Mùa dịch và sự bát nháo của các Youtuber

17:53 07/08/2021

Sau 8 năm áp dụng, Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, vừa được Bộ Thông tin Truyền thông đưa ra dự thảo sửa đổi. Tuy nhiên, chưa có hành lang pháp lý nào cho sự hoạt động bát nháo của những người sản xuất clip phát sóng trên kênh Youtube (vẫn tự xưng danh Youtuber) để ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền riêng tư mỗi cá nhân.

Bây giờ, thật khó thống kê hết có bao nhiêu người tham gia sản xuất các clip để phát sóng trên mạng với danh xưng Youtuber. Cái điện thoại thông minh cho phép bất kỳ ai dễ dàng ghi lại hình ảnh và âm thanh để dàn dựng lại thành một clip ngắn. Cho nên, có không ít kẻ rảnh rỗi đã đột ngột biến thành Youtuber nghênh ngang như những phóng viên truyền hình gây bất an cho cộng đồng.

Thực tế, chức năng kiếm tiền của Youtube cũng không đơn giản đem lại nguồn thu cho những kẻ kém sáng tạo và thích chụp giật. Làm Youtuber để kiếm lợi không nhiều bằng làm Youtuber để ra oai và để bắt nạt người khác. Ví dụ đáng nhắc nhất là một clip về hoạt động từ thiện trong mùa Covid-19.

YouTube đang trở thành một kênh giải trí khó kiểm soát! 

Phát cơm cho những người nghèo giữa cao điểm chống dịch là một việc làm nhân ái. Thế nhưng, tranh thủ thời gian phát cơm từ thiện, chủ nhân tài khoản SGNN đã quay clip miệt thị những người khốn khó. Khi một người phụ nữ đến nhận cơm, Youtuber truy vấn: "Chị ơi, sao chị sơn móng chân mà chị vào đây?". Cảm thấy tự ái, người phụ nữ trả lời: "Thôi, tôi không lấy đâu chú. Tôi sơn móng từ thiện ở địa điểm của người khuyết tật. Tôi lãnh cho người ta chứ không phải tôi lấy".

Không chịu bỏ qua, Youtuber mỉa mai: "Lần sau chị hãy dành cho những người khó khăn hơn. Cảm ơn chị, chị không tốt như vậy đâu". Chưa hết, khi một người đàn ông cao niên đến nhận cơm từ thiện, Youtuber này lập tức quát tháo: "Ông ơi ông kéo quần lên, ông đừng gãi sồn sột thế. Ông gãi sồn sột thế nó bắn cái nọ kia vào cái bàn phát cơm của tụi con. Ông kéo cái quần lên tận bẹn sau đó ông cứ gãi sồn sột, chỉ sợ nó văng con nọ con kia ra, rất nguy hiểm. Cái bàn phát cơm của người ta là chốn linh thiêng mà ông làm không ra sao cả".

Xem clip của Youtuber phát trên tài khoản SGNN, ai cũng nhận ra sự lố bịch của những thước phim phản cảm. Cộng đồng mạng đã phản ứng khá gay gắt. Một người xem đã bình luận: "Ngoại trừ việc quay những đối tượng đi xin cơm để bán lại nhằm cảnh giác mọi người, tôi nghĩ anh này không nên quay mặt những người đến nhận. Anh nên xin phép họ trước khi quay, tránh làm tổn thương lòng tự trọng của người ta. Còn về trường hợp cụ già bị anh ấy nói sa sả vì gãi sồn sột. Tôi tự hỏi tại sao anh không cầm thức ăn đến đưa hai tay cho bác mà cứ đứng đó. Hãy tôn trọng người lớn tuổi, của cho không bằng cách cho… Làm từ thiện trước hết tâm mình phải thiện đã, tránh chuyện sân si. Cái thiện thể hiện qua hành động, tư cách của mình. Đừng nghĩ người nhận được ban ơn mà có quyền chì chiết, dạy đời người ta".

Quay clip những người nhận cơm từ thiện đã là một hành động chưa đúng đắn, mà những lời bình phẩm càng đáng chê trách hơn. Youtuber lấy quyền gì để mạt sát những người túng bấn là "Ai cho bụi đời vào đây", "Nghèo không có cơm ăn sao béo vậy" hoặc "Hết cơm rồi về nhà nấu mì mà ăn". Câu chuyện của tài khoản SGNN thực sự là một lời cảnh tỉnh về tệ nạn Youtuber làm ô nhiễm môi trường văn hóa internet. Ngoài ra còn có hàng trăm tài khoản khác với những Youtuber hồn nhiên quay hình ảnh cá nhân và hình ảnh tài sản của họ để công chiếu và đánh giá khá tùy tiện.

Chỉ cần một cái điện thoại smatphone là có thể mở kênh YouTube. 

Dự thảo sửa đổi Nghị định 72 đã mạnh dạn đề xuất: Chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới có quyền cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu.

