Sân khấu với đề tài lịch sử: Nền tảng tinh thần cần chăm sóc
Đề tài lịch sử không xưa cũ
Vừa qua, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã cho ra mắt 2 vở diễn về đề tài lịch sử, đó là "Ni cô Hương Tràng" của đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên và "Lý Triều dựng nghiệp" của đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai.
Đối với các bộ môn nghệ thuật sân khấu kịch hát truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, những vở diễn về đề tài lịch sử vẫn luôn là lợi thế. Vì thế, lịch sử vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ để các nhà biên kịch, đạo diễn thỏa sức sáng tạo.
Trong nhiều năm qua, hầu như năm nào các nhà hát của các bộ môn kịch hát truyền thống cũng xây dựng những vở diễn mới về đề tài lịch sử. Ngoài ra, có thể kể đến bộ ba vở chèo "Bài ca giữ nước" của kịch tác gia Tào Mạt được Nhà hát Chèo Quân đội xây dựng, giữ gìn và kế truyền qua các thế hệ nghệ sĩ đã mấy chục năm qua vẫn luôn được yêu thích.
Một cảnh trong vở "Ni cô Hương Tràng" của đạo diễn, NSUT Triệu Trung Kiên. |
Đối với kịch nói, tần xuất xuất hiện các vở diễn về đề tài lịch sử có thưa vắng hơn các vở diễn về đề tài đương đại, song cũng không thiếu những vở diễn từng gây ấn tượng đặc biệt đối với khán giả như vở "Rừng trúc" của Nhà hát Tuổi trẻ, "Mỹ nhân và Anh hùng" của Nhà hát kịch Việt Nam, vở "Ngàn năm tình sử" của Sân khấu Idecaf, vở "Nỏ thần" của Sân khấu kịch Phú Nhuận.
Lịch sử nước ta với bề dày mấy ngàn năm và trải qua nhiều biến thiên, nhiều triều đại, giai đoạn đầy biến cố. Trong chiều dài lịch sử ấy, cũng xuất hiện không ít nhân vật tài danh, có số phận đầy kịch tính như Lý Công Uẩn, Lý Chiêu Hoàng, Lý Thường Kiệt, Trần Thủ Độ, Trần Thánh Tông, Trần Quốc Toản, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Quang Trung - Nguyễn Huệ...
Và qua năm tháng, nhiều bài học lịch sử về dựng nước, giữ nước, nhân sinh, những phẩm chất tốt đẹp của con người vẫn còn nguyên giá trị trong cái nhìn soi chiếu của con người hiện đại hôm nay. Có lẽ chính vì thế, đã có đến 50 vở kịch về nhân vật kỳ tài Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Cũng có vài chục vở diễn về cuộc đời vẻ vang nhưng bi ai của danh nhân Nguyễn Trãi với vụ án oan Lệ Chi Viên. Những vương triều thịnh trị như đời Lý, đời Trần hay những mốc chuyển giao có tính bước ngoặt trong lịch sử liên quan đến các nhân vật như "Hoàng hậu hai vua" Dương Vân Nga, Lý Chiêu Hoàng... thực sự đã được khai thác triệt để với nhiều khía cạnh và cái nhìn khác nhau, thậm chí là chứa đựng cả sự trái chiều.
Nói như thế cũng để một lần nữa khẳng định rằng, với sân khấu, dường như đề tài lịch sử là nguồn cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn. Song để những vở diễn sân khấu về đề tài lịch sử luôn có một sức sống mới mẻ, chứa đựng tính thẩm mĩ - giáo dục cao và có khả năng chinh phục khán giả hiện đại, nhất là các bạn trẻ, thực sự là điều không dễ dàng. Phải nói rằng, trong đời sống hiện đại, sân khấu về đề tài lịch sử vẫn là một phần quan trọng xây dựng nên nền tảng đời sống tinh thần. Vì thế, nó cần được chăm sóc, nâng đỡ.
"Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" - ấy là hai câu thơ rất nổi tiếng của Bác Hồ về tầm quan trọng của bộ môn lịch sử. Nhưng trong những năm qua, hiện tượng học sinh quay lưng lại với bộ môn lịch sử thực sự là một hồi chuông báo động. Bởi thế, nghệ thuật sân khấu nếu làm tốt chức năm thẩm mĩ - giáo dục của mình, chắc hẳn sẽ ít nhiều góp phần nâng cao nền tảng đời sống tinh thần cho công chúng, làm cho công chúng thêm hiểu, thêm yêu mến lịch sử nước nhà qua các vở diễn của mình.
Có một thực tế là, các vở diễn về đề tài lịch sử thường được dàn dựng hết sức công phu, hoành tráng, kinh phí lớn, song sức sống của nó cũng không mấy khi được bền lâu. Bởi thế, nhiều nghệ sĩ đã nói về việc phải có cách nào đó để đưa được các vở diễn, các trích đoạn sân khấu về đề tài lịch sử vào biểu diễn trong học đường như những buổi học "ngoại khóa", chắc hẳn sẽ thu nhận được những hiệu quả khả quan.
Nếu làm được điều này, chắc chắn việc giảng dạy và học tập môn lịch sử sẽ sinh động, thú vị và không còn nhàm chán, khô khan nữa. Và sân khấu cũng chắc chắn có thêm một lực lượng khán giả trẻ hùng hậu. Nhưng ở ta nhiều khi giữa ý tưởng và hiện thực luôn là những khoảng cách quá... xa vời.
Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai: Càng làm, càng mê
- Thưa đạo diễn - NSND Hoàng Quỳnh Mai, tính đến vở kịch "Lý Triều dựng nghiệp" vừa ra mắt, đến nay chị đã làm đạo diễn của bao nhiêu vở diễn sân khấu có đề tài về lịch sử?
+Có thể nói, trong gần 10 năm làm đạo diễn với khoảng 40 vở, tôi đã dàn dựng tới trên 30 vở diễn liên quan đến đề tài lịch sử của dân tộc. Nói có duyên cũng được, mà nói là theo đặc thù của sân khấu kịch hát truyền thống, các vở diễn muốn hay thường ít nhiều mang màu sắc dân gian hoặc là kịch lịch sử. Tôi học chuyên văn nhưng lại là người vô cùng yêu thích môn lịch sử, từ khi còn là học sinh dưới mái trường Phan Bội Châu (Nghệ An).
Vì thế, tôi luôn ham đọc sử, vớ được quyển sách nào về lịch sử đều đọc hoặc có một triều đại nào, một nhân vật lịch sử nào mà tôi quan tâm, tôi đều tìm nhiều nguồn tài liệu để đọc. Đến khi làm đạo diễn "chuyên trị" mảng đề tài này tôi cũng có nhiều lợi thế. Và đặc biệt là, càng làm tôi lại càng thấy mê, chứ không cảm thấy nhàm chán bao giờ.
- Khó khăn lớn nhất mà một đạo diễn gặp phải khi bắt tay vào dựng một vở kịch lịch sử là gì, thưa chị?
+Thực ra, làm kịch lịch sử cũng rất hay những cũng rất là khó. Nếu làm không khéo, dễ sa vào việc "minh họa lịch sử". Mà nếu là "minh họa lịch sử", thì thà người ta đọc lịch sử có khi còn hay hơn. Thực ra, điều khán giả chờ đợi ở một vở diễn sân khấu, đó là cái nhìn về lịch sử trong lăng kính của con người ngày hôm nay.
Ngoài ra, nó còn phải chứa đựng cả sự ngưỡng mộ, tôn kính, tri ân đối với những nhân vật lịch sử có tầm vóc, công lao lớn đối với đất nước như Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Thánh Tông, Lê Thánh Tông, Quang Trung - Nguyễn Huệ, Bác Hồ...
Nhưng với nghệ thuật sân khấu, những "góc khuất" của lịch sử, là những điều mà trong chính sử không được ghi rõ ràng mà vẫn như có một tấm màn sương khói bao phủ và mang màu sắc huyền thoại thì mới là mảnh đất màu mỡ cho sân khấu.
