Công ty Tân Thuận không đủ lực vẫn được giao hàng ngàn ha đất làm dự án

09:48 04/01/2019
Với 5 dự án đang triển khai dở dang, gồm dự án khu cảng Cát Lái có giá trị hơn 239 tỉ đồng; dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi có giá trị 74 tỉ đồng; dự án Khu dịch vụ văn phòng trị giá 15 tỉ đồng; dự án khu nhà ở cho CBCNV trị giá hơn 11,5 tỉ đồng và dự án cầu, đường vào cảng Cát Lái trị giá 8,7 tỉ đồng. 

Tại thời điểm xác định giá trị DN vào năm 2015, dự án khu cảng Cát Lái đã bồi thường được hơn 508 ngàn m² đất, đạt tỉ lệ 88%; dự án cầu, đường vào cảng Cát Lái đã bồi thường được 2,5 ha đất, đạt tỉ lệ 69%; dự án khu dịch vụ văn phòng phục vụ Cảng - KCN Cát Lái đã bồi thường được 2,7 ha đất; dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi đã hoàn tất công tác bồi thường và chi phí đầu tư vào các dự án trên đều đã bằng hoặc vượt qua mức dự kiến đầu tư ban đầu. 

Thế nhưng khi đưa Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Sài Gòn (công ty IPD) vào cổ phần hóa, Công ty Tân Thuận - công ty mẹ của IPD đã không thực hiện việc tính toán giá trị thực của IPD, mặc cho IPD đang sở hữu khối đất đai, tài sản lớn như trên. 

Được ưu ái giao hàng ngàn ha đất để Công ty Tân Thuận mang đất góp vốn kinh doanh với các đối tác khác.

Ngược lại, Tân Thuận đã để cho IPD được ấn định chi phí dở dang với các dự án trên để tính giá trị DN theo giá trị sổ sách. Xác định có dấu hiệu sai phạm bước đầu nên Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã báo cáo, đề xuất với thành phố cho lập đoàn thanh tra để tiếp tục thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện cổ phần hóa tại IPD của công ty Tân Thuận. 

Không đủ thực lực nên khi được thành phố cho thuê hơn 2,2 triệu m² đất với giá rẻ trong vòng 50 năm để đầu tư xây dựng KCN Hiệp Phước, Công ty Tân Thuận cắt ra hơn 385 ngàn m² để cho thuê lại. 

Phần diện tích hơn 1,8 triệu m² còn lại, Tân Thuận cũng đã phải mang đi góp vốn để thành lập Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước. Đã vậy, kết quả thanh tra việc phát hành tăng vốn điều lệ từ mức 300 lên 600 tỉ đồng tại Công ty CP KCN Hiệp Phước của Thanh tra thành phố còn cho thấy, Công ty Tân Thuận đã để xảy ra một loạt sai phạm. 

Cụ thể, Công ty Tân Thuận quyết định tăng vốn cho Công ty CP KCN Hiệp Phước trước khi được thành phố chấp thuận; phương án phát hành cổ phần tại Công ty CP KCN Hiệp Phước là không phù hợp gây ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông Nhà nước và các cổ đông hiện hữu. 

Ngoài ra, công ty Tân Thuận đã không báo cáo với UBND thành phố về quá trình chọn Công ty Tuấn Lộc là nhà đầu tư chiến lược; xây dựng tiêu chí nhà đầu tư chiến lược không có lợi cho DN. 

Trong khi Công ty CP KCN Hiệp Phước hoạt động liên tục có lãi, cổ tức chia hàng năm khá cao. Thể hiện rõ nhất là khi vốn đầu tư của Công ty Tân Thuận vào Công ty CP KCN Hiệp Phước chỉ có 182 tỉ đồng, nhưng chỉ trong vòng 4 năm trước thời điểm Công ty CP KCN Hiệp Phước được tiến hành cổ phần hóa, Tân Thuận đã được trả cổ tức hơn 140 tỉ đồng. 

Giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty Tuấn Lộc lại rất rẻ, chỉ ở mức 15 ngàn đồng/CP. Mức giá này theo Thanh tra thành phố là không phù hợp, nhất là khi giá cổ phần của Công ty CP KCN Hiệp Phước chỉ được tính toán dựa trên giá trị sổ sách. Việc xác định giá trị mỗi cổ phần do Công ty TNHH thẩm định giá MHD thực hiện cũng bị Thanh tra thành phố chỉ ra nhiều sai sót. 

Từ đó dẫn đến việc bán 20 triệu cổ phần với giá bán chỉ định cho Công ty Tuấn Lộc thấp hơn giá trị thực tế của DN, gây thiệt hại cho phần vốn góp của Nhà nước. 

