Trách nhiệm bảo tồn di sản thiên nhiên

08:42 10/10/2019
Di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới… Những danh hiệu đó còn có ý nghĩa gì không, khi những giá trị nguyên bản và chân chính không được gìn giữ...


Đèo Mã Pí Lèng là một di sản thiên nhiên cấp quốc gia, được mệnh danh là một trong "tứ đại đỉnh đèo" ở Việt Nam, là niềm tự hào của người Việt Nam và là ước mơ chiêm ngưỡng của bao du khách nước ngoài. 

Tuy nhiên, nơi đây đã mọc lên một công trình đồ sộ 7 tầng gồm hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ Panorama thuộc sở hữu của một hộ gia đình ở thành phố Hà Giang, khi chưa được cấp phép xây dựng, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa có giấy chứng nhận đầu tư, chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Vị trí xây dựng này thuộc địa điểm đã được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đặt cột mốc khoanh vùng di sản danh thắng thiên nhiên Mã Pí Lèng và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) cũng chọn làm điểm dừng chân ngắm cảnh đường đèo và toàn cảnh dòng sông Nho Quế.

Việc xây dựng trái phép đã phá vỡ không gian cảnh quan di sản thiên nhiên, khiến dư luận đặt hàng loạt câu hỏi: Phải chăng có sự buông lỏng quản lý, có sự bao che cho công trình trái phép xâm hại Mã Pí Lèng và Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn?

Chuyện như thế không thiếu ở Việt Nam, khi mà cá nhân làm liều, trong khi cơ quan, tổ chức có chức năng không biết. Nhiều chuyện đã xảy ra với những di tích, di sản mà hẳn nhiều người chưa quên: Năm 2017, Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới, kỳ quan hai lần được ghi nhận nhưng vẫn chưa thoát khỏi danh sách khuyến nghị của UNESCO khi để "Vùng lõi di sản" bị hàng loạt doanh nghiệp bê tông hóa, đổ cát lấn biển làm du lịch trái phép, nhiều dự án xẻ núi làm đường hay xây bất động sản.

Khách sạn không phép được xây dựng trên đỉnh Mã Pí Lèng.

Nhức nhối hơn nhiều khi các chuyên gia và dư luận chứng kiến Danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới có nguy cơ bị đưa vào "Danh sách đen" của UNESCO vì để cho Công ty cổ phần Du lịch Tràng An tự ý đầu tư, mở điểm du lịch có tên là "Tràng An Cổ" tại khu vực núi Cái Hạ, với chiều dài hơn 1km, gồm cổng và hơn 2.000 bậc xi măng lên xuống.

Chúng ta từng chứng kiến việc UNESCO đã loại 2 trường hợp ra khỏi danh sách di sản thiên nhiên thế giới, đó là thung lũng Elbe của nước Đức và rừng Orman ở vùng Trung Đông, vì cả hai đã vi phạm nghiêm trọng các cam kết với UNESCO trong vấn đề bảo tồn di sản thiên nhiên.

Một thực trạng đáng buồn là ở Việt Nam, nhiều di tích, di sản khi chưa được xếp hạng, chưa nổi tiếng thì rất bình yên, nhưng khi được khoác thêm danh hiệu, thì sự bình yên không còn nữa. Cơn bão du lịch, sự thương mại hoá, công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo cảnh quan... không đúng cách, vô nguyên tắc đã làm phá hoại và vẩn đục di sản. Việc xâm phạm một cách ngang nhiên các di sản đều diễn ra trong thời gian dài, nhưng cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương và cao nhất là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lại không hay biết.

Mấu chốt để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng này chính từ những cán bộ trực tiếp quản lý di sản và của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương "có vấn đề" như buông lỏng quản lý, trình độ nghiệp vụ yếu kém, thiếu kiểm tra, giám sát, buông lỏng quản lý.

Cũng không loại trừ trường hợp cán bộ quản lý tiếp tay, thông đồng để đưa di sản thiên nhiên trở thành "món hàng" để mua bán, trục lợi cho một số người. Phải khẳng định rằng: Vũ khí hủy diệt di sản thiên nhiên ghê gớm nhất chính là con người chứ không phải là một loại vũ khí nào khác.

Nhà nước hầu như chưa xử lý bằng pháp luật hình sự đối với hành vi xâm hại di tích, trong khi Bộ luật Hình sự có đầy đủ quy định về tội danh này. Dư luận yêu cầu làm rõ xem những ai "chống lưng", hậu thuẫn cho những cá nhân, công ty này phá nát di sản thế giới mà không vấp phải sự ngăn chặn của các cán bộ từ thôn tới tỉnh như vậy?

Đã đến lúc phải xử lý nghiêm minh các đối tượng xâm hại di tích, những người có trách nhiệm quản lý di tích ở các địa phương để xảy ra những vụ xâm hại di tích. Đây cũng là việc làm cấp bách để cứu những kỳ quan trước khi quá muộn

Di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới… Những danh hiệu đó còn có ý nghĩa gì không, khi những giá trị nguyên bản và chân chính không được gìn giữ. Những câu chuyện buồn về di sản có nhiều nguyên nhân, và một trong những nguyên nhân ấy chính là cái tâm của con người trước di sản, trước lịch sử, quá khứ và đau đớn nhất - đó là cán bộ quản lý di sản không có tình yêu với di sản.

Tất cả chúng ta cần nhìn lại việc mình đối xử với Mẹ thiên nhiên như thế nào? Mình đã làm gì trong việc khai thác những món quà từ Mẹ thiên nhiên để đảm bảo sự phát triển bền vững. Cần phải tôn kính, quý trọng thiên nhiên, vì đó là điều đem lại lợi ích cho hiện tại và cho cả thế hệ con cháu mai sau.

Cù Tất Dũng

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文