Cần sớm làm sáng tỏ dấu hiệu thông đồng giữa chủ đầu tư với ngân hàng
- Chủ đầu tư "diễn kịch" trên nỗi đau của nhiều nạn nhân
- ACV sai phạm nhưng vẫn được đề nghị làm chủ đầu tư dự án nhà ga T3 (?)
- Cư dân chung cư yêu cầu chủ đầu tư thực hiện quyết định của chính quyền thành phố
Sau khi số báo trên phát hành, ông Phạm Quốc Dũng, nguyên Giám đốc Công ty Thanh Bình đã chủ động liên hệ với PV Báo CAND đề nghị “được gặp” để cung cấp thông tin liên quan. Đến ngày 15-5, ông Đoàn Thái Duyên Hải, phụ trách pháp chế Công ty Thanh Bình, đã đến Cơ quan đại diện Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh.
Sự “khôn ngoan” của chủ đầu tư
Xuyên suốt trong quá trình trao đổi, ông Đoàn Thái Duyên Hải cho rằng, việc Công ty Thanh Bình hợp đồng chuyển nhượng đất với các hộ dân rồi mang thế chấp ngân hàng đều là... quan hệ dân sự vì một số hộ dân, trong đó có bà Nguyễn Thị Ngọc Lương đã khởi kiện ra tòa.
Quan điểm giải quyết vụ việc của Công ty Thanh Bình theo hướng hòa giải, thương lượng và đã thương lượng được nhiều trường hợp ở khu A. Nói như thế nhưng khi PV hỏi cụ thể đã thương lượng với khách hàng nào thì ông Hải hẹn “sẽ cung cấp sau”.
Một lô biệt thự bị tạm ngưng thi công chờ cơ quan chức năng giải quyết. |
Đối với trường hợp khởi kiện ra tòa, ông Hải đưa ra viễn cảnh hợp đồng chuyển nhượng đất giữa Công ty Thanh Bình với người dân sẽ bị vô hiệu vì thời điểm Công ty Thanh Bình với người mua ký hợp đồng chưa có quyền sử dụng đất. Ông Hải nói theo quy định pháp luật, trong trường hợp này, hai bên sẽ “trả lại cho nhau những gì đã nhận, ai sai sẽ bồi thường thiệt hại”.
“Khi đó, Công ty Thanh Bình sẽ có trách nhiệm hoàn trả lại tiền vốn, lãi và bồi thường thiệt hại cho người “mua”, còn đất thì giao cho ngân hàng để đảm bảo thanh toán nợ vay. Công ty Thanh Bình tất nhiên sẽ chịu hết trách nhiệm, còn tiền ở đâu để thi hành án thì… tính sau”, ông Hải nói.
Ông Hải nói tiếp, phương án xử lý khác đó là ngân hàng bán đấu giá các khoản nợ. Khi đó, chủ nợ mới sẽ thương lượng với người dân theo hai hướng: Một là chủ nợ mới sẽ thương lượng để người dân bỏ tiền ra “mua” đất thêm lần nữa và được cấp “sổ đỏ”.
Cách thứ hai là chủ nợ mới sẽ trả lại vốn cho người mua kèm theo một khoản gọi là “bồi thường hợp đồng”. Ví dụ, người dân bỏ ra 2 tỷ đồng để “mua” lô đất thì nay sẽ được hoàn trả vốn và “đền” thêm vài chục phần trăm.
Cái “hay” mà ông Hải đưa ra thực tế theo cách hiểu của chúng tôi là cách làm nào chủ đầu tư – Công ty Thanh Bình cũng “ngồi mát ăn bát vàng”, dễ dàng “ẵm” hàng trăm tỷ đồng rồi như người ngoài cuộc, trong khi người mua đất tại dự án lại gánh hết thiệt hại.
Sao lại có chuyện lạ đời như vậy?, chúng tôi hỏi. Ông Hải cho biết Công ty Thanh Bình sẽ san sẻ thêm cho người mua nhưng tùy trường hợp sẽ có thỏa thuận cụ thể (?).
Từ buổi trao đổi này, chúng tôi có cảm giác ông Hải đến gặp chúng tôi chủ yếu là chuyển tải “thông điệp” của ông Dũng rằng, vụ việc xảy ra chỉ là quan hệ dân sự, người dân có tố cáo cũng chỉ tốn thời gian và công sức!
Thực tế, theo các tài liệu mà PV Báo CAND thu thập được, có dấu hiệu của vi phạm pháp luật hình sự chứ không phải chỉ là chuyện trả-vay hay bội tín. Bởi số tiền hàng trăm tỷ đồng mà ông Dũng cùng một số cá nhân khác đại diện Công ty Thanh Bình nhận của người “mua” đất và vay vốn ngân hàng đi về đâu, được sử dụng như thế nào mới chính là cốt lõi của vấn đề. Những đồng tiền đó không phải chỉ là mồ hôi nước mắt của người dân lương thiện mà còn là tài sản của Nhà nước đã bị “bốc hơi” bởi sự câu kết của một nhóm người.
“Ván bài lật ngửa”?
Khi nghiên cứu hồ sơ, tài liệu về Công ty Thanh Bình, PV Báo CAND đặc biệt chú ý đến địa chỉ công ty và người đại diện pháp luật. Bởi công ty này thay đổi người đại diện pháp luật và địa chỉ trụ sở rất nhiều lần, chỉ duy có mã số thuế (0302123939) là không thay đổi.
