(Nghịch lý) Trạm thu phí, đi 4km tính tiền toàn tuyến
Những năm gần đây, trạm thu phí lại liên tục tăng giá trong khi đường cao tốc này đang xuống cấp nghiêm trọng khiến chủ các phương tiện chỉ biết “than trời”.
Năm 2004, đường cao tốc Liên Khương được khởi công xây dựng với chiều dài hơn 19km, theo tiêu chuẩn đường loại B, do Công ty TNHH MTV 7/5 là nhà đầu tư (nay chuyển quyền quản lý, khai thác cho Công ty TNHH Hùng Phát).
Theo tài liệu PV Báo CAND có được, tại hợp đồng số 4409 ngày 26-12-2003 ký giữa UBND tỉnh Lâm Đồng với Công ty TNHH MTV 7/5, về việc thực hiện hợp đồng xây dựng đường cao tốc Liên Khương – chân đèo Prenn theo hình thức BOT, giá trị hợp đồng là 572,4 tỷ đồng. Trong đó vốn của nhà đầu tư là 377,5 tỷ đồng, số còn lại là ngân sách nhà nước.
Theo QĐ số 3745/QĐ-UBND ngày 13-10-2004 của UBND tỉnh Lâm Đồng, về việc điều chỉnh nội dung giấy phép đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Liên Khương, tổng mức đầu tư được nâng lên gần 700 tỷ đồng.
Tiếp đó, với QĐ số 2133/QĐ-UBND, ngày 23-8-2007, UBND tỉnh Lâm Đồng đã điều chỉnh, bổ sung dự án này lên tổng vốn đầu tư hơn 933,6 tỷ đồng. Ngày 11-7-2011, với QĐ số 1495/QĐ-UBND, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục nâng tổng vốn đầu tư cho đường cao tốc dài 19km này lên 1.313,6 tỷ đồng, tức gấp hơn 2 lần so với ban đầu.
Trong đó, ngân sách nhà nước là 985,2 tỷ đồng, nhà đầu tư là 328,4 tỷ đồng. Tháng 7-2008, tuyến đường cao tốc chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng. Cùng với đó, trạm thu phí Định An của đường cao tốc Liên Khương – Đà Lạt cũng bắt đầu hoạt động.
Điều đáng nói, vị trí đặt trạm thu phí của nhà đầu tư khá “đắc địa”, chỉ cách chân đèo Prenn, cửa ngõ đi vào TP Đà Lạt chưa tới 3km, ngay ngã 3, nơi giao nối giữa đường cao tốc Liên Khương – Đà Lạt với QL20.
Từ khi trạm thu phí đi vào hoạt động, suốt 9 năm qua, hằng ngày có rất nhiều phương tiện tham gia giao thông thuộc diện phải mua vé qua trạm, mặc dù đi từ hướng Đồng Nai lên bằng QL20 và hướng tỉnh Ninh Thuận bằng QL27 lên Đà Lạt và theo chiều ngược lại, chỉ chạy vào đường cao tốc chưa đầy 4km nhưng vẫn phải mua giá trị vé toàn bộ tuyến đường.
“Tôi đi xe 4 chỗ, có việc chạy từ Đà Lạt xuống Liên Nghĩa, cả đi và về phải đóng cho trạm này 72.000 đồng trong khi tôi chỉ đi vào đường cao tốc chưa tới 4km. Trạm thu phí đặt tại điểm hết sức vô lý nhưng không hiểu sao vẫn tồn tại gần 10 năm qua!..”- chị Thương, một người sinh sống tại Đà Lạt bức xúc cho biết.
Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xe buýt tại Lâm Đồng, hiện mỗi ngày họ có hàng chục chuyến xe buýt chạy tuyến Đà Lạt – Đơn Dương; Đà Lạt – Đức Trọng; Đà Lạt – Bảo Lộc… và chiều ngược lại, chỉ chạy vào đường cao tốc Liên Khương hơn 3km nhưng vẫn phải mua vé toàn tuyến, đây là điều hết sức vô lý, ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của các đơn vị này.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Trưởng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hùng Phát vẫn cho rằng vị trí đặt trạm thu phí của đường cao tốc Liên Khương “là hợp lý”.
Theo ông Trưởng, trước đây đơn vị cũng đã tính chuyện mở trạm thu phí đoạn dưới và trạm đoạn trên của đường cao tốc để thu hai mức giá khác nhau nhưng chi phí xây dựng sẽ cao, không đem lại hiệu quả của dự án.
“Sau đó, được sự đồng ý của UBND tỉnh Lâm Đồng thì đơn vị giữ nguyên trạm thu phí tại vị trí hiện nay”- ông Trưởng nói. Theo hợp đồng BOT mà chủ đầu tư ký với UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian thu phí từ năm 2008 kéo dài đến năm 2031, tức 23 năm. Tuy nhiên, thời gian này sẽ được các bên điều chỉnh, có thể kéo dài hơn hoặc rút ngắn lại, căn cứ vào mức tăng trưởng hằng năm.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, trạm thu phí Định An đã 3 lần được chủ đầu tư điều chỉnh giá vé vào các năm 2011, 2014 và 2016. Hiện nay, giá vé thấp nhất là 36.000 đồng/xe, cao nhất đã lên tới 192.000 đồng/xe. Nếu tính bình quân mỗi xe qua trạm này mất 60.000 đồng thì chủ các phương tiện phải trả 3.000đ/km, như vậy thuộc loại đắt bậc nhất cả nước.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV, đường cao tốc Liên Khương chỉ là đường loại B, hiện đã xuống cấp, mặt đường nhiều điểm gồ ghề, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình lưu thông và an toàn.
Ông Vương Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh, một tài xế chuyên chạy xe du lịch phản ánh: “Tôi đã đi nhiều nơi, qua nhiều đường cao tốc nhưng đường cao tốc của Lâm Đồng là ngắn và xấu nhất. Chất lượng mặt đường gồ ghề, chạy nhanh là xe nhảy chồm lên trong khi giá vé lại cao ngất ngưởng!..”.
Ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GT&VT Lâm Đồng cho biết, những năm qua ông đã nhận được phàn nàn của nhiều người về giá trạm thu phí Định An quá cao. Tuy nhiên, sở không phải là cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất về giá vé nên không thể chính thức kiến nghị lên cấp trên mà chỉ truyền tải ý kiến này tới lãnh đạo tỉnh trong cuộc họp liên quan.
Riêng về vị trí đặt trạm thu phí, ông Hiệp cho biết, trong các cuộc họp với cơ quan chức năng, chủ đầu tư viện lý do là trước đây khi xây dựng đường cao tốc, các tuyến đường như ĐT725, QL27C nối với Đà Lạt chưa thông, nay các tuyến đường này đã thông tuyến, nếu không đặt trạm thu phí tại vị trí hiện nay thì nhà đầu tư không thu hồi được vốn và Sở GT&VT cũng không có chức năng quyết định được vị trí đặt trạm thu phí. Ông Hiệp xác nhận, chất lượng mặt đường cao tốc đang xuống cấp nhanh.
Ngày 17-8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản giao Sở GT&VT chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá, quản lý, thu phí, bảo trì đường cao tốc Liên Khương của Công ty TNHH Hùng Phát, báo cáo đề xuất UBND tỉnh trước ngày 31-8. |