Cách để yêu thương

14:51 01/12/2024

Một lần đang đi dạo trên phố, thấy cậu em họ đang lái ô tô dừng lại bên vệ đường và kéo kính chào, dù rất vui mừng nhưng tôi vẫn phải nhẹ nhàng nhắc hai vợ chồng đừng để con nhỏ đứng trên ghế trước. Khi chiếc xe chuyển bánh, tôi vẫn thấy đứa cháu ngó đầu qua cửa sổ trời mà không khỏi lo lắng.

Hình như, chúng ta phấn đấu để có được nhà cửa, xe cộ bằng bạn bằng bè, hùa theo những thú vui mà lại quên mất rằng số đông cũng phạm những sai lầm, số đông không phải lúc nào cũng cẩn thận và tỉnh táo.

Ít hôm trước, tình cờ được đọc một thông tin: theo kết quả khảo sát của Đại học Y tế công cộng ở 3 thành phố lớn, chỉ có 1,3% ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ. Cụ thể: Hà Nội là 2,6%; TP Hồ Chí Minh là 1,1%; TP Đà Nẵng 0% (theo: Nguyễn Tú, Báo Thanh niên).

Giáo dục tri thức, bồi dưỡng tâm hồn là cách vun đắp tương lai cho con em chúng ta.

Thật may, những lo lắng của người viết đã được giải quyết khi đã có những quy định rõ ràng của Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2026): trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35 m không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe và phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp. Nhưng, từ sự việc này, một người bạn của tôi lại có sự liên hệ thú vị, có lần anh bảo với tôi: "Nhiều người đang yêu trẻ con bằng những cách kì lạ lắm". Tôi hỏi thì được anh giảng giải: "Họ đâu cần để ý đến việc sắm thiết bị an toàn cho con, chỉ cần chuẩn bị sẵn cái phong bì là được. Bởi, có lẽ, chiếc phong bì là "thiết bị an toàn" theo chân con vào đời...".

Chuyện lo lót, chạy chọt, lấy lòng không hề mới nhưng tùy vào hoàn cảnh mà nó thuộc về một thói quen hay vấn nạn. Chị Phạm Hồng Hạnh (Nam Từ Liêm, Hà Nội), là một phụ huynh đã thẳng thắn có những lời tâm sự với cảm giác xấu hổ khi cô giáo của con trả lại quà và phong bì: "Ngay lúc đấy, trong lòng tôi trào dâng cảm giác xấu hổ. Cho đến bây giờ, tôi vẫn ân hận vì hành động cố dúi quà vào tay cô lúc ở sân trường. Tôi dường như đã xúc phạm tới cô vậy" (theo: Hoàng Hồng, Báo Dân trí).

Thật ra, chiếc phong bì không phải lúc nào cũng chứa đựng âm mưu hối lộ, "bôi trơn" như một hình thức tham nhũng vặt. Nhiều khi, đơn giản, nó là cách thể hiện sự cảm ơn hay muốn động viên để cô giáo chú ý và quan tâm hơn đến con em mình. Có điều, suy nghĩ đơn giản và thiển cận này lại tạo ra những hệ lụy không nên có. Và, sâu xa hơn, chúng ta đang yêu trẻ, đang lo cho tương lai của con em mình bằng một nước cờ sai. Giữa lúc đang muốn kiếm tìm một ý kiến đồng thuận, người viết chợt bắt gặp một quan điểm rất thuyết phục của giảng viên Hoàng Nam Tiến trên vnexpress.net. Anh viết:

"Năm nay chúng ta hãy thử làm khác đi. Thay vì tặng hoa, tặng quà, hãy gửi tới thầy cô những cuốn sách hay, những tác phẩm ý nghĩa. Các thầy cô sẽ không giữ sách cho riêng mình, mà đóng góp vào các tủ sách, thư viện dành cho học sinh.

Sách tặng không nhất thiết phải mới, thậm chí còn tuyệt vời hơn khi đó là sách cũ bạn từng đọc, từng nhận ra trong đó những điều hữu ích với bản thân. Lúc này, bạn không chỉ tặng một cuốn sách, mà còn chia sẻ một lựa chọn, một kinh nghiệm đọc sách, một trải nghiệm giá trị của mình với người khác. Những người bận rộn sẽ đặc biệt quý trọng điều này.

Tặng sách không chỉ là tặng một món quà kết nối tri thức mà còn kết nối tâm hồn các thế hệ. Một cuốn sách có ý nghĩa với một phụ huynh khi được chọn tặng thầy cô sẽ trở nên vô cùng đặc biệt. Nó gửi gắm tri thức, kinh nghiệm, tình cảm và sự tin tưởng, trân trọng của phụ huynh tới nhà trường, mở ra một kết nối mới giữa cha mẹ và thầy cô".

Cần giúp trẻ em sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, an toàn.

Thú thực, tôi là người thích đọc sách, từng viết vài cuốn sách cho riêng mình nhưng cũng chưa nghĩ được rằng sách sẽ giúp: "kết nối tâm hồn các thế hệ" sâu sắc như anh Hoàng Nam Tiến. Ngẫm ra, chính "sợi dây", mạch ngầm vô hình mà sách tạo ra cũng là thứ "thiết bị bảo hiểm" kì diệu để con em chúng ta vững vàng trước những thách thức mới trong đời sống tinh thần.

