Hà Nội chấm dứt 26/39 dự án “treo”: Dự án cống hóa mương đã rút nhưng vẫn tiếp tục “xem xét”
Ngoài 26 dự án UBND TP và Sở KH&ĐT đã chấm dứt hoạt động, còn 13 dự án tiếp tục rà soát, kiểm tra đề xuất phương án xử lý trong thời gian tới. Tuy nhiên, phóng viên đi thực tế tại 2 dự án “cống hóa mương” nằm trong 13 dự án tiếp tục rà soát thì chính quyền địa phương đều cho biết đã chấm dứt triển khai.
Dân phản đối vì cống hóa mương làm bãi đỗ xe
Dự án cống hóa mương Thái Hà làm bãi đỗ xe tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa) nằm trong 13 dự án chậm triển khai đang tiếp tục kiểm tra rà soát báo cáo UBND TP xử lý. Có mặt ở dự án cống hóa mương Thái Hà, chúng tôi thấy con mương trước đây ô nhiễm môi trường, là lối vào của khu bãi rác Thành Công (cũ) nay đã được “cống hóa” thành con đường khang trang, sạch đẹp.
Mương Thái Hà đã trở thành con đường đẹp. |
Bà Phạm Thị Mùi, một người dân sinh sống ở đây cho biết, từ khi “cống hóa”, người dân được hưởng lợi rất nhiều. Trước tiên là có một con đường rộng với hai bên vỉa hè, xóa bỏ môi trường ô nhiễm, ruồi muỗi trước đây.
Tuy nhiên, vì sao dự án cống hóa mương Thái Hà thành bãi đỗ xe thông minh trở thành dự án “treo” thì người dân ở đây nói rằng họ không đồng tình với việc biến con đường (mà khó khăn lắm người dân mới có được) thành bãi đỗ xe. Khi triển khai, chủ đầu tư làm hàng rào bằng tôn để ngăn ranh giới hai bên, người dân chỉ còn lại lối đi nhỏ. Dân đã phản đối và ngăn trở thi công.
Làm việc với UBND phường Trung Liệt, chúng tôi được ông Nguyễn Đức Chính, cán bộ địa chính phường cho biết, dự án cống hóa mương 1 Thái Hà có chiều dài 400m triển khai đầu năm 2014. Dự án không phải giải phóng mặt bằng nên cuối năm đã triển khai xong, đầu năm 2015 bàn giao cho thành phố. Sau đó, Công ty cổ phần Taxi Hà Nội xin thành phố để làm bãi đỗ xe thông minh và được thành phố chấp thuận.
Nhưng khi triển khai thì nhân dân biểu tình, phản đối do không mang tính cộng đồng, lợi ích nhóm. Người dân cho rằng dự án làm cho dân đường đi, nhưng biến thành bãi đỗ xe thông minh thì lại mang mục đích cá nhân nên họ không đồng tình. Ông Chính khá ngạc nhiên khi chúng tôi cho biết dự án vẫn nằm trong diện tiếp tục kiểm tra rà soát: “Sau khi bị dân phản đối quyết liệt, khoảng tháng 5-2015 chủ đầu tư đã tự rút, không triển khai nữa” – ông Chính nói.
Còn tại dự án cống hóa mương thoát nước kết hợp sử dụng mặt bằng làm bãi đỗ xe tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, ông Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường Nhân Chính cho biết, năm 2010, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 4648/QĐ-UBND về việc thu hồi 4.883m2 đất tại ô đất ký hiệu 11.4 ĐX tuyến đường Láng Hạ-Thanh Xuân giao cho Công ty cổ phần và Phát triển nhà Hà Nội số 41 thuê để thực hiện dự án cống hóa mương nước kết hợp sử dụng làm bãi đỗ xe.
Tuy nhiên, ngày 18-6-2015, UBND TP đã có Quyết định số 2786/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, trong đó vị trí thực hiện dự án nêu trên được quy hoạch là đất cây xanh thuộc Trung tâm VHTT quận Thanh Xuân. Ngày 11-7-2016, UBND TP Hà Nội có Thông báo số 225/TB-UBND trong đó có nội dung dự án đã được TP cấp giấy chứng nhận đầu tư đã 8 năm, việc triển khai dự án quá chậm so với quy định. Theo đó, UBND TP đã giao Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan thu hồi dự án theo quy định.
Tiếp tục rà soát dự án không khả thi
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội thì 26 dự án bị thu hồi là do không phù hợp quy hoạch phân khu hoặc không đảm bảo năng lực thực hiện theo quy hoạch điều chỉnh, trong đó có 4 dự án giao nhà đầu tư khác thực hiện hoặc thu hồi đất để quản lý, 22 dự án Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hướng dẫn tổ chức, cá nhân tiếp tục quản lý sử dụng theo quy định của pháp luật. Theo Sở KH&ĐT, từ các dự án bị chấm dứt hoạt động có 5 dự án phát triển nhà ở, tuy nhiên cả 5 dự án này chưa triển khai, do đó chưa có phát sinh các giao dịch, quyền lợi của khách hàng.
Đối với 13 dự án đang tiếp tục kiểm tra, xem xét thì sẽ xử lý như thế nào? Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT thì trong thời gian tới Sở KH&ĐT và Sở TN&MT sẽ phối hợp cùng các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã để tổ chức rà soát, kiểm tra các dự án trên địa bàn thành phố. Đối với các dự án chậm triển khai hoặc có vi phạm pháp luật, liên ngành sẽ làm rõ nguyên nhân, phân loại các mức độ vi phạm để đề xuất UBND TP xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất biện pháp xử lý đối với các dự án vi phạm pháp luật.
Việc chấm dứt hoạt động của dự án và thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Việc các dự án bị chấm dứt hoạt động, bị thu hồi đất do vi phạm về đất đai phải được công bố công khai sau khi hoàn tất hồ sơ xử lý theo quy định.
Dự án “cống hóa mương” Phan Kế Bính (Hà Nội) là bài học nhãn tiền sau khi cống hóa thì vi phạm đã xảy ra. Do vậy, các dự án không còn khả thi, thành phố nhanh chóng thu hồi, để tránh lãng phí hoang hóa đất.
Đồng thời cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để kịp thời hướng dẫn các nhà đầu tư giải quyết khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền, cũng như kịp thời ngăn chặn những biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng, đầu tư và quản lý đất đai trên địa bàn.