Kia
Mobifone

Chuyển đổi số vì mục tiêu phát triển

Thứ Sáu, 06/09/2024, 08:03

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số khẳng định: "Thời gian qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, chuyển đổi số được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả khu vực công và khu vực tư, từ Trung ương đến địa phương, từ thành thị đến nông thôn, từ các cháu nhỏ đến các ông, các bà, hay nói cách khác chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người"".

Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, với mục tiêu đưa việc triển khai dịch vụ công trực tuyến sang giai đoạn mới - phát triển theo chiều sâu tổ chức sáng 31/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số khẳng định: "Thời gian qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, chuyển đổi số được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả khu vực công và khu vực tư, từ Trung ương đến địa phương, từ thành thị đến nông thôn, từ các cháu nhỏ đến các ông, các bà, hay nói cách khác chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người"".

Chuyển đổi số - chuyện rất mới nhưng đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Chuyển đổi số, định nghĩa theo cách dễ hiểu nhất thì đó là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Từ định nghĩa như vậy để thấy: việc chuyển đổi số không chỉ dành cho tầm vĩ mô, là chuyện quốc gia, mà là ngay chính bản thân mỗi người chúng ta trong kỷ nguyên công nghệ số.

Chuyển đổi số vì mục tiêu phát triển -0
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mà nói như vậy thì văn nghệ sĩ cũng không thể đứng ngoài cuộc, dù công việc sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật đôi khi đơn giản chỉ cần một cây bút hay cây cọ là đủ truyền tải ý tưởng của tác giả. Cho nên, thay vì hào hứng để tiếp nhận trí tuệ của nhân loại qua công nghệ số thì nhiều người lại lo lắng công nghệ sẽ làm bào mòn cảm xúc.

Trong tập tiểu luận phê bình "Hồi âm từ phương Nam" của Giáo sư Huỳnh Như Phương, ông luận về mối quan hệ giữa con người và công nghệ, văn học và công nghệ số: "Con người và công nghệ luôn quan hệ hỗ tương với nhau chứ không phải công nghệ hoàn toàn điều khiển con người. Ta không nên lo công nghệ số sẽ bào mòn cảm xúc của con người; chỉ nên lo con người không biết khai thác thế mạnh của công nghệ số để làm giàu cho kiến văn, suy tưởng và cảm xúc của chính mình".

Trên Báo CAND mới đây, nhà văn Sương Nguyệt Minh có bài viết "Ai mua văn tôi bán văn cho", kể nhiều chuyện hóm hỉnh liên quan đến việc văn nghệ sĩ bán tác phẩm trên mạng. Thì rõ, thời thế đã khác, "thời bao cấp, các nhà văn, nhà thơ chỉ có việc sáng tác, sáng tác cho thật nhiều, thật hay, còn in và phát hành thì Nhà nước lo. Dĩ nhiên là không phải ai viết cũng được in, mà phải lần lượt xếp hàng theo chức vụ, theo đẳng cấp văn chương", nay nhiều người lên mạng tự rao bán tác phẩm, rất thành công.

Mà không chỉ tự rao bán tác phẩm của mình, tức là ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phát hành cho sản phẩm của mình, nhiều "cây đa cây đề" trong làng văn còn khéo léo nâng đỡ các cây bút trẻ bằng việc hoan hỉ, hăng hái lên mạng viết bài quảng bá tác phẩm giúp họ, nhờ vậy mà công việc phát hành và phổ biến tác phẩm suôn sẻ hơn rất nhiều. Các trang mạng xã hội của những "cây đa cây đề" như thế luôn có đông bạn đọc vào link, bình luận, nên hiệu ứng xã hội rất tốt.

Việt Nam ta trưởng thành từ một nền nông nghiệp lạc hậu với nhiều vấn đề về công nghệ. Cái đó là rõ. Nhưng, con người Việt Nam vốn thông minh, nhanh nhạy trong việc tiếp thu các vấn đề mới, kể cả trong khoa học kỹ thuật. Từ thực tiễn này, để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Rất nhiều mục tiêu cụ thể cho công tác chuyển đổi số đã được xác định để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Đặc biệt, tại Đại hội XIII của Đảng (1/2021), khi đưa ra mục tiêu đến năm 2025 (kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước) GDP bình quân đầu người ước đạt 4.700 - 5.000 USD/năm và đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 7.500 USD/năm... Đảng ta đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện, trong đó có "Phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số''.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định cùng với sự phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong các giải pháp trong quá trình thực hiện phát triển nhanh, phát triển bền vững; đồng thời là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần "tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh".

Chủ trì cuộc họp mới đây của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng cũng nhấn mạnh: "Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước; đổi mới đồng bộ thể chế kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế phát triển. Tăng cường liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển; thúc đẩy các quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng".

Cơ hội để tiếp cận công nghệ số là không ít và cũng không phải quá khó đối với nhiều ngành nghề và với nhiều người. Vấn đề quan trọng và trước hết là ở nhận thức. Cho nên, cùng với việc tổ chức nhiều trại sáng tác, nhiều chương trình khuyến khích sáng tác... thì thực tiễn cũng có những chương trình bồi dưỡng kiến thức về công nghệ số, để lực lượng văn nghệ sĩ tiếp cận nhanh chóng, sớm ứng dụng và ứng dụng hiệu quả vào việc sáng tác cũng như phổ biến tác phẩm.

Lương Duy Cường

.
.