Choáng với thẻ sinh viên giả giá... bèo ở Hà Nội

08:17 16/06/2016
Tuy nói là dịch vụ ngầm nhưng việc làm thẻ sinh viên giả lại diễn ra rất công khai. “Cam kết giống thẻ thật 99%”, “Uy tín nhất, làm trước thanh toán sau”, “Giao dịch nhanh chóng: Đặt hàng lấy ngay”… là những lời chèo kéo “có cánh” từ những “cò” nhận làm dịch vụ này. 


*Thẻ giả giao bán công khai trên mạng

Thị trường làm giả thẻ sinh viên đã và đang trở thành một thị trường vô cùng “sôi động” được quảng cáo công khai tràn lan trên các diễn đàn, mạng xã hội… Khi truy cập vào Google, đánh từ khóa “làm giả thẻ sinh viên”, trong vòng 0,58 giây nhận được gần 260.000 kết quả tìm kiếm...

Trong vai người có nhu cầu làm thẻ giả để thuê người đi học hộ, chúng tôi tìm đến một địa chỉ làm giả thẻ sinh viên được cho là “rất có uy tín” được quảng cáo công khai trên mạng xã hội Facebook.

"Cò" Tú đang giao dịch với nhóm phóng viên.

Sau khi liên hệ số điện thoại 01668209xxx và tiếp cận “cò mồi”, được biết, người này tên là Ngô Xuân Tú (Cầu Giấy, Hà Nội). Khi biết chúng tôi muốn “đặt hàng” làm giả thẻ sinh viên của một trường Đại học trên địa bàn Hà Nội, “cò” Tú nhanh chóng quảng cáo: “làm càng nhiều giá càng rẻ”, “chỗ mình làm rất uy tín”, “giá thế này là rẻ nhất Hà Nội rồi”… liên tục được Tú nhắc lại nhiều lần.

Hỏi về cách thức để làm thẻ thì vô cùng đơn giản. Tú chỉ yêu cầu chúng tôi cung cấp một ảnh chân dung kích thước 3x4, chụp hai mặt trước sau của thẻ rồi gửi qua e-mail để làm. Thẻ giả được Tú “hét” giá 200 nghìn đồng/thẻ với cam kết chỉ sau một ngày là có ngay.

Khi thẻ giả đã được làm xong xuôi, Tú hẹn chúng tôi tại một con ngõ nhỏ ở Hoàng Quốc Việt để giao dịch. Gần đến giờ hẹn, Tú lại cảnh giác gọi điện thoại hẹn sẽ giao dịch tại một địa điểm khác. Cuộc giao dịch diễn ra chóng vánh ngay bên lề đường, “cò” Tú không ngừng liếc ngang liếc dọc trước khi đưa thẻ ra.

* Thẻ giả rẻ như bèo

Mặc dù nhìn thẻ giả làm khá giống thẻ thật nhưng để dò xem phản ứng của đối tượng, chúng tôi vẫn vờ như không giống và trả lại. Sợ bị mất mối làm ăn, "cò" Tú nhanh chóng giải thích: “Thẻ làm rất uy tín, đảm bảo không bị phát hiện nên mới có giá cao như vậy. Nếu muốn rẻ thì bạn phải làm nhiều. Một cái thẻ thì 200 nghìn một cái, làm hai cái là 180 nghìn một cái, ba cái thì 160 nghìn một cái, còn nếu làm nhiều mình sẽ giảm nữa cho”.

Khi được “ngỏ ý” muốn làm thêm thẻ sinh viên giả cho mấy người bạn để đi học hộ, Tú không ngần ngại quyết định đưa thẻ cho chúng tôi về dùng thử với giá 100 nghìn nếu thấy được sẽ làm tiếp: “Bán mỗi tấm thẻ mình được hưởng chênh lệch không nhiều, hơn thế còn phải chia tiền cho nhiều người khác. Làm thế này chẳng khác gì không công”.

Tin nhắn giao dịch với nhóm PV và "cò" làm giả thẻ sinh viên.

Trước khi về Tú không quên cho chúng tôi lời khuyên: “Nếu muốn thẻ trông giống thật hơn thì phải ra quán photo, scan ảnh thẻ thành một tệp ảnh riêng, chỉ tốn 1-2 nghìn rồi gửi mail để làm”.

Thẻ giả được làm với chất lượng y như thẻ thật. Đến các con dấu, chữ ký cũng được làm rất tinh xảo, nếu không để ý kĩ sẽ không thể phát hiện ra. Việc điểm danh trên giảng đường với những lớp có trên 100 sinh viên thì rất ít giảng viên có thể nhớ mặt hết.

