Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Sở Y tế tỉnh Gia Lai

08:26 23/03/2017
Chỉ trong vòng 3 năm 2013-2015, hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong công tác đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế, xây dựng cơ bản tại Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã gây thất thoát, lãng phí hàng chục tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay những tập thể, cá nhân liên quan đã để xảy ra sai phạm vẫn chưa bị xử lý, gây bức xúc trong dư luận.

Theo báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII ngày 20-1-2017 cho thấy, từ năm 2013 đến 2015, Sở Y tế Gia Lai, các cơ sở y tế công lập trực thuộc đã đầu tư hơn 429 tỷ đồng để mua thuốc, trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, qua công tác kiểm toán cho thấy, số tiền chênh lệch do các bệnh viện mua lớn hơn giá trị dự toán theo quy định.

Cụ thể như tại gói thầu mua sắm trang thiết bị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cho thấy, Sở Y tế Gia Lai mua với giá hơn 22 tỷ đồng. Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) xác định, gói thầu này giá trị thực chỉ có hơn 12 tỷ đồng, chênh lệch hơn 10 tỷ đồng.

Hay như giá trị các gói mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Tâm thần kinh, Sở Y tế Gia Lai mua với giá 16,7 tỷ đồng, KTNN xác định giá trị thực chỉ có hơn 5,6 tỷ đồng, bị chênh hơn 11 tỷ đồng; gói mua sắm máy thở tại Bệnh viện Đa khoa được nâng thành 10,1 tỷ đồng, trong khi giá chỉ có 6,5 tỷ đồng; hoặc giá trị mua sắm thiết bị y tế tại Bệnh viện huyện Chư Pưh được “kê” giá lên đến 22,1 tỷ đồng, trong khi giá trị chỉ có hơn 9,5 tỷ đồng…

Quang cảnh buổi họp báo chiều 20-3.

Cũng theo báo cáo của KTNN, từ năm 2013-2015, Sở Y tế Gia Lai đã có tổng cộng 7 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế được “nâng khống” giá trị lên thành 117,3 tỷ đồng, trong khi đó giá trị thực chỉ có 78,9 tỷ đồng dẫn đến số tiền chênh lệch bị phát hiện hơn 37,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, KTNN cũng cho rằng, Sở Y tế Gia Lai đã liên kết với các công ty thẩm định giá không thực hiện đúng tiêu chuẩn dẫn đến tài sản bị thẩm định cao hơn giá thị trường, làm thất thoát số tiền hơn 56 tỷ đồng ngân sách Nhà nước.

Không chỉ nâng khống giá trị thực của trang thiết bị y tế, tại một số đơn vị trực thuộc Sở Y tế Gia Lai đã quá “dễ dãi” trong việc mua sắm trang thiết bị như không yêu cầu bên bán phải cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng dẫn đến nhiều trang thiết bị sau khi đưa vào sử dụng được một thời gian đã bị hư hỏng hoặc trùm mền không sử dụng đến.

Điển hình như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, trong năm 2015, đơn vị này đã “sốt sắng” trong việc mua sắm kính hiển vi phẫu thuật thần kinh cột sống với giá trị hơn 16,3 tỷ đồng. Sau khi đưa vào điều trị được cho 4 bệnh nhân và thiết bị này chỉ có duy nhất một bác sỹ biết sử dụng nên sau khi đưa vào sử dụng được một thời gian ngắn, thiết bị này đã bị trùm mền không sử dụng đến.

Hay như tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Gia Lai, có 55 thiết bị chưa đưa vào sử dụng do bệnh nhân quá ít; 49 thiết bị không hoạt động hết công suất; 10 thiết bị khác bị bệnh viện Lao đề nghị trả lại, số khác cán bộ không biết sử dụng. Tương tự, tại Bệnh viện thị xã Ayun Pa, máy móc được cấp về nhưng lại hết hạn sử dụng dẫn đến bị trục trặc kỹ thuật, liên tục cho ra kết quả không chính xác.

Trước các sai phạm trên, KTNN đã kiến nghị xem xét xử lý trách nhiệm tập thể và các cá nhân liên quan. Điển hình, tổ chức kiểm điểm và xem xét trách nhiệm của người ký, người tham mưu ban hành Thông báo số 01/TB-UBND để chỉ đạo đấu thầu theo hình thức trọn gói trái với Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC, dẫn đến gây thất thoát số tiền 10,1 tỷ đồng.

Đối với khoản chênh lệch giữa giá trúng thầu của các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, nhập khẩu, hóa chất, vật tư y tế và giá dự toán do Đoàn kiểm toán tạm tính là 56,7 tỷ đồng, KTNN đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Mặc dù theo báo cáo của KTNN ngày 20-1-2017 đã nêu rõ hàng loạt sai phạm của Sở Y tế Gia Lai nhưng trong buổi họp báo vào chiều 20-3, đơn vị này lại cho rằng đã tổ chức đấu thầu xây dựng, mua sắm trang thiết bị y tế đúng quy định nhà nước, quản lý và sử dụng thiết bị vật tư y tế đúng mục đích, đáp ứng kịp thời việc chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một vài hạn chế, thiếu sót nhất định. Ngành Y tế Gia Lai đã và đang ráo riết triển khai khắc phục những hạn chế, thiếu sót theo kiến nghị của KTNN, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế và công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trong thời gian tới”, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai thừa nhận tại buổi họp báo.

Văn Thành

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文