Nhưng, cần phải đặt lại khái niệm sách, bản chất sách như thế nào? Sách lâu nay được định kiến là thứ lí thuyết suông, xa rời thực tiễn, là thứ "thức ăn" quen thuộc của dân "mọt sách". Bởi thế, dường như có một luồng suy nghĩ tạm gọi tên là "anti" sách và trái lại còn đề cao thực tiễn trải nghiệm, thậm chí là mẹo mực để đạt được mục đích. Họ ỷ lại vào những thói quen xấu, mưu mẹo lách qua kẽ hở để mưu cầu và có lẽ chưa bao giờ tự đặt ra câu hỏi: Vì sao mình luôn bị động, luôn kiếm tìm vận may mà điều may mắn lại không đến? Nghĩ rộng ra, đâu chỉ với trẻ em, mọi đối tượng trong xã hội đều cần được yêu thương đúng cách như thế.

Trẻ em cần được bảo vệ an toàn thay vì nuông chiều (ảnh minh họa).

Còn nhớ, Thống tướng Douglas MacArthur (1880-1964) từng có triết lý sâu sắc: "Thứ vận may tốt nhất là thứ vận may anh tự tạo ra cho chính mình". Bạn thử ngẫm xem, ngay cả với những người rơi vào hoàn cảnh kém may mắn nhất vẫn luôn tìm kiếm những cơ hội sống thật tốt. Người viết được biết rằng, hơn một năm nay, Hội Người mù TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng anh Trần Quốc Tú - giáo viên dạy khiêu vũ chuyên nghiệp - để mở lớp miễn phí cho người khiếm thị.

Là một học viên, anh Anh Dũng (45 tuổi) chia sẻ: "Trước đây tôi từng nghĩ mình sẽ không bao giờ được khiêu vũ. Tuy nhiên, từ khi biết đến lớp, tôi đã tự tin hơn và hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi không ngần ngại vượt lên chính mình" (theo: Khoa Nguyễn, Báo Dân trí). Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần tìm hướng đi đúng đắn và cần học cách yêu thương, coi yêu thương đó như sự vun đắp cho tương lai thay vì sự nuông chiều, bao biện lệch lạc.

Sự chuẩn bị, vun đắp và yêu thương ngày hôm nay phải đến từ sự nhạy bén phân tích, dự đoán và tiên lượng cũng như thích nghi với những điều mới mẻ: Nếu như trước đây chúng ta nỗ lực để làm sao con cái đến gần với sách để tránh xa trò chơi điện tử đơn giản trên các máy, thiết bị giải trí thì hôm nay với mạng Internet và mạng xã hội, sự chung sống, thích nghi, tiếp biến các giá trị văn hóa tốt đẹp mới là giải pháp khả thi. Một xã hội số đang đón chờ chúng ta, những giá trị văn hóa số đang đón đợi, vậy bạn đã chuẩn bị cho mình những gì?

Giữa lúc đi tìm đáp án cho những câu hỏi ấy, người viết bắt gặp bài viết "Giáo dục lễ nghĩa trong "xã hội online"" của tác giả Kim Liên trên Báo Tuổi trẻ, có đoạn viết: "Xã hội online vốn dĩ có rất nhiều cạm bẫy, nếu lứa tuổi mới lớn như các em thiếu những kỹ năng kiểm soát cảm xúc, tự vệ hay tháo gỡ mâu thuẫn thì có thể dẫn đến gây tổn thương cho bản thân và người khác. Nếu xem những viên đá cuội là những việc quan trọng nhất như gia đình, bạn bè, sức khỏe; những hòn sỏi nhỏ là học vấn, công việc, nhà cửa; cát là những điều thứ yếu khác, vậy thì các em sẽ đặt đá cuội, sỏi hay cát vào cái bình rỗng cuộc đời mình đầu tiên? Hãy xem Facebook nói riêng hay mạng xã hội nói chung là những hạt cát, nếu đổ tất cả cát vào bình, khi nhìn lại, các em sẽ thấy không còn chỗ trống dành cho những điều rất quan trọng và quan trọng của đời mình".

Cách so sánh này khá thú vị. Tâm hồn như chiếc bình sẽ chứa đựng điều gì, điều ấy có giá trị không, lớn lao không phụ thuộc vào sự định hướng của chúng ta với người khác đúng cách và trước hết là cách chúng ta hay quan tâm và yêu thương chính bản thân mình. Bởi, chỉ có như thế bạn mới có thể yêu thương người khác đúng cách...

Lâm Việt

Chiều 18/12, Báo Nhân dân đã tổ chức lễ khai mạc Triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh”. Với việc quét mã QR được tích hợp trên từng bức tranh và sơ đồ trận đánh, người xem sẽ được trải nghiệm thêm thông tin, hình ảnh trực quan về các trận chiến nổi tiếng cùng dấu ấn của những vị tướng tài danh trong lịch sử dân tộc.

Ngày 18/12, Đoàn công tác của Bộ Công an do Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc thông qua kết quả kiểm tra, đánh giá các mặt công tác Công an và kết quả thực hiện chỉ tiêu công tác năm 2024 của Công an tỉnh Ninh Bình. 

Sáng 18/12, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2024 và chủ động khai thác, sử dụng bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của Tổ thường trực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Ngày 18/12, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Tiến Thành (SN 1985, trú thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Ngày 18/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, từ nay đến Tết, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, đặc biệt là dịp lễ, Tết… để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Khi đến Km 74 +600 QL49A đoạn qua đèo A Co thuộc xã Phú Vinh, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), xe đầu kéo do tài xế Hảo điều khiển bất ngờ gặp tai nạn lao xuống vực đèo cách mặt đường khoảng 30m. Vụ tai nạn khiến tài xế Hảo tử vong, xe ô tô đầu kéo hư hỏng nặng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文