con rồng với các nước phương Tây là loài vật ác độc, dữ tợn chứ không phải là loài vật thiêng liêng như quan niệm của phương Đông.

Hoa hậu Mai Phương Thúy lọt vào top 20 thí sinh có trang phục dân tộc đẹp nhất và lọt sâu vào top 17 ở “Hoa hậu Thế giới 2006” nhờ gây ấn tượng bằng bộ áo dài màu đen, tà sau được kết hàng trăm lông chim công tôn sự lộng lẫy, uy quyền. Nhưng lúc cô chuẩn bị lên đường, người ta cũng ầm ĩ rằng: bộ váy gửi một thông điệp không hay vì nó cổ vũ cho việc lấy lông chim công (mở rộng hơn là động vật hoang dã) làm đẹp.

Chưa hết, chiếc mấn đội đầu truyền thống đi kèm áo dài của Mai Phương Thúy cũng bị chê là to quá khổ, trông như chiếc mâm. Họ không hiểu nó phải có kích cỡ đó mới xứng với bộ áo dài cầu kỳ mà Thúy mặc. Đến khi Thúy mang thành tích về thì người ta mới thôi bàn tán. Tại “Hoa hậu quốc tế 2015”, trang phục áo dài của Thúy Vân cũng bị nói là cứng nhắc. Áo dài mà Lệ Quyên mang dự thi “Hoa hậu Siêu quốc gia 2015” thì bị chê không sang trọng.

Có lẽ bộ áo dài chim hạc của Phạm Hương tại “Hoa hậu Hoàn vũ 2015” là nhận được sự tán thưởng nhiều nhất từ công chúng. Nhưng quả đúng như các nhà thiết kế vẫn ôm đầu than khổ, từ sau lần Mai Phương Thúy gây ấn tượng với tà áo dài trên trường quốc tế thì những lần mang áo dài đi ra xứ người chỉ là tay trắng. Bộ áo dài chim hạc của Phạm Hương chỉ đẹp khi cô đứng một mình, còn đứng cạnh người đẹp Venezuela (chứ chưa kể các người đẹp khác) nó đã chìm nghỉm.

Nhà thiết kế Lê Long Dũng cho rằng trang phục mang hồn Việt không thiếu. Ngoài áo dài thì còn có áo tứ thân, áo bà ba, các trang phục cổ thời Hùng Vương… Nhưng nếu bê nguyên mà đi thi thì rớt ngay từ vòng gửi xe. Bởi trang phục mặc thường ngày, hội hè khác hẳn với trang phục đi thi. Làm sao để trang phục của mình phải nổi bật nhất, gây chú ý nhất, độc đáo nhất, thể hiện bản sắc rõ rệt nhất chứ không phải là nét đẹp tiềm ẩn trong một phút trình diễn chớp nhoáng. Do đó, các nhà thiết kế phải tìm mọi phương án để phá cách.

Nhưng rồi bộ áo tứ thân của Á hậu Hoàng My bị chửi tơi bời vì dám hở lườn, khoe đùi tại “Hoa hậu Hoàn vũ 2011”.  Một năm sau, bộ váy lấy cảm hứng thời Âu Lạc của cô tại “Hoa hậu Thế giới 2012” cũng bị “ném đá” vì quá gợi cảm…

Dù bị dư luận chê bai, bộ váy “Sen vàng Việt Nam” cuối cùng đã giúp Khả Trang giành giải trang phục dân tộc đẹp nhất tại “Hoa hậu Siêu quốc gia 2016”.

Cũng phải nhìn sang một số nước trong khu vực để thấy không nhất thiết phải khư khư theo một loại trang phục nhất định. Bởi phần thi trang phục dân tộc không hẳn chỉ là giới thiệu về trang phục đặc trưng, truyền thống của nước đó mà còn là vòng thi để các nước có thể khoe nét đặc trưng, giới thiệu bản sắc văn hóa, lịch sử của đất nước trên những thiết kế độc đáo, sáng tạo. Đó có thể là địa danh nổi tiếng, là món ăn, là sản phẩm du lịch, các loại hình nghệ thuật riêng có, là loài động vật đặc hữu… Thế nên, phần thi trang phục dân tộc là phần thi được trông đợi nhất của các cuộc thi sắc đẹp bởi sự phong phú, thú vị của mỗi thí sinh.

