Về vụ trục lợi tiền vay tại Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc, Vĩnh Phúc:

Giúp đồng nghiệp vi phạm vẫn được bổ nhiệm Giám đốc

10:07 31/08/2016
Sau khi Báo CAND đăng tải bài viết “Cán bộ Quỹ tín dụng kê khống tiền vay của dân để trục lợi”, chúng tôi tiếp tục có thêm những tài liệu liên quan đến sai phạm trong việc trục lợi từ các hợp đồng tín dụng của ông Trưởng Ban kiểm soát kiêm cán bộ tín dụng Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc...

Báo CAND có đăng bài “Cán bộ Quỹ tín dụng kê khống tiền vay của dân để trục lợi”. Bài báo phản ánh việc ông Bùi Hữu Kiên (40 tuổi, trú tại thôn Đông, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), thời điểm giữ chức danh Trưởng Ban kiểm soát kiêm cán bộ tín dụng Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc đã có hành vi lạm dụng tín nhiệm trong việc cho người dân thị trấn vay vốn để chiếm đoạt số tiền lớn.

Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2015, ông Kiên soạn thảo “Giấy đề nghị vay vốn”, “Hợp đồng tín dụng”, “Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”, “Hợp đồng ủy quyền xử lý tài sản đảm bảo”… sau đó đưa cho các hộ dân và bảo họ ký và ghi rõ họ tên, chứ không đọc nội dung trong các giấy tờ này.

Bà Trần Thị Loan, trú tại khu 1 Đông, thị trấn Yên Lạc tố cáo hợp đồng tín dụng bị giả mạo chữ ký vợ chồng bà.

Vừa tin tưởng, vừa thiếu hiểu biết nên người dân đã ký theo yêu cầu của ông Kiên, chứ họ không biết nội dung các giấy tờ đó ghi gì. Từ sổ đỏ thế chấp và hợp đồng tín dụng vay vốn của người dân, ông Kiên đã trục lợi của họ người ít cũng vài trăm triệu đồng, người nhiều tới hơn 1 tỷ đồng.

Hành vi gian dối của ông Kiên chỉ bị phát hiện khi cán bộ Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc đến nhà người vay để thu hồi nợ.

Trước sự việc trên, các bị hại đã yêu cầu ông Kiên giải thích rõ thì ông này tránh mặt. Khi bị hại làm đơn tố cáo thì ông Kiên đến gặp thương lượng bằng cách, viết giấy vay nợ số tiền mà ông này đã khai khống trong hồ sơ vay vốn từ Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc. Tuy nhiên sau đó, ông Kiên tiếp tục tìm cách tránh mặt bị hại và đến nay, số tiền ông Kiên trục lợi của người dân vay nợ tín dụng vẫn chưa giải quyết được.

Chính vì những sai phạm này mà ngày 26-2-2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam- Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định miễn nhiệm chức danh Trưởng Ban kiểm soát Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc đối với ông Kiên. Được xác định là có liên quan đến hành vi sai phạm này, bà Phùng Thị Thanh Hương (SN 1967) cũng bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định miễn nhiệm chức vụ Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc.

Sau khi bị miễn nhiệm chức vụ, bà Hương và ông Kiên tiếp tục công tác tại Quỹ tín dụng này với vai trò là cán bộ Quỹ. Hiện tại, Chi bộ Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc đã có văn bản gửi Đảng ủy thị trấn Yên Lạc đề nghị kỷ luật Đảng bằng hình thức cảnh cáo đối với bà Hương và ông Kiên do có những vi phạm trong quá trình công tác...

Sau khi Báo CAND đăng tải bài viết này, chúng tôi tiếp tục có thêm những tài liệu liên quan đến sai phạm trong việc trục lợi từ các hợp đồng tín dụng của ông Kiên.

