Văn hóa ứng xử trên không gian mạng: Cần chế tài mạnh hơn

16:24 27/04/2023

Nếu tìm kiếm từ khóa “ứng xử kém văn minh” thì ngay lập tức kết quả trả về trên Google là 17.400.000 trong vòng 0,36 giây. Theo khảo sát mới được công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI). Đó là một thực trạng đáng báo động nhiều năm nay của Việt Nam đang được đưa ra bàn thảo tại Hội thảo về “Văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ- Likeday” ở Hà Nội.

Thực trạng báo động

Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có dân số sử dụng mạng xã hội tích cực nhất trên thế giới với khoảng 76,95 triệu người dùng, chiếm 78,1% dân số. Tuy nhiên, theo kết quả của Microsoft công bố nhân ngày quốc tế An toàn Internet, hiện Việt Nam đứng thứ 5 sau Nga, Columbia, Peru và Nam Phi. Cuộc khảo sát của Microsoft cho thấy văn hóa ứng xử của người Việt chúng ta đang dần bị mai một. Điều này đã vô tình đầu độc và tiêm nhiễm cả tương lai của một thế hệ trẻ sau này.

2.jpg -0
Ông Lê Quốc Vinh chia sẻ về những hậu quả khi bị tấn công trên mạng.

Hàng năm, có nhiều người trẻ đã bị sang chấn tâm lý và dẫn đến trầm cảm cũng chỉ vì những lời chỉ trích cay độc của cộng đồng mạng. Có người không vượt qua được cú sốc tâm lý và chọn cái chết. Và còn rất nhiều những Youtuber mọc lên như nấm đưa ra những thông tin tiêu cực đầy nguy hại để câu view, câu like bất chấp mọi thủ đoạn, mọi văn hóa, biến những thứ tốt đẹp sạch sẽ thành những thứ độc hại và tiêm nhiễm vào những thế hệ trẻ. Điển hình như: Đăng clip “nấu cháo gà nguyên lông”, video dạy trẻ tự tử trên YoutubeKids, đưa trọng tài lên bàn thờ, thách thức, chửi bới của các giang hồ mạng và những lời tục tĩu của anh hùng bàn phím… Những điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đất nước và con người của chúng ta, làm xấu đi hình ảnh của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Tại tọa đàm “Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ - Likeday” do Trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật và sự kiện văn hóa của Nhà hát Lớn Hà Nội thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam Like và Công ty LeBros tổ chức, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Tổng giám đốc LeBros chia sẻ: "Tôi nói với họ về công việc, nhưng họ lại lấy vóc dáng của tôi ra để nói. Những chuyện đó ở Việt Nam rất phổ biến. Trên mạng, những người sử dụng ngôn từ, không chỉ nghệ sĩ mà cả người bình thường, có thể sử dụng ngôn ngữ chợ búa. Đó là một hiện trạng ứng xử khá phổ biến".

Ngoài ra, theo ông Vinh, trên mạng xã hội có một hiện tượng là những người bình thường bỗng nhiên thành người phán xét. Họ có thể tham gia phán xét bất cứ điều gì, bất cứ cuộc sống của người nào. Sự phán xét này có tác động lớn đến tâm lý những người liên quan, thành vũ khí chết người, đã có người tự sát vì bị tấn công trên mạng xã hội, những gia đình tan đàn xẻ nghé vì thông tin trên mạng.

Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS. Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia cho rằng, Việt Nam có 25 năm gia nhập mạng xã hội, hiện nay là nước có tương tác cao, thuộc tốp 7. “Thế nhưng, đa phần những người trẻ tham gia mạng xã hội đọc tin tức, giải trí, chơi game và chát chứ không phải sử dụng mạng xã hội làm công cụ học tập, nghiên cứu, trong khi nếu biết khai thác, các tài nguyên, học liệu trên các nền tảng online hiện nay rất phong phú, tạo điều kiện cho chúng ta học tập và phát triển bản thân rất tốt”.

