Cần xử lý dứt điểm khiếu nại của gia đình có công với cách mạng

08:56 15/12/2017
Bà Nguyễn Thị Hằng (83 tuổi, thương binh hạng 4/4, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là Trưởng Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày của tỉnh Thừa Thiên-Huế tại Hà Nội có đơn gửi Báo CAND phản ánh việc các cơ quan chức năng của thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên-Huế “quên” thi hành bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật cách đây 37 năm.


Điều đó không những không bảo vệ quyền lợi cho người được thi hành bản án này mà còn tạo điều kiện cho bên phải thi hành án vi phạm trật tự về xây dựng nhưng không bị xử lý, gây khiếu kiện kéo dài.

Bà Hằng trình bày, do cha mẹ mất sớm nên trước khi tập kết ra miền Bắc (năm 1954), bà Hằng sống cùng bà nội là cụ Nguyễn Thị Sáu tại thôn Thượng 5, xã Thuỷ Xuân, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Bình Trị Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên-Huế). Quá trình cụ Sáu sinh sống ở đây đã xảy ra tranh chấp về đất đai với nhánh dòng họ Nguyễn dẫn tới việc hai bên kiện nhau ra toà án để phân xử. 

Theo Bản án sơ thẩm số 23, ngày 17-5-1979 của TAND TP Huế nội dung vụ kiện như sau: Thửa đất E152 tại thôn Thượng 5, xã Thuỷ Xuân nằm trong dải đất họ Nguyễn có diện tích là 5 mẫu 8 sào 2 thước. Trên thửa đất này có một ngôi nhà thờ của họ Nguyễn và một ngôi nhà mái ngói cạnh nhà thờ. Bà Sáu là người ở ngôi nhà mái ngói vừa chăm sóc nhà thờ, vừa chăm sóc cây cối trên thửa đất này. 

Năm 1979, cụ Sáu định bán ngôi nhà mái ngói nhưng họ Nguyễn không đồng ý với lý do, ngôi nhà đó là nhà tăng của nhà thờ và thửa đất E152 là do họ Nguyễn tạo lập. Cụ Sáu không đồng tình với việc này vì cho rằng, thửa đất này cụ đã mua của người khác từ năm 1914 và ngôi nhà mái ngói do vợ chồng cụ xây dựng nên cụ có quyền sở hữu. Trình bày với Toà án, cụ Sáu và dòng họ Nguyễn đều cho rằng, họ mới là chủ sở hữu thửa đất E152.

Theo bản án sơ thẩm, đối với thửa đất E152, cụ Sáu cũng như họ Nguyễn không xuất trình được giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu. Sổ địa bạ địa phương cũng không ghi ai là chủ của mảnh đất này. Đối với ngôi nhà cạnh nhà thờ, một số nhân chứng cho biết, là do vợ chồng cụ Sáu xây dựng. Họ Nguyễn cũng thừa nhận ngôi nhà đó do vợ chồng cụ Sáu xây dựng nhưng họ Nguyễn chỉ coi đó là nghĩa vụ của người trông coi nhà. 

Bản án sơ thẩm xác định, nhà thờ được cụ Sáu xây dựng đã được nhiều người xác nhận. Nay cụ Sáu không muốn ở thì có thể bán và ưu tiên bán trước cho họ Nguyễn. Nếu họ Nguyễn không muốn mua thì cụ Sáu có quyền bán cho người khác nhưng chỉ được bán nhà, không được bán đất. 

Bản án sơ thẩm bác yêu cầu đòi quyền sở hữu thửa đất E152 của cụ Sáu và họ Nguyễn. Sau phiên toà sơ thẩm, đại diện dòng họ Nguyễn có đơn kháng cáo với nội dung, không chấp nhận quyết định của bản án sơ thẩm.

Tại Bản án phúc thẩm số 06 ngày 1-4-1980 của TAND tỉnh Bình Trị Thiên xác định, vụ tranh chấp thửa đất E152 và ngôi nhà giữa cụ Sáu và họ Nguyễn đã xảy ra từ lâu. Năm 1930, sự việc này đã được đưa ra Toà án của chế độ cũ nhưng Toà án lúc đó cũng không xử được thửa đất này thuộc quyền sở hữu của ai nên trong sổ địa bạ đành bỏ trống. Từ đó đến nay, việc tranh chấp vẫn diễn ra cho đến khi được TAND TP Huế phân xử. 

