Thi biên soạn sách giáo khoa, tại sao không?

08:29 21/03/2019
Theo Nghị quyết số 88/2014/QH13, ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, lộ trình thực hiện từ năm học 2018-2019 triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.


Nghị quyết còn khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn. Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau gần 5 năm kể từ ngày Nghị quyết số 88/2014/QH13 ra đời, chúng ta vẫn loay hoay chưa tìm ra lối thoát cho sách giáo khoa. Tuần qua, tại Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lần đầu tiên, chúng ta đưa vào nghị quyết của Quốc hội quy định về việc có nhiều bộ sách giáo khoa.

Để có những cuốn sách giáo khoa thực sự khoa học và bổ ích, cần có những cuộc thi biên soạn sách giáo khoa.

Không chỉ có người dân quan tâm, lo lắng về việc này, mà ngay cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã nêu ra những băn khoăn của mình: "Làm sao cha mẹ học sinh nói nên chọn sách nào? Rồi lại có xu hướng "chạy" để bộ sách của mình sử dụng ở trường này, tỉnh nọ. Có lãng phí không khi nhà nước bỏ tiền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn?".

Qua nghiên cứu và qua thực tế cho thấy, việc mỗi năm ngành Giáo dục phải thay, in, còn các gia đình thì phải mua một bộ sách giáo khoa mới... rõ ràng là rất lãng phí. Trong khi đó, nội dung trong sách thì đơn điệu và nhàm chán, kiến thức nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn, không đáp ứng được yêu cầu dạy chữ, dạy người; phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Rõ ràng chất lượng giáo dục không hề phụ thuộc vào một bộ sách giáo khoa duy nhất, càng không thể giao phó cho một nhóm người độc quyền định đoạt con đường tiếp cận tri thức cho khoảng 20 triệu học sinh phổ thông mỗi năm. Sách giáo khoa chỉ là tài liệu định hướng, gợi mở, chứ không phải là công cụ để nhào nặn con, em chúng ta vào cùng một  khuôn mẫu. Do vậy, việc có nhiều bộ sách giáo khoa là phù hợp với việc đổi mới giáo dục. Vậy tại sao chúng ta không tổ chức một cuộc thi chuyên về viết sách giáo khoa?

Việc tổ chức thi viết sách giáo khoa, nói theo cách khác là xã hội hóa khâu biên soạn sách giáo khoa có nhiều cái lợi. Thứ nhất, nó phá vỡ thế độc quyền lâu nay của một bộ phận được giao biên soạn sách và tự cho mình cái quyền duy nhất này. Thứ hai, nó tạo điều kiện để tất cả những người có trình độ, khả năng, có tâm huyết tham gia. Thứ ba, nó dân chủ, công khai và cái quan trọng là có nhiều phương án để so sánh, lựa chọn.

Đương nhiên chúng ta không tổ chức thi viết sách giáo khoa theo kiểu đập bỏ cái cũ để xây mới hoàn toàn, mà phải dựa trên nền tảng những bộ sách nhiều thế hệ học trò đã học, cùng với những tiêu chí mới về mục đích, nội dung, yêu cầu về tính bắc cầu, tính chuyển tiếp từ lớp nọ lên lớp kia, từ cấp học thấp lên cấp học cao hơn và có sự móc nối giữa môn học này với môn học khác.

Đương nhiên, người thi sẽ biết cái hay, cũng như cái dở của sách giáo khoa cũ để từ đó cần loại bỏ cái gì, cần củng cố phát huy cái gì và những cái mới nào cần đưa vào. Việc quan trọng nhất là tổ chức chấm thi cho khách quan và công bằng, lựa chọn được những bài thi xuất sắc nhất. Sẽ không phải lo việc sách giáo khoa chệch hướng so với triết lý, mục đích và yêu cầu của giáo dục khi đã đưa ra được những tiêu chí cụ thể, rõ ràng.

Đồng thời, chúng ta lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, nhà giáo, các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong ngành giáo dục của các thầy, cô giáo và của cả học sinh. Bên cạnh đó, thành lập một hội đồng đánh giá, thẩm định sách giáo khoa gồm các thành viên phải được lựa chọn cẩn thận về trình độ chuyên môn, văn hóa chung, có trách nhiệm và có đạo đức. Những bộ sách giáo khoa được giải trong cuộc thi, không thể để nguyên như thế mà sử dụng. Lúc này, hội đồng thẩm định căn cứ vào cái đã có, phân tích, đánh giá, bổ sung, hoàn thiện.

Có rất nhiều chiếc chìa khóa để mở các cánh cửa khác nhau dẫn vào ngôi nhà tri thức. Nếu chúng ta tìm được chiếc chìa khóa hữu hiệu nhất, mở được cánh cửa dẫn vào ngôi nhà tốt nhất sẽ trở thành lựa chọn tất yếu của xã hội. Nhà trường, giáo viên và học sinh ở vùng miền, dân tộc khác nhau cũng có nhiều lựa chọn sách phù hợp với văn hóa, nhận thức của học sinh để có thể phát huy được hiểu biết, năng lực của bản thân mình.

Giáo dục là con đường nhiều chông gai, sách giáo khoa cũng tựa như cây cầu. Bản thân sách giáo khoa cần phải tinh giản, loại đi yếu tố kinh viện, hàn lâm. Hãy làm sao tạo cho con trẻ niềm ham thích, hứng thú tìm hiểu tri thức chứ không phải sự áp lực hay một nỗi sợ dù là mơ hồ. Chiếc cặp càng nặng, tuổi thơ của các con càng mỏng, quỹ thời gian cho vận động, khám phá thế giới càng ít đi. Điều này không có bậc phụ huynh nào mong muốn cả!

Cù Tất Dũng

Các đối tượng đã làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên, các đối tượng này đã đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở rồi cưỡng đoạt tài sản.

Trung Quốc ngày 3/5 đã phóng một tàu vũ trụ không người lái thực hiện sứ mệnh kéo dài gần hai tháng nhằm lấy đá và đất từ phía xa của Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện nỗ lực đầy tham vọng này.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc ngày 3/5 với Công an tỉnh Điện Biên và các đơn vị chức năng của Bộ Công an để đánh giá, rút kinh nghiệm chương trình sơ duyệt khối diễu binh, diễu hành của lực lượng CAND tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sáng 3/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Danh Út Hiểu (SN 1985, ngụ phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá) và Đặng Hoàng Lâm (SN 1987, ngụ phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá) cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”, Hằng đã đưa hối lộ hơn 1,1 tỷ đồng và chi hơn 12 tỷ đồng để nhờ người xin cấp phép “Chuyến bay giải cứu” và bị tuyên phạt 20 tháng tù về tội "Đưa hối lộ". Trong vụ án mới đây, Hằng đã lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản là 4 xe ô tô trị giá hơn 1,8 tỷ đồng.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự kiến sẽ đồng loạt triển khai thu phí không dừng từ ngày 5/5 tại 5 sân bay lớn gồm Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Ngày 3/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phú (SN 1996, trú xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) để tiếp tục điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文