Như trong nhiều hợp đồng thế chấp tài sản để bảo lãnh cho Công ty Cổ phần du lịch Đất (trụ sở đặt ở phường Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh) vay vốn của một chi nhánh ngân hàng ở quận 10 vào năm 2010 thì đại diện pháp luật Công ty Thanh Bình là ông Đinh Phạm Quốc Duy, chức vụ Phó Giám đốc, địa chỉ công ty ở số 63A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1.
Tuy nhiên, trong hợp đồng thế chấp đảm bảo choCông ty Cổ phần đầu tư - kinh doanh Bất động sản Hoàng Gia và Công ty TNHH MTV đầu tư Kim Ngân vay vốn của một chi nhánh ngân hàng ở huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) vào năm 2012, người đại diện là ông Phạm Quốc Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc Công ty Thanh Bình. Trụ sở lúc đó đặt tại tầng 17, tòa nhà Hatbuor View, số 35 Nguyễn Huệ, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra còn có nhiều địa chỉ khác nhau của công ty Thanh Bình ở các quận: Phú Nhuận, quận 4, quận 1... Người đại diện theo pháp luật, giám đốc khi thì ông Phạm Quốc Dũng, lúc ông Phạm Nguyễn Vũ, lúc ông Trần Hữu Quỳnh…
Những nạn nhân có quyền đặt dấu hỏi về mục đích của sự thay đổi trên, bởi nếu doanh nghiệp làm ăn chân chính, sao phải liên tục thay đổi trụ sở, người đại diện như thế?
Tìm hiểu trước thắc mắc này, PV phát hiện việc thay đổi này là có mục đích hẳn hoi. Theo Quyết định 493/2005 của Ngân hàng nhà nước, nợ xấu được phân thành 5 nhóm. Doanh nghiệp vay vốn mà bị nợ xấu từ nhóm 3 trở lên (tức các khoản nợ quá hạn từ 90 ngày trở lên) thì rất khó có tổ chức tín dụng nào dám cho vay.
Trong khi đó, 18 lô đất khu A thuộc Dự án khu biệt thự-du lịch Thanh Bình được Công ty Thanh Bình chuyển nhượng cho người dân trong giai đoạn từ 2004 đến 2008.
Đến tháng 8-2008, khi được nhà nước cấp “sổ đỏ”, Công ty Thanh Bình không thực hiện việc sang tên đổi chủ cho bên mua, mà lần lượt mang thế chấp để bảo lãnh cho Công ty Cổ phần du lịch Đất vay vốn hàng chục tỷ đồng. Việc vay vốn kéo dài từ năm 2008 đến năm 2013 nhưng không trả nợ, lãi theo kỳ hạn.
Như vậy, tính từ hợp đồng thế chấp đầu tiên vào tháng 10-2008, đến hết tháng 10-2009, Công ty Thanh Bình và Công ty Cổ phần du lịch Đất đã rơi vào nợ xấu nhóm 5 (tức các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày thuộc nợ có khả năng mất vốn). Và theo quy định, nếu rơi xuống nhóm này, doanh nghiệp đừng trông mong được vay thêm vốn. Thế nhưng, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục được vay từ sự bảo lãnh của Công ty Thanh Bình.
Tệ hại hơn là đến năm 2012, ông Phạm Quốc Dũng lại tiếp tục đại diện Công ty Thanh Bình đứng ra bảo lãnh cho Công ty Cổ phần đầu tư-kinh doanh Bất động sản Hoàng Gia và Công ty TNHH MTV đầu tư Kim Ngân vay 40 tỷ đồng của một chi nhánh ngân hàng ở huyện Nhà Bè.
Tài sản thế chấp và khu đất rộng gần 8.000m2 mà Công ty Thanh Bình đã chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Ngọc Lương hơn 3.800m2 với giá trên 22 tỷ đồng.
Trong trường hợp này, ngân hàng đã bị ông Dũng lừa hay có sự thông đồng? Một câu hỏi lại đặt ra và PV Báo CAND đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, giám đốc chi nhánh một số ngân hàng.
Tất cả đều có chung khẳng định: Ngân hàng không thể bị lừa được. Bởi lẽ ông Dũng là chủ sở hữu doanh nghiệp, được cấp 1 mã số thuế, cho nên dù có thay tên người đại diện, địa chỉ công ty thì cũng không thể thay đổi mã số thuế.
Do đó, đơn vị cho vay chỉ cần nhập mã số thuế của công ty trên hệ thống thông tin ngân hàng (CIC) thì tất cả đều có thông tin chi tiết về lịch sử vay vốn của doanh nghiệp. Đó là điều mà người làm trong các tổ chức tín dụng đều biết và không thể ngụy biện do sơ suất vì địa chỉ, tên giám đốc công ty khác nhau.
Có hay không sự thông đồng này chưa được điều tra và có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thực tế những gì đã diễn ra cho thấy dấu hiệu của vi phạm pháp luật hình sự vì liên quan đến nguồn vốn của Nhà nước. Vấn đề này rất cần sớm được làm rõ, để những người gây ra hậu quả phải chịu trách nhiệm trước trước pháp luật.