Cần sớm mở lối vào nhà cho cư dân dự án Ecolife Tây Hồ

08:03 09/08/2017
Hơn 1 tháng nay, con đường tạm bằng đất vốn lầy lội với ổ trâu, ổ gà, không rào chắn, không điện chiếu sáng dẫn vào dự án Ecolife Tây Hồ bị rào lại một nửa do “hết hạn thuê đường” khiến hàng trăm hộ dân đang sinh sống vô cùng chật vật khi đi lại.

Đã có những vụ tai nạn giao thông xảy ra khi xe máy, ôtô tránh nhau trên con đường hẹp ngã xuống mương nước. 1/3 cư dân của dự án Ecolife đã dọn đến ở gần nửa năm nay nhưng không có đường về nhà.

Sau hơn 1 tháng con đường đất tạm bị rào lại một nửa, cư dân đang sinh sống ở 3 tòa nhà A, B, C của dự án Ecolife Tây Hồ vẫn bức xúc khi hằng ngày phải đi lại trên con đường mất an toàn giao thông.

Bà Nguyễn Thị Hòa, cư dân sinh sống ở đây cho biết: “Nói là chung cư cao cấp, thu phí sử dụng dịch vụ rất cao nhưng đường vào nhà mãi chưa có. Từ khi con đường đất này bị rào lại, con tôi không dám đi ôtô vào, vì nếu hai xe mà gặp nhau thì làm gì có chỗ tránh. Đã có trường hợp 2 xe ôtô tránh nhau và một cái lao xuống mương nước. Thậm chí, ôtô và xe máy đi ngược chiều cũng không có chỗ tránh, xe máy cũng bị ngã xuống mương”.

Có mặt tại con đường đất từ đường Nguyễn Chí Công dẫn vào chung cư Ecolife Tây Hồ, chúng tôi thấy những phản ánh của người dân hoàn toàn có cơ sở. Con đường đất không rào chắn, không đèn chiếu sáng, hằng ngày bị xe tải chở đất đá cày xới khiến cho ổ trâu, ổ gà nhấp nhô, ngày mưa thì lầy lội, nắng thì bụi. Có đoạn đường nghiêng cả về phía mương, đi lại rất khó khăn và nguy hiểm khi có ôtô đi vào. Một nửa bên đường bị rào lại, con đường chỉ còn 3m, hai chiếc ôtô không thể tránh nhau.

Đường đất dẫn vào dự án Ecolife Tây Hồ bị rào một nửa do hết hạn thuê đường.

“Hôm nào trời mưa mà đi buổi tối ở đây mới nguy hiểm. Đường nhấp nhô, tối om, chỉ sợ lao xuống mương. Từ hôm một người đi xe máy tránh ôtô lao xuống mương, nhiều người khi gặp ôtô kiên quyết không đi bên phải đường vì sợ lao xuống mương mà tránh vào bên trái, còn ôtô không tránh được thì mặc kệ. Tôi thấy tình hình này cứ kéo dài thì rất nguy hiểm”.

Bỏ ra vài tỷ đồng để mua một căn hộ ở Ecolife Tây Hồ, nhưng khi nhận nhà, người dân mới ớ ra là đường chưa có. Nhiều người cho biết, theo quy hoạch thì đường vào chung cư Ecolife rộng 40m nối thông chung cư với dường Nguyễn Văn Huyên - Võ Chí Công. Nhưng đã gần nửa năm nhận nhà mà đường chả thấy đâu, hằng ngày họ vẫn phải đi trên “con đường đau khổ”.

Làm việc với chủ đầu tư của dự án Ecolife Tây Hồ - Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House) chúng tôi được biết, dự án Ecolife Tây Hồ nằm trong quy hoạch tổng thể dự án Tây Hồ Tây, do vậy việc khớp nối hạ tầng sẽ được thực hiện cùng với việc khớp nối hạ tầng với dự án Tây Hồ Tây.

Ecolife Tây Hồ có 2 đường vào: Tuyến đường số 1 là Nguyễn Văn Huyên kéo dài; tuyến đường A1 của tuyến khung của dự án Starlake Tây Hồ Tây. Trên hai tuyến đường này, ngoài Ecolife Tây Hồ còn có 3 dự án khác.

Theo chủ đầu tư thì trong quá trình thi công, họ đã liên tục kiến nghị và đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội xem xét báo cáo UBND TP Hà Nội sớm triển khai hoàn thiện kết nối hạ tầng với các dự án lân cận. Đến nay, đường vào dự án vẫn chưa được xây dựng.

Theo lý giải của chủ đầu tư thì họ không thể trì hoãn việc hoàn thành dự án đúng tiến độ (vào cuối năm 2016) do quy định của nhà nước đã được nêu rõ trong giấy phép xây dựng cũng như hợp đồng mua bán nhà với khách hàng nên phải sử dụng con đường tạm ban đầu là 3m, sau phối hợp với các đơn vị liên quan thuê thêm đất mở rộng đường lên 6,5m.

Trong quy hoạch, đường 40 m nối thông từ Nguyễn Văn Huyên sang Võ Chí Công thuộc dự án Tây Hồ Tây, là con đường di chuyển vào dự án EcoLife Tây Hồ. Tuy nhiên, chủ đầu tư Capital House khẳng định, họ không thể can thiệp được vào tiến độ của dự án này.

Cũng theo đại diện của Capital House thì lãnh đạo phường Xuân La cho biết, việc giải quyết vấn đề về đường đi cho cư dân hiện nay còn vướng mắc do chưa xong giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, theo kế hoạch, phường Xuân La đang đề nghị phối hợp để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và yêu cầu mặt bằng đến đâu thi công tới đó, đảm bảo có đường sớm nhất cho người dân ở đây.

Lý giải về tìm phương án con đường tạm cho cư dân, theo đại diện của Capital House thì hợp đồng thuê đường mới hết hạn. Chủ đầu tư đang phối hợp với các chủ đầu tư khác trong khu đô thị Tây Hồ Tây thực hiện việc cải tạo, kè và mở rộng con đường này để giúp cư dân đi lại thuận tiện và an toàn.

Chủ đầu tư đã chủ động phối hợp với Ban đại diện cư dân đầu tư mở thêm một tuyến đường khác để giúp cư dân đi lại thuận lợi hơn. Theo tìm hiểu của phóng viên thì con đường này là đường nhỏ, chỉ đi được xe máy. 

Theo ông Lê Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La thì trước những bức xúc của cư dân và chủ đầu tư, TP đã có chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ làm con đường này. Chính quyền địa phương đang phối hợp với Trung tâm quỹ đất quận Tây Hồ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, cố gắng tới tháng 9 có hai làn đường, trong đó ít nhất có một làn để cư dân sử dụng, một làn cho xe công trường vận chuyển vật liệu xây dựng các dự án còn lại, nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho cư dân đi lại.

Để cư dân sớm có đường đi lại, thành phố cần đôn đốc các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng nhằm hoàn thiện kết nối hạ tầng của dự án Tây Hồ Tây. 

Trần Hằng

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

Để đảm bảo TTATGT trên các tuyến đường, trong những ngày lễ 30/4 và 1/5, không quản ngại nắng nóng gay gắt, lực lượng CSGT các địa phương vẫn “đội nắng”, “bám đường”, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xuyên đêm, xuyên lễ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文