Theo GS.TS. Từ Thị Loan, nghệ sĩ và giới trẻ là hai đối tượng quan trọng trên không gian mạng. Nghệ sĩ là những người có tầm ảnh hưởng và lan tỏa đến xã hội, còn giới trẻ là lực lượng xuất hiện đông đảo, năng động, dành nhiều thời gian tham gia không gian mạng. Nhờ sức ảnh hưởng này, họ có thể kiếm được những khoản tiền lớn từ mạng xã hội. Trên không gian mạng, nghệ sĩ có thể công bố tác phẩm của mình, đưa đến công chúng những sản phẩm sáng tạo nhanh chóng. Cùng với đó, có nhiều nghệ sĩ đã sử dụng mạng xã hội để làm công tác thiện nguyện, công tác xã hội, tuyên truyền, lan tỏa những hành động đẹp. Nhưng môi trường mạng cũng là con dao hai lưỡi. Bà dẫn số liệu khảo sát mới được công bố của Microsoft và khẳng định, điều đó thể hiện bộ mặt văn hóa của một đất nước, rất đáng báo động. Nếu không có hành động quyết liệt để nâng cao văn hóa ứng xử của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội thì sẽ tác động rất lớn đến thế hệ tương lai của đất nước.

Gốc rễ từ câu chuyện giáo dục

Về nguyên nhân dẫn đến thực trạng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của người nổi tiếng và giới trẻ, nhà báo Trịnh Miên cho rằng, phần lớn do chúng ta thiếu nền tảng giáo dục, bỏ quên những giá trị chuẩn mực của đạo đức.

Người mẫu Hạ Vi cũng chia sẻ về tầm quan trọng của giáo dục gia đình đối với người trẻ. Theo chị, gia đình cần luôn ở bên cạnh để hướng dẫn họ cách ứng xử đúng mực. Các bạn trẻ đôi khi cũng muốn thể hiện quan điểm bằng cách không kết bạn với bố mẹ hoặc block bố mẹ trên Facebook. Nếu bố mẹ muốn gần gũi và hướng dẫn con thì không nên để điều đó xảy ra. Còn với những người nổi tiếng, theo chị chúng ta cần có những giải pháp mạnh hơn chứ không nên chung chung. “Nếu nghệ sĩ có những ứng xử thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội như Facebook hay TickTock, chúng ta có thể báo với các đại diện của họ ở Việt Nam để khóa tài khoản đó lại. Không cần phong sát bất kỳ ai nhưng rất cần những chế tài mạnh để hạn chế sự tác động xấu của họ đến mạng xã hội”, chị chia sẻ.

Cần có quy tắc ứng xử chung trên mạng xã hội (Ảnh minh hoạ - TTX).

Theo ông Lê Quốc Vinh, mạng xã hội Facebook còn thiết kế ra sự giận dữ cũng như tạo ra ham muốn được tranh cãi. Trên nền tảng Facebook, khi cãi nhau, ở đó người ta ít chấp nhận thua thiệt vì có nhiều người đang nhìn vào. Vì thế, các hành động tiêu cực trên Facebook càng gia tăng vì có “khán giả”. Còn trên các nền tảng khác như WhatsApp thì chỉ có 2 người với nhau. Trong khi tranh luận trên Youtube thì lại như rơi vào khoảng không vì khán giả tập trung vào nội dung đoạn video hơn.

Ông cho rằng, tranh luận ở Facebook có người hóng chuyện, đưa chuyện nên nếu chúng ta chủ động không tham gia vào những cuộc tranh luận có thông tin xấu thì nó không có cơ hội lan truyền. Về ứng xử của nghệ sĩ trên mạng xã hội, ông cho rằng có thể hạn chế phát sóng, cấm sóng nếu có ứng xử sai lệch. "Tốt nhất là mỗi người nên có những lưới lọc mà triết gia Socrates đặt ra. Lưới lọc thứ nhất là sự thật, anh có chắc điều mình nói là sự thật không. Lưới lọc thứ hai là sự tử tế, anh có chắc điều anh nói ra với tôi sẽ tốt cho tôi không. Lưới lọc thứ ba là có hữu dụng cho ai không, hay nói ra chẳng để làm gì. Câu chuyện này cũng giúp chúng ta biết cách chọn cái gì để nghe, chọn cái gì để nói", ông chia sẻ.

