Câu chuyện dài về nhà “ổ chuột”

Bài 1: Rùng mình cuộc sống ở những “xóm nước đen” Sài thành

18:31 23/11/2015
Ở trung tâm TP Hồ Chí Minh là những khu đô thị sạch đẹp, văn minh, có nhiều tòa nhà cao vút. Về đêm không gian càng rực rỡ hơn với những ánh đèn nhiều màu sắc ở khắp các ngôi nhà, hàng quán, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí.

Thế nhưng cách đó không xa, thậm chí chỉ cách một con kênh, con đường là những “xóm nước đen”, nhà thấp lè tè, môi trường dơ bẩn, người dân sống trong nghèo nàn. Nhưng vấn đề trên hết là sức khỏe của con người đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi môi trường nước… 

Kênh Tẻ tương đối lớn lại gần cửa đổ ra sông Sài Gòn nên nước không đến nỗi nồng nặc mùi hôi nhưng rác ngập bờ kênh thì vẫn đầy năm này qua tháng nọ. Do thuận tiện giao thông đường thủy lại tập trung nhiều cảng sông nên suốt ngày dòng kênh không ngớt ghe thuyền qua lại. Tàu đến rồi lại đi nhưng ở đoạn sông thuộc phường Tân Thuận Tây (quận 7) có hàng chục chiếc ghe dường như bất di bất dịch, chỉ trồi lên, sụt xuống theo con nước lớn ròng. Đây là “nhà” của những hộ dân “nghèo rớt mồng tơi” từ khắp nơi trôi dạt về đây “định cư”, lập nghiệp.

Nhà ổ chuột ven kênh ở TP Hồ Chí Minh.

Chị Nguyễn Thị Lệ (quê Vĩnh Long), dáng người gầy gò, da rám nắng, vừa lau mồ hôi vừa cho chúng tôi biết: “Ở quê nghèo quá lại chẳng có cục đất chọi chim nên vợ chồng chị bán nhà, mua ghe buôn bán chuối. Cuộc sống lênh đênh trên sông nước rất khổ sở vào mùa mưa bão và kinh doanh lời lãi chẳng được bao nhiêu nên vợ chồng chị quyết định neo đậu ghe ở bến sông này, lên bờ làm thuê làm mướn”. 

Chồng làm phụ hồ, vợ bán hột vịt lộn mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn, chỉ đủ 5 miệng ăn mỗi ngày hai bữa. Chị Lệ tiếp: “Hoàn cảnh của chị vậy nhưng vẫn còn đỡ hơn nhiều người khác ở đây. Có người chồng con bệnh tật cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau, kiếm miếng ăn đã đổ mồ hôi hột”.  

Đối với họ, xuân về tết đến gần như không có được niềm vui vì phải tất bật đối phó với sự sống hằng ngày. Đó là chưa kể đến nỗi nhớ quê da diết nhưng không có điều kiện để về. Trẻ em thì chẳng có áo mới trong 3 ngày tết nhưng chúng cũng đã quen và không hờn dỗi vì bạn bè cùng “làng” với chúng có đứa nào hơn chúng? Chẳng đứa nào được học hành, đứa đi bán vé số, đứa bán kẹo cao su… điều cầu mong duy nhất trong những ngày tết là bán đắt để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi các em thơ dại. Chị Lệ ví cuộc sống của mình cũng như hàng chục hộ ở đây như bèo bọt, chẳng biết đến bao giờ mới ngoi đầu dậy!

Cầu chữ Y, nơi “giáp ranh” giữa kênh Đôi và kênh Tàu Hủ. Đứng trên cầu chữ Y quan sát, kênh Tàu Hủ đã trong xanh hơn nhờ hình thành tuyến đường Võ Văn Kiệt nên hàng ngàn nhà ổ chuột ven kênh đã bị giải tỏa; còn ở kênh Đôi, vẫn còn đó những ngôi nhà lụp xụp nên nước đen và đậm đặc hơn kênh Tẻ nhất là lúc nước ròng. 

Dưới dòng kênh ấy tưởng chừng như chẳng ai dám khua tay vào thì lại có những người đang lặn hụp. Anh Vinh làm nghề thợ lặn, ai thuê gì vớt nấy. Mỗi khi có ghe thuyền nào chẳng may bị chìm thì tìm đến anh Vinh. Người ta làm thợ lặn có bình hơi, còn anh Vinh thì dùng… phổi. Tôi hỏi: “Hơi đâu mà chịu nổi?”. Vinh: “Lấy sào rà trước, khi nào đụng đồ vật thì mới lặn, không phải thì tiếp tục…”. Tôi nhăn mặt: “Nước hôi thối thế này, sao mà chịu được?”. 

Vinh cười giòn: “Khổ quá phải làm, mai mốt bệnh đau tính sau”. Nhà anh Vinh ở xóm nước đen nằm ven theo một con rạch đổ ra kênh Đôi. Dòng nước ở đây đen ngòm, đặc quánh. Phía sau nhà họ nào rác, nào chuột, nào xác gà vịt chết nhưng người chủ vẫn thản nhiên sinh hoạt bình thường. Tôi ái ngại hỏi một gia chủ: “Sao chị không vớt rác, xác động vật chết sau nhà mình?”. Chị cười tỉnh queo: “Vớt xong thì nó lại tấp vào, làm chi cho mệt!”.

