Xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng

11:11 27/04/2024

Việc ứng xử văn hóa nơi công cộng luôn được xem là một hành vi văn minh, biểu thị sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng. Đó cũng thể hiện sự phát triển của xã hội, đồng thời góp phần vào việc quảng bá hình ảnh đẹp của đất nước ra thế giới. Việt Nam đang từng bước hướng tới mục tiêu đó.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích cán bộ, công chức và nhân dân thực hiện các phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Nét đẹp công chức”, “Thanh niên thanh lịch”... xây dựng nhiều mô hình ý nghĩa như “Tuyến đường văn minh tự quản”, “Khu chung cư, chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”...

Phong trào dọn rác nơi công cộng là một trong những việc làm góp phần xây dựng xã hội văn minh.

Tuy đã có nhiều nỗ lực, nhưng không khó để bắt gặp hình ảnh xả rác, vẽ bậy, khắc chữ lên các di vật, cổ vật, các công trình kiến trúc làm biến dạng, mất mỹ quan, mất đi sự tôn nghiêm của các di tích lịch sử văn hóa. Tại khu vực cổng trường sau mỗi giờ tan học, nhiều phụ huynh chen chúc, lấn chiếm lòng đường, bấm còi inh ỏi khiến giao thông tắc nghẽn; tình trạng người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm cho người đi đường, rồi khi xảy ra va chạm giao thông, thay vì quan tâm tới sức khỏe người bị nạn, nhiều người sẵn sàng đáp trả bằng những lời nói thô tục, thậm chí sử dụng vũ lực để trốn tránh trách nhiệm... Tình trạng này ngày càng xuất hiện ở nhiều nơi đã gây ảnh hưởng tới những người xung quanh, hình thành thói quen xấu, tạo ra những bức xúc trong xã hội.

Ban đầu, những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, văn minh chỉ là những việc làm vô ý thức, nhưng nếu không được kiểm soát sẽ tạo thành thói quen, thành phản ứng dây chuyền. Người này làm được, người kia sẵn sàng bắt chước. Do đó, cần kịp thời lên án, ngăn chặn những biểu hiện, hành vi thiếu văn hóa, lệch chuẩn nơi công cộng; khuyến khích mỗi người dân làm việc tốt, nói lời hay để nhân lên những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng, xã hội.

Việc nhận diện những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử là việc làm cần thiết để có biện pháp điều chỉnh nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh ở nước ta hiện nay. Nói đến văn hóa ứng xử là nói đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức được hình thành trong quá trình tương tác giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa các thế hệ thông qua hành vi giao tiếp bằng ngôn ngữ, cử chỉ, hành động nhằm hướng tới những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, do nhận thức hạn chế và thiếu sự giáo dục, dạy bảo, không ít người đã có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, có những lời nói, hành động bất nhã ở nơi công cộng.

Thực tế cho thấy, kỹ năng ứng xử văn minh nơi công cộng có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách, nhất là của giới trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng với những chuẩn mực đạo đức, pháp luật được thực thi bởi những cá nhân cụ thể là một yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh để mỗi người sống, làm việc tốt hơn.

Để xây dựng, hình thành lối ứng xử văn minh, lịch sự, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cần nâng cao nhận thức của mỗi người dân về tầm quan trọng của văn hóa ứng xử nơi công cộng, đề cao vai trò của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục đạo đức, truyền thống văn hóa, kỹ năng ứng xử, hình thành nhân cách, trang bị những kỹ năng và lối sống đẹp cho trẻ em và thanh, thiếu niên.

Không gian, môi trường công cộng chỉ thực sự trong sạch, lành mạnh với những giá trị nhân văn, tiến bộ khi có sự chung tay, góp sức của mỗi người với tinh thần, ý thức tự giác, trách nhiệm. Do vậy, cần lên án, đấu tranh và loại trừ những biểu hiện “lệch chuẩn” trong giao tiếp, ứng xử của một số người ở nơi công cộng; cần xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật với những điều khoản quy định chặt chẽ để có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức và quy tắc xã hội, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để vừa giáo dục, vừa răn đe, giúp mỗi người biết điều chỉnh hành vi, suy nghĩ, ngày càng hoàn thiện bản thân, hướng tới mục tiêu xây dựng lối sống, nếp sống tốt đẹp, giao tiếp, ứng xử văn minh, thân thiện trong cộng đồng.

Đồng thời, thường xuyên thực hành và lan tỏa những giá trị, hình ảnh đẹp để xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam toàn diện, tạo động lực quan trọng để đất nước vững bước đi trên con đường hội nhập và phát triển, cũng như quảng bá hình ảnh đẹp của xã hội, con người Việt Nam ra thế giới.

Cù Tất Dũng

Ông Lương T.S là người tham gia bộ hành cùng đoàn người bám theo ông Minh Tuệ trong những ngày qua. Khi di chuyển qua địa phận tỉnh Quảng Trị thì ông S. ngất xỉu, được người dân đưa vào Bệnh viện cấp cứu nhưng sau đó bệnh nhân đã tử vong.

Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đã bày tỏ sự thương xót đối với cháu bé 5 tuổi tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô đưa, đón học sinh của Trường Mầm non Hồng Nhung 2 ở Thái Bình, lên án sự tắc trách của người có trách nhiệm, đồng thời bày tỏ hy vọng khi Luật Trật tự An toàn giao thông (TTATGT) đường bộ có hiệu lực sẽ ngăn chặn, phòng ngừa các vụ tương tự có thể xảy ra.

Ngày 30/5, chị Trần Thị Diệu Thúy (ngụ ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) cho biết sau nhiều ngày tìm kiếm ở một số nơi, chị cùng N.T.T. (quê Nghệ An, làm công nhân vệ sinh) vẫn chưa có thông tin gì về cháu N.T.H.L. (SN 2013, con chị T.).

Theo nguồn tin của Báo CAND, liên quan vụ trẻ mầm non tử vong vì bị bỏ quên trong ô tô, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình ra lệnh tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp và ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phương Quỳnh Anh (SN 1986, trú tại xã Vũ Phúc, TP Thái Bình) - là cô giáo đưa đón học sinh từ nhà đến trường.

UBND TP Đà Nẵng vừa công bố, giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn thành phố có 38 dự án ưu tiên đầu tư trong công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền với tổng mức đầu tư trên 7.260 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa, trong đó, vốn đầu tư cho công nghiệp là 5.700 tỷ đồng và vốn đầu tư cho dịch vụ là 1.560 tỷ đồng.

Ngày 30/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đình Thắng (SN 1989, trú tại xã Thư Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội) và tuyên phạt bị cáo tù chung thân về tội “Giết người”. Bị hại trong vụ án là anh Nguyễn Văn Th (SN 1990, ở huyện Thường Tín).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文