Nhiều người cho rằng, làm sân khấu về đề tài lịch sử hay bị sự thật lịch sử nó "khống chế", vì phải tôn trọng lịch sử. Nó đối trọng với việc làm nghệ thuật thì phải mở rộng tư duy, sáng tạo đạt đến độ bay bổng, lãng mạn. Vì thế, hư cấu gì thì hư cấu vẫn phải có chuẩn mực và không làm sai lệch lịch sử. Bởi vậy, theo tôi cái khó nhất của người sáng tạo đó chính là việc giải quyết thỏa đáng "mâu thuẫn" này thì mới có một vở diễn về đề tài lịch sử hấp dẫn, thuyết phục. Nó đòi hỏi người sáng tạo, người đạo diễn phải có một tầm tư duy nhất định, sự hiểu biết và lý giải lịch sử sắc bén, nhạy cảm.
Mỗi câu chuyện lịch sử đều có một chìa khóa, một phương án để mở nó ra và kể lại theo cách riêng của mỗi nghệ sĩ. Thực ra với tôi, càng va đập vào những câu chuyện lịch sử khó thì khi làm được mới càng hay! Tôi luôn tìm thấy trong quá khứ các góc nhìn của con người hiện đại, hơi thở của hiện đại. Vì thế, tôi luôn muốn xây dựng những vở diễn lịch sử được soi chiếu qua lăng kính của con người hiện đại hôm nay, trong đó vở "Lý Triều dựng nghiệp" của tôi vừa ra mắt là một ví dụ. Nó muốn nói lên khát vọng muôn đời của nhân dân là có một vương triều thịnh trị, bắt nguồn từ lợi ích của nhân dân.
- Có một thực tế là ngày nay, học sinh phổ thông ít có hứng thú đối với môn lịch sử. Khi được hỏi về một nhân vật lịch sử nào đấy thường nhầm lẫn lung tung, râu ông nọ cắm cằm bà kia. Chị có cho rằng, để học sinh tiếp xúc với lịch sử qua các trích đoạn sân khấu là một cách hay?
+ Học sinh không thích học lịch sử một phần vì những câu chuyện ấy không hấp dẫn được các em. Tôi cho rằng, để học sinh quay lưng lại với lịch sử dân tộc là điều rất nguy hiểm. Đưa sân khấu vào học đường, trong đó có việc tiếp cận với lịch sử qua sân khấu là việc làm hay, quá tốt là đằng khác. Đã có nhiều người nghĩ đến, thử sức và hi vọng nhưng vẫn chỉ là rải rác, nhỏ giọt chứ chưa có một kế hoạch dài hơi. Để làm được điều này cần có sự chung tay của Bộ Giáo dục & Đào tạo với Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch.
Tôi cho rằng, tuyệt vời làm sao nếu chúng ta có một nhà hát chuyên biệt chuyên dàn dựng các vở kịch lịch sử. Và các trường học khi học đến triều đại nào đó và muốn học sinh của mình có những ví dụ minh họa cụ thể, sinh động có thể hợp đồng với nhà hát để đưa học sinh đến xem biểu diễn. Như thế tiện thể một công đôi việc, học sinh vừa được học lịch sử còn sân khấu vừa đào tạo được khán giả trẻ.
- Xin cảm ơn đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai!
NSND Quốc Anh: Nhân vật lịch sử luôn có sức sống
Là nghệ sĩ, ai cũng có ao ước được vào vai những nhân vật lịch sử lớn, bản thân tôi cũng không ngoại trừ. Bởi vì tôi luôn ý thức rằng, một khi đã có một vai nhân vật lịch sử thành công, thì rất dễ "ghi điểm" trong lòng khán giả, đồng nghĩa với việc nhân vật ấy sẽ có sức sống lâu bền trong lòng khán giả và gắn bó với tên tuổi của một diễn viên.
Tôi là nghệ sĩ có thâm niên diễn hài, nhưng khi được NSND Doãn Hoàng Giang giao vai Nguyễn Trãi trong vở "Oan khuất một thời", tôi vô cùng thích thú. Vì thích nên tôi quyết phải làm bằng được và làm cho hay. Và đến khi công diễn, tôi nhận được rất nhiều lời động viên, khen ngợi. Cho đến bây giờ, vai Nguyễn Trãi trong "Oan khuất một thời" vẫn là vai diễn mà tôi tâm đắc nhất trong sự nghiệp diễn xuất của mình.
