Vòng “sợ sai”

10:09 01/04/2021
Cuối tuần vừa rồi, ở một địa phương miền Trung đã tổ chức một buổi lễ kỷ niệm ngày giải phóng địa phương theo phương thức rất tiết kiệm, trang trọng, nhiều ý nghĩa và thu hút được đông bà con địa phương.


Cũng trong lễ kỷ niệm này, chính quyền địa phương có tổ chức bữa tiếp tân nhỏ gọn để chung vui cũng như tri ân các lão thành cách mạng, những doanh nhân địa phương cũng như những nhà đầu tư và đối tác. 

Bữa tiếp tân không xa hoa với những đặc sản quý hiếm, chỉ xoay quanh mấy món ăn truyền thống bản địa nhưng lại thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách mời. 

Và sự quan tâm đặc biệt ấy dành cho một thứ duy nhất: Chai rượu tiếp khách. Đó là một chai rượu cũng bản địa hoàn toàn. Và phải nói thật lòng, rượu thơm ngon vô cùng. Nó được đóng chai rất đẹp, không thua gì những chai whisky hảo hạng đang được ca tụng trên thị trường. 

Nói chung, chất lượng và mẫu mã đều được thực khách đánh giá là “đẳng cấp quốc tế”. Khi một thực khách có ý định chụp hình lại chai rượu kể trên thì một quan chức địa phương đã xin phép không nên công bố trên mạng xã hội vì ngại... dư luận. Vị thực khách cũng rất lịch sự xoá bức ảnh đã chụp nhưng chi tiết ấy đã làm tiền đề cho một câu chuyện trên bàn tiệc để lại rất nhiều điều đáng suy ngẫm.

Được biết, loại rượu này được chế xuất bởi chính một công ty dược phẩm quốc doanh của địa phương, theo đơn đặt hàng của chính quyền. Bản thân đơn vị chiết xuất cũng làm việc rất nghiêm túc để tạo nên một sản phẩm chất lượng như thế. 

Họ lên danh sách 5 hộ dân nấu rượu uy tín hàng đầu của tỉnh, chắt lọc lại, lựa chọn 1 hộ có sản phẩm tốt nhất, đặt sản xuất với giá sẵn sàng đắt gấp đôi giá thông thường để đảm bảo điều kiện duy nhất: cung ứng cho đơn vị chiết xuất thứ rượu hàng đầu, ổn định về chất lượng nguyên liệu đầu vào cũng như quy trình chưng cất. 

Sau đó, đơn vị chiết xuất hạ thổ 3 năm, ngâm cùng một số vị thuốc Nam bản địa thêm một thời gian rồi mới tiến hành đóng chai, dán nhãn. Trên nhãn dán ấy có một dòng chữ “Rượu tiếp khách - không để bán”.

Sự e dè của đại diện chính quyền là điều dễ hiểu. Dư luận vẫn luôn mặc định cho rằng uống rượu là không tốt, dù chính lực lượng rất đông trong dư luận đó vẫn uống rượu thường xuyên. Và cũng với định kiến này, quan chức uống rượu lại càng không tốt. 

Song, bất kỳ địa phương nào cũng phải có các hoạt động ngoại giao, tiếp tân nên việc xuất hiện rượu trên bàn tiếp tân là đương nhiên. Vậy thì tại sao lại phải ngại dư luận khi chính quyền sử dụng rượu bản địa, với giá thành rẻ hơn hàng chục lần so với một số địa phương khác sử dụng rượu ngoại nhập đầy xa hoa và lãng phí?

Lẽ ra, việc một địa phương sử dụng sản phẩm bản địa, có chất lượng, có chi phí thấp, lại có tính tự hào địa phương thay vì lãng phí tiền của cho những thứ rượu ngoại nhập đắt tiền nên là việc cần được ghi nhận. Nhưng có lẽ, sự khắt khe của dư luận cùng khả năng tạo ra khủng hoảng truyền thông của cộng đồng mạng xã hội đã ngăn cản một địa phương công khai thứ rượu bản địa tiếp khách của mình.

Điều đáng nghĩ hơn chính là câu hỏi “Tại sao địa phương kể trên không phát triển thương hiệu rượu tiếp khách này thành thương phẩm bản địa, bán cho người dân cũng như du khách một cách rộng rãi thay vì chỉ sử dụng trong vòng khép kín mang tên tiếp khách?”. 

Nếu như nó được phát triển thành một thương phẩm rộng rãi, gắn chặt với bản sắc địa phương, có khi dư luận sẽ không nhìn nhận một cách phiến diện và không khiến cho những người đại diện chính quyền ở đây phải e dè. Thậm chí, nếu làm tốt, nó hoàn toàn có thể đóng góp một nguồn thu ngân sách đáng kể.

Chung quy, vấn đề nằm ở chỗ nhiều khi ta làm đúng nhưng chưa làm tới cùng, chưa đủ độ minh bạch, công khai thì ta sẽ vẫn sợ người khác nghĩ sai về mình. Cái chai rượu tiếp khách kể trên, suy cho cùng cũng chỉ là ví dụ cho một tồn tại hiện nay là có nhiều việc tuy đúng, nhưng chưa được tính toán cho thấu đáo, đâm ra cứ luẩn quẩn mãi trong cái vòng “sợ sai”.

Văn Đoàn

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文