Cần xử lý nghiêm những kẻ phá rừng ở núi Langbiang

07:11 26/07/2020
Núi Langbiang là danh lam thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất tỉnh Lâm Đồng, gắn liền với truyền thuyết nàng Ka Lang và chàng Biang của người dân bản địa. Thế nhưng, những năm qua, rừng thông trên núi Langbiang lại bị xâm lấn, đầu độc, cưa hạ hàng loạt nhằm mục đích lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp. Vậy ai là thủ phạm đã gây ra những vụ phá rừng trên dãy núi kỳ vĩ này?


Sau loạt bài phản ánh tình trạng ngang nhiên phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại lô a2 và lô a3, khoảnh 14, tiểu khu 112B, thị trấn Lạc Dương (Lâm Đồng), lâm phần do Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý của Báo CAND, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm kê diện tích rừng bị mất và trữ lượng lâm sản thiệt hại, đồng thời khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ sang Công an huyện Lạc Dương để điều tra, làm rõ. 

Điều đáng nói, ngay khi tình trạng phá rừng tại núi Langbiang đang còn “nóng”, được dư luận hết sức quan tâm, cơ quan chức năng đang sốt sắng vào cuộc điều tra nhưng số phận những cây thông tại vị trí này vẫn không được yên ổn. Một số đối tượng vẫn liều lĩnh, ngang nhiên đưa thiết bị, phương tiện lên điểm nóng phá rừng tại núi Langbiang cưa hạ thông.

Rừng ở núi Langbiang bị tàn phá nghiêm trọng.

Sáng 1/7, PV Báo CAND tiếp tục ghi nhận một số đối tượng sử dụng cưa máy đang cưa hạ thông tại tiểu khu 112B, núi Langbiang, thuộc thị trấn Lạc Dương. Đặc biệt, những đối tượng này đều mặc áo đồng phục màu nâu. Trên ngực trái của áo có một hình tròn, nền vàng hoặc trắng, giữa hình tròn này có biểu tượng của 3 cây thông. Một số người trong ngành lâm nghiệp cho biết, đây là đồng phục của cơ quan chức năng cấp cho lực lượng nhận giao khoán, quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Toàn bộ những hình ảnh, clip các đối tượng đang cưa hạ thông tại núi Langbiang đã được PV Báo CAND cung cấp cho cơ quan chức năng huyện Lạc Dương.

Sau đó, Hạt Kiểm lâm Lạc Dương đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Ban Lâm nghiệp thị trấn Lạc Dương, tổ chức theo dõi, mai phục để bắt đối tượng cưa hạ gỗ thông, khai thác rừng trái pháp luật tại khu vực này. 

Theo Hạt kiểm lâm huyện Lạc Dương, quá trình triển khai lực lượng để theo dõi, bắt giữ đối tượng phá rừng trên, mặc dù đơn vị đã có thông báo với Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, đề nghị phối hợp xử lý, bắt giữ đối tượng vi phạm pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ xung yếu tại núi Langbiang nhưng không có công chức kiểm lâm nào của Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tham gia. 

Điều này cho thấy, những người có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực được giao không những tỏ ra thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý địa bàn mà còn có dấu hiệu cố tình không xử lý hành vi vi phạm.

Chiều 4/7, lực lượng kiểm lâm địa bàn Hạt Kiểm lâm Lạc Dương và Ban Lâm nghiệp thị trấn Lạc Dương đã mai phục, bắt được Cil Lý (SN 1973, ngụ tổ dân phố Đan Kia, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương), điều khiển chiếc xe máy cày có rơmoóc đến khu vực gần hiện trường vụ phá rừng vận chuyển 18 khúc gỗ thông. Đối tượng khai nhận, sáng 1/7, đã dùng cưa máy cưa hạ 2 cây thông với mục đích “về làm củi”. 

Qua xác minh hiện trường, 2 cây thông Cil Lý nhận cưa hạ đã được cắt thành 27 khúc, toàn bộ lâm sản vẫn còn nguyên trên mặt đất. Hạt Kiểm lâm Lạc Dương đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Cil Lý về hành vi khai thác rừng bất hợp pháp, đồng thời chuyển hồ sơ sang Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà đề nghị xử lý theo thẩm quyền.

Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất tại dãy núi Langbiang để chuyển nhượng hoặc sản xuất nông nghiệp đã xảy ra từ nhiều năm qua. Không ít vị trí rừng thông đã bị lâm tặc cưa trắng, gỗ thông vẫn còn nằm ngổn ngang trên mặt đất, lá mới chuyển sang màu vàng. Tại những vị trí rừng này đã xuất hiện dây kẽm gai, giăng theo hướng lên đỉnh núi Langbiang như để phân chia ranh giới, nhằm “xí phần” đất rừng của các đối tượng. Thủ đoạn phá rừng mà các đối tượng thực hiện là dùng hóa chất đầu độc cho thông chết rồi cưa hạ “giải phóng mặt bằng”, hoặc dùng cưa máy mỗi lần cưa hạ từ 5-6 cây theo kiểu “gặm nhấm”, từ từ lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Thống kê của UBND huyện Lạc Dương, tổng diện tích rừng bị phá tại lô a2 và lô a3, khoảnh 14, tiểu khu 112B, thị trấn Lạc Dương, lâm phần do Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý là 6.436m2. Số cây bị tác động cắt hạ và ken gốc là 129 cây thông 3 lá, nhóm IV. Tổng khối lượng và trữ lượng lâm sản thiệt hại còn lại tại hiện trường 45,804m3. Vị trí vi phạm trên thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp, đối tượng là rừng phòng hộ. Theo xác định của Đoàn kiểm tra, rừng thông bị cắt hạ, ken gốc xảy ra từ năm 2016 đến nay.

Trước thực trạng rừng thông ở thắng cảnh Langbiang bị tàn sát, cưa hạ nhằm mục đích lấn chiếm đất lâm nghiệp, UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở NN&PTNT Lâm Đồng và UBND huyện Lạc Dương đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe, giáo dục chung. 

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, để thực hiện công tác phối hợp có hiệu quả trong công tác tuần tra, kiểm tra quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn và lâm phần do Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý, Hạt Kiểm lâm Lạc Dương đã kiến nghị UBND huyện Lạc Dương có văn bản đề nghị Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà kiểm điểm xử lý nghiêm những công chức đã được phân công mà không tham gia phối hợp với Hạt Kiểm lâm Lạc Dương trong việc tổ chức mai phục bắt đối tượng vi phạm phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật tại tiểu khu 112B vừa qua.

“Đề nghị Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà phải bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra phát hiện kịp thời đối tượng vi phạm tại khu vực này nhằm phục vụ công tác điều tra vụ án phá rừng trái pháp luật tại khu vực tiểu khu 112B, thị trấn Lạc Dương để xử lý theo quy định của pháp luật”, văn bản kiến nghị của Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương nêu.

KHẮC LỊCH

Tâm thấy dải phân cách trồng nhiều bụi cau kiểng có chiều cao che khuất tầm nhìn các bảng quảng cáo nên nảy sinh ý định thuê người cưa các bụi cây cau kiểng để tạo khoảng trống, không bị khuất tầm nhìn. Tâm đã thuê 3 đối tượng chặt 9 cây cau kiểng với giá 15 triệu đồng.

Ngày 18/11, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, vừa bắt giữ 2 phụ nữ dùng xe ôtô vận chuyển ma túy từ thị xã La Gi tới TP Phan Thiết, Bình Thuận để kiếm 500 nghìn đồng tiền công.

Sau 2 tuần lao dốc, giá vàng đã có phiên đảo chiều tăng mạnh, kéo kim loại quý trở lại “quỹ đạo” tăng giá.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 10 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 38 vụ giết người do đối tượng có vấn đề về sức khỏe tâm thần gây ra, khiến 41 nạn nhân bị thương vong. Trong 38 vụ, có 31 vụ là do đối tượng tâm thần, có biểu hiện tâm thần gây án, xảy ra tại 22 địa phương; 7 vụ do các đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác, loạn thần gây án.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư số 32/2024 quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh, do trung ương quản lý. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.

Thông tin “cô tiên” Nguyễn Đỗ Trúc Phương bị Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” khiến dư luận, cộng đồng mạng không khỏi bất ngờ bởi trước đó, cô gái có gương mặt, dáng hình “chuẩn người mẫu” gắn với các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội... Vậy điều gì đã khiến cô gái này (cùng với 2 người nổi tiếng khác) có vết trượt bất ngờ, đau đớn đến vậy?

Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm những ngày qua đã trở thành một thông điệp mạnh mẽ, thức tỉnh sâu sắc tới nhận thức và hành động của chúng ta bởi những hệ lụy của lãng phí gây ra đối với xã hội vô cùng lớn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文