Nghệ sĩ Phạm Hoàng Nam trở về từ Canada cũng chia sẻ về tình trạng “lo lắng”, “sợ hãi”, “không an toàn” trên mạng xã hội của người Việt. Anh khẳng định: “Phải đi từ câu chuyện giáo dục của gia đình và nhà trường để giúp giới trẻ, nghệ sĩ có cái nhìn nhân văn hơn, hiểu biết hơn. Trước khi làm một việc gì đó, phát ngôn một câu gì cần phải nghĩ rằng, có tốt cho ai không? Ngoài nhà trường và xã hội thì báo chí cũng góp phần không nhỏ vào việc định hướng các giá trị thẩm mỹ, báo chí cần lọc bớt những thông tin tiêu cực, chạy theo view và câu khách”.

Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát biểu: "Quan điểm của tôi là không dùng từ “phong sát”, cấm sóng với những người làm nghệ thuật, bởi việc này không phù hợp văn hóa, điều kiện đất nước. Chúng tôi có nghiên cứu, tham khảo cách làm việc của nước ngoài, nhưng áp dụng tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn". Ông Dương cho rằng, với những trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng có thể sử dụng luật an ninh mạng, luật công nghệ thông tin, nghị định về nghệ thuật biểu diễn để đưa ra hình phạt. Cục Nghệ thuật biểu diễn đang phối hợp Bộ Thông tin, Truyền thông, Bộ Công an xây dựng quy chế quy trình xử lý, hạn chế hoạt động và sức ảnh hưởng của những trường hợp không tuân thủ quy tắc ứng xử. Theo lộ trình, dự thảo sẽ hoàn thiện trước tháng 10.

Ông Dương cũng nhắc lại bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ, với một mục yêu cầu riêng về cách hành xử trên không gian mạng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các nghệ sĩ cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có kiểm chứng, bình luận đúng mực, có văn hóa về những vấn đề dư luận quan tâm, không gây mâu thuẫn, phân biệt vùng, miền, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo hoặc sử dụng hình ảnh phản cảm. Cốt lõi của vấn đề vẫn là câu chuyện giáo dục và nền tảng văn hóa của mỗi con người. Nếu những người trẻ được giáo dục và nghệ sĩ có nền tảng văn hóa cao, chắc chắn sẽ không để tình trạng thiếu văn hóa trong ứng xử trên không gian mạng kéo dài và gây nhiễu sóng như hiện nay.

Linh Nguyễn

Tham mưu trưởng quân đội Israel Herzi Halevi ngày 21/1 tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 6/3, nhận trách nhiệm về sự cố an ninh nghiêm trọng xảy ra vào ngày 7/10/2023, khi các tay súng Hamas thực hiện một cuộc tấn công xuyên biên giới vào Israel.

Thực hiện chương trình “Tết vì người nghèo 2025”, chiều 20/1 (tức ngày 21 tháng Chạp), Thiếu tướng Phạm Khải, Tổng biên tập Báo CAND cùng đoàn công tác của Báo CAND đã về với bà con nhân dân tỉnh Lạng Sơn, trao tặng đồng bào nghèo nơi đây những món quà Tết mang đậm nghĩa tình của những người làm Báo CAND và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Theo dự báo, hôm nay khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù, trưa chiều trời nắng. Tây Nguyên và Nam Bộ ngày nắng, nhiệt độ cao nhất 29 - 32 độ.

Chiều 21/1, Công an TP Cần Thơ tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác cán bộ. Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ chủ trì buổi lễ. 

Chiều 21/1, Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin, Cơ quan CSĐT vừa ra Quyết định khởi tố và thi hành lệnh bắt tạm giam 3 bị can: Lê Văn Biền, cựu Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân; Hoàng Lộc Ninh, cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân và Lê Năng Dũng, Phó Trưởng phòng TNMT huyện Thọ Xuân để điều tra tội “Giả mạo trong công tác”.

Sau năm ngày xét xử và nghị án kéo dài, chiều 21/1, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với bị cáo Lê Tiến Phương (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) và 16 bị cáo khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.   

Ngày 21/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh Vinfast (viết tắt là Công ty Vinfast). 6 bị cáo trong vụ án đều là nhân viên của Công ty Vinfast đã câu kết chiếm đoạt của công ty 81 chuyến hàng, trị giá hơn 6,7 tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.