Chính vì quan điểm đề cao sự phóng khoáng, sáng tạo như thế nên thiết kế được gọi là “quốc phục” của nhiều nước rất táo bạo, sáng tạo, thậm chí không kém phần dị hợm. Năm ngoái, người đẹp Thái Lan đoạt giải trang phục truyền thống đẹp nhất khi diện nguyên mô hình xe tuk tuk – phương tiện đi lại phổ biến xứ Chùa Vàng – lên người. Hoa hậu Trung Quốc thì khiến ban giám khảo ồ lên khi mặc bộ váy giới thiệu đồ sứ thời nhà Minh.

Có năm, hoa hậu Mỹ lại mặc đồ như siêu anh hùng trong phim bom tấn Hollywood. Hoa hậu Nhật Bản thì hóa trang thành nhân vật truyện tranh nổi tiếng của đất nước mặt trời mọc. Nhiều trang phục của các người đẹp đến từ Mỹ Latinh thì không khác đi dự vũ hội hóa trang. Thật ra, những bộ trên không phải là quốc phục của đất nước họ, mà gọi nó là trang phục lấy cảm hứng từ dân tộc thì đúng hơn. Gọi thế cũng không làm sai lệch tinh thần tên tiếng Anh của phần thi này là “national costume”.

Bộ váy “Sen vàng Việt Nam” bị chỉ trích cũng bởi dư luận đánh đồng và hét vống lên đó là quốc phục – biểu tượng thiêng liêng của quốc gia. Riêng ở góc độ là trang phục quảng bá nét văn hóa Việt Nam, nhiều nhà sử học, người làm văn hóa đều đánh giá cao tính truyền thống được thể hiện qua họa tiết tiên, rồng, hoa sen, trống đồng… cách đây hàng ngàn năm trong thiết kế của Lê Long Dũng. Bởi nhà thiết kế này vốn có nhiều kinh nghiệm thiết kế trang phục cho thí sinh đi thi và đã có hàng chục năm nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Độ hở da thịt và sự cầu kỳ cũng có thể chấp nhận được chứ không đến mức lố lăng. Các nhà thiết kế cho rằng thời đại hội nhập thì nên khuyến khích những cách điệu, sáng tạo cởi mở, phù hợp với thẩm mỹ đương thời từ nền tảng truyền thống. Đúng như Lê Long Dũng chỉ rõ: “Cái mà bạn bè quốc tế muốn là một sự giao thoa, một tư duy phát triển mới dựa trên tinh thần dân tộc”. Và phải tùy theo tiêu chí riêng biệt của từng cuộc thi (có cuộc thi thiên nhiều về giải trí, có cuộc thi mang tính mô phạm..) mà trang phục dân tộc đem đến là gì chứ không nên gò bó theo một khuôn mẫu.

Phan Thi Uyên

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tính đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM). Riêng trong năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ…

Ngày 27/4, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức, hoạt động “Rửa tiền", "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”; khởi tố bị can và bắt tạm giam 13 đối tượng. Kết quả điều tra xác định, các đối tượng đã trực tiếp hoặc thuê người thành lập hơn 250 công ty ma nhằm mở tài khoản công ty phục vụ hoạt động phạm tội, với tổng giao dịch hàng chục ngàn tỷ đồng…

Sau thời gian theo dõi, ngày 12/4/2024, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang nhóm đối tượng do Tăng Khải Văn (sinh năm 1988, trú tại quận 10) cầm đầu đang tổ chức đánh bạc qua mạng, dưới hình thức cá độ bóng đá.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文