Một tình tiết đáng chú ý là ông Lê Văn Quý (43 tuổi) vừa được bổ nhiệm là Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc (thay bà Phùng Thị Thanh Hương) đã từng giúp đỡ ông Kiên hoàn thiện các hồ sơ vay vốn nêu trên.

Theo tài liệu mà bị hại cung cấp, hầu hết các “Giấy đề nghị vay vốn”, “Hợp đồng tín dụng”, “Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”, “Hợp đồng ủy quyền xử lý tài sản đảm bảo”… đều được ông Kiên mang đến nhà người dân và bảo họ ký tại nhà chứ các giao dịch này không thực hiện tại Quỹ tín dụng như quy định. Và hầu như, mỗi lần ông Kiên đến nhà người dân yêu cầu họ ký thì đều có ông Lê Văn Quý, khi đó là Kế toán Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc đi cùng.

“Khi ông Kiên lật các góc giấy, mục của người vay ký tên và bảo tôi ký vào chứ không cho đọc nội dung hợp đồng viết gì. Ông Quý với chức danh là Kế toán Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc ngồi đó nhưng không giải thích cho tôi hiểu hợp đồng viết gì mà còn nói giúp Kiên để tôi nhanh chóng ký vào các giấy tờ vay vốn”, bà Nguyễn Thị Định (70 tuổi, trú tại khu 6 Đông, thị trấn Yên Lạc) rất bức xúc khi kể lại.

Chưa hết, ông Quý còn trực tiếp đi thẩm định giá trị tài sản đảm bảo của người dân trước khi hoàn thiện hồ sơ vay vốn. Bà Hà Thị Phương Đông (42 tuổi, trú tại khu 5 Đông, thị trấn Yên Lạc) cho biết: “Diện tích trong sổ đỏ mảnh đất nhà tôi là 72m², giá trị tiền tại thời điểm vay vốn ngày 17- 9- 2014 là 200 triệu đồng. Nhưng khi ông Kiên và ông Quý trực tiếp đến nhà tôi thẩm định giá trị tài sản đã xác nhận mảnh đất này trị giá 700 triệu đồng. Vợ chồng tôi hỏi Kiên là Quỹ tín dụng cho anh chị vay bao nhiêu thì Kiên bảo, cho vay 200 triệu đồng”.

Sau khi ký hợp đồng vay vốn, gia đình bà Đông không có nhu cầu sử dụng tiền nữa nên không tới Quỹ tín dụng để rút tiền và cũng không thấy thông báo trả lãi nên không hỏi lại ông Kiên nữa. Năm 2015, gia đình bà Đông nghe nói Kiên lừa nhiều người nên đã tới Quỹ tín dụng thị trấn để hỏi về hồ sơ của gia đình mình thì mới biết, ai đó đã rút số tiền 450 triệu đồng từ hợp đồng do vợ chồng bà ký vào đêm 15-9-2014.

Khi gia đình bà xem các giấy tờ liên quan đến việc nhận tiền thì mới thấy các chữ ký mang tên vợ chồng mình đều là giả mạo. “Sau nhiều đối chất, Kiên đã thừa nhận “vay nhờ” vợ chồng tôi số tiền 450 triệu đồng qua hợp đồng tín dụng do vợ chồng tôi ký. Nhưng đến nay Kiên vẫn không khắc phục hoàn trả lại gia đình tôi số tiền này”, bà Đông phản ánh.

Khi chúng tôi về cơ sở điều tra sự việc thì Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc đã làm đơn khởi kiện những người vay tiền chưa trả. Khi TAND huyện Yên Lạc triệu tập những người vay tiền của Quỹ tín dụng đến làm việc, các hộ dân đều đề nghị Tòa án tạm dừng giải quyết vì sự việc này đang được cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Lạc tiến hành điều tra do có dấu hiệu của tội phạm.

Thời điểm này, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Lạc đang làm việc với những người giữ trọng trách tại Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Lạc để làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến việc vay vốn và cho vay vốn.

Nguyễn Hưng

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文