Báo động tình trạng ô nhiễm và xâm lấn đất đai ở làng nghề Vĩnh Phúc

08:06 15/11/2019
Những năm gần đây, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội, đặc biệt là giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động nông nhàn tại địa phương. Tuy nhiên, đi đôi với những làng nghề phát triển là tình trạng ô nhiễm môi trường, xâm lấn đất đai làng nghề ngày càng ở mức báo động.


Môi trường bị hủy hoại

Làng nghề Tề Lỗ (huyện Yên Lạc) có 300 đến 400 bãi "mổ" ôtô, xe cơ giới lớn nhỏ, trong đó có gia đình có tới 2 đến 3 bãi. Cả làng nghề Tề Lỗ luôn có hàng chục ngàn chiếc xe ôtô cùng các loại máy xúc, máy ủi, xe cẩu... nằm la liệt chờ tháo dỡ để phân loại phụ tùng, chi tiết còn tốt mang bán lại cho các cơ sở sửa chữa, gia công.

Sau thời gian tháo dỡ vài tuần hoặc vài tháng, các loại sơn bị bong tróc, gioăng cao su, xăm lốp, nhựa mềm và nhựa cứng, dầu nhớt trong máy... thải ra ngoài với số lượng lớn. Tất cả các chất thải không có khả năng tái chế này thường được người dân tìm cách đốt hủy hoặc vứt ra môi trường. Do đó nhiều khu đất trống, kênh mương, ao, hồ... trên địa bàn ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Bên cạnh nghề tháo dỡ xe ôtô, các loại phương tiện cơ giới ở huyện Yên Lạc còn có những làng nghề liên quan đến thu mua phế liệu, tái chế nhựa, gây ô nhiễm môi trường. Đã từ lâu, nghề thu gom và tái chế nhựa phế liệu ở thôn Đông Mẫu, xã Yên Đồng (Yên Lạc) trở thành nghề mang lại nguồn thu nhập chính và giải quyết việc làm cho người dân ở địa phương. Song, tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề lo ngại cho chính những người dân nơi đây.

Thôn Đông Mẫu luôn tấp nập, nhộn nhịp người-xe đến để buôn bán, vận chuyển hàng phế liệu, tiếng máy xay, máy nghiền nhựa ầm ĩ cả ngày lẫn đêm. Hầu hết các loại nhựa phế liệu ở làng này được thu mua từ các đại lý cân sắt vụn về sơ chế và sản xuất các sản phẩm nhựa tái chế. Sản phẩm từ nhựa tái chế đa phần xuất đi thị trường Trung Quốc và một số tỉnh như Bắc Ninh, Hưng Yên...

Đông Mẫu hiện có 400 hộ với 2.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 200 hộ chuyên kinh doanh, sản xuất, thu mua, tái chế phế liệu nhựa. Trong thôn cũng có trên 100 đầu máy nghiền nhựa. Việc phát triển nghề tái chế nhựa đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân địa phương, do sản xuất ngay trong thôn xóm xen giữa nhà ở của người dân. Mùi nhựa xay bốc ra thường xuyên, nước rửa nhựa thải ra môi trường quá lớn, hệ thống cống rãnh quá tải, một số khu vực nước thải ứ đọng gây ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt...

Các làng nghề ở huyện Yên Lạc phát triển nhanh hơn quy hoạch, chưa thu gom và xử lý chất thải, nước thải là những nguyên nhân chính khiến môi trường ô nhiễm nặng nề. Hiện các chỉ số, thông số ở nhiều làng nghề chưa được ngành chức năng ở Vĩnh Phúc đánh giá tổng thể, chính xác khách quan.

