Đổ xô đăng ký học lái xe ôtô vì sao?
- Siết chặt quản lý dạy và học lái xe
- Kiểm soát hồ sơ học lái xe để ngăn tình trạng làm giấy khám sức khỏe giả
Nhiều trung tâm quá tải hồ sơ
Chiều 25-2, chị Mai Anh (Linh Đàm-Hà Nội) vội vàng hoàn thiện bộ hồ sơ xin đi học lái xe để mang qua trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe nộp. Chị cho biết, mặc dù sang năm mới có kế hoạch mua xe, song thấy bạn bè bảo nếu không đăng ký học nhanh thì cuối năm học phí có thể tăng gấp 3-4 lần. Vì thế dù đang chăm con nhỏ, công việc cơ quan tất bật từ sáng tới tối, nhưng chị vẫn cố gắng thu xếp thời gian nộp hồ sơ đi học với hy vọng được xếp lớp học và thi sớm.
Tương tự, anh Đỗ Hùng (Thái Bình) người đang có dự định học bằng lái xe B2 để lái taxi cho biết, nghe nói bắt đầu từ giữa năm 2020 nếu ai học bằng lái sẽ phải điểm danh bằng vân tay, trong phòng học có cài đặt camera giám sát. Học viên phải đi học đầy đủ và thi trên thiết bị mô phỏng trước khi thi thực hành. Nghe đồn muốn thi bằng B2 phải học ròng rã 6 tháng trời. Đối với học phí đào tạo lái xe ôtô hạng B2 sẽ có mức tối thiểu từ 20 - 30 triệu đồng.
“Tranh thủ lúc chưa có gì thay đổi, tôi đăng ký nộp hồ sơ đi học. Tuy nhiên hỏi qua vài trung tâm, đều chưa có lớp khai giảng ngay vì lượng người nộp hồ sơ chờ cũng khá đông rồi”, anh Hùng thông tin.
Trước lo lắng của người dân, Giám đốc trung tâm đào tạo lái xe Sài Đồng (Hà Nội) cho biết, đúng là từ sau Tết, lượng người đăng ký học và thi GPLX tại trung tâm có tăng thêm 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện trung tâm mới khai giảng lớp tháng 2, song hồ hồ chờ xếp lớp mới đã hết tháng 3. Tuy nhiên, vị này cũng khẳng học phí thi bằng B2 hiện tại ở trung tâm vẫn đang ở mức khoảng 5 triệu/khoá, chứ không có chuyện tăng giá tới vài chục triệu đồng như lời đồn. Sau này, khi thông tư mới có hiệu lực, các trung tâm phải đầu tư thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất, và tăng thời gian đào tạo thì học phí có thể thay đổi, song sẽ không thể quá cao.
Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô Bắc Ninh cũng cho biết, Trung tâm Đông Đô đang bị quá tải hồ sơ đến tháng 6-2020. So với lưu lượng đào tạo (lượng xe, giáo viên của trung tâm) chỉ đào tạo được từng khóa nên giờ học viên đăng ký phải sau tháng 6 mới có thể vào khóa học mới. Các trung tâm khác trên cả nước đều có tình trạng đó.
Khi nhắc đến vấn đề tăng phí đào tạo, ông Toản cho rằng, trung tâm chưa tăng giá, vẫn trong khoảng 6,5-7 triệu đồng. Vị này cũng bác thông tin các trung tâm “bắt tay “nhau tăng giá. “Mỗi đơn vị trung tâm đào tạo có mức giá đào tạo khác nhau để cạnh tranh nhưng không thể bắt tay tăng giá bởi vì thời gian qua là xã hội hóa đào tạo, bản thân các cơ sở đào tạo tự xây dựng thương hiệu, các thông tin tuyển dụng học viên, học viên tự đăng ký cơ sở đào tạo không cần qua trung gian, cò mồi. Người học nên tham khảo chất lượng, thương hiệu của Trung tâm đào tạo”, ông Toản nhấn mạnh.
Nhiều trung tâm đào tạo lái xe quá tải hồ sơ học viên. |
Lượng người xin cấp lại GPLX sau Nghị định 100 tăng
Về nguyên nhân người dân đổ xô đi học bằng lái xe, dẫn đến tình trạng quá tải ở một số trung tâm, ông Lương Duyên Thông – Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Tổng cục Đường bộ có nhận được thông tin nhu cầu đào tạo lái xe của năm nay tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là các thành phố lớn, tăng nhiều nhất là các tỉnh thành phía Bắc.
Việc tăng số lượng người học xuất phát từ nhu cầu người muốn tham gia học giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện. Khi số lượng học viên tăng đột biến thì các cơ sở đào tạo không đủ cơ sở vật chất để đào tạo học viên, dẫn đến việc ùn hồ sơ và người có nhu cầu học phải chờ đợi để được xếp lớp và thi sát hạch bằng lái.
Còn theo ông Trần Văn Toản, nguyên nhân còn do từ khi có xu thế nhu cầu người học như có Nghị định 100 xử phạt nồng độ cồn của người lái khiến nhiều gia đình cho vợ đi học lái xe để nếu chồng uống rượu thì vợ sẽ cầm lái.
Một số nguyên nhân khác như: Một số trường quân đội hiện không đào tạo, lo ngại thông tư 38 có sự thay đổi siết chặt việc học tập trung giám sát gắt gao. Cùng đó, Thông tư 38 của Bộ GTVT sửa đổi bổ sung một số điều thông tư số 12/2017/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, cũng quy định từ 1-5-2020 điểm danh học viên học môn pháp luật giao thông đường bộ, đến tháng 1-2021 điểm danh về thời gian lái xe thực hành. Học viên muốn “né” điểm danh nên tăng vọt nhu cầu đăng ký học nên khó cho trung tâm trong việc đào tạo học viên tăng đột biến.
Ngoài vấn đề đổ xô đi học, thông tin từ Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), dù chưa có con số thống kê cụ thể trong cả nước do chưa đến thời gian 2 tháng cấp lại giấy phép lái xe (GPLX) theo quy định mới nhưng chỉ riêng tại Phòng Cấp đổi GPLX của Tổng cục, số người đến khai báo mất GPLX xin cấp lại đã tăng trên 30%.
Ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái - thông tin thêm, đến 1-3, sau 2 tháng theo quy định, khi có thống kê trong cả nước, con số này chắc chắn lớn hơn rất nhiều. Cũng theo ông Lương Duyên Thống, không chỉ lái xe kinh doanh vận tải sợ "mất nghề" mà ngay cả người lái xe không chuyên nghiệp cũng rất sợ thu giữ GPLX. Do đó, sau khi Nghị định 100 NĐ-CP ban hành, có thể xảy ra tình trạng người dân chưa vi phạm giao thông nhưng vẫn giả khai báo mất GPLX, làm sẵn vài chiếc đề phòng khi vi phạm bị CSGT giữ hoặc tước.
Do vậy, tới đây, các ngành chức năng sẽ phải rà soát, kiểm tra không để tiếp tục diễn ra tình trạng này.