Đại học Điện lực tuyển sinh vượt 34.270 chỉ tiêu và nhiều sai phạm nghiêm trọng

08:07 15/11/2016
Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Đại học (ĐH) Điện lực vừa được Thanh tra Bộ Công thương làm rõ, trong đó, chỉ riêng giai đoạn từ năm 2011 - 2015, ĐH Điện lực đã tuyển sinh vượt 34.270 sinh viên so với chỉ tiêu được Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD & ĐT) giao...

Việc làm này của nhà trường đã vi phạm quy định về đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, báo cáo không trung thực với Bộ GD & ĐT về các điều kiện thực tế của trường nhằm tăng chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh một cách vô tội vạ.

Trong các năm từ năm 2011 đến năm 2013, ĐH Điện lực đã vi phạm quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ GD&ĐT khi tuyển sinh 1.699 đối tượng có điểm trúng tuyển thấp hơn điểm trúng tuyển do trường công bố. Năm 2011 - 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, nhà trường đã tuyển sinh các đối tượng tốt nghiệp cao đẳng nghề liên thông lên trình độ đại học khi chưa được phép của Bộ GD & ĐT. 

Về liên kết đào tạo, trường đã vi phạm quy định về điều kiện thực hiện liên kết đào tạo tuyển sinh và đào tạo liên thông ngoài cơ sở đào tạo của trường để cấp bằng đại học chính quy, cao đẳng mà chưa thực hiện đăng ký với Bộ GD & ĐT. Trường đã thực hiện đào tạo liên kết không đúng quy định về đối tượng tham gia liên kết đào tạo. 

Mặt khác, việc ký hợp đồng hỗ trợ đào tạo và sau đó lại ủy quyền cho Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ năng lượng và môi trường quản lý các lớp học, theo dõi thực hiện hợp đồng, trong khi Hiệu trưởng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản lý, chủ tài khoản của Trung tâm là sai quy định. 

Đại học Điện lực.

Đáng chú ý, việc ký kết và tổ chức thực hiện hợp đồng liên kết đào tạo thiếu chặt chẽ dẫn tới bị đối tác chiếm dụng một số tiền lớn, trong thời gian dài. Trường còn tổ chức đào tạo và thu - chi tài chính theo hình thức liên kết đào tạo 169 lớp, trong khi chưa có hợp đồng liên kết đào tạo là vi phạm quy định trong công tác quản lý đào tạo và nguyên tắc quản lý tài chính.

Về công tác quản lý chất lượng đào tạo, trường đã buông lỏng quản lý, giao cho đơn vị bên ngoài chủ trì quản lý đào tạo hệ liên thông, liên kết không đúng quy định; tuyển sinh vượt chỉ tiêu lớn dẫn đến quy mô vượt quá năng lực, không đảm bảo tiêu chí về tỷ lệ sinh viên và giảm biên theo quy định. Từ đó, dẫn đến hạn chế việc kiểm soát chất lượng đào tạo. 

Công tác quản lý kết quả học tập của sinh viên hệ liên thông, liên kết lỏng lẻo, thiếu kiểm soát, trường chỉ tiếp nhận kết quả điểm cuối cùng của các lớp để tổng hợp, xét điều kiện dự thi tốt nghiệp. Công tác giảng dạy các lớp đào tạo liên thông, liên kết ngoài trường chủ yếu do giảng viên theo hình thức thỉnh giảng thực hiện, việc thuê khoán chuyên môn không được kiểm soát chặt chẽ theo quy định. 

Về công tác quản lý thu – chi học phí, ĐH Điện lực chấp hành chưa đúng các quy định của pháp luật về phí và lệ phí trong thu học phí. Trong đó, công tác giám sát thu tài chính chưa chặt chẽ (chưa quản lý đầy đủ các nguồn thu của trường như: học phí và kinh phí đào tạo, học phí học bổ sung kiến thức, lệ phí tuyển sinh, lệ phí thi tốt nghiệp…). 

