SOS! Thú “đập đá” trong giới trẻ

Nhập viện bệnh viện tâm thần vì... “đập đá” (bài 2)

08:06 04/01/2016
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, không chỉ gây hại cho xã hội, phía sau cảm giác đê mê, phê phang mất người do “đập đá” – sử dụng ma túy “đá” đem lại, chính là cánh cửa rộng mở đưa nhiều dân chơi đến “an dưỡng” tại bệnh viện tâm thần. Và rồi, khi nhận ra tác hại do thú “đập đá” gây ra thì đã quá muộn…

Gia tăng bệnh nhân loạn thần do “đập đá”

Tìm đến Bệnh viện Tâm thần Hà Nội vào một chiều cuối tháng 12-2015, chúng tôi thấy lo ngại trước tình hình có đông bệnh nhân là giới trẻ đang phải “an dưỡng” tại Khoa H (Khoa điều trị rối loạn tâm thần liên quan đến nghiện chất). Nguyên nhân khiến số bệnh nhân này phải “an dưỡng” ở đây không gì khác chính bởi “cơn lốc ảo” mang tên ma túy “đá”.

Trong gian phòng điều trị số 2, chúng tôi chứng kiến Điều dưỡng trưởng Khoa H, Lê Đức Dân tận tình khuyên giải, hướng dẫn bệnh nhân N.T.D uống thuốc theo phác đồ điều trị. Điều dưỡng Lê Đức Dân cho biết, bệnh nhân N.T.D. năm nay 28 tuổi, chưa vợ con. Vì nghiện ma túy “đá” nên D bị chứng hoang tưởng, loạn thần phải nhập viện điều trị từ ngày 22-12.

Khuôn mặt thẫn thờ, D kể, do đua đòi với bạn bèn nên bản thân đã “bập” vào thú “đập đá” từ năm 2014. Hằng tuần, D cùng bạn bè đều đặn tổ chức “đập đá” ít nhất là 2 lần. Sau mỗi lần sử dụng, cái cảm giác lo sợ, mất ngủ lại xuất hiện trong D. “Khoảng 10 ngày trước khi nhập viện, D thường xuyên mất ngủ. Tâm trạng lo sợ, ảo tưởng có người đang theo dõi, chuẩn bị làm hại mình… Thấy vậy, gia đình đã đưa D tới đây để điều trị. Qua thăm khám cho thấy, D bị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy “đá”, điều dưỡng Lê Đức Dân cho hay.

Ở Khoa H, chúng tôi tiếp xúc với nhiều bệnh nhân bị loạn thần do ma túy “đá” gây ra. Mỗi bệnh nhân có một hoàn cảnh khác nhau. Có những trường hợp do đua đòi, ham chơi tìm đến thú “đập đá” để khẳng định mình là “sành điệu”. Rồi có trường hợp vì chán đời, nên đã tìm đến ma túy “đá” để cai… heroin. Cũng thật buồn thay, ở đây có những bệnh nhân chỉ sau một thời gian dứt được cơn thèm thuốc, do không làm chủ được bản thân, đã nhanh chóng tái nghiện “đập đá”.

Trong khuôn viên sân tập thể dục của Khoa H, N.Đ.N đi lại dật dờ như người vô hồn. Thỉnh thoảng N lại nhếch mép cười đầy bí ẩn. Năm nay, N 29 tuổi, nhà ở quận Ba Đình (Hà Nội). Vốn là học sinh ngoan theo học tại một trường THPT có tiếng của thành phố Hà Nội, những tưởng, sau này N sẽ thành đạt.

Nhưng không! “Lần ấy, vào một ngày cuối năm 2006, em bị đám bạn rủ rê “hít” thử một liều heroin. Ai ngờ, sau này nghiện luôn”, N nhớ lại. Sau lần ấy, N đã dính vào heroin. Mọi vật dụng trong gia đình cứ thế lần lượt “đội nón” ra đi theo những cơn vật thuốc của N. Chán đời vì heroin, rồi đám dân chơi rỉ tai rằng: “Đập đá” sẽ cai được heroin. “Đập đá” không nghiện đâu (?!)”, từ năm 2008, N. đã bị những làn khói chết người mang tên ma túy “đá” có sức hủy hoại hệ thần kinh gấp nhiều lần heroin lôi cuốn.

