Dân vạn đò mong mỏi được lên bờ
- Dân vạn đò lên bờ tái định cư vẫn ở nhà chồ, nhà tạm
- Thừa Thiên-Huế: Đã có 778 hộ dân vạn đò lên bờ
- Khát vọng lên bờ của ngư dân vạn đò trên sông Thạch Hãn
Từ năm 2009, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã thực hiện chủ trương di dời hàng nghìn cư dân vạn đò sinh sống trên các con sông ở TP Huế lên bờ định cư để giúp người dân ổn định cuộc sống với nguồn kinh phí hơn 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, có hàng chục hộ dân ở xóm vạn đò Thủy Phú, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà vẫn đang mòn mỏi chờ đợi được lên bờ, dù đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền địa phương…
Chúng tôi tìm về xóm vạn đò Thủy Phú, xã Hương Vinh, khi các hộ dân đang neo đậu hơn 20 chiếc đò ở góc ngã ba Sình - nơi giao nhau giữa sông Hương và sông Bồ lại sát nhau để đề phòng mưa lũ.
Được biết đến là xóm vạn đò cuối cùng trên sông Hương nên hàng chục năm qua, các hộ dân sinh sống ở xóm này đều phải lấy ghe đò làm nhà, sống cảnh tạm bợ với nhiều khó khăn không kể xiết. Tìm đến chiếc đò với phần mái được chắp vá lỗ chỗ của vợ chồng ông Trần Bí, một trong những hộ dân đến xóm vạn đò này sớm nhất đúng lúc ông Bí đang thu dọn đồ đạc trên đò để tránh mưa.
Người dân Thủy Phú nhiều lần kiến nghị lên chính quyền các cấp với mong muốn được lên bờ để “an cư lạc nghiệp". |
Ông kể: “Sinh ra trong gia đình làm nghề sông nước nên từ những năm đầu 1980, tôi và các hộ dân khác đã tập trung về Thủy Phú để neo đậu ghe đò sau những giờ đánh bắt tôm cá. Lúc đầu chỉ có một vài hộ nhưng cứ thế, sau ít năm có thêm nhiều cặp vợ chồng về đây và hình thành nên xóm vạn đò này...”.
Theo ông Bí, tuy xóm chỉ có 22 hộ dân nhưng vì đôi vợ chồng nào cũng sinh đông con nên toàn xóm có đến 120 nhân khẩu. Cũng vì cuộc sống sông nước nay đây mai đó, việc đánh bắt tôm cá chỉ đủ ăn qua ngày nên điều kiện học hành của con em ở khu vực này rất khó khăn.
“Vợ chồng chúng tôi đều mù chữ. Sinh được 3 người con, đứa lớn thì không biết chữ, còn 2 đứa nhỏ vẫn đang học trường tiểu học trên địa bàn xã. Hằng ngày vợ chồng tôi phải dậy từ rất sớm để bủa lừ, bủa lưới kiếm con tôm con cá trên sông, sau đó còn đi xúc cát sạn thuê để kiếm thêm tiền gom góp nuôi chữ cho con. Đầu tắt mặt tối cả ngày là vậy nhưng khó khăn vẫn luôn chồng chất”, bà Trần Thị Dung (47 tuổi), một hộ dân ở xóm vạn đò Thủy Phú trải lòng.
Ông Cao Thắng, Trưởng thôn Thủy Phú còn cho biết, vì không có điều kiện nên số trẻ vạn đò Thủy Phú học đến cấp THCS chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn đa phần đều bỏ học khi học chưa hết bậc tiểu học. Nhiều cặp vợ chồng vạn đò ở đây cũng gửi con em đến trường một vài năm với mục đích cho con biết cái chữ chứ không thể học lên cao được.
Điều đáng lo lắng đó là hiện xóm vạn đò Thủy Phú đang phải đối diện với nguy cơ ô nhiễm, bệnh tật bởi từ việc ăn uống, sinh hoạt... Tất cả mọi thứ người dân đều thải ra sông và lại dùng nước sông để nấu nướng, giặt giũ.
“Lo sợ nhất là khi mùa mưa bão đến gần. Mỗi lần có mưa to gió lớn chúng tôi phải vận động người dân neo đậu ghe đò thật chắc chắn rồi chuyển lên nhà các hộ dân trên bờ xin tá túc. Đến khi nào “trời yên sông lặng” thì người dân lại trở về đò để làm ăn”, ông Thắng bày tỏ sự trăn trở.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, nhiều hộ dân Thủy Phú chỉ thắc mắc một điều, đó là câu chuyện hơn 1.000 hộ dân vạn đò từng sinh sống trên các sông như sông Hương, Đông Ba, Kẻ Vạn, Bạch Yến, An Cựu đã được tỉnh Thừa Thiên - Huế tạo điều kiện chuyển về các khu tái định cư ở Hương Sơ, Phú Hậu (TP Huế) và xã Phú Mậu (huyện Phú Vang) định cư trong các năm qua.
Thế nhưng, đối với người dân Thủy Phú, họ đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền các cấp với mong muốn được lên bờ để “an cư lạc nghiệp” nhưng sau rất nhiều năm, điều ấy vẫn chưa trở thành hiện thực(!).
Lý giải về vấn đề này, ông Trương Đắc Giàu, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho biết, sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có chủ trương di dời dân vạn đò trên địa bàn TP Huế lên bờ, từ năm 2010, xã đã bố trí quỹ đất với diện tích 1ha để tái định cư cho dân vạn đò Thủy Phú. Tuy nhiên, đến nay vì thiếu kinh phí nên chưa thực hiện xây dựng được cơ sở hạ tầng và đây cũng là nguyên nhân khiến hàng chục hộ dân vạn đò Thủy Phú chưa thể lên bờ.
Theo ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Vinh, kinh phí dự kiến để xây dựng khu tái định cư khoảng 3 tỷ đồng và hiện xã đang chờ tỉnh và các cấp giúp đỡ, hỗ trợ nguồn kinh phí này.
Rời xóm vạn đò Thủy Phú, hình ảnh những đứa trẻ với ánh mắt thơ ngây, hồn nhiên luôn theo sát cha mẹ trên quãng đường sông nước mưu sinh cứ ám ảnh người viết không dứt.
Và bất chợt, tôi lại nhớ đến lời tâm sự của bà Dung, rằng: “Đời vợ chồng tôi và những hộ dân ở xóm vạn đò này lênh đênh sông nước miết nên quen cái khổ rồi. Chỉ thương tụi nhỏ, không biết sau này chúng nó có được lên bờ để an cư hay không?”.