Truyện ngôn tình Trung Quốc – một cách nhìn

08:00 07/10/2015
Từ trung tuần tháng 9/2015, Cục Xuất bản có lệnh tạm dừng xuất bản những truyện ngôn tình Trung Quốc. Kèm theo đó là một loạt bài báo lên án truyện ngôn tình. Vậy truyện ngôn tình là gì? Nó đã làm mưa làm gió ra sao, nội dung nó thế nào mà báo chí phải dè bỉu, chê bai, nếu không muốn nói là lên án?

 Nói một cách dễ hiểu, "ngôn" là nói, "tình" là tình yêu. Ngôn tình là những câu chuyện nói về tình yêu. Đây là một trào lưu sáng tác văn học của các tác giả trẻ Trung Quốc, chủ yếu là nữ, phương thức chủ yếu sáng tác trên mạng, nội dung nói về tình yêu của giới trẻ, xuất hiện ở Trung Quốc cách đây khoảng 10 năm. Các tác giả viết ngôn tình nổi tiếng có thể kể đến như Tân Di Ổ, Ðồng Hoa, Tào Đình, Cố Mạn, Ðường Thất Công Tử, Phỉ Ngã Tư Tồn, Lâm Ðịch Nhi, Diệp Lạc Vô Tâm... Nhà văn Trang Hạ là người đầu tiên đưa dòng ngôn tình vào Việt Nam với việc dịch tác phẩm "Xin lỗi, em chỉ là con đĩ" của nhà văn Tào Đình (Bảo Thê). Sau này trong một cuộc phỏng vấn, nhà văn Trang Hạ cho biết, chị cũng hoàn toàn không ngờ đến sự phát triển nhanh chóng của thị trường dịch sách ngôn tình ở Việt Nam.

Một số cuốn sách ngôn tình ăn khách trên thị trường sách ở Việt Nam.

Nguyên nhân khiến cho sách ngôn tình Trung Quốc nở rộ và thành trào lưu khá đơn giản. Thứ nhất, Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa từ lâu, những luồng văn hóa phổ thông, đại chúng đã trở thành món ăn tinh thần cho nhân dân, sánh vai cùng những trào lưu văn hóa khác. Thứ hai, bản thân Hội Nhà văn Trung Quốc ngay từ năm 1980 đã ra văn kiện, trong đó Chủ tịch Hội Nhà văn Mao Thuẫn khẳng định: "Đầu tiên là giải phóng tư tưởng, điều đó không những nói nhà văn mà nói cả lãnh đạo nữa.

Đề tài cần đa dạng hóa, không có bất cứ một khu cấm nào. Nhân vật cũng phải đa dạng hóa, nhân vật chính diện, nhân vật phản diện, nhân vật trung gian, nhân vật lạc hậu đều có thể viết, không cấm. Đó là những điều mọi người nhất trí, thừa nhận. Nhưng phương pháp sáng tác cũng phải đa dạng hóa, nhà văn có quyền tự do lựa chọn bất cứ phương pháp nào". Từ đó văn học Trung Quốc phát triển đa dạng, phong phú. Thứ ba, nhà nước Trung Quốc cấm các trang mạng nước ngoài như Google, Facebook…, tập trung phát triển những trang mạng trong nước, khuyến khích độc giả sử dụng những trang mạng Trung Quốc, thực hiện chính sách "cua đồng" trên mạng (từ ám chỉ rằng Trung Quốc khuyến khích viết về những vấn đề ca ngợi, những vấn đề làm công chúng lãng quên thực tại, lãng quên những tiêu cực xã hội).

Chính vì những lẽ đó, Trung Quốc không cấm dòng tiểu thuyết ngôn tình, mà ngược lại còn để nó nở rộ. Mặt khác, số lượng tác giả ngôn tình ngày một tăng lên, do việc bán sách nhanh chóng giúp họ nổi tiếng, kiếm được thu nhập, không chỉ từ sách in, mà còn từ việc trả phí khi đọc trên mạng. Các nhà văn Trung Quốc thường tải từng phần tác phẩm của mình lên mạng, ai muốn đọc thì phải có tài khoản, đăng nhập và trả tiền. Bù vào đó, độc giả được tham gia vào cốt truyện, có quyền góp ý cho nhà văn nên phát triển cốt truyện theo hướng nào, kết thúc ra sao, có hậu hay không có hậu. Tất cả những điều đó làm cho sách ngôn tình hết sức phát triển.

Khi vào Việt Nam, do đặc điểm nhẹ nhàng, dễ hiểu, nói về những câu chuyện tình lâm ly nên rất nhanh chóng, truyện ngôn tình được nhiều độc giả trẻ Việt Nam say mê. Hơn nữa, mạng Internet bây giờ là phương tiện chuyển tải tốt nhất cho truyện ngôn tình. Không chờ sách in, nhiều độc giả biết tiếng Hoa đã tự dịch, tự tải lên mạng để chia sẻ. Hiện nay, ở Việt Nam có hàng trăm trang web, diễn đàn, blog như vậy.

