Hàng nghìn hộ dân lâm cảnh khó khăn vì nợ tiền sử dụng đất tái định cư

07:50 27/06/2019
Trong 10 năm từ 2005 đến 2015, hộ gia đình ông Tĩnh không hề nhận được phiếu báo hướng dẫn nộp tiền nào từ BQL. Đã thế, năm 2015, ông Nguyễn Ngôn lại bị cơ quan Công an điều tra về hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...


Theo đơn phản ảnh của ông Trần Viết Tĩnh, trú tổ 42, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, từ năm 2005, vườn tược, nhà cửa của gia đình ông bị UBND TP Đà Nẵng giải tỏa để xây dựng khu dân cư (KDC) mới và bố trí một lô đất đường 5,5m, diện tích 90m2 để tái định cư, thu tiền sử dụng đất (SDĐ) 63 triệu đồng. Song do tiền đền bù giải tỏa nhà cửa, đất đai quá thấp nên gia đình ông không thể nhận lô đất để xây nhà ổn định cuộc sống.

Trước tình cảnh khó khăn của gia đình ông, UBND TP Đà Nẵng xem xét cho nợ tiền SDĐ, vận động gia đình ông đập phá nhà cửa vào KDC mới. Số tiền nợ được cho trả dần trong 10 năm, tương đương 72,16 chỉ vàng 98% và 4.320 đồng. UBND TP Đà Nẵng giao cho Ban Quản lý (BQL) các dự án tái định cư lúc bấy giờ do ông Nguyễn Ngôn làm Trưởng ban, ký kết hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất quy định, đến hạn trả nợ, BQL sẽ có phiếu báo nộp tiền cho hộ gia đình ông Tĩnh để mang tiền nộp tại BQL…

Thế nhưng, trong 10 năm từ 2005 đến 2015, hộ gia đình ông Tĩnh không hề nhận được phiếu báo hướng dẫn nộp tiền nào từ BQL. Đã thế, năm 2015, ông Nguyễn Ngôn lại bị cơ quan Công an điều tra về hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Trần Viết Tĩnh bức xúc trình bày sự việc.

“Vì không biết liên hệ nộp tiền tại đâu nên gia đình tôi đành để nợ số tiền SDĐ quá hạn. Tới cuối tháng 5-2019, UBND phường Hòa Thuận Tây mới triệu tập tôi và nhiều gia đình khác ở địa phương còn nợ tiền SDĐ đến họp và hướng dẫn đến BQL công trình xây dựng cơ bản quận Hải Châu để nộp tiền. Tôi gom góp tiền dành dụm mang tới nộp thì bà Đoàn Thị Thảo Ly, chuyên viên của BQL thông báo gia đình chúng tôi phải nộp tiền nợ SDĐ theo giá mới, đến 2,611 tỷ đồng (29.020.000 đồng/m2 x 90m2). Đây là bất hợp lý rất lớn đối với gia đình chúng tôi và tất cả các hộ dân nghèo.

Ngày trước, chúng tôi bị giải tỏa nhà cửa, đất đai để UBND TP Đà Nẵng thực hiện các dự án KDC mới; do nghèo khó, tiền đền bù giải tỏa đất đai, nhà cửa lại quá thấp không xây nhà mới để tái định cư được thì chính quyền TP Đà Nẵng vận động chúng tôi đi, đồng ý cho nợ và quy tiền trả nợ SDĐ theo giá vàng là đã bất hợp lý rồi, nay lại tiếp tục áp dụng quy định mới để thu nợ.

Hiện tại, vợ chồng tôi làm thuê nuôi các con ăn học, nuôi mẹ già bị tai biến nằm liệt tại chỗ, số tiền thu nhập hàng tháng không đủ đảm bảo sinh hoạt thì thử hỏi chúng tôi biết lấy tiền đâu ra để trả nợ được quy theo giá mới quá lớn đến như thế?”, ông Tĩnh bức xúc nói.

Chung cảnh ngộ, gia đình bà Phùng Thị Hường ở số 9 Nguyễn Súy, phường Hòa Thuận Tây, cũng phản ảnh rằng, từ năm 2002, hộ gia đình bà phải đập phá nhà cửa di chuyển vào KDC mới, UBND TP Đà Nẵng cho nợ 37,8 triệu đồng tiền SDĐ, quy đổi thành 31,95 chỉ vàng 98%, đồng ý cho trả nợ trong 10 năm.

Nhưng cũng như hộ ông Tĩnh, bà Hường “quáng gà” không biết phải trả nợ tiền SDĐ ở đâu; cho tới cuối tháng 4-2019, bà đến BQL công trình xây dựng cơ bản quận Hải Châu thì bà Ly cũng thông báo phải nộp số tiền khá lớn là 1,567 tỷ đồng…

Qua tìm hiểu, vào ngày 31-8-2016, UBND TP Đà Nẵng ban hành Công văn số 7315/UBND-KT1 về việc xử lý vướng mắc về thu tiền sử dụng đất tái định cư, trong đó nêu rõ: Đối với những trường hợp nợ tiền SDĐ mà trong hợp đồng ghi nợ 10 năm quy theo giá vàng 98%, đến thời điểm người dân liên hệ nộp hồ sơ trả nợ tiền SDĐ vẫn còn trong thời hạn 10 năm theo hợp đồng, đã quá hạn 5 năm theo quy định, nhưng chưa ký phụ lục hợp đồng chuyển sang nợ bằng tiền, thống nhất cho phép người dân lựa chọn 1 trong 2 phương án; trong đó phương án 1, thực hiện trả nợ theo hợp đồng, trả bằng số vàng nợ theo hợp đồng nhân với đơn giá vàng tại thời điểm trả nợ, nhưng đảm bảo số tiền trả nợ không thấp hơn so với số tiền nợ gốc.

