Đại gia “ôm” 1.800 tỷ đồng trốn đi nước ngoài, nông dân nuôi cá tra điêu đứng

08:59 24/07/2018
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Anvifish đột ngột đi nước ngoài "ôm" theo 1.800 tỷ đồng khiến nông dân nuôi cá tra tỉnh An Giang điêu đứng.


Cách đây 5 năm, người dân nuôi cá tra tỉnh An Giang và khu vực lân cận ký hợp đồng bán cá cho Công ty Việt An (gọi tắt là Anvifish, trụ sở phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang) với số lượng lớn để đơn vị này chế biến xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu. 

Theo hợp đồng ký kết, sau khi nông dân giao cá, Anvifish sẽ trả đủ tiền trong vòng một tháng. Thế nhưng, cuối tháng 4-2014, phía Anvifish sau khi nhận đủ hàng thì bội tín, chiếm dụng hết số tiền bán cá của người dân.

Đại diện Anvifish sau đó cho biết nguyên nhân là do ông Lưu Bách Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Anvifish đột ngột đi nước ngoài cho đến nay chưa trở về, ôm theo 1.800 tỷ đồng (trong đó nợ các đơn vị tín dụng hơn 1.000 tỷ đồng, còn lại nợ người nuôi cá).

Công ty Việt An – nơi xảy ra vụ việc.

Theo bảng xác nhận công nợ, tính đến ngày 26-6 vừa qua, Anvifish còn nợ 33 hộ nuôi cá với số tiền trên 127 tỷ đồng. Mặc dù người dân đã nhiều lần tìm đến công ty nhưng vẫn chưa được hoàn trả số tiền nợ. Nhiều hộ nuôi phải “treo ao”, lâm vào cảnh điêu đứng .

Trong đơn thư tập thể gửi đến Văn phòng Báo CAND tại ĐBSCL, các hộ nuôi cá tra bị Anvifish nợ tiền trình bày, dù đã nhiều lần họp bàn cách giải quyết thế nhưng phía Anvifish vẫn chây ì, thanh toán nợ theo dạng “nhỏ giọt”, khiến 33 hộ nông dân vô cùng bức xúc.

Ông Cao Lương Tri (ngụ xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên) - một trong những hộ bán cá cho Anvifish bức xúc: “Tôi có 8 hợp đồng giao hơn 3.000 tấn cá cho Anvifish, nhưng chỉ 4 hợp đồng được trả tiền. Ông Lưu Bách Thảo bỏ trốn nước ngoài đã giật tôi số tiền 37 tỷ đồng. Đã 4 năm trôi qua, nay công ty còn nợ tôi hơn 27 tỷ. Cách trả tiền này, khiến gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần bủa vây, không còn vốn để tái sản xuất”. 

Ông Tri cho biết thêm, để có được số cá thương phẩm giao cho Anvifish, gia đình ông đã phải vay 25 tỷ đồng từ việc thế chấp 10ha đất để phục vụ cho việc nuôi cá. Nay, không còn vốn tái nuôi cá, đồng thời ông Tri phải trả lãi gần hơn 150 triệu đồng/tháng cho số tiền đang nợ; 9 hécta mặt nước nuôi cá tra của gia đình cũng bị bỏ hoang.

Cùng bức xúc, ông Đinh Văn Căn (71 tuổi, ngụ thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), cho biết Anvifish còn nợ riêng ông 65 tỷ đồng. 

“Tết Nguyên đán vừa rồi, phía công ty hứa trả 2 tỷ nhưng thất hứa. Từ đầu năm 2018 đến nay, chỉ trả 200 triệu, không đủ tôi đóng lãi ngân hàng số tiền mà tôi đang nợ. Nhiều hộ khác cũng là chủ nợ như chúng tôi nhưng có “mối quan hệ đặc biệt” nên được Anvifish trả hết. Còn Anvifish trả cho chúng tôi đòi nợ như “nắng hạn chờ mưa rào”, khiến người nuôi chúng tôi trăm bề khổ”, ông Căn bức xúc.

Theo các hộ dân, từ ngày bị giật nợ, dù nhiều lần gửi đơn cầu cứu, đơn tố cáo đến cơ quan chức năng tỉnh An Giang, nhưng đều được hướng dẫn kiện ra tòa. Thế nhưng, việc nộp đơn kiện ra tòa phải tốn án phí 2%, đồng thời chưa chắc đã được giải quyết thỏa đáng. 