Đất đai bị xâm lấn

Việc phát triển làng nghề ở Yên Lạc do thiếu quản lý, giám sát, không quy hoạch kịp thời cũng gây ra tình trạng xâm lấn đất đai trái phép. Theo thống kê của UBND huyện Yên Lạc, đến tháng 8-2019, trên địa bàn huyện có 253 trường hợp lấn đất với tổng diện tích trên 32.400m2; 6 trường hợp chiếm đất với diện tích 810m2; 649 trường hợp sử dụng đất sai mục đích có diện tích gần 140.400m2. Cùng với đó, Yên Lạc có 870 trường hợp giao đất trái thẩm quyền với diện tích gần 257.150m2 và 20 trường hợp đã thu tiền sử dụng đất nhưng chưa giao đất.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận người dân, tổ chức và doanh nghiệp chưa cao; một số địa phương không mạnh tay xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ngay khi mới phát sinh vi phạm nên việc xử lý, lấy lại hiện trạng đất đai ban đầu rất khó khăn. Nhiều hộ, tổ chức, doanh nghiệp đã tự ý xây dựng nhà xưởng, các công trình kiên cố trên đất vi phạm, điển hình là các địa phương có làng nghề phát triển...

Xã Tề Lỗ hiện có 95 trường hợp vi phạm Luật Đất đai với diện tích hàng chục nghìn mét vuông. Trong đó có 45 trường hợp sai phạm từ trước ngày 1-7-2004; 24 trường hợp sai phạm từ ngày 1-7-2004 đến 1-7-2014; 13 trường hợp xảy ra từ năm 2014 đến 30-9-2018. Từ cuối tháng 9-2018 đến nay có 24 trường hợp vi phạm mới với hơn 4.500m2, chủ yếu tại 2 thôn Giã Bàng, Nhân Lý, Tỉnh lộ 303, quốc lộ 2C đoạn qua địa phận xã Tề Lỗ. Xã đã phối hợp xử lý nhiều trường hợp và đang tiếp tục giải quyết hàng chục trường hợp khác.

Theo ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch UBND xã Tề Lỗ: "Toàn xã hiện có hơn 540 hộ kinh doanh, buôn bán máy xúc, máy ủi, trong đó có hơn 300 hộ đã được quy hoạch vào cụm công nghiệp Tề Lỗ. Nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh vẫn rất lớn và hiện còn gần 200 hộ chưa được quy hoạch vào cụm công nghiệp, đang loay hoay tìm nơi tập kết hàng hóa"...

Lời giải cho bài toán khó

Những năm gần đây, Tề Lỗ luôn duy trì tốt hoạt động của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Vệ sinh môi trường, thường xuyên quan tâm tuyên truyền, nhắc nhở và lập biên bản xử phạt đối với nhiều hộ có hành vi đốt dây đồng, chất thải làm phát sinh khí thải độc hại, do đó tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động này đã giảm...

Để phục vụ cho công tác thu gom đạt hiệu quả, năm 2018, xã giải phóng mặt bằng và đưa vào sử dụng 2 bãi rác thải tập trung với tổng diện tích 4.400m2 thay thế cho bãi rác Đồng Soi phải đóng cửa phục vụ cho dự án đường vành đai 3. Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý rác triệt để sau tận thu phế liệu ở Tề Lỗ vẫn là bài toán chưa có lời giải bởi các hộ làm nghề đông, phân tán, thu gom khó, giá thành xử lý đắt.

Theo thống kê, năm 2018, doanh thu từ lĩnh vực thương mại - dịch vụ của Tề Lỗ đạt hơn 320 tỉ đồng, chiếm gần 52% tổng giá trị sản xuất của địa phương, song, lượng rác thải từ hoạt động kinh doanh phế liệu, ngành nghề chủ lực trong thương mại - dịch vụ của Tề Lỗ hiện nay lại khó có thể đo đếm được.

Ông Nguyễn Công Võ – Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc cho biết: Trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng 2 nhà máy xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch được phê duyệt. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương trong tỉnh lập đề án, kế hoạch, phương án quản lý giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn trên địa bàn đã được phê duyệt.

Tỉnh cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành hướng dẫn kỹ thuật, quy trình quản lý trong việc phân loại, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn thông thường; hướng dẫn trình tự, thủ tục, nội dung cải tạo, phục hồi môi trường của bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và quy trình đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt; yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý liên quan đến công tác bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp để địa phương có cơ sở căn cứ xử lý tình trạng rác thải.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo quy hoạch thành lập 16 cụm công nghiệp, làng nghề sản xuất tập trung với tổng diện tích quy hoạch là 344ha để từng bước di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư; ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong làng nghề đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý chất thải, nước thải...

Nguyễn Trọng Lịch

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文