Đến ngày 15-05-2019, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục có Công văn số 3162/UBND-STNMT, thống nhất với Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng về thời gian thực hiện thu nợ tiền sử dụng đất tái định cư theo quy định tại Công văn số 7315/UBND-KT1 ngày 31-8-2016 của UBND TP Đà Nẵng đến hết ngày 30-6-2019 và khẳng định: Từ ngày 01-07-2019 trở đi, Công văn số 7315 sẽ không còn hiệu lực thi hành. Do đâu có sự việc người dân trả nợ tiền SDĐ, BQL công trình xây dựng cơ bản quận Hải Châu lại thông báo phải trả nợ số tiền lớn gấp nhiều lần như vậy?

Ngày 24-6, làm việc với chúng tôi, với sự có mặt của ông Lê Vĩnh An, Phó BQL công trình xây dựng cơ bản quận Hải Châu, bà Đoàn Thị Thảo Ly giải thích rằng, Công văn số 7315 của UBND TP Đà Nẵng chỉ áp dụng cho những hộ dân còn nợ tiền trong thời hạn 10 năm theo hợp đồng; còn câu ghi trong công văn “đã quá hạn 5 năm theo quy định”, có nghĩa Nhà nước chỉ cho phép nợ 5 năm, nhưng chính quyền TP Đà Nẵng cho nợ 10 năm(!?).

Do đó, “5 năm theo quy định” nằm trong hạn nợ 10 năm, chứ không phải nợ 10 năm, quá hạn 5 năm theo quy định là 15 năm. Trên cơ sở đó, những hộ dân nợ quá hạn đều phải trả nợ theo giá đất thời điểm hiện nay theo Quyết định 06/2019/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng ban hành ngày 31-1-2019(!?)...

Theo số liệu báo cáo của Trung tâm phát triển quỹ đất Đà Nẵng, tính đến ngày 31-1-2019, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 7.189 hộ dân còn nợ tiền SDĐ; trong đó có 6.958 hộ nợ đất tái định cư. Riêng địa bàn quận Hải Châu, đến thời điểm này còn 247 hộ dân nợ tiền SDĐ, trong đó có 202 trường hợp nợ quá hạn, 45 trường hợp nợ trong hạn. Việc UBND TP Đà Nẵng áp dụng giá đất hiện hành để thu nợ tiền SĐĐ đối với các hộ dân bị giải tỏa và bố trí tái định cư trước đây, khiến các hộ phải trả nợ tăng rất cao so với nợ cũ; thậm chí có trường hợp ở quận Hải Châu, nợ tăng hơn 6,5 tỷ đồng, điều đó đã khiến các hộ dân còn nợ tiền SDĐ lâm vào tình cảnh khó khăn và bức xúc.

Mới đây, trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Thanh Khê, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trả lời kiến nghị của người dân không thể trả nợ tiền SDĐ tái định cư theo giá mới, ông Thơ cũng đồng tình cho rằng, việc thu tiền SDĐ tái định cư theo giá mới thì rất nhiều hộ dân không trả nợ được. Vì thế, UBND TP Đà Nẵng đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có quyết định và tháo gỡ vướng mắc để giúp người dân còn nợ tiền SDĐ trả nợ theo giá cũ.

“Cho nên, các hộ dân nợ tiền SDĐ muốn trả nợ theo giá mới chúng tôi sẽ thu, còn không thì chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ”, ông Thơ nói.

L.Vân

Tại bản án sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn giai đoạn 1, Hội đồng xét xử TAND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu nhiều doanh nghiệp nộp hàng ngàn tỷ đồng về Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong toàn bộ vụ án.

Ngày 13/5, Viện KSND huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đã ra cáo trạng truy tố bị can Lê Dương (SN 1991) Phó giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi về tội “Điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”, đồng thời truy tố tài xế Hoàng Văn Tính (SN 1986) về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”…

Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An vừa chủ trì, phối hợp cục nghiệp vụ Bộ Công an, phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an các đơn vị, địa phương phá chuyên án, bắt giữ 21 đối tượng sử dụng công nghệ cao để đánh bạc bằng hình thức đánh lô, đề.

Ngày 13/5, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin vừa có văn bản khẩn yêu cầu các bệnh viện công lập và ngoài công lập, các trung tâm y tế và phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát, cung cấp thông tin về lịch khám chữa bệnh (nếu có) của 3 người trong vụ án hình sự loạn luân ở Tịnh thất Bồng Lai - Long An.

Phát hiện cháu N đã rời khỏi điểm trông giữ trẻ, 2 cô giáo đã trình báo với chính quyền địa phương. Theo người dân địa phương, một số người nhìn thấy cháu bé này đi về hướng biển ở khu vực tổ dân phố Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế).

Hơn 50 CBCS Công an và lực lượng PCCC & CNCH tại chỗ cùng người dân địa phương đã được huy động nhằm nỗ lực chữa cháy và cứu nạn cửa hàng tạp hoá bốc cháy trong đêm tại xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng ngọn lửa đã thiêu rụi toàn bộ hàng hóa, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 600 triệu đồng.

Sáng 13/5, Đoàn công tác của Đảng ủy Công an Trung ương do Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn, đã thăm, làm việc tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La). Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an.

Hai người tử vong gồm 1 người đàn ông và 1 trẻ em được phát hiện tại khu vực tòa nhà Sarina 1 (Khu đô thị Sala, phường An Lợi Đông, TP Thủ Đức). Ngoài ra còn 2 người khác bị thương đang được cấp cứu tại bệnh viện. Công an TP Thủ Đức đang phong tỏa hiện trường để điều tra vì nghi ngờ đây là một vụ án mạng…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文