Tổ chức và xác định mức thu học phí đối với các sinh viên chính quy “đảm bảo đào tạo theo địa chỉ” và đào tạo theo nhu cầu xã hội chưa đúng quy định. Một số khoản chi chưa đảm bảo chế độ, chứng từ thanh toán một số khoản chi chưa đảm bảo theo quy định…

Một sai phạm lớn nữa của ĐH Điện lực được Thanh tra Bộ Công thương làm rõ, liên quan đến công tác quản lý phôi bằng và cấp bằng tốt nghiệp. Do trường đã đào tạo vượt chỉ tiêu với số lượng lớn dẫn đến không đủ phôi bằng để cấp cho sinh viên tốt nghiệp. 

Thời điểm cuối năm 2015, trường còn nợ 18.585 bằng tốt nghiệp; tại thời điểm tiến hành thanh tra còn nợ 3.634 bằng tốt nghiệp hệ liên thông đại học chính quy đã có chứng nhận tốt nghiệp năm 2015. Như vậy, Trường Đại học Điện lực đã cấp một số lượng rất lớn bằng tốt nghiệp cho sinh viên và việc cấp bằng tốt nghiệp được thực hiện trong năm 2016. 

Trong công tác quản lý cán bộ còn thiếu chặt chẽ, một số viên chức của trường tham gia quản lý điều hành cho đơn vị ngoài trong một thời gian dài (Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ năng lượng và môi trường), nhưng không có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời. 

Tổ chức đào tạo trong khi không đủ hồ sơ nhập học (của các lớp đào tạo liên thông năm 2011, 2012 do các đơn vị liên kết, đào tạo quản lý), hồ sơ tuyển sinh còn thiếu, chưa đảm bảo theo quy định. Trường không cung cấp được tài liệu chứng minh đã thực hiện việc đối chiếu bằng, chứng chỉ gốc của học viên với hồ sơ nhập học của các lớp đào tạo liên kết…

Kết luận Thanh tra cũng nêu rõ, để xảy ra những sai phạm nêu trên trách nhiệm thuộc về Ban Giám hiệu, trong đó chịu trách nhiệm trực tiếp là hiệu trưởng, tiếp đó là các phó hiệu trưởng. Tiếp đến là một số đơn vị phòng, khoa, trung tâm như Phòng Đào tạo, Phòng Kế hoạch – tài chính, Phòng Công tác Chính trị và quản lý người học, Trung tâm Đào tạo thường xuyên, Khoa Đào tạo sau đại học… 

Về các biện pháp xử lý trách nhiệm, Bộ Công thương yêu cầu ĐH Điện lực tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong công tác quản lý khi để xảy ra hàng loạt sai phạm nêu trên; xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến việc tham mưu ký kết, thực hiện hợp đồng liên kết đào tạo không đảm bảo quy định, cũng như tổ chức thực hiện những lớp liên kết đào tạo khi chưa được phê duyệt.

Được biết, Trường ĐH Điện lực là đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tuy nhiên, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của EVN đối với trường này chưa chặt chẽ, việc phát hiện và xử lý những vi phạm, khuyết điểm chưa kịp thời…

Nhóm PV điều tra

Để xử lý dứt điểm hơn 300 dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài, tỉnh Hà Tĩnh sẽ kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan.

Liên quan đến vụ huy động hơn 3.700 tỷ đồng và mất khả năng thanh toán xảy ra tại Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI, chiều nay (18/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Quang Hoàng (SN 1988, Tổng Giám đốc), và Trần Thị Mỹ Hạnh (SN 1992, Trưởng phòng ngân quỹ công ty) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Dù liên tục lao dốc trong 2 tuần qua, nhưng vàng vẫn chưa từng đánh mất sức hấp dẫn của mình. Mỗi khi giá kim loại quý tăng hoặc giảm mạnh, thị trường đều "dậy sóng", người người nhà nhà nhộn nhịp giao dịch. Cơ quan điều hành khẳng định sẽ đưa ra các giải pháp khiến vàng không trở thành mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文