Tôi cho rằng, là người Việt Nam, ai cũng biết, cũng kính phục cụ Nguyễn Trãi. Cùng với nỗi oan khiên quá lớn, có một không hai trong lịch sử mà cụ Nguyễn Trãi và gia đình đã gặp phải, câu chuyện về cuộc đời Nguyễn Trãi sẽ trường tồn cùng lịch sử dân tộc. Tôi vẫn chờ đợi sẽ có được những vai diễn để đời như vai cụ Nguyễn Trãi.
Tôi cho rằng, đề tài lịch sử luôn là mảnh đất màu mỡ đối với các loại hình sân khấu, nhất là đối với chèo, tuồng, cải lương. Tuy nhiên, để làm cho hay, cho hấp dẫn và để các vở diễn mang tính giáo dục cao cần có sự đầu tư công phu ngay từ khâu kịch bản, bàn tay đạo diễn và tài năng của diễn viên. Và đề tài lịch sử sẽ không xưa cũ nếu luôn có cách làm mới mẻ, mang hơi thở của cuộc sống đương đại hôm nay.
Nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Hiếu: Cần có sự đầu tư lâu dài
- Thưa nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Hiếu, xin ông cho biết đâu là lý do khiến ông say mê, thích thú mỗi khi lựa chọn một đề tài liên quan đến lịch sử trong các sáng tác của mình?
+Việc viết kịch lịch sử luôn mang lại cho tôi niềm say mê vì bằng hình thức kịch và hình tượng được mô tả, thêm một lần tôi được tái hiện lại thực tế hào hùng và cả những bi kịch của cha ông ta cũng như những câu chuyện lý thú trong quá khứ cần được kể lại cho khán giả đương thời. Mặt khác, với đặc trưng của thể loại kịch là một thánh đường nghệ thuật, nên mỗi vở kịch lịch sử có thể nói lên những đìều cần nói, những thông điệp mà các bậc tiền nhân muốn gửi tới hậu thế.
- Cho đến nay, ông đã viết được bao nhiêu kịch bản sân khấu về đề tài lịch sử? Vở diễn nào ông tâm huyết nhất và mất nhiều thời gian, công sức đầu tư nhất?
+ Kể cả kịch bản "Truyền thuyết nỏ thần" dựa trên câu chuyện dã sử về bi kịch của vua An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu, được viết khi tôi vừa học xong chương trình phổ thông lúc mới 16 tuổi, cho đến nay tôi đã có trong tay 6 kịch bản lịch sử. Kịch bản tâm huyết, công phu và cũng tốn thời gian nhất là "Thầy Chu". Đây là kịch bản tôi viết về danh nhân Chu Văn An.
"Thầy Chu" tôi viết trong trại sáng tác do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức vào năm 2009. Ngay sau khi lên dự khai mạc trại, tôi lại có chuyến công du sang Hàn Quốc mất 7 ngày. Khi về, tôi chỉ còn đúng một tuần để hoàn thành kịch bản theo yêu cầu của trại.
Trong tuần lễ đó, do làm tốt tư liệu, cũng như kết cấu kịch bản nên tôi gần như xuất thần trong việc hoàn thành kịch bản. Đáng kể nhất là tôi dựng lại gần như trọn vẹn bản "thất trảm sớ" đã bị thất truyền. Mặc dù kịch bản "Thầy Chu" được đánh giá cao, nhưng vì nhiều lý do nên đến 4 năm sau, vào năm 2013 "Thầy Chu" mới được NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng cho Nhà hát Chèo Quân đội dưới tên gọi "Chu Văn An - Người thầy của muôn đời".
Để có kịch bản phù hợp đưa lên sân khấu, tôi lại mất thêm khoảng thời gian nữa để chỉnh sửa tác phẩm. "Chu Văn An - Người thầy của muôn đời" đoạt Huy chương Vàng của Liên hoan Sân khấu Chèo năm 2013 và được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải "Vở diễn xuất sắc nhất" năm 2013.
- Có khi nào ông viết một kịch bản về đề tài lịch sử theo đơn đặt hàng của một nhà hát chưa, hay cứ viết theo ý thích, sở trường của mình thôi? Với những kịch bản đã hoàn thiện, ông có cách gì để "chào hàng" không?
