Vụ công trình thuỷ lợi nghìn tỷ chậm tiến độ:

Chủ đầu tư chốt ngày di dời hết dân dưới lòng hồ

08:10 11/12/2020
Giám đốc BQL dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, sẽ tiến hành di dời hết dân ở lòng hồ thuỷ lợi Krông Pách Thượng đến nơi tái định cư mới trước ngày 30/4/2021.


Trao đổi với PV Báo CAND, ông Phạm Văn Hạ, Giám đốc BQL dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, sẽ tiến hành di dời hết dân ở lòng hồ thuỷ lợi Krông Pách Thượng đến nơi tái định cư mới trước ngày 30/4/2021. 

Trước đó, Báo CAND từng phản ánh những bất cập tại dự án thủy lợi hồ chứa nước Krông Pách Thượng xây dựng trên địa bàn 3 huyện Ea Kar, Mđrắk và Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, do Bộ NN&PTNT đầu tư với tổng số vốn hơn 4.400 tỷ đồng.

Trong đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời hơn 600 hộ dân sinh sống dưới lòng hồ lên khu tái định cư bị kéo dài nhiều năm khiến công trình nghìn tỷ này liên tiếp bị chậm tiến độ. Đặc biệt, trong 2 đợt lũ vừa qua, hàng trăm hộ dân này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản.

Đại diện BQL dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk (Ban A, đơn vị chịu trách nhiệm trong việc giải phóng mặt bằng, di dời dân - PV) cho biết, để hỗ trợ người dân bị thiệt hại về tài sản trong 2 đợt lũ vừa qua, Ban A đã cử người xuống tổ chức đối thoại với dân.

“Buổi đối thoại có đại diện lãnh đạo các huyện có người dân bị ảnh hưởng cùng đông đảo bà con tham gia. Sau gần 9 tiếng đồng hồ đối thoại, lực lượng chức năng đã giải đáp nhiều thắc mắc của bà con đối với các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, hỗ trợ bồi thường thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đặc biệt, chủ đầu tư hợp phần giải phóng mặt bằng, di dân, bố trí tái định cư đã cam kết mốc thời gian di dời toàn bộ người dân vùng lòng hồ đến nơi ở mới trước ngày 30/4/2021”, đại diện lãnh đạo Ban A thông tin.

Trước mắt, UBND tỉnh đã đồng ý phê duyệt số tiền 300 triệu đồng để bồi thường hoa màu, cây trồng cho bà con bị thiệt hại trong 2 đợt lũ vừa qua. “Sở dĩ chính quyền tỉnh Đắk Lắk phải chi tiền hỗ trợ, bồi thường cho người dân là do đã chấp nhận cho Bộ NN&PTNT kế hoạch chặn dòng thi công vượt lũ đập đất số 1, thuộc cụm công trình đầu mối của dự án kể trên để đảm bảo tiến độ thi công. Đặc biệt, ở đập đất số 1, đơn vị thi công sẽ đắp đất tiếp đoạn còn lại của lòng sông dài 75m. Qua đó, khi đắp đập nước sẽ chảy qua kênh dẫn dòng, cống lấy nước và tích tụ trong lòng hồ. Mưa lớn nhiều ngày sẽ gây ngập nặng cho khu vực cư dân trong lòng hồ”, vị lãnh đạo này nói thêm.

Người dân sinh sống dưới lòng hồ vẫn phải đi lại bằng thuyền do nước dâng ngập đường.

Ông Phạm Văn Hạ cho biết thêm, trong tháng 11/2020, cư dân sinh sống dưới lòng hồ (bao gồm thôn 9, 10 và 11, xã Cư San, huyện Mđrắk - PV) đã phải gánh chịu 2 đợt lũ gồm cơn bão số 12 và những ngày mưa liên tiếp. “Hai đợt lũ này nước lòng hồ đều dâng lên đến cao trình +480m/498,25m khiến nhiều hộ dân bị ngập nhà cửa và tài sản. 

Chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đã phải túc trực, tiếp ứng quân số để hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn. Đặc biệt, trong đợt lũ ngày 30-11, hơn 100 hộ dân buộc phải di dời đến nơi cao ráo hơn để lưu trú, trong đó có một số nhà tài sản không kịp chuyển đi đã bị ngập nước, thiệt hại khá nhiều”, ông Hạ nói.

Cũng theo ông Hạ, sau khi nước trong lòng hồ rút đi thì người dân nơi đây liên tiếp “gây sức ép” với chính quyền vì họ cho rằng, lũ lụt đã khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. 

“Đầu tháng 12 vừa qua, đoàn công tác gồm các lãnh đạo của Ban A, BQL đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 8 (phụ trách hợp phần xây lắp, Bộ NN&PTNT), Công an tỉnh Đắk Lắk, Sở Thông tin và Truyền thông, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện MĐrắk… đã vào tận lòng hồ đối thoại với người dân. Kết thúc buổi đối thoại, các bên đã tiến hành đo đạc, kiểm đếm bồi thường thiệt hại của bà con trong 2 đợt mưa lũ kể trên. Sau đó, Ban A sẽ tổng hợp, thống kê hoàn chỉnh để trình UBND tỉnh Đắk Lắk xin chủ trương cho phép cấp tiền bồi thường”, ông Hạ nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Giàng Seo Dũng, Bí thư chi bộ thôn 10, xã Cư San cho biết, bà con sống trong vùng giải phóng mặt bằng của dự án đã đợi chờ nhận tiền bồi thường và di dời đến khu tái định cư mới đã gần 11 năm nay khiến cuộc sống của họ vô cùng khó khăn. “Mong muốn của bà con nơi đây là chính quyền sớm hỗ trợ, đền bù và di dời dân đến nơi ở mới để an cư lập nghiệp. Mỗi khi mùa mưa đến, chúng tôi lại phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu rất khổ”, ông Dũng nói.

Ông Phạm Đăng Đảng, Chủ tịch UBND xã Cư San cho rằng, những tâm tư, nguyện vọng mà bà con vùng lòng hồ nêu ra là rất chính đáng. Hiện nay, cơ chế, chính sách bồi thường cho bà con cũng đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt. Đặc biệt, tỉnh bồi thường cây trồng lâu năm cho bà con cũng ở một mức giá rất cao. Khu tái định cư được bố trí cho dân cũng rất chất lượng. Ở đó, họ có thể yên tâm canh tác, gieo trồng hoa màu và có cả bệnh viện, trường học…

“Tôi mong muốn cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để tập trung làm cho xong việc bồi thường, di dời bố trí tái định cư cho dân đúng như nguyện vọng của họ và chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ vừa qua. Ngoài ra, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã, huyện để giải quyết, thẩm định các phương án bồi thường. Hiện tình hình mưa bão đang diễn biến rất phức tạp. Dân đang mong ngóng về khu tái định cư mới, càng khó khăn chúng ta càng phải quyết tâm hơn”, ông Đảng nói.

Văn Thành

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đã được Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12. Một trong những điểm mới của Nghị định này là quy định về việc người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文