Nói ngôn tình là dòng văn học rẻ tiền thì chưa chính xác. Nó là văn học thông tục, văn học ngoại biên và chúng ta nên nhìn nó như nhìn một hiện tượng văn học đại chúng, phổ thông, có tầng lớp độc giả riêng. Có nhiều cuốn ngôn tình không chỉ đơn thuần là chuyện tình cảm, mà còn dựng nên một bức tranh lịch sử xã hội rộng lớn, cung cấp những kiến thức văn hóa phong phú, vừa cổ xưa vừa hiện đại. Nhiều cuốn sách đòi hỏi một trí tưởng tượng vô cùng phong phú và đặc sắc, đặc biệt là những truyện ngôn tình kiểu cổ đại hay huyền huyễn (tức là có yếu tố kỳ ảo, hoang đường). Nhiều câu chuyện tình của giới trẻ khắc cốt ghi tâm, lấy bối cảnh học đường rất gần gũi với giới trẻ chẳng hạn như truyện của Đồng Hoa, Tân Di Ổ… Hầu hết các truyện ngôn tình đều ca ngợi tình yêu chung thủy của những con người trẻ tuổi. Vì vậy, nó càng dễ đi vào lòng độc giả.

Ngôn tình rất đa dạng, có đến hơn 50 loại ngôn tình với rất nhiều thuật ngữ: dòng cổ đại (nói chuyện ngày xưa), dòng đô thị hiện đại (nói chuyện hiện đại), dòng xuyên không (nhân vật từ thời hiện đại thường sau một tai nạn, bỗng nhiên thấy mình quay về quá khứ cổ xưa), dòng võng du (nói chuyện tình online trên mạng) v.v…

Dĩ nhiên cũng có loại tốt, loại xấu, loại bị cho là vi phạm thuần phong mỹ tục, nói chuyện loạn luân, đồng tính luyến ái, ngoại tình (còn gọi là loại đam mỹ và bách hợp). Những bài báo gần đây lên án ngôn tình đều vin vào những lý do này. Như vậy liệu có khắt khe quá không khi mà nhiều kiệt tác văn học thế giới viết còn dữ dội, bạo liệt hơn thế. "Lolita" của Vladimir Nabokov nói về ấu dâm trẻ em trở thành tác phẩm rất nổi tiếng. Nói về đồng tính luyến ái thì bộ phim "Broke Back Mountain" của đạo diễn Lý An (Ang Lee) chẳng phải là một bộ phim tuyệt vời đó sao?

Nên đặt truyện ngôn tình vào dòng chảy lịch sử của nó. Đừng quên rằng ở thời trung đại, những câu chuyện "tài tử giai nhân" ở các nước phương Đông rất phổ biến, như chuyện Thôi Oanh Oanh; Trương Quân Thụy ở Trung Quốc, "Truyện Xuân Hương" ở Hàn Quốc; "Phạm Công - Cúc Hoa"; "Sơ kính tân trang" của Việt Nam; "Hiếu sắc nhất đại nam"; "Hiếu sắc nhất đại nữ" của nhà văn Nhật Bản thời Edo là Ihara Saikaku v.v…

Tiến sĩ Hà Thanh Vân (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ).

Còn rất nhiều câu chuyện tình theo kiểu tài tử giai nhân theo motip: gặp gỡ - chia tay, lưu lạc - đoàn viên. Sang đến đầu thế kỷ XX, ở Trung Quốc có hẳn một phái viết văn gọi là phái "Uyên ương hồ điệp", thực chất cũng là viết về những câu chuyện tình yêu, mà đại diện tiêu biểu nhất là Từ Chẩm Á với các tác phẩm "Ngọc lê hồn"; "Tuyết Hồng lệ sử".

Truyện ngôn tình ngày nay cũng thế: cũng theo motip gặp nhau - yêu nhau - hiểu lầm - chia xa - đoàn tụ, có điều được viết với hình thức mới mà thôi. Dòng tiểu thuyết tình yêu là dòng tiểu thuyết cổ điển của phương Đông và có nhiều tác phẩm xuất sắc. Ngày nay ngôn tình chỉ là sự nối dài đại chúng của những câu chuyện tình ấy. Tình yêu luôn là chủ đề vĩnh cửu của văn học, có điều nó được thể hiện bằng hình thức này hay hình thức khác, bằng ngôn ngữ hàn lâm cao sang, hay bằng ngôn ngữ bình dân đại chúng.