Nhiều bệnh nhân bị loạn thần do ma túy "đá" gây ra đang phải "an dưỡng" tại Bệnh viên Tâm thần Hà Nội

Theo bệnh án N thể hiện, sau khi sử dụng ma túy “đá”, N thường có biểu hiện ngủ ít, nói nhiều, nghi ngờ có người theo dõi, âm mưu làm hại mình. Chưa hết, trong cơn “ngáo đá”, N còn gây hấn, đòi đánh đập người thân.

- Em có người yêu chưa?, tôi hỏi.

- Có rồi anh!, N đáp.

- Người yêu có biết em vào viện để điều trị chứng loạn thần do “đá” gây ra không?, tôi hỏi tiếp.

- Dạ... Dạ... Không... Không ạ! Cô ấy biết, cô ấy bỏ ngay, N trả lời nhát gừng.

 Nói rồi, N ngước đôi mắt thẫn thờ về phía xa rồi thở dài: “Đá đã làm hại đời em. Lần này, em sẽ quyết tâm bỏ nó”. Trong câu chuyện với N, chúng tôi được biết, cơn lốc ảo mang tên ma túy “đá” đã khiến công việc của N bị dang dở, từ một thanh niên cường tráng giờ N trở nên suy nhược thần kinh, không còn tỉnh táo khi làm mọi việc. Và đây không phải lần đầu N được gia đình đưa đến cơ sở y tế để cắt cơn thèm ma túy “đá”.

Lời cảnh tỉnh cho dân chơi

Ngày 28-12, dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, song khi nhìn vào bảng thống kê danh sách bệnh nhân đang nằm điều trị tích cực tại Khoa H, chúng tôi không khỏi giật mình. Trong tổng số 48 bệnh nhân đang nằm điều trị ở đây thì có tới 20 bệnh nhân mắc bệnh do thú “đập đá” gây ra. Số bệnh nhân bị loạn thần do ma túy “đá” chiếm đa phần dưới 30 tuổi.

Theo các y, bác sĩ Khoa H, có thời điểm, số lượng bệnh nhân loạn thần, “ngáo đá” nhập viện cùng một lúc lên đến 5-7 trường hợp. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó trưởng Khoa H cho biết, so với những năm trước đây, năm 2015 vừa qua là năm có số lượng bệnh nhân bị loạn thần do ma túy gây ra nhập viện đông hơn cả, với 382 bệnh nhân. Bình quân mỗi tháng, có trên dưới 30 bệnh nhân bị loạn thần do ma túy gây ra nhập viện điều trị. Con số này đang có chiều hướng gia tăng.

Là khoa chuyên điều trị các rối loạn tâm thần liên quan đến nghiện chất, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc cùng đồng nghiệp đang ngày đêm tích cực chữa trị cho các bệnh nhân bị loạn thần do “đập đá”. Theo bác sĩ Nguyễn thị Kim Cúc, các bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng mất kiểm soát hành vi, rối loạn tâm thần, thích gây gổ với người xung quanh.

Có trường hợp, mặc dù đã được gia đình đưa tới bệnh viện, song vẫn có những hành động không giống ai như thích chạy nhảy, trèo lên lan can cầu thang, đập phá chống đối lại y, bác sĩ… Để ngắt cơn thèm thuốc, điều hòa hệ thần kinh cho những trường hợp như thế, các bác sĩ phải vừa tuyên truyền, giải thích cho bệnh nhân, vừa phải điều trị theo một phác đồ nhất định. 8-10 ngày là thời gian ngắn nhất để cắt cơn thèm thuốc, ổn định tâm lý cho người nghiện ma túy “đá”.

