Cơ quan quản lý làm ngơ trước tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp?

07:33 31/05/2018
Từ tố cáo của người dân, hàng chục ha đất nông nghiệp tại xã An Lư (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) được xác định đã bị chuyển đổi mục đích trái phép để xây dựng nhà ở kiên cố.

Vụ việc vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai diễn ra trong suốt thời gian dài nhưng chưa được xử lý dứt điểm…

Biệt thự “khủng” trên đất nông nghiệp

Nằm trên cánh đồng thuộc thôn Cây Đa (xã An Lư, huyện Thủy Nguyên), ngôi nhà 3 tầng của gia đình ông Vũ Mạnh Khải được thiết kế theo kiểu biệt thự nổi bật lên giữa những căn nhà cấp 4 lúp xúp xung quanh. 

Ngôi nhà càng nguy nga hơn bởi những bức tường bao và cổng ra vào cũng được xây dựng, lắp đặt bằng những vật liệu có giá trị hết sức tinh tế. Bên trong là hệ thống sân vườn cũng được bài trí nhiều cây cảnh loại đắt tiền… 

Ngôi biệt thự của gia đình ông Khải được xây dựng từ năm 2014, đến 3 năm sau mới được hoàn thiện. Với diện tích gần 570m², trong đó phần xây dựng ngôi nhà và các công trình phụ trợ là hơn 150m², nhà ông Khải cũng được xem là một trong những biệt thự to nhất nhì trong xã An Lư, có giá trị đầu tư lên đến nhiều tỷ đồng…

Theo một người dân địa phương là ông Trần Xuân Phong, sau khi biệt thự “khủng” của gia đình ông Khải mọc lên, tại thôn Cây Đa, do chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý kiên quyết nên đã trở thành… phong trào xây nhà trên đất nông nghiệp. 

Đã có hàng chục hộ dân lấy lý do hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở, tranh thủ thời cơ, bất chấp các quy định của pháp luật để xây nhà trên đất nông nghiệp. 

Đáng chú ý như gia đình ông Nguyễn Danh Phương đã tự ý san lấp hơn 380m² đất trồng lúa, sau đó xây dựng 1 căn nhà diện tích 36,5m² và các công trình phụ trợ khác phục vụ ăn ở, sinh hoạt. 

Hay như gia đình bà Phạm Thị Hiệp đã sử dụng 360m² đất nông nghiệp, xây dựng trên đó căn nhà hơn 20m² và công trình phụ trợ khác cũng để ăn ở, sinh hoạt hàng ngày…

Cũng theo phản ánh của ông Trần Xuân Phong, trong số hàng chục gia đình tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép, có nhiều trường hợp được mua đi, bán lại với giá mỗi m² từ 10 – 20 triệu đồng. 

Hoặc có những hộ nhận đấu thầu nuôi cá chỉ được sử dụng 10m² để làm chòi trông coi, nhưng đã lợi dụng để xây nhà kiên cố với diện tích 30 – 40m², mục đích chờ nếu có dự án lấy tiền đền bù, không thì sẽ ăn ở lâu dài.

Ông Trần Xuân Phong cho biết, đến nay hàng chục nghìn m2 đất canh tác 2 vụ của bà con trước đây đã bị chuyển sang đất ở gần hết. Phong trào xây nhà ở trên đất nông nghiệp ở xã An Lư bắt đầu từ năm 2011, và diễn ra rầm rộ vào các năm từ 2014 đến 2016. 

Kể cả cho đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã An Lư thỉnh thoảng vẫn có những căn nhà mọc lên trên đất nông nghiệp…

Căn biệt thự nguy nga cùng nhiều nhà kiên cố xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Chính quyền làm ngơ hay bất lực(?)

Hàng chục ngôi nhà kiên cố xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có biết hay không. Hay phải đến khi có đơn tố cáo của người dân thì mọi chuyện mới vỡ lẽ (?).

Cụ thể là từ 4-5-2016, ông Trần Xuân Phong đã gửi đơn đến Huyện ủy và UBND huyện Thủy Nguyên tố cáo Bí thư và Chủ tịch xã An Lư về hành vi buông lỏng quản lý đất đai, tạo điều kiện cho 26 hộ dân xây dựng nhiều nhà kiên cố và bán kiên cố trên đất nông nghiệp, khiến nông dân không còn đất canh tác. 

Ông Phong cho biết thêm, sau nhiều lần gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng của thành phố và Trung ương, tất cả đều đã được chuyển về cho huyện Thủy Nguyên yêu cầu giải quyết và báo cáo lại nhưng đến nay cá nhân ông không nhận được bất cứ thông tin nào liên quan về kết quả xử lý.

Phó Chủ tịch UBND xã An Lư, Hoàng Chí Dũng thừa nhận để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương đã chưa quyết liệt trong quá trình xử lý. Từ thông tin tố cáo của người dân, đến nay địa phương đã xác định được 26 hộ dân lấn chiếm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. 

“Các trường hợp vi phạm đất đai trước đó đều đã bị UBND xã An Lư lập biên bản xử phạt và yêu cầu hoàn trả mặt bằng” – ông Dũng nói và lý giải thêm trong  đó có những trường hợp lập biên bản nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm, không chấp hành. 

Sau khi đoàn kiểm tra của xã đi khỏi đã lén lút xây dựng vào đêm tối hoặc trong các ngày nghỉ. Theo đó UBND xã An Lư đã báo cáo các trường hợp này về UBND huyện để xin ý kiến chỉ đạo.

Cụ thể theo báo cáo của UBND xã An Lư, từ năm 2009, gia đình ông Vũ Mạnh Khải đã bị xử phạt hành chính từ năm 2009 về hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 

Tiếp đó trong các năm từ 2009 đến 2014, với hành vi tương tự như trên, UBND xã An Lư còn tiến hành xử phạt gia đình ông Khải thêm 7 lần khác. Đến tháng 5-2014, khi gia đình ông Khải hoàn thiện phần móng nhà, UBND An Lư đã có thông báo yêu cầu phải tự tháo dỡ. 

Cùng với đó các hộ gia đình khác vi phạm bị phát hiện cũng đều đã bị lập biên bản xử lý nhiều lần, nhưng không hiểu vì lý do gì mà nhiều ngôi nhà vẫn cứ ngang nhiên mọc lên, trong đó có cả ngôi biệt thự “khủng”.

Vụ việc vi phạm nghiêm trọng Luật đất đai mặc dù đã diễn ra trong thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm gây bức xúc trong dư luận. 

Trong khi đó Phóng viên Báo CAND đã nhiều lần liên hệ với Chánh văn phòng UBND huyện Bùi Mạnh Hưng và Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Bùi Doãn Nhân, nhưng đều bị từ chối vì lý do bận công việc chưa sắp xếp được thời gian làm việc.

V.Huy – Văn Thịnh

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文