Kia
Mobifone

Nghệ sĩ - doanh nhân: Lý và tình

Thứ Sáu, 06/09/2024, 11:14

Ngay sau đêm công chiếu đầu tiên của gameshow "Bài hát của chúng ta", nhạc sĩ Châu Đăng Khoa đã lên Facebook đăng đàn một dòng trạng thái ngắn là "Oh, wow, "Hương đêm bay xa" (tên ca khúc do Châu Đăng Khoa sáng tác) - Lyly & Orange, sao không ai xin phép tôi vậy?". Và, với gần 10 ngàn lượt thích (like), dòng trạng thái đó đã mở ra một ồn ào mới của showbiz Việt vốn dĩ đã quá thừa ồn ào.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Châu Đăng Khoa trách cứ những ca sĩ từng đầu quân cho Công ty SuperBrothers do anh làm chủ và sau đó rời đi không suôn sẻ. Việc trách cứ ấy bắt đầu khiến dư luận từ chỗ từng cảm thông với Châu Đăng Khoa đang dần bão hòa với những drama của anh với ca sĩ từng là ''gà cưng'', khi họ thấy anh có vẻ hơi cứng nhắc, định kiến, thiếu sự uyển chuyển.

Nghệ sĩ - doanh nhân: Lý và tình -0
Orange, LyLy cùng trình diễn Hương Đêm Bay Xa.

Nhìn sâu vào sự việc, khó có thể quy kết các ca sĩ Lyly và Orange đã “hát chùa”, chưa xin phép tác giả là Châu Đăng Khoa. Châu Đăng Khoa có ủy quyền khai thác tác phẩm của mình cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và đơn vị sản xuất chương trình đã liên lạc với VCPMC để được chấp thuận cho ca khúc "Hương đêm bay xa" được trình diễn trong chương trình "Bài hát của chúng ta". Khúc mắc chỉ nằm ở chỗ, Châu Đăng Khoa từng tuyên bố không cho phép Lyly và Orange sử dụng bất kỳ sáng tác nào của anh và do đó, anh mới đăng đàn như vậy. Khổ nỗi, "Bài hát của chúng ta" lại được xây dựng hình thức kịch bản là "bắt thăm ca khúc". Vì thế, mới dẫn đến tréo ngoe là người hát không được người sáng tác ưa cho lắm.

Về lý, rõ ràng không thể nói các ca sĩ kể trên đã sai. Song, trên khía cạnh luật pháp, tác giả vẫn luôn giữ quyền tối thượng và có quyền từ chối. Mâu thuẫn giữa Châu Đăng Khoa và các ca sĩ cũng là mâu thuẫn bắt nguồn từ hoạt động kinh doanh văn hóa giải trí, bởi vậy, Châu Đăng Khoa thích dùng cái lý sắt đá của mình. Ngược lại, Lyly và Orange lại căn cứ trên cái lý "đơn vị sản xuất chương trình có nhiệm vụ đảm bảo các quyền liên quan". Vấn đề nằm ở chỗ, Châu Đăng Khoa không được biết hai nhân tố ấy sẽ biểu diễn "Hương đêm bay xa" nên mới dẫn tới tranh cãi gay gắt như vậy.

Song, nếu nói về tình, một người sáng tác nhạc luôn có hạnh phúc lớn nhất là sáng tác của mình được vang lên qua giọng ca nhiều người, bởi nó là bảo chứng cho sự thành công của tác phẩm. Từng có vô vàn các chia tay mà sau đó là mâu thuẫn dai dẳng giữa nhạc sĩ với ca sĩ nhưng hiếm có nhạc sĩ nào cấm ca sĩ mình ghét không được hát tác phẩm của mình, miễn là các quyền theo luật định phải được đảm bảo. Điều quan trọng nhất là ca sĩ ấy hát có ấn tượng hay không và tính toàn vẹn của tác phẩm được đảm bảo hay không mà thôi.

Chuyện của Châu Đăng Khoa và các ca sĩ anh có mâu thuẫn có lẽ nên dừng lại với cách nhìn mạch lạc hơn. Làm nghệ sĩ khác với làm doanh nhân và trong đời sống âm nhạc, luôn cần có cái tình. Sự lẫn lộn giữa một nhạc sĩ Châu Đăng Khoa với một Giám đốc Công ty SuperBrothers là thứ cơ bản đã làm cho cái tình đôi khi bị lấn át trong cách hành xử của Khoa. Và, nếu bước chân vào nghệ thuật mà thiếu cái tình, có lẽ, việc kinh doanh nghệ thuật cũng khó có thể mà suôn sẻ dù cho có đủ đầy lý đến mức nào đi nữa.

Văn Đoàn

.
.