Đua nhau lấn chiếm, xây dựng trên đất Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà
- Xử lý trách nhiệm người đứng đầu để lấn chiếm lòng, lề đường dẫn đến TNGT
- Lấn chiếm hành lang an toàn, tiềm ẩn nguy cơ gây hư hại cầu Bạch Đằng
- Đồi cỏ hồng đẹp như tranh ở Suối Vàng bị lấn chiếm
Việc lấn chiếm đất rừng, xây dựng nhà cửa xảy ra không phải những nơi xa xôi mà ngay vùng rừng thuộc lâm phần quản lý của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, tiểu khu 112A, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương. Các vị trí đất rừng bị lấn chiếm ngay mặt đường nhựa, lối dẫn vào một số khu du lịch, hằng ngày vốn có rất đông người qua lại, chỉ cách trung tâm TP Đà Lạt từ 15 - 20km.
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, khu vực quán Rừng Thông, thuộc tiểu khu 112A, thị trấn Lạc Dương của ông Vũ Văn Điều (SN 1962, ngụ thị trấn Lạc Dương), trước đây chỉ có vài căn nhà tạm, sát tỉnh lộ 722 được dựng lên để phục vụ sản xuất nông nghiệp kề đó.
Gần đây không hiểu sao khu vực này nhà cửa lại đua nhau san sát mọc lên. Nhiều căn nhà dưới dạng phòng nghỉ cũng được một số người cho xây dựng. Đáng chú ý, vị trí này là đất lâm nghiệp, hiện đang có rừng thông. Việc xây dựng nhà cửa, phòng nghỉ đã lên tới đỉnh một quả đồi.
Quanh khu vực bị lấn chiếm được rào chắn thành vườn, thậm chí có những khu vực đã được bao quanh bằng bờ rào thép gai kéo dài cả trăm mét ngay trong rừng. Rừng thông còn bị các đối tượng phân lô bằng cách đóng những cọc sắt giăng từ mặt tỉnh lộ DT722 xuyên lên đỉnh đồi, vòng sang phía sau để chia phần, xí chỗ.
Nhìn tổng thể, khu vực quán Rừng Thông, thuộc lâm phần của Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà hiện nay thực chất đã hình thành một khu dân cư đông đúc, hàng quán tấp nập ngày đêm hoạt động phục vụ du khách.
Một khu dân cư mới hình thành trong lâm phần quản lý của Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà. |
Cách đó không xa, cũng tại mặt đường DT722, tiểu khu 112A, thị trấn Lạc Dương, những căn nhà gỗ được thiết kế, xây dựng khá kỳ công đang gấp rút hoàn thành mà hầu như không vấp phải trở ngại nào của cơ quan chức năng.
Cách đây vài năm, vị trí này vốn là đất rừng thuộc một quả đồi thoai thoải. Sau đó, có người đã vào “tùng xẻo” một góc, tổ chức san gạt và xây dựng móng kiên cố để làm nhà.
Hay tại khu vực gần quán Sáng Thảo, một vùng đất lâm nghiệp bằng phẳng sát với hồ Suối Vàng nay cũng bị các đối tượng tới lấn chiếm, dựng nhà cửa, hàng quán, vỡ đất sản xuất nông nghiệp mà đơn vị quản lý không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, dọc đường DT722, từ ngã 3 Khu du lịch Thung Lũng Vàng tới Khu du lịch Làng Cù Lần hiện có ít nhất 10 vị trí vi phạm trật tự xây dựng hoặc xây dựng nhà cửa, hàng quán trên đất lâm nghiệp, gồm quán Tuyết Hòa, quán Rừng Thông, quán Thung Lũng Xanh, quán Thảo Nguyên, quán Lai Hoa, quán Khương Duy, quán Sáng Thảo, quán Thu Thu, quán Sơn Thủy...
Ngoài ra, còn có một số vị trí đất rừng mới bị lấn chiếm trong thời gian gần đây và đang được xây dựng nhà cửa. Toàn bộ các vị trí này đều thuộc lâm phần quản lý của Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà.
Điều đáng nói, việc lấn chiếm đất rừng để xây dựng nhà cửa, hàng quán diễn ra tràn lan, ngay sát mặt đường DT722, hằng ngày vốn có rất đông người qua lại, trong đó có lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà nhưng không hiểu sao các hành vi vi phạm lại không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Việc lấn chiếm đất rừng, xây dựng nhà cửa vẫn diễn ra tràn lan, chiếm lên cả đỉnh quả đồi thông.
Theo UBND huyện Lạc Dương, trong hai năm qua, huyện đã ra hàng loạt văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện và đề nghị Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà xử lý nghiêm hoặc tham mưu đề xuất xử lý đối với các trường hợp vi phạm về xây dựng, lấn chiếm đất rừng thuộc lâm phần của Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà.
UBND huyện Lạc Dương cũng đề nghị Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà cắm mốc ranh giới phân định rõ đất sản xuất nông nghiệp của người dân và đất lâm nghiệp để quản lý nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa thực hiện được.
Gần đây nhất, ngày 6-6-2019, UBND huyện Lạc Dương tiếp tục ra văn bản gửi Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND xã Lát, đề nghị xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm, dựng nhà quán trên lâm phần của Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà và báo cáo kết quả trước ngày 20-6.
Tuy nhiên, đến nay những hàng quán, nhà cửa được xây dựng bất hợp pháp trên đất lâm nghiệp vẫn tồn tại bên đường DT722, mọi chuyện vẫn “án binh bất động”.
Tình trạng lấn chiếm, đóng cọc sắt phân lô trên đất có rừng, xây dựng nhà cửa, hàng quán thuộc lâm phần của Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà quản lý cả cũ và mới diễn ra ngang nhiên, tràn lan nhưng không được xử lý kịp thời, dứt điểm, đã và đang hình thành các khu dân cư mới, khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng lâu nay vốn đã nóng giờ càng thêm nhức nhối, phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy.