Bài 2: “Tín dụng đen” hoành hành ở miền Tây Nam bộ

09:06 21/07/2018
“Ngân hàng cột điện” đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước mà các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang nằm trong tâm bão. Biết bao gia đình tan nát vì kiệt quệ kinh tế do vướng “vòng kim cô” tín dụng đen này.

Hai năm trở lại đây, nhiều nhóm đối tượng len lỏi đến các vùng quê nghèo ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ “làm mưa làm gió” gây ra bao cảnh tai ương. 

Bẫy giăng khắp nơi 

Chị N.T.B.N. (ngụ phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) kể, cách đây 3 tháng, trong lúc dừng đèn đỏ trên đường chị được phát một tờ rơi với nội dung “cho vay không thế chấp, thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay”. 

Đang lúc kẹt tiền chị liền điện thoại thì gặp một người đàn ông tự xưng tên Phụng. 

Theo hướng dẫn của người này, chị N. photo hộ khẩu, giấy CMND và được Phụng giới thiệu vay 5 triệu đồng với lãi suất 20%, trả góp trong vòng 1 tháng.  

Nhưng thực sự chị N. chỉ nhận được 4,1 triệu đồng vì đã trừ 500 ngàn tiền phí “thẩm tra hồ sơ”, 200 ngàn đồng chi cho người môi giới (là Phụng) và 200 ngàn đồng là tiền góp ngày đầu tiên. Đặc biệt, lúc làm hợp đồng, chị N. phải lăn tay, ký tên trên tờ giấy trắng chưa ghi nội dung gì. Người cho vay mà chị chưa rõ họ tên còn dọa, nếu chị N. không trả nợ thì y có thể ghi khống chị N. nợ gấp nhiều lần rồi nhờ tòa án can thiệp. 

Nhóm 4 đối tượng bắt giữ người trái pháp luật ở Phú Quốc (Kiên Giang).

Mỗi ngày, chị phải góp 200.000 đồng, nếu thiếu 1 ngày, ngay hôm sau phải đóng gấp đôi. Còn chậm đóng trong 3 ngày liên tiếp, dù chị đã góp bao nhiêu ngày đi nữa cũng bị hủy bỏ và đóng lại từ đầu. 

“Do buôn bán ế ẩm chị thất hẹn 3 ngày liên tiếp nên phải đóng lại từ đầu dù chị đã đóng được 17 ngày. Hoảng quá chị đành bán chiếc xe gắn máy duy nhất của gia đình để trả nợ. Từ nay, dù khó khăn đến mấy chị cũng không dám vay tiền như thế này nữa” - chị N. kể trong nước mắt.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, kiểu cho vay như trường hợp của chị N là phổ biến nhất ở miền Tây hiện nay. Kẻ cho vay không chỉ dán tờ rơi ở cột điện mà còn dán ở thân cây ăn trái, bến tàu, ghe xuồng trên các tuyến sông… 

Qua các vụ việc bị cơ quan Công an triệt xoá cho thấy, hoạt động cho vay nặng lãi nở rộ, cao điểm nhất là những tháng đầu năm 2018. Hàng loạt nhóm đối tượng từ các tỉnh Thanh Hoá, Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn, TP Hà Nội… đến miền Tây thuê nhà tạm trú. 

Họ thành lập công ty, trưng biển kinh doanh nhưng chỉ với vài nhân viên và không có hoạt động nào liên quan đến ngành nghề đăng ký. Mỗi nhóm ít từ 3-5 người, nhiều từ 7-15 người, chia ra nhiều khu vực hoạt động liên tỉnh, từ thành thị đến nông thôn. 

Bọn chúng tiếp cận những người nghèo, buôn bán nhỏ hoặc những người cần tiền gấp trong thời gian ngắn để cho vay. Hàng ngày, bọn chúng liên tục di chuyển địa bàn để phát tờ rơi, cho vay và thu tiền góp như là một nghề kinh doanh hợp pháp. 

Tháng 3-2018 chị Trương Ngọc L. (ngụ huyện Cao Lãnh) vay nóng của Thị Hằng (quê huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) 10 triệu đồng, mỗi ngày góp 430.000 đồng (gần 30%/tháng). Đóng được vài ngày, chị L. buôn bán ế ẩm nên mất khả năng trả nợ. 

Hằng cho đàn em tìm đến đe dọa. Lo sợ, chị L. tìm đến nhà người quen lẩn tránh. Nhóm của Hằng gồm 4 người phát hiện chị L. tại xã Nhị Mỹ (huyện Cao Lãnh) đã thẳng tay đánh đập và dọa sẽ cắt gân chân nếu chị L. không mau chóng trả nợ. 

