Cảm xúc thời công nghệ

08:36 04/11/2023

Mấy ngày gần đây cơn sốt mang tên Zalo AI chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” khi trên các mạng xã hội Zalo, Facebook vẫn xuất hiện các phiên bản chân dung khá thú vị. Nào là sự “phục sinh” hình bóng tuổi trẻ, nào là sự “ước đoán” về diện mạo lúc về già hay sự thể nghiệm ở giới tính khác hoặc phiêu lưu với mái tóc lãng tử của những gã đầu trọc… Những gì mà Zalo AI vừa mang đến cho chúng ta còn sinh động hơn so với các app khuôn mẫu trên điện thoại bấy lâu nay.

Bạn trẻ Phương Anh (25 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) đã chia sẻ trên VTC News: “Nói thật là nhiều bức ảnh AI chỉnh sửa hơi quá, chẳng giống mình lắm, nhưng tôi vẫn thích vì nó cho phép tôi ngắm bản thân ở những phiên bản siêu thực, đẹp hơn ngày thường, lộng lẫy, sang trọng, bừng sáng mà bản thân không cần vất vả làm tóc, trang điểm, tạo dáng”.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại sự hiệu quả, tiện lợi, tạo ra cảm xúc tích cực.

Ngoài những gì mà bạn Phương Anh đã chia sẻ, người viết còn cho rằng Zalo AI đang tạo ra một cuộc sống thật khác dựa trên những thói quen cũ của con người mà một trong số đó là sự hài hước, bông đùa, bất chấp sự cảnh báo của nhiều chuyên gia về cái bẫy deepfake rình rập… Chúng ta hứng thú với một diện mạo mới hay trend này đã “đánh trúng” vào tâm lý: muốn có một hình ảnh khác trong cuộc sống. Nhưng, không hề giống như B612, Ulike, Camera360 hay Makeup Plus, sự bay bổng mà Zalo AI đem lại có ý nghĩa tích cực hơn. Có thể coi đó là một niềm cảm hứng thời công nghệ khi niềm tin vào trí tuệ nhân tạo ngày càng tăng lên. Đồng thời, trò chơi cũng mở ra cho chúng ta một suy nghĩ về câu chuyện đối thoại với công nghệ ngày hôm nay. Chúng ta được gì và mất gì?

Trong bài viết có tên: “Tạo ảnh đại diện AI và sự lạc quan công nghệ”, ông Đào Trung Thành, chuyên gia tư vấn chiến lược công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho rằng: “Một điều dễ dàng quan sát thấy là người Việt tiếp nhận khá nhanh các trào lưu liên quan đến AI, chẳng hạn gần đây khi ChatGPT ra đời thì chúng ta đã chứng kiến một xu hướng nổi bật trên mạng xã hội là "hỏi - đáp" với ChatGPT, cùng rất nhiều bình luận, phân tích về cái hay, cái dở của ứng dụng này cho dù lúc đó OpenAI (công ty mẹ của ChatGPT) vẫn chưa chính thức cung cấp dịch vụ ở Việt Nam”.

Sự nhanh nhạy của cư dân mạng không có gì là quá bất ngờ nếu như nhìn lại tiến trình của văn hóa Việt. Trước đây, cha ông ta từng trải qua ba lần tiếp biến văn hóa rõ nét. Lần thứ nhất: tiếp thu Ấn Độ, Trung Quốc... trong thời cổ, trung đại; lần thứ hai: tính từ nửa sau thế kỷ XIX đến năm 1945 (chủ yếu là ảnh hưởng của văn hóa phương Tây); lần thứ ba: sau 1954 đến nay (theo: TS Lê Thị Anh-Học viện Báo chí Tuyên truyền). Mặc dù sự tác động của văn hóa ngoại lai là rất lớn nhưng người Việt vẫn tỉnh táo giữ được bản sắc dân tộc. Sự tỉnh táo trong đối thoại đã giúp chúng ta tìm ra được những phương án hữu hiệu nhất để thích nghi, vượt qua thách thức sinh tồn để có được nền văn hóa Việt. Hay nói cách khác, người Việt đã đang và sẽ luôn vui sống với “sức đề kháng” văn hóa của mình…

Nhưng, khác với những cuộc du nhập văn hóa qua các thương nhân, quân đội, hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục… như trước đây, sự tiếp biến văn hóa công nghệ này thông qua con đường mạng xã hội - một hệ sinh thái xuyên biên giới tuy đã được kiểm soát từng bước nhưng vẫn gây ra nhiều tranh cãi về tính phi chính thống của nó. Vậy đằng sau những ChatGPT, hay Zalo AI ấy là gì? Chắc chắn trong tương lai chúng ta sẽ còn nhiều cơ hội hơn nữa “chơi” với công nghệ). Bản thân trí tuệ nhân tạo có những đột phá đã được dự báo và có cả những sự “nổi loạn” có thể đã được cảnh báo nhưng điều chắc chắn nó sẽ vẫn hấp dẫn chúng ta bằng cảm xúc, một thứ cảm xúc mới mẻ như thế.

Tác phẩm do hiệu ứng AI của Tiktok tạo nên là một trong các hình thức nghệ thuật khuấy đảo giới trẻ.