Cũng theo Thanh tra thành phố, việc tăng vốn điều lệ của Công ty CP KCN Hiệp Phước lên gấp đôi theo phương án bán 10 triệu cổ phiếu với giá 10 ngàn đồng/CP cho cổ đông hiện hữu và bán 20 triệu cổ phiếu cho Công ty Tuấn Lộc với giá 15 ngàn đồng/CP đã làm giảm tỉ lệ sở hữu của Tân Thuận tại Công ty CP KCN Hiệp Phước từ 60% xuống chỉ còn mức hơn 40%. 

Phải đến khi Thanh tra thành phố vào cuộc, HĐQT Công ty CP KCN Hiệp Phước mới ra Nghị quyết đàm phán với cổ đông chiến lược là Công ty Tuấn Lộc về việc ngưng bán cổ phần; toàn bộ số cổ phần đã phát hành cho Công ty Tuấn Lộc sẽ được Công ty CP KCN Hiệp Phước mua lại. Song mua lại theo cách nào và với giá bao nhiêu thì hiện vẫn chưa được DN này công bố. 

Sở hữu nhiều khu đất làm dự án với diện tích 61,7 ha nằm rải rác ở nhiều khu vực như định cư Phước Kiển, khu dân cư Sadeco Phước Kiển, Sadeco An Phú, Sadeco Plaza, Sadeco Duyên Hải, khu dân cư ven sông Tân Phong… nên vụ việc giảm sở hữu vốn của Tân Thuận tại Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (công ty Sadeco) cũng được Thanh tra thành phố xác định đã để lại nhiều sai phạm. 

Với giá trị đất đai rất lớn nên ngay khi Công ty Tân Thuận đưa ra bán đấu giá phần vốn đang sở hữu tại Sadeco, Công ty BĐS Exim đã lập tức nhảy vào mua. 

Nhà đầu tư này trúng đấu giá mua hơn 5,2 triệu cổ phần do Công Tân Thuận đang sở hữu tại Sadeco với giá 26,1 ngàn đồng/CP, tổng số tiền Exim trả cho Công ty Tân Thuận là 170 tỉ đồng. 

Đi cùng với việc này, tỉ lệ sở hữu vốn góp của Tân Thuận tại Sadeco cũng giảm từ 74% xuống còn 44%. Mua với giá hời nên chỉ hơn 1 năm sau, Công ty BĐS Exim đã đem chuyển nhượng lại toàn bộ số cổ phần này cho Công ty Nguyễn Kim với giá 55 ngàn đồng/CP và thu về gần 288 tỉ đồng, cộng thêm số tiền lãi cổ tức 2 ngàn đồng/CP. 

Sau khi nắm giữ hơn 30% vốn điều lệ tại Sadeco, Công ty Nguyễn Kim lập tức có văn bản đề nghị được tham gia mua thêm cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco. 

Kèm theo đó là cam kết hợp tác với Sadeco phát triển 2 dự án BĐS trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình và dự án Khu dân cư Rạch Chiếc nằm ven xa lộ Hà Nội, quận Thủ Đức.

Thanh tra thành phố đã chỉ ra nhiều sai phạm của cả Công ty Tân Thuận và Sadeco trong việc chọn cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim; việc sử dụng nguồn vốn huy động từ phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược; việc xác định giá trị cổ phần của Sadeco… 

Khi làm việc với Thanh tra thành phố, lãnh đạo Công ty CP chứng khoán TP Hồ Chí Minh - đơn vị được thuê định giá cổ phần Sadeco cũng thừa nhận DN này chỉ có chức năng tư vấn đầu tư chứng khoán chứ không hề có chức năng thẩm định giá. 

Thanh tra thành phố cũng xác định Công ty Tân Thuận chưa trình UBND TP duyệt chủ trương tăng tỉ lệ vốn góp, đảm bảo giữ nguyên tỉ lệ Tân Thuận đã góp trong Sadeco như trước khi phát hành thêm 9 triệu cổ phiếu. 

Do đó, cơ quan điều tra cần sớm làm rõ sai phạm trong toàn bộ quá trình phát hành, đấu giá cổ phần; tính toán giá trị cổ phần; chọn cổ đông chiến lược… của Công ty Tân Thuận tại DN đã góp vốn. Đồng thời làm rõ những hành vi bất chấp quy định pháp luật của Tân Thuận và những DN liên quan gây thất thoát vốn Nhà nước trong những vụ việc trên.

Đ.Thắng

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào khoảng 7h45 sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 1 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文