Theo như lời quảng cáo từ những người làm thẻ giả, ngoài thẻ nhựa thì họ còn làm cả loại thẻ dán và thẻ giấy. Thẻ dán được làm đơn giản bằng cách in ra tệp rồi dán lên thẻ. Loại thẻ này được “thợ” đánh giá là thẻ đẹp giống đến 99% nhưng dày hơn thẻ thật. Còn loại thẻ giấy sẽ được ép plastic. Nếu khéo tay, nhiều “thợ” còn cho ra lò những chiếc thẻ sinh viên giả không khác mấy thẻ thật. Nhìn bằng mắt thường rất khó để phân biệt.

* Ai mua thẻ giả?

Với mức giá dao động từ 50 - 200 nghìn đồng cho một chiếc thẻ sinh viên giả hoàn chỉnh đủ để chúng ta thấy công nghệ và chi phí làm thẻ “bèo” đến mức độ nào. Chính vì vậy mà những người có nhu cầu làm thẻ sinh viên giả để gian lận trong học hành- thi cử, ưu đãi của nhà mạng khi dung điện thoại di động, “làm đẹp” bảng thành tích với “chuẩn sinh viên sư phạm” khi đi làm gia sư  và thậm chí là lừa đảo để cầm cố tiền rất thuận lợi trong việc mua bán.

Nhiều sinh viên, học viên lợi dụng sự dễ dãi, lỏng lẻo trong khâu quản lý của lớp học, nhà trường đã làm những chiếc thẻ sinh viên giả để thuê người học hộ, thậm chí thi hộ. Hiện nay, qua điều tra của người viết, tình trạng đi học và thi thuê diễn ra khá phổ biến ở một số trường quản lý sinh viên lỏng lẻo hoặc các lớp tại chức.

Thẻ sinh viên thật (trên) và thẻ sinh viên giả giống nhau đến 80%.

Một số trường đại học sinh viên ra vào cổng rất tự do, điều này cũng chính là một trong những lý do để những tấm thẻ sinh viên giả ấy tự do “tung hoành”. Đã có không ít những vụ lừa đảo, cướp giật, học và thi hộ cho sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng mà nguyên nhân chính là do những kẻ lạ mặt dùng thẻ sinh viên giả để thực hiện hành vi trái pháp luật. Nhiều kẻ còn lợi dụng thẻ sinh viên giả để đi thế chấp, cầm đồ lấy tiền tiêu xài.

T.T.Phương (sinh viên năm 3 một trường ĐH ở Hà Nội) chia sẻ về khó khăn khi đi làm gia sư của mình: “Mình đi gia sư từ hồi năm nhất của Đại học. Vì không phải là sinh viên trường sư phạm nên việc đi dạy có chút khó khăn bởi nhiều gia đình cần sinh viên sư phạm chuẩn”. Phương kể có lần tìm đến một trung tâm gia sư ở Cầu Giấy xin dạy môn toán cấp 2, đúng lúc trung tâm thiếu người nên họ đã đề nghị Phương đi dạy mặc dù yêu cầu của phía gia đình học sinh là sinh viên đi dạy phải là sinh viên sư phạm.

“Trung tâm có ngỏ ý bảo họ sẽ làm cho mình một cái thẻ sinh viên giả với giá 80 nghìn để đối phó với gia đình học sinh nhưng mình từ chối vì sợ.Trong lúc ngồi nói chuyện với nhân viên trung tâm, mình còn thấy có người còn mang cả một tập thẻ sinh viên giả đến cho trung tâm” - Phương nói thêm.

Thiết nghĩ, với những suy nghĩ còn chủ quan cùng chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, liệu rằng đến khi nào tình trạng mua bán thẻ sinh viên giả công khai như hiện nay mới chấm dứt. Phải chăng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách sát sao và mạnh mẽ hơn?

Làm giả thẻ sinh viên là hành vi vi phạm Điều 267- Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung 2009). Theo đó, tùy vào mức độ vi phạm và kết luận của cơ quan điều tra, đối tượng vi phạm có thể bị phạt từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng và phạt tù với thời gian tối đa là bảy năm.


Nhóm PV điều tra

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 26/11 cho biết sẽ áp thuế đáp trả Mỹ, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa Mexico nếu nước này không ngăn chặn dòng ma túy và người di cư qua biên giới.

Một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt hơn một năm giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah đã giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo Israel, làm dấy lên cả hy vọng lẫn những câu hỏi tại một khu vực đang bị chiến tranh tàn phá.

Theo báo cáo của Chính phủ, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án, trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam. Vậy nhưng đến nay, các địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao 720,4/721,25km (đạt khoảng 99,9%), trong đó, nhiều địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng.

Ngày 27/11, Công an TP Hà Nội cho biết, một người đàn ông ở tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã bị mất hơn 200 triệu đồng khi cài đặt phần mềm “giả mạo” để đóng thuế điện tử. Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên; tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến.

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Đội tuyển Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2024. Nhiệm vụ của ông Kim Sang-sik và ban huấn luyện không chỉ xây dựng đội hình mà còn phải tìm ra một đội trưởng mới.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文