Bản án phúc thẩm xác định, đối với thửa đất E152 đang tranh chấp, hai bên đương sự đã đưa ra giấy tờ chứng minh, nhưng những giấy tờ đó không có bản nào thể hiện cụ thể thửa đất này thuộc quyền sở hữu của cụ Sáu hay nhánh dòng họ Nguyễn. 

Mặt khác, theo chính sách hiện hành, đất đai là tư liệu sản xuất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, cộng với địa bạ cũ ghi đất E152 vô chủ nên Toà án cấp phúc thẩm đồng tình với quan điểm của Toà án cấp sơ thẩm bác quyền đòi sở hữu thửa đất này của dòng họ Nguyễn và cụ Sáu. 

Đối với ngôi nhà mái ngói cạnh nhà thờ của thửa đất E152, họ Nguyễn đòi sở hữu vì cho rằng đó là tăng của nhà thờ. Toà án cấp phúc thẩm xác định, ngôi nhà này là nhà của cụ Sáu vì quá trình cụ Sáu xây dựng có nhiều người biết. Việc dòng họ Nguyễn đòi ngôi nhà mái ngói này là thiếu căn cứ. 

Với những phân tích, đánh giá như trên, Toà án cấp phúc thẩm quyết định bác kháng cáo của đại diện dòng họ Nguyễn, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND TP Huế. 

Theo đó, Toà án cấp phúc thẩm xác định. ngôi nhà mái ngói cạnh nhà thờ của dòng họ Nguyễn trên thửa đất E152 thuộc quyền sở hữu của cụ Sáu. Toà phúc thẩm bác yêu cầu của cụ Sáu và đại diện dòng họ Nguyễn đòi sở hữu thửa đất E152, vì đất đai thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.

Những năm gần đây, bà Nguyễn Thị Hằng có nhiều đơn gửi các cơ quan thẩm quyền đề nghị thi hành Bản án phúc thẩm số 06 ngày 1-4-1980 của TAND tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) và đề nghị xử lý công trình xây dựng trái phép của dòng họ Nguyễn trên thửa đất E152. Ngày 16-12-2015, UBND TP Huế đã ban hành Quyết định số 8679/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Trung (đại diện họ Nguyễn). Đồng thời giao trách nhiệm cho UBND phường Thuỷ Xuân kiểm tra, giám sát việc thi hành quyết định xử phạt này. 

Tuy nhiên sau đó, việc thi hành quyết định xử phạt hành chính đối với công trình vi phạm trên thửa đất E152 và việc thi hành bản án số 06 chưa diễn ra nên bà Hằng tiếp tục khiếu nại. 

Liên quan đến sự việc này, ngày 5-9-2017, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Huế đã có Công văn số 1487/CV-THA gửi bà Hằng nêu rõ: Thực hiện Chỉ thị số 266/TTg ngày 2-6-1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc “triển khai và tăng cường bàn giao công tác thi hành án dân sự”, năm 1993, TAND các cấp bàn giao những hồ sơ thi hành án còn tồn đọng, chưa thi hành xong sang cơ quan thi hành án dân sự để tiếp tục tổ chức thi hành. 

Nhưng qua rà soát từ đó đến nay, trong hồ sơ theo dõi nhận bàn giao bản án do Toà án chuyển sang không có Bản án số 06/DS ngày 1-4-1980 của TAND tỉnh Bình Trị Thiên. Ngoài ra, cơ quan thi hành án cũng không nhận được yêu cầu thi hành án của bà Nguyễn Thị Hằng đối với bản án này nên không có căn cứ để giải quyết. 

“Hiện nay, do cả hai bên đương sự trong bản án trên đã chết, do vậy theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 31 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì hiện tại, bà Hằng không thuộc đối tượng yêu cầu thi hành án”, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Huế - Hoàng Hy khẳng định.

Không đồng tình với trả lời của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Huế, bà Hằng tiếp tục có đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị thi hành Bản án số 06/DS ngày 1-4-1980 của TAND tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bà.

Nguyễn Hưng

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文