Nhưng liệu đó có phải là một nhận định cảm tính. Gần đây, có khá nhiều ý kiến lo ngại về sự tác động của công nghệ đến cảm xúc con người, khiến chúng ta mất đi những thói quen, những giá trị sống khá thuyết phục. Tác giả Nguyễn Thanh Liêm nhận định: “Cảm xúc con người phải bằng cả 5 giác quan chứ không chỉ là hình ảnh và âm thanh, đặc biệt là sự giao cảm. Do đó, những video ngắn khi xem lâu sẽ có cảm giác giải trí rất nhanh nhưng lại làm cho cảm xúc thay đổi liên tục trong vài phút. Điều này làm cho thông minh cảm xúc của con người chưa kịp thích nghi đã thay đổi, lâu ngày sẽ bị chai lì, ít nhạy hơn” (theo: Báo Thanh niên).

Công bằng mà nói, những lo ngại đó đều có lý. Tuy nhiên, cảm xúc đâu chỉ có ở các trò chơi mà đến từ nhiều phương diện trong đời sống hàng ngày, công nghệ đâu chỉ xuất hiện trong thế giới ảo, trên màn hình mà đi vào từng ngõ ngách đời sống. Công nghệ có thể gián tiếp thay đổi thói quen của con người. Gần đây, nhiều người có thu nhập cao đã lựa chọn xây dựng “second home” (ngôi nhà thứ hai) của mình bằng công nghệ xây dựng lắp ghép. Nhiều người kinh doanh đã sử dụng trợ lý ảo (virtual agent) có thể tổ chức cuộc họp, mua sắm, nắm được sự lựa chọn và sở thích của bản thân. Ngoài ra còn có các ứng dụng quản lý quyết định (Decision management) có thể tự đồng hóa quy trình ra quyết định hay các nền tảng học sâu (Deep learning platforms); Sinh trắc học (Biometrics)…

Sự chuyển biến của công nghệ từng ngày mang lại cho chúng ta nhiều sắc màu cảm xúc vui, buồn, lo âu, tin tưởng…. Những cảm xúc đó sẽ đưa chúng ta đi đến đâu? Menander từng có một định nghĩa về văn hóa rất đáng yêu: “Văn hóa khiến tất cả con người trở nên dịu dàng”. Hai chữ “dịu dàng” có lẽ cũng chính là cảm xúc, văn hóa sẽ tạo ra cảm xúc, chi phối cảm xúc và giúp cho con người kiểm soát được cảm xúc của mình chăng? Cảm xúc thời công nghệ có thể đang hình thành, đang biểu hiện ở những dạng thức khác nhau, đang khuấy đảo giới trẻ, đang đe dọa sự tồn tại của các loại hình nghệ thuật truyền thống… nhưng chắc chắn nó phải hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình để tạo ra văn hóa.

Mạng xã hội rộ trào lưu thay ảnh đại diện ghép mặt bằng AI.

Trong lịch sử, chúng ta từng chứng kiến sự phản ứng của nhà thơ Sergei Alexandrovich Esenin (1895 - 1925) với “người khách sắt” (nền công nghiệp hóa của nước Nga đầu thế kỉ XX) khi ông đặc biệt lưu luyến với “cây cầu gỗ ván”, “cánh đồng xanh” của một nước Nga nông nghiệp truyền thống… Nhà thơ tài hoa của xứ sở bạch dương không phải là một người thủ cựu mà điều ông lo lắng là sự xáo trộn của các giá trị. Khi nhìn một đoàn tàu chạy nhanh hơn con ngựa, ông cảm nhận được cả một hệ giá trị của thời đại nông nghiệp sẽ mất đi chỗ đứng. Trong đối thoại văn hóa, sự sàng lọc, thay thế đó là không thể tránh khỏi.

Trở lại với câu chuyện của cảm xúc, đương nhiên trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (nói chung) và các tiện ích công nghệ (nói riêng), con người ngày nay sẽ còn những phản ứng đa dạng và phức tạp hơn. Như một quy luật tất yếu, những gì dẫu đem lại tiện ích, dẫu hot như một trend nào đó đang lan tràn trên mạng xã hội sẽ vẫn chịu sự sàng lọc công bằng của thời gian. Còn với những gì đang có hôm nay, chúng ta cứ hãy vui với những ứng dụng như: Sáng tạo nội dung thông minh, cá nhân hóa học tập, tự động hóa nhiệm vụ… trong giáo dục; hiệu ứng AI Greenscreen trong vẽ tranh trừu tượng; Chatbot Erica; Decision Tree (cây quyết định), Bayes (phân lớp), Artificial Neural Networks (mạng nơ-ron nhân tạo)… trong quản lý doanh nghiệp, thương mại điện tử sẽ mang đến những cảm xúc tích cực cho con người. Văn hóa của thời đại 4.0 là sự hiệu quả, tiện lợi.

Khi công nghệ trở thành người trợ lý giúp việc để mỗi chúng ta trở thành một “CEO” trong chính cuộc đời, trong chính tổ ấm của mình thì bạn hãy quan tâm hơn đến gia đình, xã hội, đến những người mà bạn yêu quý, đến những gì mà bạn đam mê để cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi thế, không chỉ dừng ở việc hứng thú với AI tạo ra ứng dụng giải trí này, thú vui kia mà hãy cùng AI nâng cao chất lượng cuộc sống của mình bằng một cách tiếp cận văn hóa bằng một cảm xúc của thời công nghệ như thế đó.

Trang Thu

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文