Trong khi đó, trước khi ông Lưu Bách Thảo đi sang nước ngoài, thì số lượng hàng tồn kho của Anvifish là rất lớn, trị giá khoảng 600 tỷ đồng. Thế nhưng, khi kiểm kê chỉ là thùng không (!).

Để tìm hiểu rõ sự việc, PV Báo CAND có buổi trao đổi với ông Ngô Văn Thu, Tổng Giám đốc Anvifish hiện tại. Được biết ông Thu được tín nhiệm, bầu làm Tổng Giám đốc Anvifish khi ông Thảo đi nước ngoài. 

Ông Thu cho biết, hiện phía công ty đang tiếp tục gia công cho đối tác với sản lượng bình quân là 130-140 tấn nguyên liệu/ngày. Doanh thu đạt mức từ 12–14 tỷ đồng/tháng, công suất gia công tăng 5% mỗi năm. Dự kiến quý 3 năm 2018, Anvifish bắt đầu khôi phục lại sản xuất chế biến hàng xuất khẩu.

“Từ năm 2014 đến tháng 6-2018, gom hết các nguồn lực, tài sản để xử lý, giải quyết số nợ cho nông dân được khoảng 170 tỷ, riêng từ đầu năm đến nay khoảng 2 tỷ do nhà máy thiếu nguyên liệu phải làm việc cầm chừng, 4 tháng cuối 2017 hoạt động theo hình thức “ăn trước trả sau”. Hiện, phía Anvifish sắp đàm phán xong với nhà đầu tư chiến lược, song song đó công ty mua bán nợ của Bộ Tài chính đã thống nhất biên bản 3 bên để triển khai phương án mua nợ”, ông Thu cho biết.

Liên quan đến vụ việc, Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết vào tháng 11-2017, Công an tỉnh An Giang đã khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Việt An và vụ án “cố ý làm trái” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương chi nhánh An Giang (Vietcombank). 

“Vụ này chưa khởi tố bị can bởi cơ quan điều tra yêu cầu giám định tài chính gửi Bộ Tài chính nhưng các công ty giám định tài chính từ chối. Do vậy, địa phương đã làm văn bản xin ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn từ Bộ Công an”, Thiếu tướng Bùi Bé Tư thông tin thêm.

Trần Lĩnh

Hơn 5 năm trước, Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Theo đề án, có 6 cơ quan báo chí được xác định xây dựng thành “Cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện” gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân (CAND). Đây là vinh dự và cũng là nhiệm vụ rất nặng nề của 6 cơ quan báo chí được nêu tên, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam...

Tại địa điểm kinh doanh nằm trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 25 chiếc xe điện loại 3 bánh và 4 bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, tại Nghị Quyết số 05 của Chính phủ ngày 4/2/2008, các loại phương tiện này không được phép lưu hành tại Việt Nam trừ những trường hợp đặc biệt.

20 học sinh mầm non ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột. Bệnh viện Bạch Mai đã cử một kíp bác sĩ gồm nhiều chuyên khoa lên Lai Châu để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị cho các cháu.

Giới chức Philippines ngày 5/11 ra lệnh sơ tán khẩn cấp người dân ở các khu vực hẻo lánh và đặt quân đội vào trạng thái trực chiến để chuẩn bị ứng phó với cơn bão Yinxing dự kiến sẽ đổ bộ trong tuần này.

Theo quyết định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương được phân công thực hiện nhiệm vụ là người phát ngôn của Bộ thay cho nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm vừa được Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Trong vụ án liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Trần Văn Hiệp; cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng nhiều bị can khác, có một nữ đại gia tự nguyện giao nộp 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có giá trị khoảng 1.700 tỷ đồng) để phục vụ yêu cầu giải quyết vụ án. Người phụ nữ này là ai?

Sau khi Báo CAND ra ngày 24/10 thông tin về tình trạng hàng nghìn cư dân chung cư Saigon Gateway ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh phải sống trong bất an, khổ sở vì chủ đầu tư chiếm giữ, không chịu bàn giao quỹ bảo trì cho đại diện cư dân. Ngày 31/10 Ban quản trị (BQT) chung cư và đơn vị sửa chữa thang máy cùng đại diện chủ đầu tư đã ký hợp đồng ba bên để sửa chữa 2 thang máy bị hư hỏng của chung cư. Ngay sau đó, đại diện chủ đầu tư đã chuyển số tiền tạm ứng gần 250 triệu đồng cho đơn vị sửa chữa thang máy…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文