Điều đáng lo ngại ở truyện ngôn tình không chỉ là ở những chuyện loạn luân hay đồng tính luyến ái, hay hoang đường ma quái, kinh dị, mà ở chỗ có nhiều cuốn sách ngôn tình đề cao văn hóa Đại Hán, văn hóa Hoa Hạ, xem văn hóa Trung Quốc là số một, đề cao dân tộc Trung Hoa, xem những dân tộc khác (ví dụ như người Nhật Bản) là thấp kém. Có tác phẩm nhân vật nữ chính đi du học Nhật Bản và nói về đất nước, văn hóa, con người Nhật Bản với giọng miệt thị. Đây rõ ràng là mặt tiêu cực, mặt chưa được của ngôn tình.

Trong hoàn cảnh thực tế hiện nay, lệnh tạm dừng xuất bản của Cục Xuất bản dường như chỉ cấm được sách in, trong khi đó ngôn tình đang thật sự sống trên mạng với hàng loạt trang web, diễn đàn, blog... đăng tải. Truyện ngôn tình hiện nay không phải do những dịch giả chính thống dịch nữa, mà có thể là do những người yêu thích tiếng Hoa, biết tiếng Hoa, tự mình hay cùng nhau dịch.

Lý thuyết tiếp nhận văn học có khái niệm tầm đón đợi, chỉ sự tiếp nhận của công chúng với tầm văn hóa có sẵn, ngưỡng đọc và tư duy có sẵn. Công chúng thì đa dạng và mỗi tầm đón đợi của mỗi người là khác nhau. Đã từng có những trào lưu văn hóa ở Việt Nam như truyện tranh Nhật, phim truyền hình Hàn Quốc, vậy chúng ta cũng nên xem truyện ngôn tình là một trào lưu văn hóa với đầy đủ ưu khuyết điểm của nó, thay vì chỉ lên án.

Gần đây có nhiều bài viết lên án ngôn tình, chủ yếu là bài của các nhà báo và ý kiến của độc giả. Còn rất hiếm tiếng nói của những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học. Giới học thuật không nói đến ngôn tình chắc vì nhiều người trong số họ cho là rẻ tiền, không đáng đọc. Có lẽ nên có nhiều bài báo, bài nghiên cứu mang tính khoa học, thấu đáo để cho công chúng hiểu đâu là mặt tiêu cực, đâu là mặt tích cực của ngôn tình. Chính điều này sẽ tạo ra tầm đón đợi cho công chúng, nhất là những công chúng trẻ tuổi, và tạo ra bộ lọc tốt cho sách ngôn tình. Thay vì lên án, chúng ta hãy cùng điều chỉnh thị hiếu cho độc giả qua những phương tiện thông tin đại chúng. Ở đó cái được và chưa được của ngôn tình đều được nêu lên sòng phẳng, khách quan.

TS. Hà Thanh Vân (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ)

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc ngày 3/1 thông báo gia hạn thêm một tuần đối với việc kiểm tra tất cả 101 máy bay Boeing 737-800 do các hãng hàng không nước này khai thác, trong bối cảnh cơ quan chức năng bắt đầu trục vớt xác máy bay của Jeju Air sau thảm họa hàng không xảy ra cuối tháng 12. 

Ngày 3/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, sau thời gian điều tra, củng cố chứng cứ, đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng tại quận 12) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ quận 12; bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) về tội "Hành hạ người khác".

Ngày 3/1/2025, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nam Định đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra Lệnh tạm giam đối với 5 đối tượng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và đang tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ, thu thập tài liệu chứng cứ, làm rõ vai trò, hành vi phạm tội của các đối tượng khác trong đường dây để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ nữ nhân viên ngân hàng nghi bị đánh ghen gây xôn xao dư luận những ngày qua, chiều 3/1, thông tin từ Công an quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết: Hiện tại, sức khỏe chị N.N.N. (nữ nhân viên ngân hàng) ổn định và đang còn điều trị, chăm sóc tại cơ sở y tế.

Năm 2024, Ban liên lạc (BLL) Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đặc biệt quan tâm xây dựng tổ chức BLL vững mạnh trên cả 4 nền tảng, góp phần đưa hoạt động của BLL ngày càng hiệu quả, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu nhiệm vụ đề ra.

Công an tỉnh đang tạm giữ hình sự đối với đối tượng Nguyễn Tiến Đồng (SN 1987, trú tại phường Trà Bá, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) để điều tra về hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Sức hút hậu hai chương trình "Anh trai say hi" và "Anh trai vượt ngàn chông gai" ngày càng mạnh mẽ khi các concert của dàn anh trai liên tục khuấy đảo, tạo nên cơn sốt chưa từng có với thị trường nhạc Việt. Không bỏ lỡ, hàng loạt nghệ sĩ tận dụng sức hút khổng lồ của chương trình để ra mắt sản phẩm âm nhạc cá nhân hòng khuếch trương tên tuổi.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文