Đối với trường hợp nặng, khoảng thời gian này có thể kéo dài lên đến hàng tháng. Điển hình như trường hợp của bệnh nhân N.N, SN 1982 nhà ở huyện Gia Lâm (Hà Nội). Do thường xuyên “đập đá” nên N nhập viện trong trạng thái rối loạn tâm thần cấp độ cao. Đến nay, đã hơn 2 tháng điều trị, dù N đã tiếp xúc được, không hoang tưởng, ảo giác, thế nhưng do N thỉnh thoảng vẫn thèm “thuốc”, tâm trạng còn bồn chồn… nên các bác sĩ vẫn tiếp tục điều trị, phục hồi sức khỏe cho N. 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, có ý kiến cho rằng sử dụng ma túy “đá” sẽ không bị nghiện là hoàn toàn sai, hoàn toàn ngụy biện. Ma túy “đá” là một loại ma túy tổng hợp mạnh thuộc nhóm Methamphetamine ở dạng tinh thể. Nó tác động nhanh tới hệ thần kinh, gây loạn thần. Mặc dù với ma túy “đá”, người nghiện có thể dùng một lần/tuần, thế nhưng nó lại tác động nhanh chóng lên hệ thần kinh, khiến con người ta nhanh chóng bị lệ thuộc, hành vi mất kiểm soát. Nguy hại hơn, nếu sử dụng thường xuyên, với cường độ cao, ma túy “đá” còn khiến hệ thần kinh của người sử dụng nhanh chóng bị tê liệt.

Thạc sĩ tâm lý học Trần Thu Hương – Trường Đại học KHXH và Nhân Văn (Đại học Quốc Gia Hà Nội) cho biết, việc lạm dụng ma túy “đá” nhất là đối với giới trẻ lứa tuổi thuộc thế hệ 8X, 9X (từ 18 đến hơn 30 tuổi) sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường. Khi đã sử dụng ma túy “đá” rồi, hệ thần kinh bị tác động mạnh, hiện tượng “ngáo đá”, ảo giác xuất hiện, tâm, sinh lý cũng như nhân cách sống của người sử dụng bị rối loạn, tác động xấu. Lo ngại hơn, khi đã bị lệ thuộc vào nó, nhân sinh quan, tương lai theo đó cũng bị ảnh hưởng, lụi tàn. “Đập đá” chính là sự tự hủy hoại tương lai bản thân.
Trần Huy

Với sự quyết tâm cao của hai Bộ, cùng sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm từ các cấp, Dự án “Xây dựng Hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân” sẽ được triển khai thành công, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào lên tầm cao mới.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chỉ đạo dốc toàn lực, tập trung cứu chữa cho các nạn nhân của vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội). Theo đánh giá lúc nhập viện, cả 4 nạn nhân tiên lượng nặng, nhiều nguy cơ diễn biến khó lường và có thể tử vong cao.

Ngày 20/12,  ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã thông tin về vụ việc thu hồi 238 sổ đỏ xuất phát từ một vụ án hình sự làm giả con dấu, tài liệu của của Nhà nước. Qua đó, Đà Nẵng đã có phương án xử lý có lợi nhất cho người dân.

Chỉ 5 giờ đồng hồ sau khi nhận được trình báo vụ cướp tài sản xảy ra tại khu vực nghĩa trang trên địa bàn, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã lập chiến công xuất sắc, nhanh chóng xác định và bắt giữ được thủ phạm gây án.

Năm 2016, ông Ngô Văn Long ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 2 thửa đất liền kề có tổng diện tích hơn 161m2, gồm một phần diện tích đất nông nghiệp và đất ở tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh từ chủ sử dụng đất là ông Ngô Nam Thắng và thực hiện đầy đủ thủ tục để cập nhật, đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Nhưng từ năm 2018 đến nay, ông Long đã nhiều lần kêu cứu khắp nơi để được bảo vệ quyền lợi chính đáng trước sự tắc trách của chính quyền địa phương…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文