Một con nợ khác cũng bị “xử đẹp” là anh Đ.T., trú tại xã Dương Tơ, Phú Quốc, Kiên Giang. Khoảng 10h ngày 1-7-2018, anh T. đang trên đường đi làm thì 2 đối tượng chặn đầu xe, khống chế đưa đến căn phòng trong tiệm game bắn cá. Nhóm người này thay nhau hành hung buộc anh T. gọi điện thoại cho người nhà đem trả 10 triệu đồng, kẻ cho vay là Nguyễn Thị Thùy Linh, quê Hải Dương. 

Từ thông tin từ người nhà anh T., 15h ngày 2-7, Công an huyện Phú Quốc ập vào tiệm game giải cứu anh T và bắt giữ 4 đối tượng Lưu Anh Tú (22 tuổi, tỉnh Nam Định), Phạm Văn Cường (22 tuổi) và Trần Hậu Đức (26 tuổi) và Trần Khánh Linh (23 tuổi, cùng ngụ Hà Tĩnh). 

Nhóm Tú khai nhận được Linh thuê vào Phú Quốc trông coi tiệm game bắn cá và tổ chức cho vay nặng lãi.

Chủ động chặt đứt  “vòi bạch tuộc”

Xuất phát từ tình hình cho vay nặng lãi diễn biến phức tạp, từ tháng 4 đến tháng 6-2018, Công an nhiều tỉnh, thành ở miền Tây Nam Bộ đồng loạt ra quân xử lý, ngăn chặn, chặt đứt “vòi bạch tuộc” của hoạt động “tín dụng đen”. 

Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn, Giám đốc Công an Đồng Tháp chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Tờ rơi quảng cáo cho vay tiền bị cơ quan Công an thu giữ.

Qua đó, triệt xóa 51 vụ với 102 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó có 13 vụ cho vay nặng lãi; 29 vụ phát tờ rơi quảng cáo, 4 vụ xâm hại sức khỏe người khác, 1 vụ gây rối trật tự công cộng, 2 vụ cưỡng đoạt tài sản và 2 vụ hủy hoại tài sản của người khác. Tang vật thu giữ gồm: 19.369 tờ rơi quảng cáo; 480 hợp đồng vay, đặt cọc, thuê tài sản; 2 cây gậy 3 khúc, 1 dao tự chế. 

Bên cạnh trấn áp, Công an tỉnh Đồng Tháp đang siết chặt quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự cũng như công tác tạm trú đối với các nhóm đối tượng phát tờ rơi quảng cáo và cho vay tiền lãi nặng.

Đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an TP Cần Thơ cũng cho biết đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tổ chức nắm tình hình, rà soát lên danh sách, mời làm việc các nhóm đối tượng có dấu hiệu cho vay nặng lãi để xử lý. Đặc biệt, kiên quyết xử lý các hành vi siết nợ, đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen, đánh người gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật… 

Trong đợt cao điểm, Công an TP Cần Thơ triệt xóa 8 nhóm, bắt 29 đối tượng cho 423 người vay lãi suất từ 15%-30%, có trường hợp lên đến 60%, với tổng số tiền cho vay trên 2,1 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã xử lý 4 vụ, 5 đối tượng đòi nợ, siết nợ và xóa hơn 20.000 tờ rơi dán ở nơi công cộng.

Riêng ở tỉnh An Giang, vấn nạn cho vay nặng lãi xuất hiện sớm hơn so với các tỉnh khác trong khu vực. Công an TP Long Xuyên từng bắt giữ 2 nhóm, 9 đối tượng do Cao Hoàng Thảo (26 tuổi) và Phan Thanh Tùng (Tùng “sứt”, 35 tuổi, cùng ngụ TP Hải Phòng) cầm đầu. Từng sứt có nhiều tiền án, từ Hải Phòng vào Long Xuyên, tổ chức cho đàn em hoạt động cho vay nặng lãi. 

Bọn chúng in danh thiếp với nội dung rất hấp dẫn như: “Hỗ trợ tài chính – cho vay trả góp – cần cà vẹt xe 80% giá trị - không cần thế chấp”. 

Hàng ngày, Tùng sứt cho người đi phát tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền tại các khu dân cư, chợ, xung quanh trường đại học tiếp cận những tiểu thương buôn bán nhỏ, những người cần vay tiền gấp với lãi suất cao. Khi bắt giữ nhóm của Thảo và Tùng sứt, cơ quan điều tra thu giữ hàng trăm sổ hộ khẩu của người dân cầm cố vay tiền.

Ban chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Long Xuyên cho biết, các đối tượng làm biên nhận nợ hoặc hợp đồng mua bán xe với người vay tiền rồi cho thuê lại phương tiện thu tiền góp theo ngày. 

Nhiều nhóm lập công ty tại TP HCM rồi mở chi nhánh hoạt động tại các tỉnh, thành miền Tây hoặc thuê nhà tạm trú ở tỉnh này lại sang tỉnh khác hoạt động.

Nhóm PV

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文