Năm 2013, khi Nghị định 72 được lưu hành, thì tiện ích livestream chưa phổ biến như hiện nay. Cho nên, với dự thảo sửa đổi, muốn quản lý hoạt động livestream cũng không phải đơn giản.  Livestream đang được sử dụng như một phương thức bán hàng hữu hiệu thời công nghệ số. Do đó, Bộ Thông tin Truyền thông yêu cầu các trang cá nhân hoặc các kênh đoàn thể khai báo thông tin để được phát livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu.

Đồng thời, các tài khoản trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10 nghìn người trở lên, cũng phải thông báo thông tin. Ngoài ra, dự thảo sửa đổi cũng đưa ra giới hạn đối với livestream vi phạm pháp luật là phải thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của cơ quan chức năng.

Theo Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử của Bộ Thông tin Truyền thông thì thủ tục gửi thông báo về  hoạt động livestream được làm theo mẫu có sẵn. Còn những người mở kênh kiếm tiền trên mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube... phải thông báo mình là ai, ở đâu một cách rõ ràng. Hiện tại, tính năng video trên Facebook có khả năng tiếp cận rộng khắp với người dùng mạng xã hội. Vì vậy, tiện ích livestream dù để có doanh thu hay không có doanh thu cũng là một nội dung hấp dẫn dành cho đám đông. Dự thảo sửa đổi là cần thiết, nhưng liệu có tăng cường được hiệu quả kiểm soát hay không? Bởi lẽ, nếu không xây dựng được lộ trình hợp lý thì đòi hỏi khai báo thông tin cũng trở thành một loại "giấy phép con" tương đối phức tạp.

Quản lý livestream chỉ là một phần của quá trình thanh lọc sự lộng hành của các Youtuber, nhất là những clip xâm phạm đời tư người khác, Hiến pháp quy định: "Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác".

Còn Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác". Thế nhưng, vẫn chưa có một quy định nào đưa ra định nghĩa về khái niệm quyền nhân thân đối với hình ảnh.

Các chuyên gia pháp luật cho rằng, với thời đại công nghệ phát triển việc sử dụng hình ảnh của cá nhân với nhiều hình thức đa dạng, chỉ bằng một vài thao tác đơn giản là có thể sử dụng hình ảnh của người khác một cách dễ dàng, đặc biệt là trên môi trường mạng xã hội. Việc sử dụng hình ảnh của người khác chủ yếu dưới hai dạng là nhằm mục đích thương mại và phi thương mại. Hành vi sử dụng hình ảnh của người khác nhằm mục đích thương mại gây ảnh hưởng đến quyền lợi về kinh tế của người bị xâm phạm, tuy nhiên, với mục đích phi thương mại nhưng ảnh hướng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân cũng là vấn đề quan trọng và đang được quan tâm hiện nay.

Vì thông tin bí mật, thông tin riêng tư thường "đánh đúng" tâm lý tò mò của nhiều người, nên trong quá trình hoạt động, tình trạng thông tin đời tư bị công khai trên phương tiện truyền thông vẫn còn. Tiết lộ bí mật đời tư của người khác, lại còn đăng trên phương tiện truyền thông có thể sẽ làm ảnh hưởng đến nhân phẩm danh dự, thậm chí đẩy người đó vào tâm lý bi quan, sợ hãi, bị người khác khinh rẻ.

Thực tế vừa qua, đã không ít trường hợp vì những thông tin đời tư bị phát tán mà nhiều bạn trẻ rơi vào bế tắc dẫn đến tự tử. Đối với những người nổi tiếng, việc này làm ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự, ảnh hưởng đến thái độ của khán giả và thậm chí còn làm ảnh hưởng đến cả công việc của họ.

Tâm Huyền

Chiều 8/5, một phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dẫn con đến Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng, thì có 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà đề nghị gia đình rút đơn.

Một trong những yêu cầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đặt ra đối với các Phòng GD&ĐT là rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. 

Công an phường Gia Hội (TP Huế) đã nhanh chóng xác minh, làm rõ người chuyển nhầm là anh Trần Đức Minh (SN 1991, trú phường Gia Hội). Ngay sau khi xác minh làm rõ, Công an phường Gia Hội đã mời anh Minh đến trụ sở và tiến hành các thủ tục trao trả lại số tiền 160 triệu đồng…

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 1,578 tỷ đồng, trong đó 6 gói thầu thiệt hại trên 100 triệu đồng với tổng giá trị 1,477 tỷ đồng… Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại 2-3% giá trị hợp đồng và Đức đã giao Nhật quản lý số tiền trên.

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Vũ Nam (SN 1986, cựu Phó trưởng Phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nam được xác định đã làm trái quy định gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. 

Sáng ngày 8/5, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự phát biểu chỉ đạo. Tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có bài phát biểu tham luận với chủ đề "Ứng dụng dữ liệu dân cư hỗ trợ phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh an toàn trong chuyển đổi số ngân hàng"...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文