Kênh Đôi chạy xuyên suốt quận 8 và có rất nhiều nhánh nhỏ đan xen lẫn nhau nên 16 phường của quận thì phường nào cũng là cù lao. Chính vì vậy mà lượng nhà cất trên kênh rạch của quận 8 chiếm hơn 30% toàn TP Hồ Chí Minh. Bà Dương Thị Dễ,  ở khu phố 6, phường 9 (quận 8) là một trong những người sống gần 60 năm bên bờ kênh Tàu Hủ, nhớ lại: “Cách đây độ 20 năm, nước ở kênh Tàu Hủ trong veo, chiều nào dân ở đây cũng kéo nhau xuống tắm. Còn bây giờ, dòng nước đen ngòm, hôi thối, cá tôm chết sạch”. 

Do môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người nên dân bản địa sống dọc bờ kênh ai có điều kiện kinh tế đều dời nhà đi nơi khác. Nhà được họ bán lại cho người dân nhập cư. Một số đối tượng khác, thấy đất trống “nhảy” vào chiếm dụng, cất nhà xập xệ để ở tạo thành những “xóm nước đen”. Trong số họ, có người do hoàn cảnh khó khăn thật sự nhưng cũng có lắm kẻ “đầu trộm đuôi cướp” trà trộn vào đây, từ đó phát sinh vấn nạn bài bạc, rượu chè, hút chích, mại dâm…

…“Họ ở tỉnh lên, thấy chỗ trống là tối đến chiếm cất nhà. Sáng mai bị phường tháo dỡ thì tối ngày hôm sau họ lại cất… cứ thế mà kênh rạch bị chiếm thành xóm, thành làng” - một cán bộ UBND quận 8 thở dài cho biết. Chiếm sông rạch cất nhà ở đã đành, tệ hại hơn là chẳng ai có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung. Tất cả những thứ rác rưởi họ đều vứt xuống kênh dù được Nhà nước cấp thùng miễn phí để đựng rác.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh hiện trên toàn địa bàn có khoảng 17.000 căn nhà ổ chuột nằm trên và ven hành lang các tuyến kênh rạch. Để giải quyết thực trạng này, theo kế hoạch, trong giai đoạn từ 2016-2020, TP Hồ Chí Minh sẽ giải tỏa trên dưới 10 ngàn nhà “ổ chuột” nói trên (dự kiến kinh phí đền bù, giải tỏa là 12.400 tỷ đồng) để cải tạo, chỉnh trang các tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát, Rạch Nhảy - Ruột Ngựa… 

Tuy nhiên đây mới chỉ là kế hoạch còn thực hiện được hay không lại là một chuyện khác. Vì kế hoạch 5 năm trước đó (2011-2015), TP Hồ Chí Minh dự kiến giải tỏa 13.700 hộ nhưng đến hết thời hạn chỉ mới giải tỏa được khoảng 30%! Nguyên nhân được đưa ra là do thiếu kinh phí, chậm trễ giải phóng mặt bằng… mà điển hình nhất là dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. 

Dự án có tổng chiều dài 33km đi qua 7 quận với kinh phí 27.000 tỷ đồng đã khởi động cách đây ngót 10 năm nhưng đến nay cũng chỉ mới… bắt đầu! Trong khi dự án cũ chưa hoàn tất thì TP Hồ Chí Minh phải “gánh” thêm 7.000 căn nhà ổ chuột mới phát sinh. Và nhà ổ chuột có xu hướng dời ra vùng ven, ngoại thành nơi có nhiều sông rạch còn nhiều khoảng trống ở hai bên bờ. Và như vậy, 5 năm tới, chắc chắn số nhà ổ chuột mới lại phát sinh và thành phố lại phải tiếp tục bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để cải tạo…

Nguyên nhân phát sinh đã rõ, đó là hậu quả của một quá trình buông lỏng quản lý của nhà chức trách. Hiện tại trên địa bàn các quận, huyện như 8, 12, Bình  Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức, Hóc Môn… chuyện lấn chiếm kênh rạch cất nhà vẫn cứ xảy ra. Kênh Thầy Cai - An Hạ chảy qua 3 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh chỉ mới vài năm trước còn trong xanh, thông thoáng thì nay đã bị ô nhiễm và nhà ổ chuột đang mấp mé hình thành. 

Theo các nhà chuyên môn, sở dĩ việc xây dựng trái phép; xả rác, nước thải bừa bãi… xuất phát từ chuyện chúng ta chỉ mới hô hào bằng khẩu hiệu mà thiếu người thực thi. Đi trên đường mọi người rất thường thấy nhiều tấm biển nào là “Nghiêm cấm chiếm dụng hành lang kênh rạch”, “Cấm đỗ rác”, “Khu vực tăng cường kiểm tra xử phạt hành vi gây ô nhiễm vệ sinh, môi trường”… nhưng quanh năm chẳng thấy ai bị xử phạt!

Phương Tuyền

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文