+ Tôi đã từng được một đơn vị sân khấu đặt hàng viết về lịch sử. Đó là trường hợp Đoàn Chèo Quảng Ninh vào năm 2016 đặt tôi viết về ông Vũ Văn Hiếu, Bí thư đặc khu đầu tiên của vùng mỏ Hồng Quảng, người mà nhà thơ Tố Hữu trong trường ca "Ba mươi năm đời ta có Đảng" đã khắc họa hành động đầy tình đồng chí thương yêu của ông với đồng đội trong tù "Chết còn cởi áo cho nhau/ Bát cơm dành lại người sau ấm lòng". Vở diễn này đã tham gia Liên hoan Sân khấu Chèo 2016, diễn viên chính đã đoạt Huy chương vàng.
Còn về cơ bản, tôi viết theo ý thích và sự cảm nhận của mình về lịch sử như kịch bản "Án Dâm Đàm" viết về Thái sư Lê Văn Thịnh - vị Trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam ta, người bị hàm oan trong lịch sử và trong cả nghệ thuật kịch trường; "Ông vua làng chài" viết về Mạc Đăng Dung, vị vua khai sáng ra nhà Mạc và có nhiều công lao trong lịch sử...
Là một nhà văn chuyên viết kịch, nên quả thật đối với những kịch bản viết xong, tôi hầu như không biết cách "chào hàng", ngoại trừ trông cậy vào sự giao lưu với các đơn vị biểu diển sân khấu, cùng đôi chút "tiếng tăm" của bản thân mình thôi.
- Sau một thời gian vắng bóng, thời gian gần đây một số vở diễn sân khấu về đề tài lịch sử lại được một số nhà hát lựa chọn để dàn dựng. Theo ông, vì sao các nhà hát có tâm lý "ngại" dàn dựng các vở diễn về đề tài lịch sử?
+ Theo tôi được biết có nhiều cái ngại. Ngại lớn nhất là trong lịch sử không thiếu những nhân vật, những sự kiện mang đầy chất kịch - sân khấu nhưng nhân vật ấy, sự kiện ấy chưa được đánh giá một cách nhất quán bởi các nhà sử gia cũng như dư luận xã hội. Ngại thứ hai là sự nhạy cảm của câu chuyện, nhân vật, vấn đề đưa ra...
"Thầy Chu" của tôi viết xong 2009 mà 4 năm sau mới lên sàn diễn là một ví dụ. Trình độ, sự am hiểu lịch sử cũng là một trong những trở ngại. Làm kịch lịch sử, điều đầu tiên về mặt hình thức phải trung thành với thời gian lịch sử từ trang phục đến ngôn ngữ, âm nhạc... Điều cuối cùng, chỉ tính riêng trang phục, mũ mão, cung kiếm, trang thiết bị để đúng và sát với không gian và thời gian cũng tốn không ít tiền đầu tư, trong khi ngân sách của nhiều đơn vị kịch hiện nay không phải dư dật.
- Trong bối cảnh hiện nay, ông có cho rằng Nhà nước phải có kế hoạch, sự quan tâm, đầu tư cho các vở diễn về đề tài lịch sử không? Tại sao?
+Với tư cách là kịch tác gia, tôi rất mong muốn nhà nước có chế độ đầu tư cũng như có kế hoạch về lâu dài, nhiều mặt để khuyến khích những sáng tác về đề tài lịch sử, cũng như những đơn vị dựng kịch lịch sử. Bởi vì hiện nay, tình trạng học sinh không ham học môn lịch sử bởi sự truyền thụ khô cứng, thiếu hấp dẫn. Với hình thức của kịch thì lịch sử sẽ được dẫn giải, kể lại một cách sinh động, dễ hiểu hơn.
Trường hợp Nhà hát Kịch Việt Nam vừa qua có một đợt diễn dài ngày vở "Kiều" (một tác phẩm khó trong việc cảm thụ đối với học sinh phổ thông) tại hàng loạt trường học và được thầy cô và nhất là học sinh rất hoan nghênh là một bằng chứng.
Mặt khác, với mảng kịch lịch sử sân khấu góp phần quan trọng cho việc con người đương đại, nhất là thế hệ trẻ hiểu lịch sử nước ta, hiểu chiến công cùng những vất vả của các thế hệ cha ông một cách toàn diện và đa dạng.
- Xin cảm ơn nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Hiếu!